Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách “Sapiens: Lược Sử Loài Người”: Bước Đi Trong Vô Định.

Một hành trình đi xuyên suốt toàn bộ lịch sử của loài người, Homo Sapiens, được gói gọn trong 500 trang sách. Nhưng đó không chỉ là những lời văn lướt qua từng điểm đến lưu đầy dấu chân của Sapien, mà còn là chuyến đò trôi vào sâu tận nội tâm và cách nghĩ của loài người tinh khôn, hiện đại, chúng ta hay Homo Sapien. Sapiens: lược sử loài người, một cuốn sách chán ngắt nhưng đáng đọc. Bởi lẽ những chi tiết thú vị nhất của nó, cũng giống như chính cách tác giả định nghĩa hạnh phúc: yếu ớt, le lói nhưng rực rỡ.

Mở đầu Sapien là hành trình của loài người ở thuở ban mai của nhận thức. Cuộc hành trình bắt đầu bằng việc tiết lộ từ những bí mật động trời của loài người chúng ta: Homo Sapiens có anh chị em, rằng chúng ta không phải là giống “con người” duy nhất trên Trái đất hay Sapiens là giống loài không khoan dung, một tay che trời huỷ diệt gần như tất cả các tộc người khác, đến những bí mật không mấy động trời như chúng ta là loài săn bắt hái lượm chứ không sử dụng chảo để chiên, nuôi lấy thịt, súng để săn như ngày nay. Tác giả đã vẽ nên một bức tranh toàn cảnh 70000 năm quá trình tiến hoá của con người với sự nhấn mạnh ở ba cuộc cách mạng lớn: Nông Nghiệp, Nhận Thức và Khoa Học. Mỗi cuộc cách mạng mang đến cho Sapiens sự chuyển biến rõ rệt trong đời sống, trật tự xã hội và khả năng tư duy, qua đó cũng làm bật lên được nét riêng biệt của loài Sapiens.

Dĩ nhiên, nếu Sapiens của Yuval Harari chỉ đơn thuần là một bản báo cáo khoa học hơn năm trăm trang về từng bước đi của con người xuyên suốt 70000 năm lịch sử thì sẽ là một bất ngờ lớn khi Bill Gate khuyến khích chúng ta mỗi người nên có 1 quyển và sau khi đọc xong, họ nên ngồi lại với những Homo Sapiens khác và nói về nó. Yuval Harari, với một nền tảng kiến thức sâu rộng trải dài từ lịch sử thế giới, Trung cổ đến nhân học, triết học, tôn giáo và cả sự liên quan đến sinh học, đã dán đầy trên những trang giấy trắng toàn chữ với chữ. Chính điều này phần nào cũng làm nản chí những độc giả của ông. Quá nhiều kiến thức được ngưng tụ dưới dạng chữ viết. Nhưng chính những kiến thức mang tính khoa học ấy lại là nền tảng và cơ sở để ông biện luận và chứng minh cho những quan điểm rất riêng của mình về cảnh quan chung của thế giới, xung quanh ông: từ phân biệt chủng tộc, nữ quyền cho đến bản chất của việc lần mò tìm kiếm hạnh phúc.

 

Chương 1: Cách mạng nhận thức

“Nhận thức”, nghe thật đao to búa lớn, nhưng thật vậy, ở những ngày đầu sơ khai, con người đã có những bước tiến vĩ đại trong nhận thức. Chuyển mình từ loài đi bằng bốn chân hơi khom khom cái lưng, bộ não của Sapiens to lên, mạng lưới noron phát triển phức tạp, loài người thuở bấy giờ phát hiện cách chế tác ra lửa, xây dựng nên một nền văn hoá biết “ăn chín uống sôi”, sưởi ấm khi giá rét hay phóng hoả có chủ đích, tạo nên những đồng bằng xanh mới vốn tưởng đã khô cằn éo úa. Với một nền tảng kiến thức tương đối, khả năng thích nghi, Sapiens lúc bấy giờ quyết định phiêu bạt giang hồ, rời bỏ Châu Phi để đặt chân đến Châu Âu và Đông Nam Á. Và tại đây, những sản phẩm handmade đầu tiên được ra đời. Trước là phát minh ra tàu thuyền, đèn dầu, cung tên và kim khâu, sau là những đồ mỹ nghệ mang tính nghệ thuật cao như trang sức. Nhưng có lẽ sản phẩm then chốt đã tạo nên cuộc sống và xã hội loài Sapiens hiện đại chúng ta chính là tưởng tượng cùng nhau.

Trí tưởng tượng được chắp cánh bay xa. Mỗi ngày sau khi làm việc kiếm ăn lam lũ, Sapiens trở về nhà ngồi tán dóc với nhau. Nội dung của những cuộc tán dóc đã trở thành những mối liên kết tạo nên một trật tự xã hội tưởng tượng với sự phân tầng giai cấp, với sự cả tin vào những huyền thoại cổ tích.

Chương 2: Cách mạng Nông Nghiệp

Yuval đã đặt cho cuộc cách mạng này một cái tên khá cay cú: Sự lừa dối lớn nhất lịch sử. Tại sao vậy? Khi ở Cách mạng Nông Nghiệp, Sapiens không còn là những hiệp khách giang hồ lang thang phông bạt trong vô định nữa mà họ đã biết yên bề gia thất, chọn một vùng đất đề an cư lập nghiệp. Những hiệp khách ấy đã trở thành nông dân đích thực, làm việc ngày đêm để tạo ra lương khô, vốn là lúa mì.

Hệ quả của việc làm việc chăm chỉ tạo ra rất nhiều lương khô là một hệ thống phân tầng xã hội với sự xuất hiện của vua chúa, địa chủ, nhưng nghĩ mà xem, chẳng phải nếu so sánh nông dân bây giờ so với hiệp khách khi xưa, thì rõ ràng với nguồn lương thực dồi dào và ổn định hơn, lý ra chất lượng cuộc sống của nông dân phải tốt hơn hiệp khách nhiều chứ? Câu hỏi này, vốn là một trong những ý tưởng chủ đạo của sách, đã mở ra nhiều luận điểm tranh cãi. Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu có chiều sâu, Yuval cho rằng, hiệp khách sống chất lượng hơn bởi họ chỉ hái lượm để vừa đủ ăn, phần thời gian còn lại dùng để hội họp nhóm chém gió hay bắt chí cho nhau, tận hưởng một cuộc sống vô cùng nhẹ nhàng. Trong khi đó, Nông dân phải đầu tắt mặt tối, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, làm từ sáng đến tối, không một phút giây ngơi nghỉ chứ đừng nói đến có thời gian chém gió, mà kết cục cũng chỉ để tích luỹ lương thực cho giai cấp cầm quyền cao hơn. Chính câu trả lời này cũng mở ra một lời giải thích cho thế giới Sapiens hiện đại. Những hậu duệ của nông dân thời ấy, không còn phải cắm mặt trên đồng ruộng nữa, mà những đôi mắt của họ dán vào màn hình vi tính, sổ sách. Đó là Nhật Bản, Mỹ, Việt Nam hay những đất nước mà áp lực cuộc sống kinh khủng khác. Những Sapiens hiện đại này quên mất khả năng cảm thụ cuộc sống, làm việc quần quật. Kết cục họ cũng chẳng hơn gì chính tổ tiên của mình, những hiệp khách. Yuval cho rằng chính lòng tham của con người là nguyên căn của mọi sự đau khổ. Đối với một người nghèo khổ, 100 triệu sẽ là một món quà từ Chúa, nhưng với một thương gia, khi đã quá quen với những khoản đầu tư hàng tỉ đồng, thì số tiền ấy dường như quá bé. Điều kiện sống càng được nâng cao, thì con người lại càng mưu cầu nhiều hơn nữa.

Cũng ở chính cuộc cách mạng này, Yuval cũng đã mở ra một cuộc tranh luận về bản chất của vấn đề phân biệt chủng tộc và những cuộc đấu tranh.

Nhà khoa học không tiếp cận vấn đề bằng việc mù quáng đấu tranh cho phân biệt chủng tộc. Không hô hào. Không biểu tình bằng ngôn ngữ. Bằng việc so sánh, phân tích sự khác biệt giữa các đặc điểm cơ thể của những giai cấp bị phân biệt: như người da màu hay phụ nữ. Bằng chính góc nhìn sinh học, Yuval đã chứng minh được sự bình đẳng đáng có giữa các màu da, rằng là người da màu cũng có khả năng tư duy, tưởng tượng, yêu thương và chia sẻ hệt như những người da sáng màu khác. Chẳng phải yêu thương và chia sẻ là mấu chốt để tạo nên một con người hoàn chỉnh? Cũng với chính những lý lẽ đầy cơ sở như vậy, ông cho thấy rằng phụ nữ được sinh ra với thiên chức là một người mẹ, qua năm tháng, thiên chức ấy đã ban cho người phụ nữ những phẩm chất mà giới nam phải ghen tị: sự mềm mỏng, tinh tế, nhạy cảm, và khả năng đồng cảm ở mức độ sâu sắc hơn giới nam rất nhiều.

Thêm vào đó, Yuval đã đưa ra một góc nhìn thú vị. Theo như cách chúng ta đã biết ở Cách Mạng Nhận Thức, Sapien đã có khả năng tưởng tượng rất phong phú vào phức tạp, và chính trị, trật tự xã hội, tất cả của thế giới con người bao gồm cả sự phân biệt đối xử với phụ nữ và người da màu, đều là sản phẩm của trí tượng tượng bậc cao, chi chít những chi tiết đan xen với nhau tạo ra thực tại chúng ta đang sống. Đó cũng là một nỗi hoài nghi về ý nghĩa của mọi thứ từ Yuval. Ý của anh là gì? Đối với anh, mọi thứ là vô nghĩa, cuộc sống chỉ đơn thuần là sự vận động của thời gian, con người cũng như bao con vật khác, cảm nhận cuộc sống một cách vô nghĩa. Nếu cuộc sống có ý nghĩa với con người thì tại sao nó lại không có ý nghĩa với con vật khác? Mà chúng ta, Sapien hiện đại vẫn hay vin vào một cuộc sống ý nghĩa để đưa ra một định nghĩa tương đối cho hạnh phúc. Vậy nếu hạnh phúc chỉ là một phản ứng sinh hoá cơ bản trong con người thì sao? Đây cũng là ý tưởng chủ đạo còn lại của cuốn sách.

Chương 3: Sự thống nhất

Rồi thì thời kì ăn lông ở lỗ gần như cũng trôi vào quên lãng. Nông dân cũng rũ bỏ đi những tiềm chất của hiệp khách còn sót lại. Sapiens giờ đã chuyển lên một thứ bậc cao hơn với sự xuất hiện của nhiều hình thái quốc gia và đế chế, cộng với sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản và những định lý kinh tế từ Adam Smith, ở chương này, Yuval đã cho thấy quá trình lập quốc của Sapiens và sự toàn cầu hoá.

Dĩ nhiên, khi một hình thái kinh tế xuất hiện, hoạt động buôn bán, thương mại phát triển, tất yếu sẽ kéo theo sự ra đời của đồng tiền. Hai mặt của đồng tiền được cho rằng Mua và Đầu Tư. Chính ở hai hình thái này đã tạo ra nhiều chủ nghĩa như chủ nghĩa tiêu dùng, chủ nghĩa trải nghiệm liên tục thúc đẩy hành vi mua hàng của Sapiens qua đó góp phần tạo ra hàng loạt các thị trường khác nhau qua đó làm tiền đề ở những chương cuối, tác giả điểm qua những đế quốc thống trị, dẫn dắt những Sapiens hiện đại chúng ta qua những cuộc khủng hoảng kinh tế điển hình là cuộc khủng hoảng kinh tế Misisippi, hay quá trình lập quốc rồi trở thành siêu cường kinh tế như Hà Lan, qua đó tái hiện lại sự ra đời đầy vũ bão và hỗn độn của hệ thống tài chính hiện đại.

 

Cũng ở phần này, tác giả cũng điểm ra sự ra hình thành của các tôn giáo. Cái nôi và những giả thiết về thế giới được thống trị bởi một tôn giáo cũng gợi ra nhiều nét thú vị trong tranh luận.

Chương cuối: Cách mạng Khoa học

Ở tại thời điểm này, dường như các Sapiens đã đạt đến đỉnh cao trong khả năng tư duy và tận dụng trọn vẹn khả năng của não bộ. Những phát minh cứ nối tiếp nhau mà xuất hiện. Những loại kháng sinh, sự cải tiến trong quân sự, hay khoa học kĩ thuật cứ liên tục ra đời. Ở phần này, tác giả đã có những nghiên cứu rất sâu về bản chất của khoa học. Trải dài từ những nguyên căn cơ bản từ lối tư duy cho đến những động lực thúc đẩy sự tiến bộ vượt bậc của cuộc cách mạng vốn chỉ xấp xỉ 500 tuổi đời, quá nhỏ bé so với 2 người chị của nó, nhưng lại phát triển vũ bão.

Theo Yuval, sở dĩ Sapiens có khiếu làm khoa học là bởi sự hoài nghi. Những kẻ hoài nghi nhất đã không cho phép bản thân tin tưởng bất kì thứ gì. Từ những thể chế, nguyên lí rồi cả tôn giáo. Tất cả đều được đưa vào nghiên cứu. Chính sự ngờ vực mở đầu bằng “Tại Sao...”, Sapiens đã mở ra một chân trời kiến thức, từ y tế, quân sự cho đến những tri thức cải thiện đời sống của Sapiens.

Nhưng những nghiên cứu về sự hình thành của khoa học, cũng mở ra nhiều khía cạnh trong việc sử dụng nó. Nếu là tốt, thì có thể kể đến cuộc cách mạng Công nghiệp, với sự hiện đại hoá trong quy trình sản xuất, công nghệ sản xuất dây chuyền, những sản phẩm mới. Nếu là xấu, thì khoa học được sử dụng với mục đích cho chiến tranh như thế chiến I và II, ví dụ súng đạn, các vũ khí hoá học, vũ khí huỷ diệt như bom nguyên tử. Có thể nói, khoa học luôn lẽo đẽo theo sau là sự tiến bộ, khoa học tạo ra tiến bộ. Sự tiến bộ lại mưu cầu tham vọng. Và dĩ nhiên, ở Sapien cũng tồn tại tham vọng sử dụng khoa học để loại cái chết ra khỏi phương trình của cuộc sống.

Sẽ không bất ngờ một tí nào, nếu một nhà khoa học đang làm việc trong bộ phận “Làm sao để bất tử”, hoài nghi. Nhưng lạ lùng thay, nhà khoa học này lại hoài nghi về ý nghĩa của sự chết, vốn tự nhiên đã được mặc định là một cái gì xấu xa. Bối rối thay, chẳng những ông chả tìm được câu trả lời mà còn bị dẫn đến một nỗi hoài nghi khác. Một nỗi hoài nghi sâu sắc và deep hơn rất nhiều. Hạnh phúc có ý nghĩa là gì? Với lối tư duy đã được trui rèn, nhà khoa học nhận ra, nếu lỡ con người tìm được cách kháng mọi loại bệnh tật, kháng luôn cả tuổi già. Một giả định về việc chết do bệnh tật và lão hoá đã bị đẩy lùi, chì còn mối đe doạ từ tai nạn cuộc sống. Vậy chẳng phải, vẫn có nguy cơ, nhà khoa học sẽ nhìn thấy người thân qua đời vì tai nạn sao? Vậy bất tử lúc này là một món quà, hay là một sự trừng phạt?

Tuy nhiên, tình huống trên cũng chỉ là một lập luận nhỏ của nhà khoa học mà thôi. Dĩ nhiên là nhà khoa học còn nhìn nhận trên phương diện khoa học nữa chứ. Ông phát hiện ra, hạnh phúc lâu dài chỉ đến từ serotonin, dopamine và oxytocin. Chỉ vậy thôi, hạnh phúc là một phản ứng sinh hoá?

Nhưng lập luận kiểu như trên cũng bị thách thức và được thay thế bởi một lập luận khác. Hạnh phúc là được sống một cuộc sống ý nghĩa. Như đã nói ở những chương đầu. Sapiens là một loài có khả năng tưởng tượng phức tạp. Các thể chế, chính phủ, iphone, và những thú vui, ý nghĩa trong cuộc sống đều được xây dựng nên bởi sự tưởng tượng của Sapiens. Mà tưởng tượng được định nghĩa là không có thật. Vậy ra cuộc sống chả có nghĩa gì? Bàng hoàng, choáng váng là cảm xúc mà Yuval đã đem lại cho người đọc. Ông đã truyền cái nỗi hoài nghi về hạnh phúc và ý nghĩa cho chính độc giả của mình.

Thế mà, vui thay, chính ông cũng chưa tìm ra được lời giải cho nỗi hoài nghi ấy. Để rồi kết thúc cuối cùng:

Liệu có điều gì nguy hiểm hơn những vị thần bất mãn và vô trách nhiệm, họ không thực sự biết mình muốn gì?

Sapiens trong 70000 năm tiến hoá và phát triển đến cực thịnh, nắm trong tay những món đồ chơi nóng, như khoa học kĩ thuật, công nghệ và cả thông tin, nhưng vẫn mù mờ về lối đi chung. Lối đi tìm hạnh phúc? Mỗi Sapiens có quá nhiều cách nhìn nhận về hạnh phúc? Một số là tiền. Số khác có nhiều tiền hơn thì muốn nhiều tiền hơn và nhiều hơn là tiền, quyền lực chẳng hạn. Nhưng, chẳng phải những thứ đó được xây dựng trên tưởng tượng và niềm tin? Vậy cái gì là thật? Cái thật sự đang mất dần. Tình yêu thương gia đình đang mất dần. Sự kết nối, những giây phút tụm ba tụm bảy thời còn ở nhà đất sét, Sapiens cũng đang đánh mất. Khoa học cho ta mạng xã hội, kết nối với nhau vũ bão hơn, nhưng cuối cùng sự kết nối ấy là những bit điện tử nhỏ nhoi, biểu cảm là những emotion, và đôi mắt là 2 chấm tròn đen bé xíu trên cái miệng luôn cười hay luôn mếu. Chừng nào, Sapiens chưa tìm ra được câu trả lời thích đáng cho câu hỏi: Chúng ta muốn mình muốn gì, thì chừng đó khoa học kĩ thuật, công nghệ và những thứ khác chỉ được sử dụng cho những vấn đề mang tính thiếu định hướng. Nhìn chung thì chúng ta vẫn chả sướng hơn tổ tiên của chúng ta cách đây mấy chục ngàn năm là bao nhiu. Đó có lẽ cũng là lý do Yuval luôn gọi những vị thần với cái tên Sapiens, chúng ta dù có hiện đại đến đâu, vẫn chỉ là loài người. Có quyền năng đến đâu, vẫn không thể là thần, vì vẫn còn những khoảng trống, những thiếu sót ở tâm hồn.

Kết

Yuval đã xây dựng nên một bản tóm lược về loài người. Cả hoàn cảnh lẫn nội tâm. Đan xen những kiến thức là những suy ngẫm về thời cuộc. Tuy nhiên, chính vì sự nhồi nhét quá nhiều kiến thức trong vẻn vẹn 500 trang sách, dù đã lược đi biết bao, cũng đã tạo ra sự bội thực. Dẫu bạn không phải là một người yêu lịch sử, thì cũng hãy nên có trong tay một quyển sách như thế này, bởi nó không chỉ là lược sử về tổ tiên của chúng ta, mà còn là để nhìn lại những thiếu sót ở cả quá khứ lẫn hiện tại. Dĩ nhiên là bạn vẫn phải chịu một vài liều gây mê trước khi có thể đạt được sự đồng điệu với tác giả. Nhưng tin chắc rằng, có vài nghìn liều gây mê, chống buồn nôn chóng mặt, thì vẫn quá hời cho Sapiens: Lược sử loài người.

 

Tác giả: Quốc Bảo - Bookademy

------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,106 lượt xem