Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách "Nói Thế Nào Để Được Chào Đón, Làm Thế Nào Để Được Ghi Nhận": Biết Ăn Nói Sẽ Có Được Thiên Hạ

 

“Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Ngoài học trên sách vở, con người còn phải học những kĩ năng giao tiếp, ứng xử để có thể thành công trong cuộc sống. Ta không thể nào áp những tri thức dài dòng trong sách vở vào những tình huống giao tiếp bất ngờ trong cuộc sống mà thay vào đó là cách ăn nói thật khéo léo, thông minh. Những người thành công trong cuộc sống đều đạt được điều họ muốn nhờ khả năng ăn nói khôn ngoan. Một lời từ chối khéo léo dù là từ chối nhưng sẽ làm vừa lòng người nhờ vả hơn là một lời từ chối thẳng toẹt.

Không ai sinh ra là đã khéo ăn, khéo nói mà đó là cả quá trình tập luyện. “Nói thế nào để được chào đón, làm thế nào để được ghi nhận” do Trịnh Tiểu Lan chủ biên và dịch bởi Thu Trần, một cuốn sách tích hợp những kinh nghiệm được bởi những bậc thầy giao tiếp sẽ giúp bạn có cách nói khiến người ta tâm phục khẩu phục. “Hãy học hỏi từ các bậc thầy chiến lược, nghe họ nói, xem họ làm, rồi bạn sẽ tỏa sáng”.

 

Nói thế nào để được chào đón

1. Căn cứ vào thân phận, địa vị của đối phương để nói chuyện 

Tục ngữ có câu “Liệu cơm gắp mắm”, chúng ta khi nói chuyện cần căn cứ vào thân phận, địa vị của đối phương để phù hợp với lễ nghi xã giao cơ bản và nhu cầu tâm lý của người nghe. Trong các trường hợp khác nhau, trước những đối tượng khác nhau, thì ta sẽ có những thân phận và địa vị khác nhau, vì vậy cách đối xử với từng người cũng khác. Ví dụ ở nhà, bạn có thể là phụ huynh nghiêm khắc, nhưng trong công việc, địa vị của bạn được quyết định bởi chức vụ hoặc mức độ coi trọng của mọi người trong cơ quan

2. Căn cứ vào biểu cảm khuôn mặt của đối phương để nói chuyện

Nếu chúng ta hiểu được tâm lý của người khác qua biểu cảm trên khuôn mặt để nói những lời làm họ vui vẻ thì dĩ nhiên là rất tốt. Nhưng khi quan sát biểu cảm của đối phương không nên nhìn chằm chằm vào đối phương khiến họ mất tự nhiên. Hơn nữa nên căn cứ vào biểu cảm của đối phương và nhanh chóng đưa ra phản ứng. Chẳng hạn, khi bạn đang nói đi nói lại một chuyện và trông đối phương có vẻ không chú tâm thì bạn nên hiểu ý và dừng chuyện đó lại và đổi đề tài khác để cuộc nói chuyện tốt đẹp hơn. Biết phân tích biểu cảm khuôn mặt sẽ khiến bạn trở thành một người lịch sự, đúng mực trong giao tiếp.

3. Căn cứ vào tính cách của đối phương để nói chuyện

Người có tính cách nhiệt tình, hào sảng, ghét người khác vòng vo tam quốc, thì tốt nhất bạn nên nói thẳng, nếu không sẽ để lại ấn tượng xấu, dễ bị hiểu lầm thành người “cố làm ra vẻ” với đối phương; người tính cách hướng nội, bạn cần dẫn dắt một cách thích hợp, để đối phương nói nhiều hơn bạn, như thế bạn mới hiểu thêm thông tin về đối phương, đối phương cũng sẽ cảm thấy bạn là người thú vị; đối với người có tính cách cứng nhắc, ngoan cố, bạn không được lấy đá chọi đá mà cần phải khéo léo từng bước. Tóm lại, chúng ta phải căn cứ vào tính cách khác nhau của mọi người để điều chỉnh phương thức nói chuyện của mình cho phù hợp.

Rèn luyện tài ăn nói để không đắc tội với người khác

1. Không cần tranh chấp để giải quyết vấn đề

Tranh chấp sẽ chỉ làm tăng thêm sự hiềm khích giữa hai bên, không thể giải quyết được vấn đề. Để cố gắng kiềm chế cảm xúc và giải quyết vấn đề, hãy thử đồng ý với sự phê bình của đối phương. Một khi bạn tiếp nhận sự phê bình của đối phương, thì đối phương sẽ nhìn bạn bằng con mắt thân thiện hơn, từ đó tiếp nhận ý kiến hợp lý của bạn. Thứ hai, nhận lỗi với thái độ tích cực. Khi bạn thừa nhận lỗi lầm, nói là mình chưa tốt, đối phương sẽ nhanh chóng ghi nhận sự tốt bụng của bạn và sẽ không tiếp tục tranh chấp với bạn nữa.

2. Có lý nhưng vẫn nhún nhường mới là người độ lượng

Không ai là hoàn mỹ cả, vì vậy chúng ta cần học cách nhượng bộ dù chúng ta có thể đúng. Có lý mà không chịu nhượng bộ thì cũng thành vô lý. Ta cần nhìn vào ưu điểm của đối phương, khoan dung với họ và họ sẽ khoan dung với ta. Biết đâu cùng một sự việc, nhưng khi ta làm cũng sẽ tệ như họ hoặc thậm chí còn hơn thế. Vì thế đừng tự cho mình là đúng mà đi oán trách, phê bình đối phương.

3. Đứng trên lập trường của đối phương để nói chuyện

Khi nói chuyện, nếu ta đứng trên lập trường của đối phương để nói chuyện thì sẽ tạo cảm giác thân thiết hơn cho đối phương, khiến họ có cảm bạn đứng cùng phe với họ.“Rất nhiều người đều quen đứng trên góc độ của mình để suy nghĩ vấn đề, căn cứ vào cách thức tư duy của bản thân để nói chuyện, như thế có thể sẽ làm tổn thương đến lòng tự trọng của đối phương. Có lẽ bạn không có ác ý, nhưng bởi bạn không cảm nhận được tâm trạng của đối phương, không suy nghĩ đến những tổn thương mà lời nói của mình, không suy nghĩ đến những tổn thương mà lời nói của mình mang lại cho đối phương, nên đối phương sẽ nghĩ bạn là người đối đầu với mình”.

4. Chú ý giữ thể diện cho đối phương

Ai cũng đều có cái “tôi” cá nhân lớn, nên đều hy vọng mình sẽ nhận được sự tôn trọng và mong thể diện của bản thân được bảo vệ, giữ gìn. Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta sẽ gặp phải những tình huống khó xử, vì thế hãy biết cách cư xử tế nhị trước nỗi khó xử của người khác. Khi người khác có nói sai, làm sai chuyện, chúng ta sẽ vờ không thấy gì, sau khi xử lý thì xong thì chúng ta hãy nhắc đến. Nhất định không được tỏ vẻ coi thường, bởi như vậy thể hiện không lịch sự.

Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ

1. Dùng ngôn ngữ cơ thể rút ngắn khoảng cách đôi bên

Trong khi trò chuyện, ngôn ngữ cơ thể thường được dùng để biểu đạt tình cảm, trạng thái. Nếu động tác của hai người có điểm giống nhau thì sẽ nhanh chóng rút ngắn khoảng cách tâm lý giữa hai bên. Một số hành động có thể nhanh chóng chiếm được cảm tình của đối phương là:

(1) Nở nụ cười: Mỉm cười là phương thức trực tiếp nhất, đơn giản nhất để chúng ta nhận được sự chào đón của ai đó. Mỉm cười tạo ra cảm giác thân thiện, giúp ta dễ làm thân với nhiều người.

(2) Dang rộng đôi tay: Khi bạn dang rộng đôi tay chào đón, đối phương sẽ cảm giác thân thiết với bạn vì họ có cảm giác được đón nhận. Ngược lại, nếu bạn đứng khoanh tay hoặc ngồi im thì đối phương sẽ cảm thấy bị ghẻ lạnh, sẽ rất không vui.

2. Nói tốt câu đầu tiên

Trong giao tiếp, con người không chỉ chú ý tới ấn tượng đầu tiên về vẻ ngoài và cách ăn mặc mà còn phải chú ý tới câu đầu tiên nên nói thế nào. Nói tốt câu đầu tiên thì ấn tượng tốt đẹp của bạn sẽ lưu lại trong lòng đối phương. Bạn nên gây ấn tượng tốt bằng câu đầu tiên bằng những hành động sau:

(1) Chủ động hỏi thăm: Chủ động hỏi thăm sẽ làm đối phương cảm thấy bạn rất chân thành, nhiệt tình, nhanh chóng xua đi tâm lý đề phòng, khiến hai bên thân thiết hơn.

(2) Câu đầu tiên phải gợi được sự cộng hưởng của đối phương: Khi nói câu đầu tiên, tốt nhất là làm sao để gợi lên sự đồng tình của đối phương, khiến đối phương dễ dàng tiếp cận bạn về mặt tình cảm.

3. Người biết tìm chuyện để nói mới là người bản lĩnh

Muốn trò chuyện thoải mái với người khác thì chúng ra phải biết tìm chuyện để nói. Nhưng chủ đề nói chuyện vừa phải thú vị, vừa phải theo tâm tính của mình, vừa theo ý thích của đối phương. Muốn vậy, ta phải bắt đầu từ những thứ thân thuộc với đối phương, sau đó tiết lộ hứng thú và sở thích của bản thân một cách thích hợp. Như thế, mọi người sẽ nói chuyện càng vui vẻ hơn.

 

Biết ăn nói, việc dùng người không còn khó

1. Quan hệ thân thiết đến thế nào thì cũng cần phải lễ phép

“Giao tiếp là một môn nghệ thuật, mà yếu tố quan trọng đầu tiên của môn nghệ thuật này chính là phải hiểu lễ nghi."

Những lễ nghi phép tắc cần thiết trong giao tiếp:

(1) Nói chuyện phải dùng kính ngữ: “Xin mời”,”cảm ơn”,”xin lỗi”, ba câu nghe có vẻ đơn giản này lại là những câu không thể thiếu trong giao tiếp hằng ngày. Đây là những lễ nghi chúng ta đều nên tuân thủ, cho dù quan hệ thân thiết tới mức nào cũng không được bỏ qua.

(2) Căn cứ vào hoàn cảnh trước khi nói: Chúng ta không thể nói năng một cách tùy tiện, không cần biết đối phương là ai, trong hoàn cảnh nào, như thế là cực kì thiếu lịch sự. Khi nói chuyện với người trên phải cung kính, trong các trường hợp lễ nghi phải nói năng đúng chừng mực, đây đều là những điều chúng ta nên lưu ý.

(3) Từ chối người khác phải khéo léo: Khi người khác nêu kiến nghị mà chúng ta không thể đồng ý, thì không được từ chối một cách cứng nhắc, trước tiên phải bày tỏ lời cảm ơn của mình, sau đó khéo léo từ chối, như vậy mới dễ dàng mang lại cho chúng ta mối quan hệ giao tiếp tốt đẹp.

2. Đưa ra vấn đề khiến người khác trả lời khẳng định

Khi chúng ta đưa ra câu hỏi cho người khác, tốt nhất đừng đưa ra câu hỏi trực tiếp khiến đối phương khó trả lời mà trước tiên hãy bắt đầu từ những câu hỏi liên quan khiến đối phương nới lỏng phòng bị.

(1) Câu hỏi quá khó để trả lời cuối cùng

(2) Sau khi nêu ra vấn đề, phải chú ý quan sát vẻ mặt của đối phương: Sắc mặt của đối phương đều có thể phản ánh vấn đề mà chúng ta nêu ra đã tạo ảnh hưởng tâm lý tới anh ta như thế nào, khi chúng ta phát hiện đối phương khó xử thì hãy thử đổi câu hỏi khác hoặc thay đổi cách đặt câu hỏi.

3. Bày tỏ suy nghĩ hay kiến nghị phải đảm bảo rõ ràng, chuẩn xác

(1) Phân tích cụ thể vấn đề: Khi đưa ra kiến nghị cụ thể, chúng ta hãy xem xét các mặt của vấn đề, xem xét một cách toàn diện, không được phán đoán chủ quan.

(2) Không được vội vàng nói: Hãy lắng nghe xem những người khác nói thế nào, sau khi tổng hợp ý kiến của người khác, mới nêu ra suy nghĩ hoặc kiến nghị có tính thiết thực.

 

Những lời nhất định không được nói

1. Những lời làm tổn thương lòng tự tôn, hạ thấp nhân cách của người khác cần hết sức thận trọng

Mạnh Tử nói: “Trong lời nói, chúng ta phải tôn trọng, bảo vệ tôn nghiêm của người khác, những lời nói ra khiến đối phương nghe mà thấy tâm trạng vui vẻ”. Chỉ cần trước khi nói, chúng ta biết suy nghĩ một chút, không được làm tổn thương đến sự tôn nghiêm cũng như bảo vệ tôn nghiêm của người khác thì sẽ nhận được sự tôn trọng của họ. Nếu làm được điều này thì khi làm việc, chúng ta sẽ giảm đi được rất nhiều trở ngại cho bản thân, đồng thời các mối quan hệ xã hội cũng nhờ vậy mà trở nên tốt đẹp hơn.

Để tránh nói ra những lời làm tổn thương đến người xung quanh, hãy thử suy xét những điểm sau:

(1) Tôn trọng nhân cách người khác: Mỗi người đều bình đẳng về nhân cách, vì vậy chúng ta phải đối xử bình đẳng với họ. Mỗi con người đều có tôn nghiêm của mình, vì vậy trong khi giao tiếp, chúng ta nhất định phải công bằng, chính trực, bình đẳng.

(2) Tôn trọng ưu điểm, bỏ qua khuyết điểm của người khác: Không ai là hoàn hảo, mỗi người đều có ưu cũng như nhược điểm và thiếu sót của mình. Chúng ta không được cười nhạo, coi thường khuyết điểm của người khác, phải đối xử công bằng với mọi người.

2. Thay đổi câu cửa miệng thiếu lịch sự

(1) Nhất định phải nhận thức được sự nguy hại của những câu cửa miệng không hay, để bản thân sinh cảm giác căm ghét: Chúng ta cần tăng cường loại bỏ “rác thải ngôn ngữ” và khắc phục thói quen này ngay trong tư tưởng. Phải có động cơ mãnh liệt thì hiệu quả sẽ càng cao.

(2) Phải trung thành với lời hứa, thay đổi câu cửa miệng không hay, không kiếm cớ để từ bỏ: Nếu chúng ta bỏ qua một hành vi không tốt thì sau đó có thể sẽ bỏ qua cả nghìn lần. Bởi vậy, trước mỗi lần nói, chúng ta phải nhắc nhở bản thân, thay đổi phản xạ có điều kiện trước đây.

(3) Để những người bạn, người thân xung quanh giám sát bản thân: Khi câu cửa miệng không hay của chúng ta vừa đến miệng, bên cạnh có người kịp thời nhắc nhở, chúng ta sẽ dừng lại; lâu dần sẽ thành thói quen, khi chúng ta có ý định nói ra sẽ ngăn chặn được ngay.

3. Hạn chế bàn tán về bất cứ người nào

Nói xấu sau lưng bị người khác phát hiện sẽ không có được kết quả tốt đẹp. Hoặc là bị người khác coi thường, hoặc là bị người ta nhục mạ. Trước khi chuyện phiếm của người khác, nếu chúng ta có thể nghĩ tới hậu quả như vậy thì sẽ rất thận trọng

4. Nói chuyện không nên nói quá

(1) Không nói lời xung khắc: Khi đối phương nói lời xung khắc, chúng ta không được tiếp lời, đẩy mâu thuẫn lên cao mà phải khéo léo thuyết phục để đối phương đứng về phía mình. Không nên làm căng sự việc và cuộc nói chuyện, nếu không cả hai sau này gặp mặt đều rất khó xử.

(2) Chú ý ngữ khí của bản thân: Khi đề cập tới vấn đề mang tính nguyên tắc, chúng ta nên dùng ngữ khí nhẹ nhàng để bày tỏ yêu cầu hoặc nguyện vọng, không nên tạo cho đối phương cảm giác uy hiếp trong lời nói; nhất định phải dùng ngữ khí ôn hòa để thương lượng, bàn bạc hoặc trưng cầu ý kiến khiến đối phương cảm nhận được sự thân thiết của mình.

(3) Tránh nói khoác: Chúng ta nói nhiều nhưng không làm được, người khác sẽ nghĩ rằng chúng ta đang nói khoác, không có bản lĩnh thật sự, sẽ khiến bản thân bị chán ghét, coi thường.

 

Tìm hiểu người khác trong một phút

1. Học cách thăm dò ý tứ qua lời nói và sắc mặt của đối phương

(1) Quan sát và thỏa mãn nhu cầu của đối phương: Trong cuộc sống hằng ngày, tốt nhất chúng ta cần quan sát biểu cảm của đối phương. Chúng ta cần nhạy cảm ngay cả với chi tiết nhỏ, nhìn rõ nhu cầu của đối phương, đồng thời thỏa mãn nhu cầu này của đối phương.

(2) Nghe chủ đề nói chuyện mà đối phương đề cập: Qua chủ đề mà đối phương nói chúng ta có thể nhìn ra con người họ như thế nào. Trong lúc nói chuyện con người sẽ vô tình thể hiện tính cách của mình, chúng ta có thể căn cứ vào đó để nhìn ra suy nghĩ của đối phương.

2. Thông qua trò chuyện đơn giản, nhìn thấu tâm lý đối phương 

  • Thông qua tốc độ và ngữ khí khi nói chuyện 
  • Thông qua âm điệu của đối phương
  • Thông qua cách nói chuyện

 

Kết

Trong xã hội “mở” ngày nay, mỗi người đều không thể tồn tại độc lập, đều phải giao tiếp với nhau cho dù là trí thức hay lao động chân tay. Nhưng trong một vài tình huống giao tiếp gặp phải những người khó giao lưu, chúng ta phải biết được cách gợi chuyện, giao tiếp khiến cho người ta phải “lột bỏ” vỏ ngoài lạnh lùng của họ. Cuốn sách “Nói thế nào để được chào đón, làm thế nào để được ghi nhận” sẽ dạy bạn những tuyệt chiêu giao tiếp vô cùng sắc sảo và khéo léo với cách giải thích dễ hiểu, ngắn gọn dựa trên phân tích tâm lí học, giúp bạn trở thành cao thủ giao tiếp.

 

Tác giả: Ngọc Mai - Bookademy

---

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,693 lượt xem