Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách “Người Tối Giản - Hành trình trở về số 0": Hành Trình Trở Về Bản Ngã Của Mình

Một buổi sáng thứ hai, bạn thức dậy bởi một lời nhắc nhỏ trong thâm tâm: “Dậy đi làm kìa, hôm nay là thứ hai đó”. Nhưng cái đầu nặng trịch và cái thân thể uể oải bởi ảnh hưởng của cả ngày Chủ nhật tụ tập ăn chơi kéo bạn ở trên giường thêm một lát nữa, và một lát nữa… Đến lúc choàng tỉnh giấc thì ôi, trễ giờ rồi. Bạn vệ sinh cá nhân, thay quần áo, soạn ba lô và chạy đến nơi làm việc một cách hối hả. Một ngày mới, một tuần mới bắt đầu với tiếng phàn nàn của sếp, một núi công việc phải làm cùng tâm trí sợ hãi, lo lắng. Bạn quên mất bữa ăn sáng và quên luôn cái không khí trong trẻo, tinh tươm của ngày đầu tuần. Bạn gì ơi, dù mình biết bạn đang rất bận rộn, nhưng cho mình xin vài phút nhé, vài phút ngắn như vài phút bạn đã ngủ nướng trên giường mỗi sáng thôi. Mình muốn mời bạn cùng ngồi xuống và uống một tách trà. Đừng từ chối mình, nếu có hãy từ chối kẻ đang lởn vởn xung quanh bạn kìa. Bạn thấy hắn không? “Hắn kìa. Kẻ mang tên Bộn Bề.”

Khi nghịch cảnh bao vây tứ phía

Hãy ngồi xuống và uống một tách trà

(Ajahn Brahm)

Bức Tranh Toàn Cảnh

Bạn đã từng nghe đến khái niệm “lối sống tối giản” hay “chủ nghĩa tối giản” chưa? Đây không chỉ là một lối sống đang dần trở thành trào lưu ở Nhật Bản (Danshari), mà còn là một trường phái trong các môn nghệ thuật về thị giác và âm nhạc. Từ gốc của nó là “minimalism” trong tiếng Anh, dịch sát nghĩa sang tiếng Việt là “phong cách tối thiểu” hay “chủ nghĩa tối thiểu”. Ấy vậy, mà không biết ai đó, đã vô tình một cách thật tài tình khi chuyển ngữ từ “tối thiểu” – mang ý nghĩa ít nhất, thành “tối giản” – mang ý nghĩa đơn giản nhất. Bạn thấy sự khác biệt không? “Tối thiểu” hay “ít” chỉ nói về số lượng, còn “tối giản” hay “đơn giản” lại vừa nói về số lượng, vừa nói về chất lượng.

Áp dụng những khái niệm này vào cuộc sống, bạn muốn lựa chọn một lối sống như thế nào? Bạn có 04 phương án lựa chọn:

A.      Lối sống Bộn Bề – Bạn sở hữu rất nhiều tài sản, có rất nhiều mối quan hệ, luôn bận rộn với công việc và những lo toan, bận tâm, sợ hãi luôn len lỏi trong từng suy nghĩ.

B.       Lối sống Tối Thiểu – Bạn có ít tài sản, ít mối quan hệ, ít việc và ít phải suy nghĩ, lo toan.

C.       Lối sống Tối Giản – Bạn có một lượng tài sản đáp ứng đủ nhu cầu, có những những người thân luôn bên cạnh lúc bạn cần, luôn được làm những công việc mà bạn đam mê và luôn cảm thấy hài lòng, hạnh phúc.

D.      Không chọn lối sống nào cả.

Mình tin chắc là các bạn đã chọn cho mình một câu trả lời phù hợp nhất. Riêng mình, mình chọn phương án C – Lối sống tối giản. Vì sao ư? Vì mình tin rằng lối sống tối giản không chỉ đơn thuần là việc tối giản về hình thức bên ngoài, tức vứt bớt đồ đạc, làm bớt việc hay gặp bớt người, mà nó còn là việc tối giản về mặt nội dung bên trong, tức là tối giản về mặt tư duy, thái độ và cảm xúc. Và vì, “khi đã có tư duy tối giản rồi thì dù có ngồi giữa một đống bộn bề cuộc sống bạn vẫn cảm thấy thân tâm trong trẻo”.

À, có bạn nào chọn phương án D không? Mình thì loại nó đầu tiên, vì chọn phương án này chẳng khác nào nói tôi không muốn sống nữa. Nhưng nếu bạn thấy 3 phương án kia làm bạn khó nghĩ quá, và chọn phương án D như một thói quen khi làm bài trắc nghiệm, mình có một đề nghị táo bạo cho bạn, đó là hãy một lần “chết thử”. Kiểu như thế này:

Hồi trẻ mỗi lần hậm hực chuyện gì tôi hay nằm tưởng tưởng ra cảnh mình chết. Mục đích chỉ để bay lên không trung và hả hê nhìn xuống đám người dám khiến mình buồn bực đang khóc lóc vật vã như thế nào.

[…] Tôi nhìn thấy bi kịch của chính mình qua lần “chết thử” ấy. Trong giây phút, tôi ngỡ mình sắp chết thật vì vỡ tim, đó là khi thấy Cá Con quấy khóc đòi mẹ, thấy Cá Cha ngồi trầm ngâm với khói thuốc mỗi đêm, thấy hai cha con cứ ôm nhau thui thủi trong nhà lặng lẽ như hai cái bóng…

[…] sáng hôm sau tôi thức dậy với đôi mắt sung bụp. Tôi ôm hôn Cá. Da thịt thật của tôi này, chạm lấy da thịt thật của Cá này. Cảm giác hạnh phúc và biết ơn ngập tràn vì mình vẫn còn sống.

Ổn thôi, bạn và mình vẫn còn đang sống, tất cả chỉ là sự tưởng tượng. Nhưng sau khi tưởng tượng xong, bạn thấy được điều gì? Có phải là không có gì đáng quý hơn sinh mệnh của mình không? Có phải còn người là còn tất cả không? Có phải khi cận kề cái chết, mọi bồn bề dường như biến mất để nhường chỗ cho một mối quan tâm duy nhất là sự sống không? Vậy nên, để bắt đầu cho hành trình tối giản hóa tư duy, hãy chọn cho mình nền tảng vững chắc, đó chính là sự “tôn vinh sinh mệnh”. Đó vừa là điểm xuất phát, vừa là đích đến của hành trình này – Hành trình trở về số 0, “một số 0 thật hoàn hảo và diệu kì”.



Tư Duy Tối Giản Và Chuyện Ngoại Hình

Tối giản tư duy trong chuyện ngoại hình chính là tối giản tư duy về cái đẹp. Với người tối giản, cái đẹp phải xuất phát từ sự trân trọng, yêu thương, thấu hiểu và hòa hợp với thân thể của mình. Bạn phải giải phóng cơ thể của mình khỏi những trói buộc hữu hình và vô hình của xã hội. Từ đó, thấy rằng việc bạn có được một cơ thể này từ đầu mình, chân tay, gương mặt đến mái tóc, làn da, bản thân nó đã là một tuyệt tác của tạo hóa. Khi bạn thấy trân trọng vẻ đẹp tạo hóa của mình, bạn sẽ thấy mình thật đẹp. Cái đẹp từ trong suy nghĩ sẽ được thể hiện ra bên ngoài trong cái gọi là “thần thái”. Và khi đã có thần thái rồi, mọi người sẽ tự cảm nhận được ở bạn một vẻ đẹp vượt lên trên những vẻ đẹp hình thức thông thường. Lúc đó, dù bạn có đang mặc một bộ trang phục thời trang hay quê mùa, dù đi giày hay chân trần, dù tóc dài hay tóc ngắn, hay thậm chí bạn khỏa thân và cạo trọc đầu đi nữa thì mọi người vẫn thấy bạn đẹp. Chẳng phải bạn và mình vẫn thường hãy nói rằng “quan trọng là thần thái” đó thôi.

Nhưng nếu có người vẫn chê bạn xấu xí, kì cục, thì sao? Ừ thì cũng có sao đâu. Đẹp hay xấu làm gì có chuẩn mực, quy định nào rõ ràng để mà đánh giá. Chẳng qua chỉ là góc nhìn khác nhau của mỗi người, mỗi thời đại hay không gian nhất định thôi. Tất cả chỉ mang tính tương đối. Mà nếu có tồn tại một hệ thống các tiêu chuẩn về cái đẹp đi nữa, thì những người bị cho là “xấu” thật ra là do họ “lệch chuẩn” thôi.

Khi rơi vào trường hợp “lệch chuẩn”, bạn có 2 cách để thoát khỏi nó:

Một là, thay đổi bản thân để phù hợp với tiêu chuẩn, tức làm đẹp. Tuy nhiên, hãy làm đẹp dựa trên sự trân trọng và thấu hiểu cơ thể mình và trong một niềm vui thích hồn nhiên, chứ đừng vồ vập, vật vã chạy theo cái đẹp rồi vô tình trở thành nô lệ của nó.

Tưởng tượng, nếu cái đẹp là một con chó thì việc bạn cần làm là thong dong dắt nó đi dạo, chứ không phải là hồng hộc chạy đuối theo nó.

Và hai là, hãy tìm cách xóa bỏ những tiêu chuẩn đó, tức đưa mình ra khỏi những góc nhìn của người khác, của xã hội về cái đẹp. Hãy nhìn nhận, đánh giá cái đẹp theo đúng bản chất của nó, theo đúng góc nhìn của bản thân.

Mỗi ngày tôi ngồi trước gương ngắm chính mình. Tôi nhìn sâu vào bộ tóc xơ cứng, trán hẹp, tai nhỏ, mắt xếch, mũi gồ, xương hàm bạnh, răng ngắn, lợi dài. […] Tôi học yêu tất cả những đường nét này. Tôi biết ơn tất cả những đường nét được ban tặng này. Và tôi thấy tôi đẹp hoàn hảo theo đúng chuẩn của … tạo hóa.



Tư Duy Tối Giản Và Tiền

Tiền nói riêng, hay tài sản vật chất nói chung là những thứ quan trọng trong cuộc sống. Tư duy tối giản về tiền liệu có phải là có càng ít tiền càng tốt không? Không phải đâu, đừng lo lắng, bạn vẫn có thể sống tối giản cùng với rất nhiều tiền, vấn đề vẫn nằm ở tư duy.

Có một khái niệm bạn cần làm quen và hiểu rõ, đó là tư tưởng “vô sở hữu”. “Vô sở hữu” không phải là không sở hữu gì, mà là không sở hữu những gì không cần thiết. Và hơn thế nữa, đó là trạng thái tự do của thể xác và tinh thần đối với tài sản mà bạn sở hữu. Vậy làm thế nào để thực hành “vô sở hữu?” Hãy cùng nghiền ngẫm những câu hỏi sau đây:

- Theo bạn, tiền có mua được bình an không?

- Của có thật sự đi thay người?

- Tiền có cản trở bạn trong việc thực hiện mong muốn thật sự của mình không?

- Và thật ra, bạn có thật sự làm việc cật lực là vì tiền không? Hay là vì một mục tiêu nào khác đằng sau đó?

Suy nghĩ thật kĩ nhé, kẻo ngộ nhận đấy.

Suy cho cùng, tiền quan trọng nhưng cũng chỉ là một phương tiện trong cuộc sống. Đừng bao giờ đặt mục tiêu phải kiếm được thật nhiều tiền, vì sẽ chẳng bao giờ là đủ. Thay vào đó, hãy xác định cho mình một mục tiêu, một khao khát rõ ràng, và tự khắc bạn sẽ thấm thía được vai trò thật sự của đồng tiền.



Tư Duy Tối Giản Và Kiếm Tiền

Bạn đã hiểu được vai trò của tiền rồi chứ? Một khi đã hiểu thì tất nhiên chúng ta phải bắt tay vào việc kiếm tiền. Nhưng đừng vội vàng, hấp tấp, hãy kiếm tiền theo phong cách của một người tối giản.

Bạn có đồng ý với mình rằng không phải lúc nào khối lượng công việc cũng tỉ lệ thuận với hiệu quả không? Và không phải lúc nào người siêng năng, cần cù cũng trở thành người giỏi, đúng không? Chìa khóa của hiệu quả và điểm khác biệt của người giỏi luôn nằm ở vấn đề kỹ năng và phương pháp. Trong mọi vấn đề, luôn luôn tồn tại giải pháp. Và trong số đó, luôn tồn tại một giải pháp làm ít mà được nhiều, đơn giản mà hiệu quả ít nhất là hơn cách mà bạn đang làm. Đôi lúc bạn đừng quá cần cù, mà hãy giữ bình tĩnh, suy xét và tìm cho mình một phương pháp tốt nhất. Như Abraham Lincoln có câu: “Nếu được cho 6 tiếng để chặt một cái cây, tôi sẽ dành ra 4 tiếng đầu để mài rìu”.

Tư duy tối giản luôn mong muốn đưa bạn đến trạng thái hạnh phúc, vậy nên việc kiếm tiền cũng cần phải vui. Sẽ khó mà vui được khi hầu như tất cả chúng ta hàng ngày đều đang đeo trên đầu một chiếc “vòng kim cô 8 tiếng”, và lao mình vào guồng máy công việc lặp đi lặp lại một cách nhàm chán. Chúng ta thường có 2 sai lầm trong tư duy về công việc: Một là quan điểm “bây giờ ráng chịu cực, sau này kinh tế khá lên sẽ làm việc mình thích”, nhưng vì mải mê chịu cực nên họ không biết họ thích gì, và thế là tháng này sang năm nọ cứ phải chịu cực; Hai là, họ không nhận ra rằng luôn có cách để tận hưởng và tìm niềm vui từ một công việc mà họ không yêu thích.

Để khắc phục những sai lầm này, hãy luôn nhớ rằng: Cách bạn nghĩ sẽ là cách bạn làm, và cách bạn làm một việc sẽ là cách bạn làm mọi việc.

Tư Duy Tối Giản Và Định Kiến Xã Hội

Định kiến xã hội là những quy định bất thành văn và vô hình của xã hội đối với những hành vi của cá nhân thành viên trong xã hội đó. Khác với chuẩn mực xã hội hay quy phạm đạo đức, định kiến xã hội thường được nhắc đến với sắc thái tiêu cực hơn. Nó buộc những cá nhân trong xã hội suy nghĩ và hành động theo nó, không được sống thật với cảm xúc, suy nghĩ, bản tính của bản thân. Nó giam cầm tinh thần của cá nhân trong những quy định mơ hồ, bảo thủ và vô căn cứ. Trước định kiến xã hội, con người vô tình trở thành những nô lệ trong một thế giới tự do.

Chuyện định kiến xã hội, không nằm ở xã hội, mà có khi nằm chính trong tư tưởng của mỗi người. Để vượt qua những định kiến ấy, chúng ta cần chiến thắng chính những định kiến tồn tại trong mình.

Hãy một lần “mặt dày” trước những định kiến, thị phi vớ vẩn kiểu như thi rớt đại học, cha mẹ nghèo khó, quê mùa, đi xe cà tàng, mặc đồ hàng chợ, điện thoại cùi bắp, đầu hói, bụng bia, răng hô, chân ngắn,… Rõ ràng những việc đó chẳng có gì là sai trái, xấu xa, và cũng chẳng ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới, vậy thì việc gì phải bận tâm hay xấu hổ.

Hãy một lần cất đi chiếc “mặt nạ thể diện” mà bạn vẫn thường đeo để che giấu những điều chưa tốt của mình, hay thậm chí còn để phóng đại, tô vẽ thêm cho bản thân. Con người mình như thế nào thì thể hiện ra y vậy, hãy giống như “một quả cà chua trong đỏ ngoài đỏ, chứ không phải một quả dưa hấu, trong đỏ mà ngoài xanh”.

Đừng bao giờ cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người, và hãy giữ tâm tĩnh lặng trước những chuyện thị phi. Bởi vì, chỉ có bạn mới hiểu bạn đang làm gì và chỉ có bạn mới là người cần làm hài lòng nhất.

Luôn có ai đó yêu thương ta và luôn có ai đó không hài lòng về ta. Sao không tập trung nguồn năng lượng của bản thân cho những người yêu quý mình? Hà cớ gì để ý đến những người không quan trọng?



Tối Thiểu Hóa – Giữ Ở Mức Ít Nhất Có Thể

Phân loại, lựa chọn, từ chối, vứt bỏ bớt công việc và đồ đạc là một cách để bạn thực hành lối sống tối giản. Nhưng điều quan trọng hơn chính là sự phân loại, lựa chọn, từ chối và vứt bỏ trong tâm trí bạn. Một số kinh nghiệm trong tư duy của một người tối giản:

Người đối diện mình là người quan trọng nhất, việc mình đang làm là việc quan trọng nhất và thời điểm hiện tại là quan trọng nhất.

Khi chúng ta chỉ kiểm soát những thứ thuộc về mình, một phần lớn những suy nghĩ không đâu sẽ được dọn dẹp trong tâm trí.

Ngừng kì vọng vào bản thân, ta sẽ ngừng thất vọng với thất bại và vui vẻ hơn với thành quả mình đạt được. Ngừng kì vọng lên người khác, ta sẽ ngừng phán xét và đón nhận mọi ưu khuyết điểm của họ.



Kết - Chân Dung Người Tối Giản

Để phác họa chân dung của một người tối giản, mình xin sử dụng 3 nét vẽ lớn:

-          Nét thứ nhất: Người tối giản phải là một người ĐỘC LẬP, tức phải làm chủ được cuộc sống, làm chủ được tư duy và làm chủ được cảm xúc của bản thân.

-          Nét thứ hai: Người tối giản phải là một người TỰ DO, tự do thể hiện bản thân, tự do làm điều mình thích và tự do theo đuổi giấc mơ.

-          Nét thứ ba: Người tối giản phải là một người HẠNH PHÚC trong sự biết ơn, tình yêu thương vô điều kiện và tận hưởng từng giây phút được sống.

Đó là những nét vẽ lớn, để có được những nét chi tiết và màu sắc hơn, xin mời các bạn cùng tìm đọc quyển NGƯỜI TỐI GIẢN – HÀNH TRÌNH TRỞ VỀ SỐ 0 của tác giả Phạm Quỳnh Giang, để cùng chắp bút và tô vẽ nên một chân dung người tối giản rõ nét hơn và thật phù hợp với bản thân các bạn nhé! 


Tác giả: Hải Đăng - Bookademy

------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,174 lượt xem