Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách "Lolita": Tội Lỗi Nhưng Cũng Đầy Mê Hoặc

Nếu chỉ xét một khía cạnh trong tổng thể, thì “Lolita” chỉ như một tác phẩm khiêu dâm đồi trụy. Nhưng văn học luôn cần sự nhìn nhận chỉnh thể, chẳng có lát cắt nào có thể truyền tải trọn vẹn được toàn bộ thông điệp được gửi gắm trong suốt chiều dài của cả một tác phẩm. Và xét trên tổng thể, thì “Lolita” là một cuốn tiểu thuyết vĩ đại về tư tưởng, về tài năng văn chương của tác giả.

Đây không phải là cuốn sách có thể đọc xong trong một sớm một chiều, cũng không phải là cuốn sách có thể nghiền ngẫm trong thời gian ngắn. “Lolita” đòi hỏi người đọc mân mê nó trong một thời gian dài, cắt nghĩa nhiều góc cạnh được đề cập trong cuốn sách. Bản thân nó đã có một giọng văn và một dòng chảy tình tiết khá chậm chạp, lại tải thêm một thông điệp mang tính xã hội cao, nên cũng không khó hiểu khi cuốn sách đòi hỏi người đọc một sự nghiền ngẫm lâu dài. Có đọc từng chút một, mới thấm được cuốn sách. Nhiều lúc chính bản thân tôi cũng thấy mệt mỏi khi cuốn theo cuốn sách này, nhưng cho đến cuối cùng, khi đọc hết một cuốn sách dài như vậy, tôi cho rằng, đây là một tác phẩm đáng đọc. Hẳn nhiên, đã được liệt vào hàng kinh điển, thì nào có thể tầm thường!

Cuốn sách này từng gây ra một làn sóng tranh cãi rất lớn khi nó được xuất bản, cũng phải thôi, vì nội dung của cuốn sách chẳng bình thường chút nào. Nội dung cốt lõi nhất như sau: Một gã đàn ông mắc chứng ái nhi, có một người tình bé bỏng thời niên thiếu đã qua đời, đã có một đời vợ, kết hôn với bà chủ nhà trọ, cốt để ông ta mò tới tiểu nữ thần của mình – Dolores – Lolita của đời Humbert Humbert (hay còn được viết tắt là H. H) – một bé gái 12 tuổi. Nói thẳng ra thì, đây là một cuốn sách về tội ác ấu dâm. Thành thực mà nói, cuốn sách có nhiều góc cạnh tương đối vặn vẹo và biến thái. Nhưng nếu là người trực tiếp cầm cuốn sách, đọc cuốn sách, có lẽ bạn sẽ không có cảm giác như vậy, hoặc là tôi thấy thế. Thậm chí có lúc tôi lẫn lộn giữa tội ác ấu dâm này với tình yêu. Từng có một thoáng chốc nào đó tôi nghĩ rằng Humbert yêu Lolita, và Lo cũng yêu gã.

Xin được trích những dòng đã khiến tôi bị cuốn hút đến mức quyết định mua cuốn sách này trong chớp mắt, cũng là những dòng tôi nhớ kỹ nhất trong cả tác phẩm: “Lolita, ánh sáng đời tôi, ngọn lửa hạ bộ tôi. Tội lỗi của tôi, tâm hồn của tôi. Lo-lee-ta: đầu lưỡi lướt xuống ba bước nhỏ dọc vòm miệng, đến bước thứ ba khẽ đập vào răng. Lo. Li. Ta”. Tôi thực sự bị cuốn theo giọng văn của tác phẩm. Phải nói rằng, cuốn sách có một giọng văn rất mê hoặc. Là rất rất rất mê hoặc. Truyện kể dưới điểm nhìn của nhân vật “tôi”, và ông ta có một cái ngữ kể rất hoa mỹ, rất lung linh. Có lẽ đó cũng là một trong những yếu tố khiến tôi bị H. H dẫn lối, và từng có lúc lầm lẫn đoạn tình cảm này với một tình yêu thực sự.

Humbert có vấn đề về tâm lý, nhưng người tình bé bỏng, tiểu nữ thần của gã cũng không phải một đứa bé ngoan ngoan. Vâng, và rằng sau này thì H. H và Lolita có một quãng thời gian bên nhau, và chính xác là Lolita bị H. H hiếp dâm. Nhưng Lo cũng không phải là một thiếu nữ ngoan hiền, ẩn dưới hình hài tiểu nữ thần ấy có lẽ là một tiểu yêu tinh, một chú ngựa đen bất kham, và có nhiều lúc H. H bị xoay vòng vòng bởi Lo. Lo là một đứa bé hư cố gắng phản kháng lại sự kìm kẹp của người mẹ, là nguồn cơn của con quỷ trong Humbert.

Lo không yêu H. H, tôi nghĩ vậy. Còn H. H có yêu Lo không, thật khó mà nhận định được, có lúc tôi nghĩ rằng Humbert yêu Lo, có lúc tôi lại nghĩ rằng, thứ mà Humbert yêu chỉ là hình hài tiểu nữ thần của Lo, là cái dấu vết niên thiếu mơn mởn non tơ nơi Lo mà thôi. Nhưng lại phải nhấn mạnh lại rằng, cho dù có tồn tại tình yêu giữa hai người hay không, thì điều cốt lõi mà cuốn sách đề cập đến vẫn là tội ác ấu dâm.

Thậm chí nếu chỉ xét đến một khía cạnh nào đó trong tổng thể, thì “Lolita” chỉ đáng để đọc như tác phẩm khiêu dâm đồi trụy. Nhưng văn học luôn cần sự nhìn nhận cả một chỉnh thể, chẳng có lát cắt nào có thể truyền tải trọn vẹn được toàn bộ những thông điệp tác giả gửi gắm trong suốt chiều dài của cả một tác phẩm. Và xét trên tổng thể, thì  “Lolita” là một cuốn tiểu thuyết vĩ đại về tư tưởng, về tài năng văn chương của tác giả. Thực ra, có lẽ bản thân “Lolita” đã là một cuốn sách đầy thách thức với người đọc, đọc cuốn sách này, cần đến một sự tích lũy và trải đời nhất định, một cái đầu đủ kiên trì để nghiền ngẫm, một trái tim đủ tình để cảm nhận.

Nét đặc biệt về tác giả cuốn sách: Luôn nhớ mình là người Nga

Sinh thời, Vladimir Nabokov thường giới thiệu mình: "Tôi là nhà văn Mỹ gốc Nga, được đào tạo ở Anh, nghiên cứu văn học Pháp và mười lăm năm sống ở Đức".

Nabokov sinh trưởng trong một gia đình thuộc diện danh gia thế phiệt. Ông nội của nhà văn - D.N.Nabokov - từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp dưới thời Hoàng đế Aleksandr II. Ông ngoại của nhà văn là nhà tỷ phú công nghiệp khai thác vàng Rukavishnikov.

Năm 1918, trước các biến cố chính trị xảy ra tại Nga, chàng thanh niên 19 tuổi Nabokov đã cùng gia đình sơ tán đến Krưm. Một thời gian sau, họ quyết định rời nước Nga tới định cư ở Berlin, Đức.

Tại đây, Nabokov theo học Trường Đại học Tổng hợp Kembrizsky. Sau 15 năm lập nghiệp tại Đức, năm 1937, số phận lại một lần nữa thử thách Nabokov cùng gia đình ông. Nabokov cùng vợ con chuyển sang sống tại Paris, Pháp.

Nhưng họ cũng chỉ "yên vị" ở đây được vẻn vẹn chưa đầy 3 năm. Năm 1940, trước khi những đơn vị quân đội đầu tiên của Đức phát xít tiến vào Paris, Nabokov đã kịp đưa cả gia đình di cư sang Mỹ.

Năm 1945, Nabokov chính thức nhập quốc tịch Mỹ. Trong gần 20 năm sống tại Mỹ, Nabokov vừa dạy học, vừa viết văn.

Một thời gian, ông là cán bộ nghiên cứu tại Bảo tàng động vật học ở Đại học Harvard, với công việc trực tiếp là tham gia thiết kế các bộ sưu tập bướm (sưu tập bướm là một thú đam mê suốt đời của Nabokov).

Theo tiết lộ của ông Dmitry Nabokov - con trai Vladimir Nabokov, sinh thời, bố ông thường hay đau đớn nhắc tới "ba bi kịch" của đời mình: Đó là tuổi thơ ly loạn; cái chết bi thảm của thân phụ ở Berlin (năm 1922) bởi bàn tay của những người theo chủ nghĩa quân chủ Nga tại hải ngoại; và việc không được sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ khi bắt đầu di cư sang Mỹ (trong 20 năm sống ở Mỹ, nhà văn không thể sáng tác bằng tiếng Nga vì ở đây không có độc giả đọc tiếng Nga).

Bản thân Nabokov, trong lời mở đầu tiểu thuyết "Những bến bờ khác" cũng đã viết những dòng xa xót: "Năm 1940 tôi quyết định chuyển sang viết bằng tiếng Anh. Điều đáng nói là trước đó, trong 15 năm trời, tôi sáng tác bằng tiếng Nga và đã ghi được những dấu ấn đáng kể bằng thứ "công cụ" này. Phải từ bỏ tiếng mẹ đẻ, tiếng của Pushkin, Tolstoy là một sự đau đớn đối với tôi".

Mặc dù trong sáng tác, Nabokov đã phải "đoạn tuyệt" với tiếng Nga, song ông vẫn giữ mối liên hệ với cố quốc bằng việc nhận giảng dạy văn học Nga tại một số trường đại học ở Mỹ cũng như chuyển ngữ những tác phẩm của mình ra… tiếng Nga.

Những năm cuối đời, Nabokov sống ở Thụy Sĩ. Trước khi mất, trong một cuộc gặp gỡ, trò chuyện với nữ sĩ Nga Bella Akhmadulina khi bà đến thăm ông tại nhà riêng, Nabokov đã thổ lộ nỗi lòng: "Tôi tiếc là đã không ở lại nước Nga".

Nguồn sưu tầm:    https://goo.gl/gCKK1s 

------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,684 lượt xem

lh-fulllh-x