Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách "Giải Mã Hàn Quốc Sành Điệu" - Văn Hóa Đại Chúng: Hướng Phát Triển Của Hàn Quốc

Phim tình cảm dài tập, âm nhạc, phim nhựa, trò chơi điện tử, và đồ ăn vặt Hàn Quốc giờ đã thống lĩnh văn hóa châu Á. Thực tế, Hàn Quốc đã quyết định thị hiếu của châu Á từ hơn một thập kỉ nay.

Euny Hong là nhà văn, nhà báo Mĩ gốc Hàn với những kinh nghiệm tầm quốc tế trong lĩnh vực tin tức mạng, tin tức báo in và tin tức truyền hình. Các bài viết của bà xuất hiện trên các tờ báo nổi tiếng như New York Times, Washington Post, Wall Street Journal Europe, International Herald Tribune, New Republic, Boston Globe và Forward. Bà được sinh ra ở New Jersey, Mĩ. Năm 12 tuổi, bà chuyển về sống tại Seoul, Hàn Quốc và học hết cấp ba tại đây. Sau đó, bà trở về Mĩ học bằng cử nhân Triết học tại đại học Yale. Bà nói thành thạo bốn thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Đức và tiếng Pháp.

Giải Mã Hàn Quốc Sành Điệu: Cách Một Quốc Gia Chinh Phục Thế Giới Qua Ngành Giải Trí (The Birth of Korean Cool: How One Nation is Conquering the World through Pop Culture) là cuốn sách thứ hai của Euny Hong sau Kept: A Comedy of Sex and Manners. Cuốn sách này đã được dịch ra bảy thứ tiếng và được vinh danh trong danh sách 10 cuốn sách hay nhất tháng Tám năm 2014 của Amazon[1]. Nếu tóm tắt ngắn gọn nhất có thể thì đây là cuốn sách về chiến lược quyền lực mềm của Hàn Quốc.

 

Vì sao cuốn sách này đáng đọc?

Trước hết, cùng nghía qua định nghĩa quyền lực mềm một chút nhé. Quyền lực mềm (hay sức mạnh mềm) là khái niệm do Joseph Nye Jr., giáo sư đại học Harvard đưa ra.  Định nghĩa mới nhất của khái niệm này là “một loại năng lực, có thể giúp đạt được mục đích thông qua sức hấp dẫn chứ không phải ép bức hoặc dụ dỗ. Sức hấp dẫn này đến từ quan điểm giá trị về văn hóa, chính trị và chính sách ngoại giao của một nước.” Hiểu một cách đơn giản, như cách Euny Hong viết, là “lí do thế giới mua thuốc lá Marlboro Reds hay quần jeans Levi’s của Mĩ: bằng cách rao bán một hình ảnh đáng mơ ước. Nói cách khác, rao bán sự sành điệu.”

Có nhiều quốc gia đã vượt đói nghèo hóa giàu sang trong thế kỉ vừa rồi, nhưng trong số đó chỉ có Hàn Quốc là đủ gan để mong muốn trở thành quốc gia xuất khẩu pop culture hàng đầu thế giới.

Giải Mã Hàn Quốc Sành Điệu không phải là một cuốn sổ ghi chép thành tựu. Những câu chuyện của Euny Hong đều mang một khía cạnh của văn hóa đại chúng Hàn Quốc. Từ những cải cách đất nước ban đầu, những kế hoạch năm năm của chính phủ đến câu chuyện về kimchi, giáo dục và tính cách người dân đều là nền tảng cho Làn sóng Hàn Quốc hiện nay. Cuốn sách này phù hợp với những người quan tâm đến sức mạnh của quyền lực mềm nói chung hoặc quyền lực mềm của Hàn Quốc nói riêng, với những người đơn giản chỉ là muốn tìm hiểu về văn hóa và ngành giải trí đã thống lĩnh nhiều nơi trên thế giới của Hàn Quốc.

Người Hàn khi đó có biết Gangnam Style sẽ là bài hát đưa K-Pop lên bản đồ thế giới? Tất nhiên là không. Nhưng họ biết điều đó rồi sẽ đến. Họ đã chuẩn bị cả một cơ chế nhằm thống lĩnh pop culture từ những năm 90, khi World Wide Web ra đời. (…) Khi bị dồn đến chân tường, những người trong ngành quyết định họ cần phải bán phim, show truyền hình và âm nhạc cho cả châu Á, mà không biết rằng họ đang gieo mầm mống cho một cơn nghiện mang tầm châu lục.

Được viết với lời văn thân thiện cùng góc nhìn của cả người trong và ngoài cuộc (dù tôi cho rằng tác giả sử dụng góc nhìn Mĩ nhiều hơn), Giải Mã Hàn Quốc Sành Điệu không khó để hiểu và cho người đọc hình dung bao quát nhất, cơ bản nhất về Hàn lưu cùng sự chuyển mình kì diệu như “thành Rome được xây chỉ trong một ngày”.

 

Văn hóa đại chúng chứ không chỉ là ngành giải trí

Nếu bạn để ý, ngay từ tên sách đã có sự khác biệt giữa bản gốc tiếng Anh và tiếng Việt. Tôi không rõ người dịch cảm thấy thế nào, nhưng với tôi, văn hóa đại chúng (pop culture) và ngành giải trí (entertainment industry) không thể đơn giản thế chỗ cho nhau được.

Vậy hai khái niệm này khác nhau như thế nào?

Văn hóa đại chúng (popular culture) là tổng thể các ý tưởng, quan điểm, thái độ, hành vi lan truyền, hình ảnh và các hiện tượng khác dành cho đông đảo quần chúng, được chấp nhận, ưa thích bởi đông đảo quần chúng và đồng thời phản ánh đặc điểm của phần đông quần chúng tại một thời điểm xác định. Chịu ảnh hưởng sâu sắc của truyền thông, văn hóa đại chúng là

tất cả những điều xảy ra hàng ngày, phổ biến trong xã hội, quen thuộc với đại chúng, mang tính đô thị nổi trội với đặc trưng là tính linh hoạt, tính sôi động, gắn liền với quá trình công nghiệp hóa – đô thị hóa và được nhìn nhận là có giá trị thương mại, kinh tế to lớn.

(Theo “Định nghĩa về văn hóa pop” – Nguyễn Diệu Linh.)

Trong khi đó, theo từ điển Oxford, giải trí (entertainment) là một hình thức hoạt động thu hút sự chú ý và quan tâm của khán giả, hoặc cho họ niềm vui và sự thoải mái. Giải trí có thể là một ý tưởng hay công việc nào đó, nhưng nó thường chỉ những hoạt động và sự kiện đã phát triển qua hàng ngàn năm, đặc biệt với mục đích khiến khán giả chú ý. Ngành giải trí (entertainment industry) bao gồm phim ảnh, show truyền hình, âm nhạc, dịch vụ có liên quan đến văn hóa đại chúng. Có nghĩa là, văn hóa đại chúng sẽ quyết định loại hình và nội dung giải trí trong cộng đồng. Ví dụ, đa số người dân ở đất nước nọ yêu thích bóng đá. Thấy được xu hướng này, chính phủ tích cực tạo lập các chính sách đem bóng đá đến gần hơn với người dân như truyền hình và bình luận trực tiếp các giải đấu lớn, thành lập câu lạc bộ, v…v… Như vậy, bóng đá là văn hóa đại chúng và cách các nhà cầm quyền hoặc các tổ chức tạo cơ hội cho người dân tiếp cận nền bóng đá là một hình thức giải trí.

Ở trường hợp của Giải Mã Hàn Quốc Sành Điệu, mặc dù Euny Hong có nói nhiều đến ngành giải trí Hàn Quốc (cụ thể là phim truyền hình, điện ảnh, K-Pop và trò chơi điện tử), nhưng (một lần nữa) bà không đi vào kể lể những thành tựu mà ngành công nghiệp này đóng góp cho Hàn lưu. Thay vào đó, Euny Hong phân tích những nguyên do dẫn đến một nền âm nhạc Hàn Quốc như hiện nay, chẳng hạn như lí do tại sao rocker dòng nhạc ảo giác Shin Joong Hyun đã phải nói rằng người Hàn “chưa bao giờ được tiếp xúc với âm nhạc thực thụ” trong thời đại bubble gum pop và ballad thống lĩnh thị trường. Bà phân tích quá trình nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc của Kim Dong Ho – Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc từ năm 1961 đến năm 1988, và tại sao người ta gọi trò chơi điện tử là vũ khí bí mật của quốc gia này.

Bên cạnh đó, Euny Hong còn viết về ẩm thực (tiêu biểu là kimchi cải thảo), phẫu thuật thẩm mĩ, Nho giáo, tính cách và tư tưởng “hòa hợp với thiên nhiên” của người Hàn. Và những chủ đề này thì đâu phải giải trí. Chúng là văn hóa đại chúng Hàn Quốc, và cũng là Hallyu đấy chứ.

 

Nội dung cụ thể của Giải Mã Hàn Quốc Sành Điệu

Trước hết, phần Giới thiệu sẽ cho người đọc cái nhìn bao quát nhất về “kì tích sông Hàn”. Euny Hong khẳng định “Chính phủ Hàn Quốc coi Hallyu là mục tiêu số một của quốc gia”.

Chương 1 – Thời chưa sành điệu là những ấn tượng khó phai trong tác giả ở những năm đầu sống tại Hàn Quốc. Hồi ấy, tức năm 1985, Hàn Quốc vẫn còn nằm trong danh sách những quốc gia đang phát triển và tất nhiên là chẳng giống với Hàn Quốc ngày nay chút nào. Với Euny Hong, Seoul thời đó là một thành phố nghèo khó đầy bụi bẩn, bánh quy bobki, những hàng quán nhỏ lẻ, tình bạn nhiệt thành và gần gũi, mùi băng phiến trong nhà vệ sinh, thử nghiệm giáo dục và bất bình đẳng giới.

Đúng như tên gọi Sự ra đời của nghệ thuật châm biếm, chương 2 đề cập đến những lí do châm biếm đáng ra đã phải xuất hiện ở Seoul từ cuối những năm 80 và đầu những năm 90. Psy là một ví dụ tiêu biểu cho loại hình nghệ thuật “đặc quyền của những quốc gia giàu có”.

Chương 3 – Đòn roi: Nghệ thuật giãy chết chốn học đường đề cập đến nền giáo dục với hệ tư tưởng Nho giáo của Hàn Quốc. Tác giả phản đối sử dụng bạo lực đối với trẻ em, sự tôn thờ giáo viên, dạy kèm tư nhân và chia sẻ suy nghĩ của mình về phương pháp học thuộc lòng, môn toán và kì thi công chức quý tộc.

Bạn đã bao giờ nghe câu nói “(Người Hàn) là những người lạnh lùng và phũ phàng nhất thế giới” của Ian Fleming chưa? Bạn có tò mò vì sao tác giả cuốn Goldfinger thuộc series về điệp viên 007 lại nhận xét như vậy không? Chương 4 – Tính cách quyết định số phận: Sự phẫn hận của han sẽ trả lời thắc mắc này của bạn. Bạn có thể kiểm chứng han thông qua ca khúc đại diện Arirang của Hàn Quốc. Đoạn đầu của ca khúc này có câu “Anh – kẻ đã bỏ tôi mà đi – sẽ bị loét chân trước khi đi được mười lí.”[2] Những bộ phim truyền hình đẫm nước mắt lẫn bi kịch của họ, và đặc biệt hơn, khát vọng đánh bại Nhật Bản cũng là kết quả của han. Bên cạnh đó, chương này cũng đề cập đến xu hướng “tôn thờ tự nhiên” của người dân Hàn Quốc và hệ tư tưởng Nho giáo áp lực.

Chương 5 – Kimchi và nỗi mặc cảm cải thảo kể về một quá khứ trẻ con Hàn Quốc có nỗi tủi hổ trước bạn bè nước ngoài về mùi kimchi. Tuy nhiên, chuyện đó giờ đã đổi khác. Câu chuyện của những vị bếp trưởng sở hữu một nhà hàng Hàn Quốc hay tour ẩm thực Hàn Quốc đã chứng minh phản hồi về nền ẩm thực nước này, đặc biệt là món truyền thống kimchi cải thảo, đã tích cực hơn trước rất nhiều. Ngoài ra, thói quen và những nguyên tắc khi uống soju cũng được nhắc đến.

Chương 6 – Tại sao lại là pop culture? (hay Thất bại là bữa sáng của nhà vô địch) tiết lộ “Hàn Quốc muốn xây dựng lại thương hiệu cho mình, một chiến dịch tái thương hiệu toàn quốc có lẽ là lớn nhất trong lịch sử nhân loại” là vì cuộc khủng hoảng IMF (hay cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997). Phụ thuộc quá nhiều vào các siêu tập đoàn, không có tài nguyên thiên nhiên, không được phép phát triển kĩ thuật quân sự trên quy mô lớn theo Hiệp ước Phòng thủ chung năm 1953 với Hoa Kì đã đưa Hàn Quốc đến hướng phát triển văn hóa đại chúng “vừa vô hình vừa khó đoán” và sở hữu một “Bộ Văn hóa hay ho nhất thế giới”.

Trong bối cảnh khủng hoảng, Hàn Quốc đã đưa ra nhiều quyết định rất đúng đắn. Các ngành công nghiệp như công nghệ thông tin, nhạc pop, phim truyền hình, phim nhựa và trò chơi điện tử được như ngày nay đều nhờ một phen đánh cược tuyệt vọng, may ít rủi nhiều nhằm tìm cách thoát lầy.

Chương 7 – Thời Hàn Quốc cấm rock ‘n’ roll. A, câu trả lời cho câu nói của rocker Shin Joong Hyun đây rồi. Việc người Hàn không giỏi sáng tạo và âm nhạc Hàn Quốc không mang âm hưởng quốc gia chính là hệ lụy từ lệnh cấm nhạc rock của cố tổng thống Park Chung Hee vào những năm 1970.  “Thiếu ảnh hưởng của nhạc rock thật sự, gu nhạc của người Hàn đã xuống cấp.” Shin Joong Hyun đã thẳng thừng nhận xét về thể loại bubble gum pop và ballad – những dòng nhạc hiện vẫn thống trị K-Pop – như sau: “Nó hoàn toàn thô tục, không có linh hồn, không có trí tuệ và không có nhân tính.” À phải, đọc hết chương này hãy nhớ rằng những người Hàn Quốc đầu tiên đến Mĩ và gây dựng được tên tuổi ở đó là nhóm nhạc Kim Sisters nhé.

Chương 8 – Bộ máy đào tạo sao K-Pop: Hiệu quả và hà khắc luôn là vấn đề gây tranh cãi trong ngành giải trí thế giới. Những điểm khác biệt trong văn hóa Hàn Quốc và phương Tây đã khiến người Hàn bị coi như những con robot chỉ biết răm rắp nghe lệnh người khác. Tuy nhiên, khi đọc chương 8 bạn sẽ hiểu vì sao Hàn Quốc buộc phải có ngành công nghiệp thần tượng và buộc phải vận hành nó theo cách họ đang làm.  Tuy nhiên, K-Pop cũng có những hệ lụy của nó. Ví dụ, Euny Hong cho biết,

Năm 2012, đến 4% dân số Hàn Quốc tham gia vòng thử giọng cho Superstar K, cuộc thi hát trên truyền hình lớn nhất Hàn Quốc. Có nghĩa là trong một năm có 2,08 triệu người muốn trở thành ngôi sao K-Pop cùng thi, ở một quốc gia nơi dân số là 50 triệu. Trong khi đó, ngay cả cuộc thi American Idol (Thần tượng Âm nhạc Mĩ) lừng danh cũng chỉ có 80.000 thí sinh mỗi năm, chiếm vỏn vẹn 0.03% dân số Mĩ.

Nếu là một người theo dõi K-Pop lâu năm, hẳn bạn sẽ biết mỗi năm có hàng chục nhóm nhạc thần tượng được cho ra mắt, nhưng chẳng mấy nhóm trong số đó nổi. Tôi đọc được câu này từ một comment trên Facebook, cũng lâu lắm rồi, nhưng đúng đến không ngờ, rằng hình như cả đất nước Hàn Quốc đang đua nhau đi làm thần tượng cả. Nhưng xoay chuyển cách người trẻ Hàn Quốc nhìn nhận tương lai không phải là hệ lụy duy nhất. Bộ máy thần tượng chính là một trong những nguyên nhân khiến số lượng phẫu thuật thẩm mĩ ở xứ sở kimchi trở nên phổ biến.

Chương 9 – Gái Bắc, trai Nam nói về mối quan hệ căng thẳng giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên. Cách Hàn Quốc giáo dục về Bắc Triều Tiên vào những năm 1980 thông qua môn Đạo Đức, vẽ poster chống Cộng trong giờ Mĩ thuật, thậm chí tổ chức cả cuộc thi Hùng biện chống Cộng luôn đảm bảo với trẻ em nước họ rằng phía Bắc là một nơi địa ngục. Thật nhẹ nhõm (với Euny Hong) rằng năm 2010 Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã tiến hành cải cách sách giáo khoa và giảng dạy theo hướng khách quan hơn. Tựa đề chương được đặt theo một thành ngữ Hàn cổ với “niềm tin phổ biến rằng trên bán đảo Triều Tiên, phụ nữ đẹp sống ở miền Bắc còn đàn ông đẹp sống ở miền Nam”. Vậy nên đừng ngạc nhiên nếu bạn nhận ra tiêu chuẩn vẻ đẹp của Hàn Quốc “rất gần với những đặc điểm thường thấy ở phụ nữ Bắc Triều Tiên”.

Chương 10 – Phim truyền hình Hàn Quốc: TV và cái nôi của Hallyu, những bộ phim Hàn Quốc từ “vừa quê mùa vừa nhạt nhẽo” và chất lượng kém, đến “thoát khỏi công thức lối mòn bắt chước phim Mĩ” và “giải phóng han vào những cảnh la hét, khóc lóc, trừng mắt, bạo lực và cảm xúc dâng tràn”; từ khó khăn thuyết phục Hong Kong chiếu một bộ phim tới cơn nghiện trải từ châu lục này đến châu lục khác và niềm tin “đàn ông Hàn Quốc là bạn trai tuyệt vời”.

Chương 11 – Phim điện ảnh Hàn Quốc: từ rác tới Cannes. Trong thời kì khó khăn của ngành điện ảnh Hàn Quốc khi văn hóa đại chúng phương Tây đang dần xâm chiếm đất nước, Hàn Quốc đã tự vạch ra chiến lược: “Đánh bại – hay ít nhất là nỗ lực đánh bại – Hollywood trong chính cuộc chơi của họ”. Những người như bậc thầy phim báo thù Park Chan Wook và cựu Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hàn Quốc Kim Dong Ho đã góp phần thúc đẩy ngành điện ảnh Hàn Quốc đến vị trí ngày nay.

Chương 12 – Hallyu: Phát súng chấn động địa cầu. Những lí do khiến người ta yêu thích Hàn Quốc, Hallyu đã lan tỏa mạnh hơn văn hóa Nhật Bản như thế nào và câu chuyện thành công của K-Pop ở Pháp đều được bàn tới trong chương này.

Hàn Quốc coi trọng việc Hallyu thống trị thế giới đến mức nào? Ừ thì, chính phủ và hàng loạt những cơ quan cấp dưới thường xuyên phát hành những cuốn sách kiểu như sách hướng dẫn thâm nhập thị trường thế giới. Tương tự như Binh pháp Tôn Tử, nhưng là để truyền bá văn hóa Hàn Quốc.

Chương 13 – Trò chơi điện tử: Vũ khí bí mật của Hàn Quốc bao gồm “Chính nạn thất nghiệp đã sản sinh ra ngành công nghiệp trò chơi điện tử xứ Hàn, giờ đây đứng thứ hai trên thế giới chỉ sau Trung Quốc”, chứng nghiện Internet của người Hàn và Starcraft 2.

Chương 14 – Samsung, hay công ty từng bị gọi là Samsuck. Nếu bạn đang thắc mắc một công ty điện tử như Samsung liên quan gì đến Hàn lưu, thì đoạn trích dưới đây sẽ là câu trả lời.

Song, Samsung vẫn là một phần không thể thiếu của tổng thể hệ thống Hallyu. Nhà phê bình văn hóa Lee Moon Won đã nhận xét: “Hallyu bắt đầu với Samsung.” Nói cách khác, sự phổ biến của nhạc và phim Hàn hiện nay gắn liền với sự tự tin mà Samsung đã tạo nên cho Thương hiệu Hàn Quốc. Hầu hết các nước từng chiếm lĩnh văn hóa thế giới hay pop culture, vào thời điểm nhiều ảnh hưởng nhất, đều sẵn đã giàu. Samsung đã giúp nền kinh tế Hàn Quốc đi lên, để chính quyền có thể chu cấp tài chính cho các sản phẩm của pop culture; pop culture Hàn Quốc, đổi lại, đã tạo lợi nhuận cho Samsung, nhờ đó giúp ích cho cả quốc gia, và cứ thế.

Chương 15 – Bộ kiến thiết tương lai là những quan điểm của Euny Hong về khả năng tạo ra một nền kinh tế sáng tạo của cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye. Bởi đây là chương cuối của cuốn sách, bà đồng thời tổng kết lại những điều đã bàn luận từ những chương trước và đưa ra vài bài học quan trọng. Một trong số đó là “Quan trọng là làm kẻ số một, chứ không phải làm kẻ đầu tiên.”

 

Chia sẻ cá nhân

Tôi biết đến Giải Mã Hàn Quốc Sành Điệu vào năm nhất đại học, khi một cô bạn cùng khóa mang đến lớp cuốn sách này và chúng tôi bàn luận về K-Pop. Thành thật mà nói, hồi đó tôi không mảy may nghĩ đến việc sẽ mua nó, bởi những điều tôi muốn biết (duy nhất K-Pop) thì đều đã biết cả rồi. Đó cũng là lí do đa số thông tin trong chương 8 không gây được ấn tượng với tôi như 14 chương còn lại. Nhưng Giải Mã Hàn Quốc Sành Điệu là một cuốn sách cơ bản về văn hóa đại chúng của xứ sở kimchi, nên những điều Euny Hong viết đều phù hợp với mức độ ấy. Chỉ là tôi đã mong chờ quá đà mà thôi.

Cuốn sách có những sự thật khá thú vị, ví dụ như việc Kim Jong Il có tham vọng văn hóa và nghiện phim, hoặc tiêu chuẩn cái đẹp của Hàn Quốc thực chất lại là phụ nữ Bắc Triều Tiên, hay là sử dụng công quỹ vào việc kiểm tra quán karaoke. Bạn sẽ biết được nhiều sự thật như vậy hơn nếu bạn chọn cuốn sách này, tin tôi đi.

Tôi lựa chọn review Giải Mã Hàn Quốc Sành Điệu hoàn toàn là bộc phát. Cảm xúc muốn có nhiều những cuốn sách về ngành giải trí và văn hóa đại chúng như thế này ở Việt Nam đã thôi thúc tôi phải viết về nó và khiến nhiều người biết đến cuốn sách cũng như niềm quan tâm của tôi. Nếu bài review này đủ sức khiến bạn – người đang đọc nó – tìm đọc Giải Mã Hàn Quốc Sành Điệu thì quả là một tín hiệu đáng mừng.

                             

Kết

Mới đây nhất, bảng xếp hạng The Soft Power 30 năm 2017 do Portland Communication tại Anh và trường Đại học California (Mĩ) cho thấy về quyền lực mềm, Hàn Quốc hiện đang đứng thứ 21 thế giới và trong top 3 khu vực châu Á (cùng với Nhật Bản và Singapore). Nếu Hàn Quốc là tương lai (theo Euny Hong viết), vị trí của họ sẽ còn tăng hơn nữa.

Mới đây, trong lễ trao giải "Nhà ngoại giao Young San của năm", nhà sản xuất điều hành của SM Entertainment (một trong những công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc) - Lee Soo Man - đã phát biểu:

"Tôi luôn luôn nói rằng 'Đầu tiên là văn hóa, sau đó mới đến kinh tế'. Khi nền văn hóa được tạo ra, nền kinh tế sẽ tiếp bước, và điều này giúp tạo ra thương hiệu của một quốc gia hùng mạnh, nói cách khác là thương hiệu của người Hàn Quốc."[3]

Bên cạnh đó, cựu Tổng thống Mĩ Barack Obama , trong chuyến thăm Hàn Quốc tháng 3 năm 2012, cũng từng chia sẻ suy nghĩ của mình về sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa đại chúng ở nước này như sau: “Tôi không ngạc nhiên khi bao nhiêu người khắp thế giới đều bị cuốn vào Làn Sóng Hàn Quốc – Hallyu.” 

 

[1] Danh sách các cuốn sách hay nhất tháng Tám năm 2014: https://www.csmonitor.com/Books/2014/0801/10-best-books-of-August-2014-according-to-Amazon-s-editors/The-Birth-of-Korean-Cool-by-Euny-Hong

[2] Dựa theo bản dịch trong sách và tham khảo thêm bản gốc tiếng Hàn.

[3] Bản dịch của SMTOWNvn.

 

 

Tác giả: Thu Trang – Bookademy.

---

Bài viết cộng tác cùng Bookademy xin gửi về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,710 lượt xem