Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách "Hồi Ký Bà Tùng Long: Viết Là Niềm Vui Muôn Thuở Của Tôi" - Một Đời Văn, Một Đời Người.

Tuy là một cái tên mà giới phê bình nghiên cứu không mấy quan tâm, nhưng Bà Tùng Long có một vai trò vô cùng quan trọng đối với báo chí Việt Nam. Cuốn Bà Tùng Long: Viết là niềm vui muôn thuở của tôi là “cuốn sách cuối cùng” của đời bà với hơn 350 trang và 6 chương.


Bà Tùng Long là bút hiệu nổi tiếng trước năm 1975 của nữ văn sĩ Lê Thị Bạch Vân. Trong sự nghiệp viết lách, bà đã để lại hơn 400 truyện ngắn, 60 tiểu thuyết. Sinh thời, bà là chủ bút tuần báo Tân Thời, phụ trách mục Gỡ rối tơ lòng  trên Nhật báo Sài Gòn mới, mục Tâm tình cởi mở trên nhật báo Tiếng Vang, Thư ký tòa soạn tuần báo Phụ nữ diễn đàn.  Truyện của bà như: Bóng người xưa, Một lần lầm lỡ, Đời con gái, Mẹ chồng nàng dâu, Đời con gái, Nẻo về tình yêu...đưa ra những thao thức, trắc trở trong đời sống, hoàn cảnh nghiệt ngã nhưng rồi kết cuộc cũng tạo được niềm cảm thông, tìm được lối thoát cho cuộc sống. Bà đề cập đến vấn đề tâm lý xã hội có tính cách giáo dục, xây dựng hôn nhân gia đình, ca ngợi tình yêu, đề cao vai trò của nữ giới trong xã hội. Trong chuyên mục Gỡ Rối Tơ LòngTâm Tình Cởi Mở, bà cố gắng tìm phương cách giải đáp để hàn gắn vết thương và mang tính nhân bản trong đời sống.

Tôi không bao giờ khuyên các cặp ly dị. Mọi chuyện đều có thể hàn gắn. Trước khi đưa ra lời khuyên, tôi luôn tự đặt mình vào hoàn cảnh những người gặp rắc rối với tư cách là người chị, người bạn, người thân của họ...


Tuy vậy, bà không bao giờ nhận mình là nhà văn, hay một nghệ sĩ. Bà xem mình đơn giản chỉ là người kể chuyện.


Tôi chưa bao giờ dám tự hào xưng mình là văn sĩ, nữ sĩ. Tôi chỉ nói tôi viết văn là để nuôi con, chỉ thế thôi.


Trong đời sống và công việc, bà cư xử với đồng nghiệp với tấm lòng và sự tử tế. Nhà văn Hoàng Hải Thủy qua thời gian cộng tác với tờ báo đã đề cập đến bà với những dòng trân quý. Từ nhỏ, bà theo Tây học nhưng lúc nào bà cũng giữ được phong tục và truyền thống Á Đông, bà đem nếp sống đó đưa vào văn nghiệp. Là nhà giáo, qua bao thập niên, học trò của bà vẫn tôn kính cô giáo đã tận tâm hướng dẫn. Bà cho biết: “Nghề dạy học luôn được tôi xem là nghề tay mặt, còn viết văn chỉ là nghề tay trái mà thôi”. Trong sinh hoạt xã hội, vào đầu thập niên 60, bà giữ chức Tổng thư ký Hội Phụ Nữ Việt Nam, đắc cử Dân biểu tỉnh Quảng Ngãi trước ngày cách mạng 1 tháng 11 năm 1963. Cuốn hồi ký Bà Tùng Long: viết là niềm vui muôn thuở của tôi được NXB Trẻ và Công ty Văn hóa Phương Nam phát hành nhân dịp mừng thọ bà 88 tuổi, trước khi bà mất vào ngày 26 tháng 4 năm 2006, thọ 93 tuổi. Ở cuốn sách toát lên quan điểm sáng tác của bà: luôn đứng trên cương vị một người phụ nữ, suy nghĩ hiện đại mà đằm thắm song cũng rất mực thấu đáo và chín chắn để giải quyết vấn đề.Và đương nhiên, hồi ký của một nhà văn thì phải có chuyện văn chương, thì phải kể chuyện viết lách. Song, vì là hồi ký nên ta còn thấy trong đó cả một giai đoạn lịch sử đầy biến động và các yếu tố chính trị đương thời.  


Chương I - Thời thơ ấu. Những ngày tươi đẹp - chương II. Mối tình ''đầu tiên và cuối cùng''- chương III. Sách kể về cuộc đời bà từ thuở còn đi học cho đến khi thành thiếu nữ và rồi lấy chồng. Bà Tùng Long học bậc Tiểu học tại Đà Nẵng rồi ra học một năm Trung học trường Đồng Khánh Huế. Năm 1932, thân phụ bà, cụ Lê Tường, đổi vào Sở Douanes Sài Gòn, bà tiếp tục theo học Trung học tại Collège Des Jeunes Filles Indigènes, gọi là Trường Áo Tím, vì nữ sinh mặc đồng phục áo dài màu tím. Sau đổi thành Trường Gia Long và hiện nay là Trường Nguyễn Thị Minh Khai. Theo tác giả, lúc còn học Trường Áo Tím, đọc thấy tờ Sài Thành đăng mẩu quảng cáo: ''Dạy viết văn, làm thơ, dạy cả chữ Hán theo cách hàm thụ do cô Nhứt Chi Mai phụ trách'', bà đã ghi tên học và về sau mới biết ''cô Nhứt Chi Mai'' thực ra là đàn ông, một cây bút nổi tiếng thời ấy ở Sài Gòn: Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy (1902 - 1985). Thân phụ bà là cụ Lê Tường (1894 - 1956) không muốn bà tiếp tục học với ''chị Nhứt Chi Mai'' nữa, sợ ''rắc rối về sau''. Bà vâng lời, nghỉ học. ''Vài ngày sau đó, các em tôi thấy một người đàn ông ăn mặc rất sang trong tay cầm cây can ngồi chễm chệ trên một cái xe kéo cứ chạy qua chạy lại trước nhà'', đó là ''chàng'' Hồng Tiêu. Bà viết:

Anh lớn hơn tôi 13 tuổi, vào đời đã hơn 10 năm, thân tự lập thân, lăn lộn cũng nhiều, nhưng trước tôi anh lúng túng thấy rõ.


Nhà báo Hồng Tiêu là em ruột của nhà báo Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận, quê quán ở Quảng Ngãi. Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy (1902-1985) đã dấn thân vào nghề báo với tờ Công Luận (1916-1939), Đuốc Nhà Nam (1928-1937), Trung Lập (1924-1933)... Cụ Lê Tường- tức cha của Bà Tùng Long cũng cộng tác với tờ Nam Phong (1917-1934), Hữu Thanh (1921-1924)... vì vậy khi gặp nhà báo Hồng Tiêu, xem như bạn đồng nghiệp và “vong niên”, cùng hoạt động trong Hội Trung Việt Ái Hữu nên lúc đó nhà báo Hồng Tiêu “...thường tới bàn thảo công việc với cha tôi, và hay gợi ý cho tôi viết báo, rồi giao tôi phụ trách Trang Phụ Nữ của báo Sài Gòn, lẽ dĩ nhiên là được cha cho phép và khuyến khích. Và sau đó cũng cha tôi tác hợp hôn nhân cho chúng tôi”. Sau ba năm quen biết và thương nhau, đến cuối 1935, họ làm đám cưới tại Sài Gòn lúc bà 20 tuổi.


Suốt 50 năm chung sống anh không bao giờ đánh tôi như lời đã hứa đêm tân hôn, còn tôi lúc nào tôi cũng xem anh như một người thầy, một người anh, một người bạn, một người chồng. Đó là mối tình đầu tiên và cuối cùng của tôi.


Năm 1936, bà hạ sinh người con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Thanh Hương. Rồi Đệ Nhị thế chiến bùng nổ, năm 1940 quân Nhật vào Đông Dương, sự thống trị của Pháp và sự xâm lăng của Nhật đã tạo nhiều bất ổn trong nội tình ở Việt Nam. Nhiều tổ chức đảng phái nổi dậy nhằm tạo cơ hội phục quốc nhưng rồi bị đàn áp, khủng bố, gây thêm tang tóc cho đất nước. “Năm 1944, Sài Gòn bị máy bay quân Đồng Minh thả bom”, mọi người tìm cách sơ tán, ông Hồng Tiêu bỏ công việc để trở lại Quảng Ngãi, tâm sự của ông được trang trải qua bài thơ Cố Hương:

Qua sông ta gọi con đò

Lòng ta như nắm chỉ vò trong tay...

...Cố hương ơi! cố hương ơi!

Người con mặt mốc chân trời về đây

Tư bề lặng lẽ gió mây

Vô tình nước chảy mây bay một chiều!.


Ông về tận vùng hẻo lánh ở Ba Gia, Đồng Ké thuộc xã Nghĩa Kỳ, quận Tư Nghĩa để nương náu. Sau đó, bà Tùng Long cũng mang theo 3 đứa con thơ Nguyễn Thị Thanh Hương, Nguyễn Thị Nghi Xương và Nguyễn Đức Trạch để vợ chồng khổ cực có nhau. Cũng tại nơi đây, bà sinh hạ thêm 3 người con trai là Nguyễn Đức Lập, Nguyễn Đức Thạch và Nguyễn Đức Thông. Năm 1951, bà dẫn 6 người con trốn về Hội An rồi lên tàu Demifère về lại Sài Gòn. Năm 1952, bà dạy Pháp văn và Việt văn tại các trường Les Lauries, Tân Thịnh, Đạt Đức... nhưng đồng lương không đủ sống nên bà viết “feuilleton” cho các nhật báo. Tên tuổi Bà Tùng Long được nổi danh từ đó.



Năm 1954 trở đi, bà cộng tác rất nhiều tờ báo, bà chuyên mục Gỡ Rối Tơ Lòng trên tờ Sài Gòn Mới và Tâm Tình Cởi Mở trên tờ Tiếng Vang. Bút hiệu Bà Tùng Long được độc giả ái mộ.


Chương IV kể những Vui buồn Nghề văn - nghề báo, nhắc chuyện người làng văn Sài Gòn hồi trước nói đùa bà là người đã viết được ''1001 truyện ngắn''.


Sự thật thì tôi đã xuất bản khoảng 70 truyện dài và truyện vừa. Truyện đã đăng báo nhưng chưa in thành sách vẫn còn khoảng chục bộ. Truyện nhi đồng viết vì yêu cầu của các nhà xuất bản nhi đồng khoảng vài trăm cái.

















Đề tài lấy từ những điều: ''mắt tôi thấy, tai tôi nghe khi tôi bắt đầu hiểu'', từ những chuyến đi xa ''khắp Nam Trung Bộ từ Huế trở vô''. Vào những năm 60 của thế kỷ 20, bà Tùng Long vừa đi dạy vừa viết truyện đăng báo (feuilleton), mỗi tháng bà kiếm được 49.000 đồng, thời điểm đó giá vàng 5.000 đồng/lượng. Cũng vào thời điểm đó, có người ghen tức với thu nhập của bà đã chê tiểu thuyết tâm lý xã hội của bà là bình dân, không cao siêu. Bà đã trả lời:


Một nhà văn Pháp tuyên bố: “Nếu tôi có một ngai vàng thì tôi sẵn sàng đổi nó để tìm hiểu tâm lý phụ nữ”. Như thế thì tôi, một phụ nữ tại sao lại không viết để nói lên tâm lý phụ nữ. Vì tôi đã trải qua thời kỳ niên thiếu dưới mái ấm gia đình của cha mẹ, bên các em thân yêu, tôi từng là một thiếu nữ, tôi hiểu những ước muốn, những buồn vui của giới thiếu nữ, của tuổi mới lớn. Tôi từng là một người vợ, một người mẹ. Tôi hiểu tâm sự của một người vợ khi gặp cảnh ngộ ngang trái, khi sống hạnh phúc, khi nuôi dạy con… Tôi muốn nói lên tâm lý của phụ nữ vì tôi là một phụ nữ.


Bà không bao giờ dám nghĩ mình là một văn sĩ mà chỉ mong sao đóng góp một phần nào đó xây dựng cho nữ giới và nuôi 9 đứa con. Trả lời ký giả Trần Quân báo Time ở Sài Gòn năm 1961, bà cho biết:


Tôi viết văn để nuôi con. Khi nào các con tôi, đứa lớn trưởng thành dìu dắt được đàn em của nó, bấy giờ tôi sẽ nghỉ viết.



Vì vậy, năm 1972, bà gác bút quy ẩn. Thời điểm đó, con gái út của bà là Nguyễn Thị Phương Chi, tốt nghiệp đại học. Bà đã giữ đúng lời hứa trước kia.


Hai chương V và VI kể những kỷ niệm đáng đáng nhớ khi giữ mục Gỡ rối tơ lòng do bà khởi xướng từ năm 1953 trên nhật báo Sài Gòn Mới và một vài việc khác trong đời. Bà Tùng Long nổi tiếng là người đầu tiên khởi xướng viết mục Gỡ rối tơ lòng trên báo Sài Gòn Mới (1953) và giúp báo bán chạy. Trong chuyên mục Gỡ Rối Tơ LòngTâm Tình Cởi Mở, bà cố gắng tìm phương cách giải đáp để hàn gắn vết thương và mang tính nhân bản trong đời sống. “Tôi không bao giờ khuyên các cặp ly dị. Mọi chuyện đều có thể hàn gắn. Trước khi đưa ra lời khuyên, tôi luôn tự đặt mình vào hoàn cảnh những người gặp rắc rối với tư cách là người chị, người bạn, người thân của họ...” Sau năm 1975, nhiều báo cũng mời bà viết tiếp mục này với nhuận bút cao nhưng bà đã biết từ chối vì “thời nào có người nấy”. Về bút hiệu Bà Tùng Long, bà giải thích:


Các vị nho học của chúng ta có câu “Vân Tùng Long, Phong Tùng Hổ" nghĩa là mây theo rồng, gió theo cọp... Tôi tên Vân cho nên lấy bút danh Tùng Long. Và khi ký bút danh này, tôi thấy không trùng với ai, cho nên tôi dùng luôn đến nay. Vì ký bút danh Tùng Long, tôi sợ độc giả hiểu lầm tôi là đàn ông, cho nên tôi thêm chữ Bà vào để phân biệt... Hồi còn trẻ bà Đạm Phương thường dùng danh từ Đạm Phương nữ sĩ, và bà Tương Phố cũng dùng bút danh Tương Phố nữ sĩ... Riêng tôi không dám tự hào là nữ sĩ, nên tôi không ký Tùng Long nữ sĩ.Còn tôi, trong các mục Gỡ Rối và Giải Đáp, tôi ký Bà Tùng Long là để gần gũi với phái nữ. Vả lại, như vậy các nữ độc giả sẽ tin cậy và dễ bộc lộ tâm tình hơn là chỉ ký Tùng Long, họ có thể nghĩ lầm tôi là phái nam thì họ sẽ ngần ngại khi muốn bộc lộ tâm tình.


Những trang cuối là bài phỏng vấn của Lê Phương Chi, tóm tắt tiểu sử, quá trình hoạt động văn học - báo chí, liệt kê 50 tác phẩm của bà đã xuất bản, tái bản trước và sau năm 1975, với nhan đề: Viết là niềm vui lớn nhất đời tôi. Câu này được bà sửa đôi chữ để lấy làm tựa của hồi ký: Viết là niềm vui muôn thuở của tôi... Có lẽ sửa chữ ''đời tôi'' thành ''muôn thuở'' là bà muốn nói đến ''kiếp sau, kiếp sau nữa'' vẫn sẽ chọn con đường cầm bút viết văn như một niềm vui lớn nhất.



Hồi ký Bà Tùng Long: Viết là niềm vui muôn thuở của tôi đem đến cho bạn đọc “một góc của khung cảnh với ký ức văn nghệ Sài Gòn sau Hiệp định Giơnevơ”, và qua đó, người ta sẽ dễ dàng nhận ra một chân lý: Khi viết văn đem lại niềm vui cho mình và cho bạn đọc, người ta sẽ viết dễ dàng hơn và được bạn đọc yêu mến hơn.


Tác giả: Linh Tran - Bookademy

----

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

330 lượt xem