Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách "Bốn Mùa Chân Bước, Nghìn Dặm Nước Anh": Gốc Ở Hà Nội, Quê Nơi London

Vương Quốc Anh hiển hiện trong tôi với những bốt điện thoại đỏ, những ngày sương mù, với nhà hát Royal Opera House, những khóa học quản lý âm nhạc nghệ thuật trong mơ mà tôi không thể nào được theo học, và với Sherlock Holmes. Vương Quốc Anh, hiển hiện như một địa điểm lý tưởng cho sự nghiệp tương lai của tôi, nhưng cũng là địa điểm xa xôi muôn vàn cách trở. Tôi mang trong mình tình cảm xa cách với đất nước ấy mà bước vào chuyến hành trình của Bốn Mùa Chân Bước, Nghìn Dặm Nước Anh và xúc cảm gần gũi gắn bó như quê hương với xứ sương mù của Hoài Sa.

Dân Anh nổi tiếng với khiếu hài hước kiểu Ăng-lê, Nếu bạn nghe và thấy một người Anh nói gì đó có vẻ hoàn toàn vô nghĩa với bộ mặt tỉnh bơ thì nhiều khả năng đó là một câu cười cợt. Họ còn rất giỏi châm biếm, mỉa mai và tự giễu nhại. Đừng quá nghiêm túc nếu bạn đọc được những dòng viết như thế trong cuốn sách này. Hoặc bạn hoàn toàn không hiểu, hoặc bạn sẽ phá lên cười. Dù thế nào, tôi vẫn giữ vẻ mặt tỉnh bơ.

“Một lần nữa tôi đi học. Nhưng lần này không chỉ để học, tôi đi để sống những ngày mới mẻ mà sẽ không có lần thứ hai.”

Bốn Mùa Chân Bước

Được xứ sương mù chào đón bằng không khí se lạnh, trời ngập mây và tắc đường giờ cao điểm, Hoài Sa đến London vào một ngày đầu tháng Chín, mùa Thu, vì mùa Thu là thời điểm năm học mới ở Anh bắt đầu. “Đơn giản vậy thôi.”

Và chuyến hành trình của anh cũng bắt đầu.

Trong từng trang sách, ngoài việc kể về trải nghiệm của bản thân mình, Hoài Sa có cung cấp nhiều thông tin hữu ích và cần thiết cho một cuộc sống ở London nói riêng và nước Anh nói chung. Trước hết, “đừng quên nước Anh có Hoàng gia.” Nhắc đến Vương Quốc Anh, người ta không thể không nhắc đến Hoàng gia Anh – hoàng gia sở hữu danh tiếng rộng khắp thế giới và là một sức mạnh mềm đầy quyền lực.

Tôi còn nhớ trong lớp Chính sách Truyền thông, giáo sư Mechelis đã hỏi rằng nước Anh mạnh về kinh doanh thứ gì. Đứa bạn tôi đáp: giáo dục. Tôi rung lên cười. Nhưng một đáp án khác của giáo sư mới khiến cả lớp phải gật đầu lia lịa: hình ảnh hoàng gia.

“Đã sống ở Anh là phải nhớ mã bưu điện.” Mã bưu điện, hay postcode, giúp việc tra cứu địa chỉ trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn rất nhiều, và giúp việc quản lý dịch vụ trở nên khoa học hơn nữa. Mã bưu điện gắn liền với cuộc sống của người Anh đến mức nó trở thành biểu tượng cho những địa điểm nổi bật và đặc biệt. Nhưng chính hệ thống mã bưu điện của Anh lại khá phức tạp và thậm chí còn phi logic ở nhiều nơi.

Không khó hiểu nếu ai đó không thích mã bưu điện nhà mình vì nó đồng nghĩa với nghèo nàn và xuống cấp. Có người không thích mã bưu điện của mình vì nó khiến giá nhà quá cao và không bán được. Có nơi, người ta vận động để được đổi mã bưu điện, do mã hiện tại lấy tên theo khu vực hàng xóm không chút liên quan gì. Có hẳn một thứ gọi là Hội chứng mất chỗ mã bưu điện. Trong đó, người ta cảm thấy mã bưu điện không còn gắn bó với họ nữa.

Vào những ngày đầu ở London, Hoài Sa được chứng kiến cuộc tuần hành ủng hộ người tị nạn diễn ra ở khu Westminster – đầu não của cả Vương quốc Anh. Mặc dù Anh là một trong những nước tỏ ra lưỡng lự trước việc đón nhận hàng ngàn người tị nạn, nhưng đây vẫn là một quốc gia toàn cầu và là vùng đất của người nhập cư. Vậy nên cũng không khó hiểu khi người dân đòi hỏi chính quyền phải mở cửa. “Dưới biểu tượng của nước Anh (Big Ben), khi hàng vạn người đang hành động vì niềm tin chính nghĩa trong họ, thì chính cuộc tuần hành cũng đã là một biểu tượng. Người Anh ở xứ lạnh, nhưng tấm lòng thì không lạnh.”

Một trải nghiệm thú vị khác của Hoài Sa trong mùa Thu đầu tiên ở London là show diễn của ban nhạc Orphaned Land nổi tiếng nhất Israel. Là một fan nhạc rock, anh dành thời gian lên mạng săn vé các buổi biểu diễn tại London. Show hôm đó diễn tại nhà thờ St John on Bethnal Green ở Đông London, không khí quá trầm lắng. “Tất cả đều hiểu đây không phải một show rock bình thường.” Họ diễn nhiều bài, nhưng ca khúc ballad Brother mang lại nhiều cảm xúc nhất cho Hoài Sa.

Trải nghiệm với đam mê rock đầu tiên ám ảnh tôi nhiều ngày sau. Tôi phát hiện ra, đi nghe nhạc không cần phải giật đầu, nhảy nhót, khua tay để có cảm xúc. Bạn chỉ cần bắt được một ý nghĩa đan cài vào tâm trí, chỉ cần đứng yên lắng nghe âm nhạc và tiếng lòng. (…) Một ban nhạc Israel hát về Do Thái và Ả Rập tại một nhà thờ Cơ Đốc Giáo, e rằng không phải là ngẫu nhiên vậy. Tôi định ngả mũ khâm phục họ, nhưng hôm đó tôi để đầu trần.

Xuân đến, Hoài Sa trải qua Tết Nguyên đán ở Birmingham với mấy bát phở tự nấu chỉ được 6/10 điểm cùng ba người bạn đồng hương và những người bạn nước ngoài. Trao đi những phong bao lì xì, giải thích về Tết cổ truyền Việt Nam, không khí của tối hôm đó đã dấy lên trong anh cảm tình thương yêu với con người Birmingham. “Tôi đoán chắc họ sẽ không muốn chị Tranh nấu món này thêm lần nào nữa, nhưng sẽ muốn được mời ăn Tết nhiều lần nữa.”

Hoài Sa kể nhiều về những mùa ở London. Ngoài một vài điều tôi mạn phép trích ra trên đây, bạn còn có thể tìm thấy trong cuốn sách này nhiều điều khác về thủ đô Vương Quốc Anh, về một ngày đi tìm tuyết, về vấn đề học hành trường lớp, về cuộc sống của một du học sinh với những chuyện thuê nhà, người lạ hay ý thức cộng đồng. Bạn cũng có thể tìm thấy một phần nhỏ về châu Âu nữa.

Nghìn dặm nước Anh

Địa điểm dành cho chuyến vi vu đầu tiên đến vùng khác của xứ sương mù là Oxford và Cambridge, hai kinh đô trường đại học nổi tiếng. Oxford là “một thành phố với một trường đại học cho nó” với cơ man các thể loại kiến trúc, từ cổ điển hoành tráng đến hiện đại thế kỉ 20. Cambridge nhỏ gọn hơn và thuận tiện cho những du khách đi bộ hơn, với những công trình biểu tượng dồn vào trung tâm và những con phố đi bộ nhỏ. Bên cạnh đó, Cambridge còn nổi tiếng với chèo thuyền trên sông.

Gìn giữ những giá trị lịch sử thì mới có nền móng cho tương lai. Nghe như một câu tuyên truyền trong sách giáo khoa nhưng quả thực là thế. Anh luôn biến lịch sử thành một động cơ của guồng máy cuộc sống. Họ bảo tồn để làm du lịch. Họ giữ để nhắc lại cho người đời sau. Và nếu tôi không nhầm, tâm lý ấy đã có vài trăm năm nay. Vì thế bạn ít khi nghe thấy chuyện triều đại phong kiến này phá hoại di sản triều đại cũ, hay công nghiệp hóa phá hoại di sản vật thể.

Sau khi kết thúc những tháng đầu lên lớp, Hoài Sa có một chuyến đi khác cùng với những người bạn trong nhóm năm người Chavy của mình. Chuyến đi lần này kéo dài 8 ngày, với lộ trình Edinburg, Glasgow, ngược xuống Manchester và Liverpool rồi mới về London. Chuyến đi với đầy đủ bốn vị mặn, ngọt, đắng cay.

Edinburg là vị mặn đủ đầy. Nếu như thủ đô London là gã trai đẹp mã nhưng có phần thô ráp thì thủ phủ Edinburg lại là cô gái kiều diễm pha nét chính chuyên cao quý. Ở Edinburg có đầy đủ mọi thứ của một đô thị cổ: cung điện hoàng gia Scotland xưa, lâu đài Edinburg trấn thủ thành phố, khu phố cổ bé nhỏ xinh xắn. Edinburg cũng hòa chung những ngôi nhà hiện đại của đô thị mới, đại diện cho trung tâm chính trị miền Bắc. Ở Glasgow, chúng tôi nếm thấy vị ngọt. Glasgow là thành phố lớn nhất Scotland, nằm ở phía Đông đất nước. Từng là một trung tâm công nghiệp đóng tàu cũ, thành phố này hiện đại hơn Edinburg rõ rệt. Khu trung tâm vẫn còn những công trình theo lối Victoria hay Edward cổ, nhưng những tòa nhà mới thống trị khắp phố phường. Glasgow cũng lừng danh với quy hoặc hình bàn cờ vuông vức, đôi khi làm chúng tôi lẫn lộn vì những góc đường quá giống nhau. Tiếc thay, Manchester tràn ngập vị đắng. Chuyến xe khách từ Glasgow xuống Manchester lại khởi hành trong mưa. Chỉ nửa ngày nữa là đến Giáng sinh, không lẽ ngày trọng đại của xứ Tây phương lại u ám như vậy? Càng về tối, Manchester càng im ắng hơn, khác xa với cái tiếng năng động người ta vẫn hay nói về thành phố này. Manchester không phải là một đô thị có vẻ chỉnh chu. Rác rưởi trên phố xá thuộc hàng nhiều nhất trong các thành phố nước Anh. Người vô gia cư cũng dễ được thấy từ góc này đến góc kia. Tâm trạng có phần rệu rã, chúng tôi sang Liverpool gần đó. Chặng cuối, mọi thứ cứ sộc lên như vị cay của mù tạt. Liverpool là cả một bản nâng cấp của Manchester. Một trời một vực. Nơi đây ngập tràn những thứ cám dỗ đám du khách trẻ chúng tôi. Nhiều quá, đâm ra chúng sộc lên không để tôi có cơ hội thở.

Sau khi nộp luận văn ba ngày, Hoài Sa đi du lịch lục địa Nam Âu lần cuối cùng trước khi quay về Việt Nam. Đúng lúc này, anh nhận được thông báo công ty yêu cầu về nước sớm. Hoài Sa hụt hẫng, thất vọng. “Đơn giản, như thế là quá sớm để ra đi.”

Anh đến Notting Hill, nơi lãng mạn nhất London với một người bạn, như để níu kéo lại một chút thời gian. Chuyến đi cuối cùng của anh là đến kỳ quan Durdle Door ở làng West Lulworth, thuộc hạt Dorset miền Tây Nam, bởi anh nghĩ làm một chuyến đến vùng quê nước Anh thì sẽ đặc biệt lắm. Và nó đặc biệt thật.

Quãng thời gian ở Anh của Hoài Sa tuy không dài, nhưng những chuyến đi và trải nghiệm của anh đủ để dấy lên trong anh tình cảm gắn bó quyến luyến với nơi đây. Xúc cảm thân thương, gần gũi mà anh không thể cảm nhận ở nơi nào khác ngoài London, ngoài Vương Quốc Anh khiến Hoài Sa không thể không bật khóc khi phải rời đi.

Mùa đông tiếp theo, anh về Việt Nam. Hoài Sa sốc ngược với không khí Hà Nội. “Từ cái oi lây nhây của Hà Nội cho đến những chiếc xe máy lao loạn xạ trước đầu xe taxi rời Nội Bài.” Anh sống theo giờ Anh, cốt để cố giữ lại cảm giác vẫn còn đang ở London. Mọi chuyện diễn ra quá nhanh, đến mức anh chưa kịp bình ổn cảm xúc của mình.

Cảm nhận

Với tôi, Bốn Mùa Chân Bước, Nghìn Dặm Nước Anh không chỉ đơn thuần là một cuốn sách nói về cuộc sống và trải nghiệm của du học sinh. Đây dường như còn là một cẩm nang du lịch với những lời mô tả chi tiết về danh lam thắng cảnh nước Anh, một nhật kí yêu thương đất nước tưởng chừng xa lạ nhưng cuối cùng lại trở thành nhà, thành quê hương. Nếu muốn biết cách yêu mảnh đất vừa đặt chân đến, nhất định phải đọc chuyến hành trình một năm của Hoài Sa.

Bên cạnh đó, Bốn Mùa Chân Bước, Nghìn Dặm Nước Anh cũng truyền lại những cảm xúc thân quen gần gũi với xứ sương mù đến tôi. Có cảm giác từng lời miêu tả của Hoài Sa đều hiển hiện trước mắt tôi, thật kì diệu và đẹp đẽ.

Tác giả Rosie Nguyễn đã từng có lời nhận xét về cuốn sách này như sau: “Điều làm nên sự khác biệt của Bốn Mùa Chân Bước, Nghìn Dặm Nước Anh là lối kể chuyện của tác giả. Phong cách cá tính, hài hước, dí dỏm đậm chất Ăng-lê khiến cho người ta cứ lật hết trang sách này đến trang sách khác, mải mê dõi theo hành trình của Hoài Sa đến muôn dặm nẻo đường ở Anh và cả những xứ xung quanh.” Tôi không biết phải thêm gì vào lời nhận xét này nữa, ý kiến của tôi cũng đã bao gồm trong đó cả rồi.

Như mọi câu chuyện cổ tích tình yêu có kết thúc hạnh phúc khác, mối duyên giữa Hoài Sa và London cũng kết thúc thật vẹn toàn. Một ngày nọ, trường email báo anh đến London tham dự lễ tốt nghiệp. Hoài Sa không nghĩ lần hai và bắt đầu tìm vé bay đến nơi anh vẫn luôn muốn trở lại. Anh thoát khỏi vẻ vật vã mỗi ngày khi đến cơ quan, thay vào đó là sự hồi hộp, hứng thú còn hơn khi mong mỏi du học.

Một trưa đầu Đông còn oi của Hà Nội. Tôi lên Nội Bài, đúng hai tháng kể từ ngày về. Háo hức lắm. Một năm trước đứng đây mong mỏi du học lớn thế nào, giờ đây mong mỏi gấp hàng chục lần thế. Tôi sẽ gặp lại Hường, Trân, Ly, Như và nhiều người khác nữa. Tôi sẽ đến Birmingham, Leeds và đặt lại dấu chân ở đó. Thậm chí tôi đã hẹn để cầm lại bộ nồi chảo vốn đã chuyển chủ. Rốt cuộc, tôi sẽ ngồi ở trung tâm London, hếch tai nghe những âm thanh phiêu linh của nghệ sĩ đường phố. Tôi sẽ trở về. Trở về nhà.

 

Tác giả: Thu Trang – Bookademy.

---

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,580 lượt xem