Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách “Nỗi Buồn Chiến Tranh” – Nỗi Ám Ảnh Tột Cùng Của Người Lính Trở Về Từ Chiến Tranh

“Chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người.”

Nỗi buồn chiến tranh là một trong những cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh hay nhất của tác giả Bảo Ninh, một nhà văn cựu chiến binh quân đội Bắc Việt Nam. Mạch truyện không theo một trình tự thời gian, không gian nhất định nào cả. “Trang nào cũng hầu như là trang đầu, trang nào cũng có vẻ là trang cuối”. Tất cả được ghi chép dựa trên hồi tưởng ngẫu nhiên, đan xen lúc quá khứ, lúc hiện tại của nhân vật Kiên. Tuy chiến tranh đã kết thúc, hòa bình được lặp lại nhưng những đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra, những tàn tích do chiến tranh để lại vẫn còn hiện hữu, tiếp tục ám ảnh tâm trí và hủy diệt thể xác con người.

Truyện không có bối cảnh cụ thể. Lúc thì ở chiến trường đạn bom khói lửa, lúc là Hà Nội êm đềm. Nhân vật chính của truyện là Kiên, một người lính thuộc cánh quân trinh sát. Kiên xuất thân từ một gia đình tri thức bình thường tại Hà Nội. Bố là họa sĩ, mẹ là Đảng viên. Vì xem bố Kiên như một kẻ lập dị, bà bỏ hai cha con khi Kiên còn nhỏ và tái hôn với người đàn ông khác, một nhà thơ đã về hưu. Mười bảy tuổi, giống như những thanh niên ngày ấy vì lí tưởng cao cả của dân tộc Kiên bỏ lại ước mơ vào đại học, tạm gác lại chuyện yêu đương, xung phong đi bộ đội, hăng say chiến đấu. Mười năm ở chiến trường khốc liệt, giành cả tuổi xuân tham gia chiến trận. Lúc hăng hái, lúc mệt mỏi, chán chường. Chiến tranh kết thúc, Kiên may mắn sống sót trở về. Thế nhưng mười năm chiến trận dài đằng đẵng, mười năm thời bình đã qua, khi đã vào tuổi tứ tuần, anh cũng không bao giờ thoát khỏi nỗi cơ đơn, tuyệt vọng, một nỗi buồn day dứt mà theo anh đó là nỗi buồn truyền kiếp của cha để lại.

Sau bao khắc nghiệt của chiến tranh, Kiên là người sống sót duy nhất của đội trinh sát năm xưa. Hết chiến tranh, Kiên hoạt động ở đội thu nhặt hài cốt tử sĩ. Sau đó trở lại quê nhà, bắt đầu sự nghiệp văn chương, sống cuộc đời hậu chiến vô định và ám ảnh. Những tưởng sống sót trở về là một điều may mắn. Thế nhưng cuộc đời khắc nghiệt hơn ta nghĩ. Quê nhà điêu tàn, người thân không ai chờ đợi, cô bạn gái mong mỏi gặp lại, gặp nhau lại lạnh nhạt, xa cách. Những hồi ức về chiến tranh, bom đạn, về những người đồng đội đã khuất nay biến thành những hồn ma không ngừng hiện hữu, chi phối tâm trí Kiên. “Theo dần năm tháng, những luồng sinh khí chết ấy đã đậm lại trong lòng anh, hòa vào tiềm thức trở thành bóng tối của tâm hồn anh. Dằng dặc trôi qua trong hồi ức của Kiên vô vàn những hồn ma thân thiết, lẳng lặng âm thầm kéo lê mãi trong đời anh nỗi buồn chiến tranh”

Người lính, tình đồng đội thiêng liêng, cao cả

Qua hồi ức của Kiên, chúng ta cảm nhận được rõ hơn về người lính trong thời chiến. Không đề cao chủ nghĩa anh hùng, người lính ở đây không được miêu tả vĩ đại, hào nhoáng như đa số các tác phẩm chúng ta đã đọc. Tính cách, thân phận của người lính trong Nỗi buồn chiến tranh được tác giả miêu tả một cách chân thực và trần trụi nhất. Họ chỉ là những thanh niên bình thường, sẽ học hành, làm việc, rồi có gia đình của riêng mình. Thế nhưng, chiến tranh ập đến, họ bị vứt vào cuộc chiến một cách tàn nhẫn, buộc phải dùng vũ khí, bắn giết lẫn nhau. Họ, dù là lính Bắc Việt, lính Mỹ hay lính Cộng Hòa thì mỗi người trong họ đều bị chiến tranh chà đạp, theo một khía cạnh nào đó.

Để thoát khỏi hiện thực thiếu thốn, các chiến sĩ trinh sát say sưa trong những làn khó hồng ma mộng mị. Người thoát khỏi hiện thực trở về những tháng ngày thơ bé êm đềm. Người tìm ảo giác về những buổi sum họp đoàn tụ. Người khoái lạc trong những cảnh làm tình tưởng tượng. Người say mê với sự ăn uống giả tưởng. Thời kì bài bạc, hút xách trôi qua lại đến thời kì của những lời đồn đại ma quái. Có lẽ những ám ảnh chết chóc không lúc nào là ra khỏi tâm trí của những người lính. “Chân trời chết chóc mở ra mênh mang, vô tận những nấm mồ bộ đội mọc lên nhấp nhô tựa sóng cồn”

Người lính không phải lúc nào cũng hăng hái chiến đấu. Như mảnh hồi ức của Kiên về chính anh.

Anh đón đợi cái chết, nhưng ngay cả nó, cái chết cũng tầm thường và vô vị. Kiên thản nhiên nhìn nhận nó với đôi chút ưu sầu, và đôi khi với cả niềm mỉa mai, kỳ cục như thế đấy. Tuần trước khi đụng độ với bọn viễn thám ở bên kia núi, Kiên đã thực sự vờn mặt với tử thần. Trong khi tất cả ta và địch đang nhanh chóng tản khai, nhào núp … và bắn loạn xạ thì  Kiên cứ lừng lững tiến thẳng lên. Khẩu AK của tên địch … dồn dập nã. Kiên chẳng buồn khom người xuống, thong thả đi tới, vẻ khinh thị đầy uể oải. Tên áo rằn hấp tấp bắn… Đạn nổ inh tai… Anh vẫn không bắn trả… Tuồng như anh muốn ban cho kẻ địch cơ hội để sống còn: kịp thay băng, ngắm kĩ mà bắn gục anh.

Đã có lúc họ đã chiến đấu một cách hững hờ, với sự mệt  mỏi âm thầm như vậy.

Hay mảnh ký ức về Can. Một người lính mẫu mực “cố gắng tu dưỡng,… hoàn thành nhiệm vụ, không cãi cấp trên, không rượu, không hồng gai, không đánh bài, sục gái, văng tục cũng không”. Chiến tranh đã khắc nghiệt đến nhường nào mà một người lính gương mẫu như thế lại có ý định đào ngũ. “Thắng hay thua, kết thúc mau hay kết thúc chậm, với tôi chẳng nghĩa lí gì nữa… Đời tôi tàn rồi nhưng dù thế nào tôi cũng phải gặp lại mẹ, phải nhìn thấy làng tôi…” Để rồi phải nhận một cái chết chẳng mấy vinh quang “cái xác lở loét, ốm o như xác nhái bị dòng lũ xô tấp lên một bãi lau lầy lụa. Mặt của xác chết bị quạ rỉa, miệng nhét đầy bùn và lá mục, nom cực kì tởm. Và thối thật là thối”. Sau đó không ai nhắc tới Can nữa. Người ta chóng quên Can như những người đã ngả xuống khác. “Tên tuổi, hình hài một con người đã từng vào sinh ra tử không kém cạnh ai và vốn hoàn toàn không phải đồ tồi đã đột ngột chìm nghỉm đi”. Cái chết đau đớn của Can Kiên không tài  nào gột ra khỏi tâm trí. Từng lời nói, tiếng nức nở, nghẹn ngào của Can bên bờ suối năm đó vẫn ám ảnh đến rùng mình mỗi khi Kiên nhớ lại.

“Dưới lòng sâu đất ấm của đại ngàn họ chung nhau một số phận. Không có người vinh kẻ nhục không người hùng kẻ nhát, không có người đáng sống và kẻ đáng chết. Chỉ người tên tuổi còn đó, người thì thời gian đã xóa mất rồi, và người thì còn chút xương, người chỉ đọng chút bùn lỏng”

Bên cạnh cái khắc nghiệt, trần trụi của chiến tranh, tồn tại trong Nỗi buồn chiến tranh là tinh thần đồng đội thiêng liêng, đức hi sinh cao cả của những người lính. Trong mười năm nơi chiến trường, Kiên nhiều lần may mắn thoát chết. Đó là nhờ sự hi sinh của đồng đội. Ví như Tâm, người đồng đội vào sinh ra tử có nhau của Kiên trong đội trinh sát. Đứng trước tên lính dù hung hãn, trước bờ vực của cái chết, Tâm đã vờ đầu hàng rồi bất ngờ nhào tới, túm lấy chân tên lính dù rồi cùng hắn lộn nhào xuống lòng con mương sói.

Hay một mảnh kí ức bi thảm, thương tâm và hiểm nghèo về sự hi sinh của Hòa, một cô gái giao liên gốc Bắc. Hòa đi B từ năm mười tám tuổi. Đã hai năm làm giao liên, nhưng đường rừng vẫn làm Hòa lú lẫn. Trong lúc cùng Kiên tìm đường để đưa đoàn thương binh đến nơi an toàn, Hòa lựa chọn hi sinh. Khi phát hiện bọn Mỹ, Hòa tìm cách ra xa, bắn chết hai con chó béc-giê to lớn. Hòa đánh lạc hướng bọn Mỹ để Kiên có cơ hội trốn thoát, đưa được đồng đội về căn cứ. Chuyện hi sinh của Hòa cũng chẳng ai hỏi rồi cũng chẳng ai nhớ. “Có lẽ đức hi sinh, sự quên mình là cái gì quá giản dị, dễ nhớ, dễ quên. Một người ngã xuống để người khác có thể sống, chuyện đó quá thông thường.”

Những cái chết của đồng đội, như Tâm, như Hòa và cả những sự hi sinh thầm lặng khác, suốt đời như giằng xé nội tâm Kiên. Đau xót. Chua chát. Và buồn biết bao  nhiêu. Với Kiên, họ là những người ưu tú nhất, tốt đẹp nhất, những người xứng đáng được sống hơn bao giờ hết. Thế mà… Những con người ưu tú ấy đều đã gục ngã, bị chà đạp, hành hạ bởi bạo lực tăm tối. Họ đã mãi nằm lại nơi rừng sâu, có khi chẳng còn được nhớ tới. “Cuộc sống này cảnh trời êm biển lặng này là cả một nghịch lí quái gở”

Nỗi ám ảnh thời hậu chiến

Nỗi ám ảnh về chiến tranh len lỏi trong cả thứ văn chương Kiên viết. Kiên muốn những điều vui vẻ, viết những câu chuyện giản dị thường ngày về những người hàng xóm. Nhưng dù Kiên có cố gắng như thế nào thì chiến tranh, bằng một cách nào đó cũng len lỏi trong bản thảo của anh. Có lẽ, do chứng kiến nhiều cái chết và thấy nhiều xác chết đến thế mà tác phẩm của Kiên đầy rẫy những tử thi. Những xác chết, những âm thanh vọng về từ cõi âm vẫn luôn hiện diện, chi phối cảm xúc, lời văn của Kiên. Như tên gọi của cuốn tiểu thuyết, những đoạn kí ức rời rợt, không liên kết của Kiên, dù có là kỉ niệm vui thì đọng lại trong lòng độc giả vẫn là những nỗi niềm chua xót.

Những người lính trở về từ chiến tranh, ai cũng mang trong lòng một nỗi ám ảnh. Ám ảnh về tình người, về nhân tính. Những con người vô tội bị ném vào cuộc chiến tranh ác liệt. Dù họ là ai, ở bên nào của chiến tuyến, đều bị biến thành những kẻ sát nhân tàn bạo. Tay họ cầm vũ khí, từ thô sơ đến hiện đại, bắn giết chính đồng loại của mình. Có biết bao nhiêu người “thức tỉnh” như Can, ngán cảnh chém giết đồng loại ngay trong chiến tranh. “Tôi không sợ chết, nhưng cứ bắn mãi giết mãi thế này thì chết hoại tình người”. Có bao nhiêu người, chiến tranh đã biến họ thành những con người vô cảm, lãnh đạm, đối xử với người khác không bằng một con vật. Như cái cách tay dọn xác chết kéo lê cái xác chết phụ nữ ở Tân Sơn Nhất vào ngày chiến thắng. Hay nỗi ám ảnh của Phán về tay lính Ngụy mà anh không thể cứu năm xưa. Vài phút trước là kẻ thù, đã đánh nhau mấy ngày đêm bất phân thắng bại. Sau khi tay lính Ngụy bị thương, ngã nhào về phía Phán, chính Phán đã đâm anh ta nhiều nhác dao, vào ngực, vào bụng. Rồi chính Phán là người đã cuống cuồng tìm cách cứu anh ta. Hai tiếng gọi Ngụy ơi! Ngụy ơi! của Phán nghe mà xót xa. Lúc này họ không là kẻ thù của nhau nữa, còn xót lại vào phút cuối chỉ là một thứ tình cảm rất con người. Mãi cho đến nhiều năm sau, hình ảnh tay lính Ngụy thoi thóp trong vũng nước vẫn còn đọng lại trong tâm trí Phán. Nỗi dằn vặt đó không biết khi nào Phán mới nguôi ngoai.

Một nỗi ám ảnh mang tên tình yêu

Tồn tại trong Nỗi buồn chiến tranh là một nỗi buồn mang tên tình yêu. Nhắc đến tình yêu người ta nghĩ ngay đến những điều hạnh phúc. Thế nhưng tình yêu trong Nỗi buồn chiến tranh lại chỉ mang đến hai chữ thương tâm. Những con người trẻ tuổi ấy, ở độ tuổi khát khao tình yêu ấy, lại phải tham gia vào chiến trường máu lửa. Ngay cả Kiên cũng đau lòng về mối tình chung đụng của các đồng đội và ba cô gái Hơ bia, Mây và Thơm. Dẫu phi lí, tội lỗi nhưng cũng làm người ta đau đớn, xót xa thương. Có lẽ tác giả đã bi kịch hóa các tình tiết để tác phẩm nhuốm một màu buồn chân thực hơn. Nhưng có lẽ, đó là hiện thực. Chiến tranh vẫn tàn khốc như thế. Những con người, những mối tình thời chiến đã chẳng thể có được một cái kết trọn vẹn. Như mối tình của Kiên và Phương, tưởng chừng hạnh phúc nhưng cuối cùng lại hóa khổ đau. Họ là bạn từ thuở bé, lớn lên bên nhau, yêu nhau như một lẽ thường. Nếu như, vẽ một bức tranh mà chiến tranh không tồn tại. Hai người họ sẽ vào đại học. Yêu nhau như bao đôi lứa khác, cưới nhau rồi có một gia đình hạnh phúc. Bức tranh ấy, tất nhiên đã chẳng thể tồn tại. Kiên gác lại ước mơ, vào Nam theo tiếng gọi của tổ quốc. Phương ở lại quê nhà tiếp tục sự nghiệp học hành. Lại nói chuyện nếu như, Phương cứ thế ở Hà Nội học tập, Kiên chiến đấu mười năm trở về. Họ lại có một cái kết có hậu. Thế nhưng, chiến tranh mà. Gặp gỡ, chia li là chuyện thường tình. Một mối cơ duyện nào đó khiến hai người gặp lại tại ga Hàng Cỏ. Bi kịch bắt đầu từ đó. Kiên lờ mở hiểu, độc giả chúng ta hiểu. Chuyện gì đã xảy ra với Phương chuyến tàu vào Vinh, cớ sao Phương lại chọn sống một cuộc đời như thế, lại chọn không thể bên Kiên dù hai người còn yêu nhau thắm thiết. Năm đó, họ hiểu lầm nhau rồi xa nhau biền biệt. Đến khi biết được sự thật thì mọi chuyện cũng chẳng để làm gì.

“Ở đời có những chuyện khi cần biết thì ta không biết không hiểu, khi biết được, hiểu được thì đã chẳng còn để làm gì nữa. Tuy thế thì biết được vẫn hơn là không.”

Lời kết

Tác phẩm không nhắc nhiều về chiến tranh, chủ yếu là khắc họa tâm trạng của người lính trong chiến tranh và sau chiến tranh. Chiến tranh kết thúc nhưng những người sống sót trở về từ chiến tranh lại chẳng thể nào nhẹ nhõm và hạnh phúc. Hòa bình lập lại, họ có vui mừng, có hân hoan. Nhưng niềm vui ấy không thể kéo dài vài tiếng đồng hồ. Họ thấy mình lạc lõng, trống trải. Quá quen với cảnh chém giết trong thời chiến, họ lại thấy mình trong thời bình, vô dụng và vô vị. Mưa bom bão đạn đã không giết chết được những con người nhỏ bé ấy. Nhưng vào thời bình, chính những nỗi buồn, nỗi ám ảnh về chiến tranh lại là liều thuốc độc từ từ gặm nhấm thể xác và tâm hồn họ. Chiến tranh để lại những gì? Ngoài những hệ quả về vật chất, nó để lại những nỗi buồn triền miên, dai dẳng trong tâm hồn những người lính may mắn sống sót.


 Tác Giả: Vân Nguyễn - Bookademy

---------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
Tham gia Bookademy Team để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,720 lượt xem

lh-fulllh-x