Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách "Hoàng Đế": Tuyệt Tác Phóng Sự Về Vị Vua Cuối Cùng Của Ethiopia

Hoàng Đế là cuốn sách không chỉ mở đầu sự nghiệp quốc tế của phóng sự gia tầm cỡ nhất Ba Lan, mà còn đưa thể loại phóng sự lên ngang tầm văn học cao cấp.” - Đại sứ Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam, Barbara Szymanowska.

Chính lời nhận xét này đã thúc giục tôi phải chọn Hoàng Đế, tác phẩm đã thay đổi cách nhìn của tôi về văn phóng sự và văn báo chí. Quả thật, tôi không thể nào thất vọng với văn phong của “nhà văn Ba Lan kiệt xuất” (dịch giả Nguyễn Chí Thuật) và nhà đồng sáng lập trường phái phóng sự Ba Lan, Ryszard Kapuscinski.

Trong các cuốn sách của mình, hầu như không bao giờ ông giới thiệu về bản thân và các quan điểm cá nhân. Ông luôn cố gắng tìm hiểu và trình bày quan điểm của cả hai phía. Ông hành xử theo những gì đã được học trong trường phái phóng sự của Ba Lan – một trường phái có tên tuổi và được đánh giá cao trên thế giới, trường phái mà ông không chỉ là người đồng sáng lập, mà bản thân còn là một trong số những ngôi sao lớn.

Hoàng Đế được xuất bản thành sách lần đầu năm 1978. Trước đó, tác phẩm được đăng dài kì trên tuần báo Văn Hóa và đoạn kết đã giúp tác phẩm gây tiếng vang lớn. Hoàng Đế được in trên 20 lần tại Ba Lan và được dịch ra hơn 40 thứ tiếng, giúp Ryszard Kapuscinski trở thành một trong hai nhà văn Ba Lan có tác phẩm được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất trên thế giới.

Với Hoàng Đế, Ryszard Kapuscinski không chỉ tạo được danh tiếng nhờ tài năng của mình mà còn “chứng minh một cách thuyết phục rằng phóng sự văn học không chỉ là văn học đích thực, nó còn mang trong mình những giá trị rất lớn, đặc biệt là trong một thế giới không ngừng thay đổi.”

Tác giả đã từng chia sẻ về đứa con tinh thần của mình như sau:

“Trong đời chỉ có thể viết được một cuốn sách loại này. Ý tưởng chỉ xuất hiện một lần và không bao giờ lặp lại, bởi nếu lặp lại thì coi như thất bại. Hoàng Đế được viết từ một tình huống khá đơn giản. Khi đó, tôi đã là người viết phóng sự có thâm niên ở châu Phi 10 năm. Tôi đã viết rất nhiều phóng sự, hay có, dở có, rất khác nhau. Khi tôi được cử đi Ethiopia để viết về cuộc nổi dậy ở đây, tôi nghĩ sự kiện này là một cuộc đảo chính quân sự bình thường. Tôi đã thu thập tài liệu để viết loạt bài phóng sự như thường lệ. Nhưng khi trở về nước, tôi cảm thấy không thể viết như kiểu đã viết trước đây. Trong cuốn Hoàng Đế, ông vua Ethiopia thực sự không xuất hiện. Đây là cuốn sách về đám quần thần của ông và người đọc có thể nhận ra một điều: những người dưới quyền có thể tạo ra một chế độ độc tài như thế nào.”

Hoàng Đế được chia thành ba phần chính: Ngai Vàng, Đi Đi & Sụp Đổ. Ngoài ra còn có một phần nhỏ về những ngày cuối cùng của hoàng đế Ethiopia.

Hành trình tìm về quá khứ được bắt đầu bởi câu chuyện về con chó Lulu của vị vua đáng kính Hajle Sellasje. Nó nhỏ và thuộc nòi giống Nhật Bản. Nó được quyền ngủ trên giường gỗ cây óc chó sáng màu của hoàng đế. Và nó sẽ đi loanh quanh trong các buổi nghi lễ hoàng gia mà “tè” lên giày của các quan lại. Các bậc quan lại ấy, dù lớn hay nhỏ, cũng không được phép cử động khi thấy giày mình ướt. Họ chỉ có thể đứng đực ở vị trí của mình và chờ một người đảm nhiệm công việc lau giày đến giúp.

Quả là chó cưng của hoàng đế!

Một ngày của hoàng đế Ethiopia

Vua Hajle Sellasje là một “người phát ngôn của cải cách và phát triển”. Ngài lên ngôi năm 1930 và giữ vững ngai vàng của mình suốt 44 năm sau đó. Trong thời gian trị vì, ngài đã xóa bỏ nhiều hình phạt man rợ, “chiến đấu với sự tàn bạo và ngu dốt đang ngự trị đất nước này”. Ngài ra lệnh bãi bỏ hình phạt chặt tay chân vì những sai phạm nhỏ, nghiêm cấm áp dụng hình phạt tùng xẻo kẻ phạm tội (do những người thân trong gia đình thực hiện với nhau), bỏ tiền túi mua hai cái máy in và cho phát hành một tờ báo, thành lập nhà băng, đem ánh sáng điện về cho đất nước, bãi bỏ hình thức cùm và xích chân tù nhân, nghiêm cấm buôn bán nô lệ, bãi bỏ phương thức liebasza (liên quan đến việc phát hiện bọn trộm cắp).

Một ngày của ngài Hajle Sellasje bắt đầu vào lúc tờ mờ sáng. Ngài bách bộ trong công viên và nghe báo cáo tình hình từ viên quan phụ trách tình báo, viên quan phụ trách công nghiệp và thương mại, cuối cùng là từ một tai mắt của ngài. Ngài không đọc, cũng chẳng ghi chép, nhưng ngài ghi nhớ tất cả những thông tin mà các quan báo cáo cho ngài. “Trong hoàng cung không có bộ phận nhân sự, không có cặp lưu trữ tài liệu, không có biểu mẫu thăm dò dư luận.”

Đêm là khoảng thời gian rất nguy hiểm để phát sinh các âm mưu đen tối, cho nên hoàng đế Hajle Sellasje biết rất rõ rằng những gì xảy ra ban đêm quan trọng hơn nhiều so với những gì diễn ra vào ban ngày, vì ban ngày các quan lại dưới trướng đều nằm trong tầm mắt, còn ban đêm chuyện đó lại vượt quá khả năng của ngài.

“Trong khoảng thời gian giữa chín giờ và mười giờ sáng, chúa thượng của chúng tôi dành riêng thời giờ vàng ngọc cho các cuộc gia phong.” Đây là giờ khiến cho cả hoàng cung phải rùng mình, một vài người rùng mình vì sung sướng và hạnh phúc, số khác thì rùng mình vì lo lắng và sợ hãi. Trong một giờ đồng hồ này, hoàng đế có thể khen ngợi, phong tước và cũng có thể quở trách, bãi chức, giáng chức bất kì ai.

Sự anh minh của hoàng đế cũng chính là ở chỗ không ai biết số phận mình ra sao, đời mình đến ngày nào là kết thúc. Sự phập phù, mập mờ trong ý đồ của hoàng đế luôn khiến cả hoàng cung xì xầm, nghi nghi hoặc hoặc, đoán già đoán non.

Có một điều này khá đặc biệt: sự phân chia quyền lực trong hoàng cung Ethiopia không được quyết định dựa theo chức vụ mà theo số lần được gặp đức vua đáng kính. “Kẻ có tầm quan trọng hơn là kẻ được tiếp xúc thường xuyên với đôi tai hoàng đế. (…) Đôi tai của hoàng đế trở thành thứ có giá trị cao nhất trong cuộc chơi.”

Sau giờ phong tước, thường từ mười giờ đến mười một giờ, hoàng đế Hajle Sellasje đi đến Sảnh Vàng và bắt đầu công việc của một thủ quỹ. Tức là ngài sẽ gặp một “đám đông” và cho họ mượn tiền. Mọi người lần lượt kính cẩn nói với ngài về mục đích xin tiền của mình, những công việc cần đến hơn 10 đô la đều cần có sự phê duyệt của ngài. Nếu có một ai đó đến gặp hoàng đế và chỉ xin 1 đô la thì xin chúc mừng, người đó chắc chắn sẽ được ngài khen ngợi.

Đưa xe của bộ đi sửa chữa – cần phải có sự đồng ý của hoàng đế. Thay ống nước bị vỡ trong thành phố - cần phải có sự chấp thuận của hoàng đế. Mua khăn trải giường cho khách sạn – cần có sự phê duyệt của hoàng đế.

Nhân vật E. kể lại câu chuyện này đã không ngại ngần nhận xét nhà vua là một người chu đáo đến từng chi tiết trong vấn đề tài chính, “hình như người có sự đam mê rất lớn với chuyện tiền nong.” Còn về những người dân ngửa tay xin tiền vì đời sống khốn khó quá mà nhận được số tiền ít hơn nhiều so với những gì hoàng đế đã hứa, người này gọi họ là “những kẻ vô ơn” và “một lũ lòng tham vô đáy”. Thật ra thì ai từng ở trong hoàng cung đều có suy nghĩ như vậy mà thôi. Họ đã vô tình, hoặc cố tình quên mất, đất nước mình đang nghèo khổ thế nào, đang có bao nhiêu người chết đói và kinh tế thì vẫn cứ khó khăn.

Ở Ethiopia thời đó, hoàng đế luôn là người đúng. Mọi bất công trong vấn đề tiền bạc đều do viên quan phụ trách kho bạc, Aba Hanna, gánh vác.

Tiền ở nước giàu có và tiền ở đất nước nghèo khổ là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau! Tiền ở nước giàu là một tờ giấy có giá trị để ông có thể mua hàng hóa trên thị trường. Đơn giản ông là người tiêu thụ, thậm chí anh triệu phú cũng chỉ là người tiêu thụ hàng hóa. Có thể là anh ta tiêu thụ nhiều hơn, song anh ta cũng vẫn là một trong số những người tiêu thụ hàng hóa và mãi mãi là anh tiêu thụ hàng hóa. Còn ở nước nghèo thì sao? Trong một đất nước như thế, tiền là hàng rào bằng cây xanh tuyệt vời, dày dặn, điểm tô những bông hoa đẹp mê hồn, ngăn cách ông với tất cả những người còn lại. Qua hàng giậu cây xanh này ông không nhìn thấy cái nghèo đang bò lốm ngốm, ông không ngửi thấy mùi hôi hám của sự nghèo khổ, không nghe thấy tiếng kêu vọng đến từ đáy lòng người. Nhưng đồng thời ông lại biết là tất cả đang tồn tại, và ông cảm thấy tự hào rằng mình có hàng rào cây xanh kia ngăn cách. Ông có tiền, nghĩa là ông có đôi cánh để bay cao. Ông là con chim của thiên đàng, con chim đang được mọi người thán phục.

Một tiếng đồng hồ tiếp theo, từ mười một giờ đến mười hai giờ, là thời gian hoàng đế gặp mặt các vị bộ trưởng trong hoàng cung. Ai ai cũng đến từ sáng sớm và chỉ cần hoàng đế hô một tiếng, họ ngay lập tức có mặt, ở trong tầm tay với của ngài. Vào đúng mười hai giờ trưa, ngài sẽ đến phòng xử án tại tòa án tối cao, hay tòa thượng thẩm. Đến một giờ chiều, người sang lâu đài lễ tân ăn trưa với các thành viên gần gũi nhất trong hoàng tộc và các quan khách được mời.

Những cuộc cách mạng lật đổ chính quyền

Vâng, đó là vào năm sáu mươi, ông bạn thân mến ạ. Có một con dòi đáng ghê tởm đã chui vào cái quả đang phát triển lành mạnh, đẹp đẽ trong vương quốc của chúng tôi, rồi mọi chuyện diễn ra khôn lường và chứa đựng sức phá hoại lớn lao, khiến cho từ cái quả đẹp đẽ đó, thay cho vị ngon và nước ngọt, đã chảy ra một thứ nước đỏ như máu.

Mọi chuyện bắt đầu nhen nhóm sau khi Hajle Sellasje vì muốn đất nước có tốc độ phát triển nhanh mà gửi một vài thanh niên ưu tú đi du học nước ngoài. Nhưng ngài không thể ngờ, quyết định ấy của mình đã vô tình thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng trong những người trẻ tuổi. Họ nhận thấy chính quyền Ethiopia thật độc tài và độc ác, họ mong muốn đất nước mình có được dân chủ, để không còn những con người chết đói vì khổ sở và sống dựa vào những đồng tiền bố thí của nhà vua nữa. Người khơi dậy cuộc cách mạng đầu tiên, đánh dấu sự khởi đầu của sự kết thúc triều đình, là Germame Neway.

Germame nhờ xuất thân trong gia đình dòng dõi, trung thành với hoàng gia nên được gửi sang Mỹ du học. Khi trở về, ông được Hajle Sellasje phong làm thống đốc vùng đất phía nam tỉnh Sidamo. Ông không ngại ngần dùng tiền hối lộ vào việc xây dựng trường học (điều khá cấm kị và đi ngược lại chế độ quân chủ ở Ethiopia, tiền hối lộ không bao giờ được xung công quỹ), ban phát những mảnh đất bỏ hoang cho những nông dân không có ruộng. “Germame trở thành người cộng sản rồi.”

Tiếp đó người tiếp chuyện tôi đã khẳng định rằng chính lúc đó trong đầu Germame đã nảy sinh âm mưu lật đổ. Ông không thích con người này, song ông khâm phục hắn. Trong con người hắn có cái gì đó hấp dẫn những người xung quanh. Hắn có niềm tin rõ ràng, được thiên phú khả năng thuyết phục kẻ khác, có sự quả cảm, kiên định và sắc sảo. Nhờ những đặc tính này, hắn luôn nổi bật trên nền những kẻ ba phải, mờ nhạt, bợ đỡ, sợ sệt, mà số lượng những người như thế thì đầy rẫy hoàng cung.

Germame cùng với tướng Mengitsu Neway – anh trai Germame và là chỉ huy trưởng cấm vệ quân, tướng Tsigue Dibou – cảnh sát trưởng hoàng gia, đại tá Workneh Gebayehu – chỉ huy trưởng lục lượng bảo vệ hoàng cung và những người khác trong số các nhân vật thân cận của hoàng đế đã bí mật lên kế hoạch về một cuộc lật đổ triều đình. Sau khi hoàng đế rời đất nước để đến thăm Brazil, họ ngay lập tức hành động.

Cuộc nổi dậy của họ mau chóng thất bại.

Với những người dân Ethiopia, đức vua Hajle Sellasje là người nhân từ, đáng kính và là vị thánh sống. Họ không quan tâm đến những công việc của triều đình, họ chỉ biết ngài đối tốt với họ (một lần nữa, hoàng đế thì không bao giờ sai, họ tin vậy), bởi vậy những kẻ nổi dậy chống lại ngài đều là đám ngu xuẩn. Đội quân của Germame dù có vũ khí súng đạn cũng không thể đấu lại toàn bộ người (nông) dân đất nước này.

Khi đó, theo lời tường thuật của Mengitsu, Germame đã quyết định kết thúc mọi chuyện. Germame, theo lời miêu tả, lúc đó hiểu ra rằng mình đã đi trước thời đại quá sớm, rằng hắn đã đi nhanh hơn những người khác, rằng nếu ai đó cầm vũ khí trong tay mà lại tiến lên phía trước, vượt thời đại cả một bước dài, kẻ đó tất phải chết. Và chắc chắn hắn muốn cả bọn tự kết thúc đời mình. Vì vậy, khi những người nông dân hùng hổ tiến đến gần định bắt sống hắn và đồng bọn, đầu tiên Germame bắn Baye, sau bắn anh ruột, rồi mới tự bắn vào đầu mình.

Những tưởng sau khi giải quyết xong cuộc nổi loạn của Germame, mọi thứ sẽ quay về vị trí cũ. Nhưng những người làm việc trong hoàng cung chợt thấy hẫng hụt. Sự hẫng hụt đó xâm chiếm thân thể họ, lấy đi sự rạng rỡ và nghị lực của họ, chỉ để lại những khoảng không trống rỗng. Họ đã lờ mờ nhận ra dư âm của cuộc nổi loạn năm sau mươi ấy, mặc dù họ không bao giờ nghĩ đến chế độ quân chủ bao lâu nay sẽ bị đạp đổ.

Mặc dù thất bại nhưng cuộc đảo chính của anh em Neway đã tạo ra nhiều rung động nhỏ trong lòng lớp trẻ Ethiopia, khiến hoàng đế ngày càng mệt mỏi và lo lắng nhiều hơn. Ngài đi nước ngoài nhiều, chủ yếu để tìm vốn đầu tư cho đất nước mình, và để chứng minh rằng ngài có thể đưa đất nước đi lên mà không cần bất kì cuộc cải cách nào.

Vào năm 1968, một cuộc nổi dậy khác đã xảy ra ở tỉnh Godzam. Nông dân hò hét nhau nổi loạn, “họ nhảy cào cào lên chống lại chính quyền” vì thuế tăng đột ngột. Nhưng rồi hoàng đế cũng lại quở trách các cấp dưới mình và trấn an nông dân chỉ để mọi việc lắng xuống và không có bất cứ biện pháp giải quyết nào. Hoàng đế tập hợp một nhóm các sinh viên trung thành với mình để tổ chức một cuộc tuần hành ủng hộ ngài. Thế nhưng các cuộc mít tinh chống đối lại diễn ra và ngài liền ra lệnh cho xe tải bọc thép đến “dẹp loạn”. Hậu quả là có thêm trên dưới hai mươi sinh viên phải bỏ mạng.

Hoàng đế nhân từ ra lệnh đóng cửa trường đại học này trong một năm, bằng cách đó, người cứu sinh mệnh rất nhiều thanh niên, bởi vì nếu họ tiếp tục học, tiếp tục mít tinh, biểu tình, hoàng đế lại bắt buộc phải đáp lại bằng dùi cui, súng đạn và như vậy máu sẽ lại đổ là chuyện đương nhiên.    

Không phải là quá mỉa mai rồi sao?

1974 là năm cuối cùng của triều đình Ethiopia. Với sức ép của sinh viên và người dân trong nước, cộng thêm sức ép của phía quốc tế, các cuộc biểu tình và nổi loạn ngày càng xảy ra nhiều hơn và càng khó kiểm soát hơn. Ai ai cũng đòi quyền lợi, đình công, mít tinh và trả đũa triều đình. Hoàng cung Ethiopia rơi vào khủng hoảng.

Cùng lúc đó, quân đội đã nhảy vào thành phố và bắt toàn bộ các bộ trưởng của chính phủ Aklilu, những người nổi tiếng trung thành với hoàng đế. Tổng tham mưu trưởng quân đội, người trung thành với hoàng đế nhất, cũng bị bắt giam. Hai tin tức này giáng một đòn nặng nề vào không khí u uất của hoàng cung, khiến ai ai cũng lo lắng, sợ hãi, chán chường và thất vọng.

Việc Hajle Sellasje bị phế truất và vương triều sụp đổ chỉ còn là chuyện sớm muộn.

Cảm nhận cá nhân

Mặc dù Hajle Sellasje không hề trực tiếp xuất hiện trong tác phẩm, người đọc vẫn thấy được những nét tính cách xung quanh vị vua cuối cùng của đất nước Ethiopia, những nét tính cách dẫn đến một quốc gia nghèo đói, sống nhờ vào sự “ban phước” của vua, và những nét tính cách dẫn đến sự sụp đổ của cả một triều đại. Chúng ta vẫn thấy trước mắt những điều vô lý, đầy mỉa mai được chính các quần thần của ngài tiết lộ dù họ một lòng trung thành với ngài, không tiếc lời khen ngợi ngài anh minh và sáng suốt. Văn phóng sự của Ryszard Kapuscinski tài tình ở chỗ đó.

Mặc dù chỉ gần 300 trang nhưng Hoàng Đế vẫn là một cuốn sách lịch sử thời kì của Hajle Sellasje đồ sộ với những sự kiện lịch sử nối tiếp nhau và lượng thông tin khổng lồ. Cuốn sách được chia thành ba phần lớn và không có các phần nhỏ bên trong nên dễ khiến người đọc nản lòng nếu không có hứng thú với nội dung được viết. Tuy nhiên, cá nhân tôi cảm thấy những câu chuyện tranh đấu trong hoàng cung và chế độ triều đình luôn có sức hấp dẫn khó tả, cộng thêm lối viết phóng sự từ cả hai phía của tác giả lại càng khiến Hoàng Đế trở thành cuốn sách các bạn nên đọc ít nhất một lần trong đời.

Kết

Cho đến cuối cùng, Hajle Sellasje vẫn luôn coi mình là hoàng đế của Ethiopia. Kể cả khi ngài đối diện với quân đội cách mạng đang chĩa họng súng vào mình, kể cả khi ngài bị quản thúc trong lâu đài cổ Menelika nằm trên vùng đồi gần thủ đô Addis Abeda. Trong suốt 44 năm trị vì, ngài đã phạm sai lầm, từ việc tuyển chọn người phục vụ triều đình chỉ để thỏa mãn nỗi trống rỗng trong tâm hồn và tình yêu bản thân. Ngài ghi nhớ nhiều thứ, nhưng ngài không đặt lợi ích đất nước lên trên hết.

Cựu hoàng đế quyền năng cho đến hôm nay vẫn nhắc đi nhắc lại điều người đã tuyên bố trong ngày bị phế truất: “Nếu cách mạng đem lại lợi ích cho nhân dân thì tôi ủng hộ cách mạng.”

 

Tác giả: Thu Trang – Bookademy.

------

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,034 lượt xem