duylamvo96@Viện Sách - Bookademy
7 năm trước
[Bookademy] Review Sách: Thư Gửi Đứa Trẻ Chưa Từng Được Sinh Ra: Niềm Trăn Trở Đau Thương Về Tình Yêu, Hôn Nhân, Gia Đình Và Sự Sống
Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra như một trang nhật ký được xé rời từ chính cuộc đời của tác giả Oriana Fallaci. Khi còn trẻ bà đã gặp và đem lòng yêu một phóng viên làm việc tại London và sau đó bị sảy thai. Quá đau khổ vì mất con, có lúc bà định tự tử.
Oriana Fallaci là một nhà báo chính luận nổi tiếng của Italy. Trong những năm 1960-1970, bà có mặt ở nhiều chiến trường như: Ấn Độ, Pakista, Trung Đông, Nam Mỹ và Việt Nam. Trong thời gian này Fallaci đã phỏng vấn nhiều chính trị gia và những nhà quân sự nổi tiếng như: Hussein, Henry Kissinger, Indira Gandhi, Võ Nguyên Giáp, Đặng Tiểu Bình... Ngoài ra, bà còn là một nhà hoạt động cho phòng trào nữ quyền và đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ.
Sinh thời bà tham gia giảng dạy và diễn thuyết tại nhiều đại học lớn của Mỹ như: Harvard, Columbia, Yale... Những năm cuối đời, bà dành tâm huyết cho sự nghiệp chống khủng bố, đặc biệt là sau khi sự kiện 11/9 xảy ra. Oriana Fallaci qua đời năm 2006, ở tuổi 77 vì ung thư phổi. Bà an nghỉ tại Florence - thành phố quê hương, bên cạnh chồng và cũng là người bạn chiến đấu thân thiết Alexandros Panagulis.
Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra xuất bản lần đầu năm 1975 và đã bán hết 4,5 triệu bản trên toàn thế giới. Không chỉ là một cuốn sách, nó là một món quà mà một người phụ nữ dành tặng cho tất cả phụ nữ. “Cuộc đời là một nỗ lực lớn, con ạ. Đó là cuộc chiến lặp lại hằng ngày, và những giây phút vui vẻ hạnh phúc là những khoảng lặng ngắn ngủi mà vì chúng, người ta phải trả mọi cái giá tàn khốc.”
Một phụ nữ độc thân bất ngờ phát hiện mình mang thai, trong niềm hạnh phúc tột cùng của lần đầu làm mẹ, cô báo tin vui cho người yêu. Nhưng người đàn ông muốn rũ bỏ trách nhiệm đã khuyên cô phá thai. Trong lần đầu đi khám thai, khi biết cô chưa có gia đình, bác sĩ cũng khuyên cô điều tương tự. Hoang mang, sợ hãi đã có lúc cô nghĩ mình nên phá thai. Tình cờ, cô đọc được những bài báo về sự hình thành và phát triển của bào thai từ khi được thụ tinh cho tới những tuần đầu tiên. Bản năng làm mẹ trong cô trỗi dậy, cô quyết tâm giữ đứa bé. Dù đứa trẻ được sinh ra từ sự cố ngoài ý muốn thì nó vẫn là một sinh linh, có trái tim và biết đau đớn nếu bị tước đoạt quyền sống. Hơn ai hết cô hiểu điều đó, bởi mẹ cô từng muốn vứt bỏ con gái khi cô còn là thai nhi.
Quyết định giữ lại đứa bé đồng nghĩa với việc cô sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống. Cô mang thai nhưng không được nghỉ ngơi, không có người chăm sóc, vẫn phải hoàn thành những chuyến công tác dài ngày như đã định. Nếu không hoàn thành công việc, có thể cô sẽ bị sa thải. Như vậy, cô sẽ mất đi nguồn thu nhập và không thể lo cho con khi ra đời.
Quyển sách mỏng manh chỉ hơn 150 trang, đủ để người đọc liên tục ngụp lặn trong nỗi đau và cảm xúc của một người phụ nữ nhạy cảm nhiều trăn trở. Cô hoài nghi và chối bỏ những định kiến tồn tại ngàn đời nay về hôn nhân, tình yêu, gia đình, xã hội, công việc... Cô liên tục đưa ra những quan điểm, suy tư rồi lại liên tục phủ định nó. Nhưng sau tất cả, cô vẫn không từ bỏ quyền làm mẹ của mình, bởi đó là một vòng lặp hiển nhiên của sự sống – sự tiếp nối từ đời này sang đời khác.
Bằng những lời văn thấm đượm suy tư, âu yếm, lúc lại phẫn nộ đến tuyệt vọng, khi thì chất chứa yêu thương, cô đã cho đứa trẻ vẫn chưa thành hình thấy được hết những thực tế của việc tồn tại, sự khốc liệt của việc làm người, những rào cản của định kiến và lề thói. Sự kỳ thị của người xung quanh, những áp lực tâm lý và những chuyến công tác dài ngày khiến cô sảy thai. Cô đã dằn vặt bản thân và có cảm tưởng cả thế giới đang lên án mình với tội danh giết người. Tại phiên tòa đúng – sai trong tưởng tượng ấy, đứa bé xấu số xuất hiện. Lần đầu tiên một tiếng “mẹ” yêu thương được gửi đi, cũng là lần đầu tiên một tiếng “mẹ” hồi đáp trong muộn màng mà đầy đau khổ. Không phải chỉ vì cô phải làm việc dẫn đến sảy thai, mà chính những suy tư bi quan và những lời phô bày bản chất khắc nghiệt của cuộc sống của cô đã truyền đến đứa trẻ, khiến nó chọn cách từ chối được sinh ra – từ chối đến với cuộc sống này. Rõ ràng, không một ai có quyền chọn lựa sống – chết cho người khác.
Sau cái chết của đứa trẻ, người mẹ cũng qua đời. Có lẽ vì một biến chứng, mà cũng có thể là ăn năn, tội lỗi. Cái kết đau buồn làm đọng lại trong lòng người đọc rất nhiều trăn trở.
“Con chết rồi. Giờ mẹ cũng chết theo. Nhưng điều đó không quan trọng. Bởi vì cuộc sống không chết.”
Dưới đây là một số trích dẫn đáng suy ngẫm:
“Con người được sinh ra với sự đau đớn; nỗi đau lớn lên cùng ta, và ta quen với nó cũng như quen với việc có hai chân, hai tay. Thực sự ta thậm chí cũng chẳng sợ chết, chết có nghĩa là ít nhất cũng là đã từng được sinh ra, từng được thoát thai từ hư không. Điều ta thực sự sợ hãi, ấy là chẳng-là-gì-cả, không là gì, chưa từng tồn tại, dù là tình cờ, hoặc lầm lỗi… Nhưng chẳng lẽ phải lựa chọn không-là-gì-cả còn hơn là chịu đau khổ? Thậm chí, ngay cả khi gạt nước mắt vì những thất bại, vỡ mộng, dằn vặt, ta vẫn chắc chắn rằng khổ đau vẫn còn hơn không-là-gì-cả.”
“Có gì đó thật huy hoàng trong việc gắn sự sống của một sinh linh với cơ thể của chính mình, khi biết bản thân mình sẽ là hai người chứ không phải một.”
“Ta biết thế giới chúng ta là một thế giới do đàn ông và vì đàn ông, chế độ độc tài của họ cổ xưa đến nỗi thậm chí đã đi vào cả ngôn từ… Trong các truyền thuyết đàn ông nghĩ ra để giải thích về sự sống, cá thể đầu tiên của loài người không phải đàn bà, mà là một người đàn ông có tên Adam. Eva xuất hiện sau đó, để giải khuây và gây rắc rối. Trong các bức tranh trang trí nhà thờ, Chúa là một ông già có râu, chứ không bao giờ là một bà già tóc trắng. Và tất cả các anh hùng đều là đàn ông: từ Prometheus người tìm ra lửa cho tới Icarus người đã tìm cách bay, tới cả Jesus, người mà họ gọi là Con của Chúa và các Thành Thần, cứ như thể người đàn bà sinh ra ông ta chỉ là lồng ấp hoặc là một vú em. Tuy nhiên, hoặc cũng chính vì lý do đó, thật thú vị khi là một người đàn bà. ”
“Trở thành mẹ không phải là một công việc. Thậm chí đó cũng không phải là một nghĩa vụ. Đó là một quyền trong rất nhiều quyền.”
“Là một người đàn ông không có nghĩa là mang một cái đuôi phía trước – mà có nghĩa đó là một con người. Và với ta, điều quan trọng trên hết: con là một con người. Con người là một từ tuyệt diệu, bởi nó không đặt ra giới hạn đối với đàn ông hay đàn bà, nó không vạch ra ranh giới giữa những kẻ có cái đuôi đó và những kẻ không”
“Một ngày kia, con và ta sẽ cùng nhỏ to chuyện trò về cái được gọi là tình yêu. Bởi quả thật, ta vẫn không hiểu nó là gì. Ta đoán rằng nó là một trò chơi khăm vĩ đại, được tạo ra để đánh lạc hướng con người và khiến họ trở nên ngoan ngoãn. ”
“Hy vọng tìm thấy ở người khác cái mà họ không thấy ở bản thân? Nỗi sợ cô đơn, sợ buồn chán, sợ im lặng? Nhu cầu sở hữu và bị sở hữu? Theo một số người, đó là tình yêu. Nhưng ta sợ đó là một cái gì đó thấp kém hơn nhiều: là cơn đói mà một khi được thỏa mãn sẽ để lại cho người ta chứng khó tiêu”
“Mọi sự đều rất hay khi mơ mộng, nhưng thực tế lại là chuyện khác… Đến cả loài gà cũng không cho ra đời tất cả những con gà con mà chúng có thể có: nếu tất cả trứng gà đều nở thành gà con thì thế giới này sẽ biến thành cái chuồng gà.”
“Với một vài người, tội lỗi thực sự của đàn ông và đàn bà là làm tình trên giường. Họ nói, nếu không muốn có con tất cả những gì cần làm chỉ đơn giản là sống trinh bạch. Được thôi, nhưng vì hơi khó khăn để quyết định ai nên trở thành trinh bạch và ai không, tất cả sẽ giữ mình trinh bạch và chúng ta biến trái đất thành một hành tinh toàn người già. Hàng triệu triệu người già không có khả năng sinh sản, cho đến khi loài người tự xóa sổ chính mình”
“Gia đình chẳng là gì khác hơn là cái loa của một hệ thống không thể cho phép con người ta bất tuân, sự thiêng liêng của nó không tồn tại. Tất cả những gì tồn tại là các nhóm đàn ông, đàn bà, trẻ em bắt buộc phải mang cùng họ và sống dưới cùng một mái nhà, thường là khó chịu và căm ghét nhau.”
“Theo một thống kê gần đây, chúng ta đã có bốn tỉ người. Con sắp gia nhập đám này. Rồi con sẽ ngoảnh lại và ước ao về sự vùng vẫy đơn độc của mình trong bọc nước, con à!”
“Bất kể con sinh ra dưới chế độ nào, hệ tư tưởng nào, luôn có ai đó lau chùi thảm của kẻ khác…. Kẻ nào bảo con: chỗ chúng tôi thì khác, con hãy đáp trả hắn: Dối trá! Rồi thách thức hẳn hãy chứng tỏ ở chỗ của hắn không có nhứng thứ như bữa ăn của người giàu và bữa ăn của kẻ nghèo, nhà của người giàu và nhà của kẻ nghèo, mùa của người giàu và mùa của kẻ nghèo. Mùa đông là mùa của người giàu. Nếu con giàu, cái lạnh trở thành trò chơi bởi con mua áo lông thú, đốt lò sưởi ấm ngôi nhà của con và con đi trượt tuyết. Ngược lại, nếu con nghèo cái lạnh trở thành sự nguyền rủa và con học được việc căm ghét thậm chí cả cái đẹp của vùng đất tuyết phủ trắng xóa.
“Sự bình đẳng, cũng như sự tự do, chỉ có ở chỗ con bây giờ. Trong bọc trứng, tất cả chúng ta đều bình đẳng.”
“Ta đã nói với con ngay từ đầu rằng không gì tệ hơn chẳng-là-gì-cả, rằng nỗi thống khổ không nên khơi gợi nỗi sợ hãi, thậm chí là nỗi sợ chết, bởi nếu người ta chết có nghĩa là họ được sinh ra. Ta đã nói với con rằng được sinh ra luôn là điều đáng giá, bởi lựa chọn thứ hai là sự im lặng và trống rỗng. Nhưng thế có đúng không hả con? Liệu có đúng cho con không khi được sinh ra để rồi phải chết dưới bom đạn hoặc nòng súng của một tên lính lông lá đã nổi xung khi khẩu phần ăn đã bị con trộm mất vì quá đói? Con càng lớn ta càng trở nên sợ hãi…”
“Mang thai không phải là sự trừng phạt mà tự nhiên giáng xuống để bắt người ta trả giá cho phút thăng hoa. Đó là sự nhiệm màu cần được diễn ra theo một cách không gò bó như điều được ban cho cây cối và loài cá.”
“Đàn bà chịu mọi trách nhiệm, mọi đau khổ và sỉ nhục. Các người gọi đàn bà là con điếm nếu họ làm tình. Không có từ tương đương dành cho giống đực trong từ điển, nếu dùng từ đó sẽ là mắc lỗi ngữ pháp. Đã hàng ngàn năm nay, các người áp đặt từ vựng của các người, giáo huấn của các người lên chúng tôi, áp chế chúng tôi. Đã hàng ngàn năm nay, các người lợi dụng cơ thể của chúng tôi mà không trả lại chúng tôi cái gì. Đã hàng ngàn năm nay, các người áp đặt sự im lặng lên chúng tôi và giao phó cho chúng tôi nhiệm vụ làm mẹ. Các người tìm kiếm ở mỗi người đàn bà một bà mẹ. Các người đòi hỏi mỗi người đàn bà trở thành bà mẹ của mình.”
” Tất cả những gì ông thấy ở một người đàn bà là một cái tử cung và hai buồng trứng, không bao giờ là bộ não.”
Tác giả: Võ Duy Lam - Bookademy
------
Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
2,118 lượt xem