Hang Le@Viện Sách - Bookademy
7 năm trước
[Bookademy] Review Sách "Vang Bóng Một Thời": Tiếng Vọng Trong Cơn Trở Dạ Của Thời Thế
"Vang
bóng một thời" là tập truyện ngắn ghi những thú vui, những con người sống ở giữa sự giao thoa của
2 thời đại, giữa cái mới đang tràn tới, trong khi những cái cũ vẫn còn lưu luyến
chưa vội đi.
Tôi đến với “Vang bóng một thời”
theo cái cách chẳng mỹ miều gì cho cam, đó là khi tôi “được” ép mua về để đọc,
để tìm thấy cái gọi là thấm-nhuần-tinh-thần-duy-mỹ-của-cụ-Nguyễn.
Nhưng đến thời điểm này, khi đi qua 12 thiên truyện ngắn trong tác phẩm của cụ Tuân, tôi mới thấy mình thật may mắn, may mắn vì đã không bỏ lỡ một tập truyện ngắn hay như vậy. Cái cách viết, cái chất văn của cụ Tuân quả thật làm người ta chẳng lẫn đi đâu được. Có khi bởi thế mà người ta kháo nhau rằng, kẻ tinh ý đọc văn cụ Tuân xong là sẽ biết được thêm nhiều cái lắm, là cái lối dùng từ sẽ khác lắm, lời sẽ hay và ý sẽ đẹp lắm. Mà có lẽ, thứ trước nhất khiến người ta để ý đến tựa sách cổ điển này, có lẽ chính là cái tên Nguyễn Tuân.
Mà như lời đầu sách có viết về ông
thế này:
Nguyễn Tuân xuất hiện trên văn đàn Việt Nam đã tạo được ấn tượng ngay từ đầu bởi sự độc điệu. Độc điệu ở thể văn – tùy bút. Độc điệu ở giọng văn – phóng túng. Độc điệu ở chất văn – ngông ngang. Độc điệu ở tình văn – hoài niệm. Độc điệu ở ý văn – duy mỹ.
Có thể nói, Nguyễn Tuân trên văn đàn việt gắn mới một chữ “Độc”, văn ông là một thứ của lạ giữa những ngày trở dạ của thời thế, giữa cơn trở trời của văn học. Mà cái tài , cái độc ấy của cụ Tuân, thực đã được tả hết qua cuốn Vang bóng một thời. Vang bóng một thời là tập truyện ngắn gồm 12 truyện, qua đó thể hiện tập trung và nổi bật toàn bộ sự độc điệu của người và văn Nguyễn Tuân, độc điệu từ nội dung đến nghệ thuật.
Vang bóng một thời trước hết là một tác phẩm mang tính “phục cổ”.
Có thể bạn sẽ đặt câu hỏi: Tại sao
tôi lại dùng từ phục cổ? Phục cổ là gì? Dùng nó trong ngữ cảnh này có hợp?
Tôi cho là hợp đấy chứ. Bởi xuyên
suốt 12 truyện ngắn này, Nguyễn Tuân đã tìm về nguồn cội dân tộc, tìm lại những
thú vui tao nhã một thời để trình lại cho bạn đọc, để dựng lên trên trang giấy
một không gian lâu đời, của những vẻ đẹp cổ kính kín đáo. Cắt nghĩa ra, ở đây
cụ Tuân chính là đang phục dựng, phục hồi lại những giá trị cổ qua trang văn
của mình.
Qua 12 câu chuyện (Chém treo ngành, những chiếc ấm đất, thả
thơ, đánh thơ, ngôi mả cũ, chữ người tử tù, ném bút chì, chén trà trong sương
sớm, một cảnh thu muộn, báo oán, trên đỉnh non Tản), Nguyễn Tuân đã đi tìm
lại cái âm thanh, âm vang của một thời vàng son của dân tộc, đuổi theo hình
bóng của một nền văn hóa đã khuất dần sau những sự lấn át của “văn minh vật
chất phương Tây”.
Vang
bóng một thời là tập truyện ngắn ghi những thú vui, những con người sống ở giữa sự giao thoa của
2 thời đại, giữa cái mới đang tràn tới, trong khi những cái cũ vẫn còn lưu luyến
chưa vội đi.
Liệu ta còn tìm được ở đâu những lối
sống tao nhã như ẩm trà, ẩm tửu, thả thơ, đánh thơ, lều chõng, làm đèn kéo quân
ngày rằm,... nữa?
Họ lịch sự như tiên, phú quý như giời, quất
con ngựa rong chơi ngoài ngõ liễu.
Ta trồng cỏ đầy vườn, vãi hoa đầy đất, gọi hề đồng pha nước
trước hiên mai.(Mượn ông Tú Hải Văn - Những chiếc ấm đất)
Suốt một dải Trung kỳ, họ đi về như là trẩy chợ. Tới mỗi nơi, ở mọi chốn, quan Phó Sứ lại mở một cái túi đừng toàn bài thơ đố ra cho mọi người đặt tiền và bên chiếu văn chương, Mộng Liên lại đàn, lại ca để làm vui cho cuộc đỏ đen rất trí thức này.(Đánh thơ)
Và có lẽ “phục cổ” cũng chúng là ý
Nguyễn Tuân năm nào khi viết những tác phẩm này cho chuyên mục “Vang và bóng
một thời” của tạp chí Tao Đàn năm đó. Đây như một cách để nhà văn lưu lại mãi
những cái đẹp của một thời vang bóng của dân tộc.
Và “Vang bóng một thời” cũng là
một tác phẩm của hoài niệm
Là hoài niệm, bởi vì khi người ta
hoài niệm, là người ta trân trọng những thứ trong quá khứ, nó không phải đơn
thuần chỉ là phụ dựng mà nó còn là cái tình người đặt trên câu văn. Đọc Vang
bóng một thời, ta thấy một tình văn đậm đà tình dân tộc, ông dùng ngôn ngữ
việt, viết cái thuần việt, cho người Việt và với một tình văn, ý văn nồng nàn
trân trọng.
Đọc văn cụ, ta dễ gặp những từ lạ
như “mấy”, “bút chì”,……. vốn là những từ cũ hay được
dùng trong những gia đình gia giáo ngày xưa, nhưng trong xã hội du nhập ngôn
ngữ Tây phương, chúng dần bị mai một đi, nhưng Nguyễn Tuân đã làm sống lại một
hệ ngôn ngữ đó, một hệ ngôn ngữ, lối đối đáp “bẩm thày”, “thưa cụ”, “bạch cụ”… một thời.
Và cũng chả phải ai cũng có thể khắc
họa những cái thú thời xưa đẹp và tinh như cụ, ngay cả những cái thú ta thấy
rờn rợn, làm ta lạnh sống lưng, lên văn Nguyễn Tuân lại trở thành những bông
hoa nở trên máu, mảnh đất khô khan một thứ văn hóa đã qua lại trở thành mảnh
đất độc canh của kẻ tài hoa Nguyễn Tuân. Cái thú thả thơ, đánh thơ, cho chữ
tưởng đã tàn, nay lại một lần được Nguyễn Tuân nhắc đến.
Đêm nay
là đêm mười bốn tháng tám. Và là cuộc thả thơ lần thứ hai của cụ Nghè Móm. Lần
trước thả vào thượng tuần tháng bảy, trước ngày có mưa Thất tịch; lần này cụ
Nghè Móm chọn ngày mười bốn, có người hỏi tại sao không để đến ngày rằm, cụ
nói:
– Trăng
mười bốn bao giờ cũng khéo hơn trăng rằm. Ngày mười bốn là vầng trăng đi tới
chỗ toàn thịnh. Ngắm vầng trăng rằm, người ta tinh ý sẽ nhận thấy cái vẻ sắp
tàn của một vật gì đã mãn khai trong có một thì. (Thả thơ).
Đêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng tiếng mõ trên vọng canh, một cảnh tượng trước nay chưa từng có, đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, tổ rệp, đất vừa bãi phân chuột và gián.(Chữ người tử tù)
Và ta thấy ở đâu đó trong những thiên truyện cũng mang dáng dấp của tác giả, dáng dấp của kẻ tài hoa bất đắc chí, không chịu làm lành với cái xã hội Tây Tàu nhố nhăng ấy.
Khoa
Mậu Ngọ này, ông Đầu Xứ Anh nhất định không đi nữa, mặc dầu khoa này là khoa
cuối cùng, sau này bãi hẳn sự thi cử.[...] Từ sau khóa này, cái lều, cãi chõng
chỉ còn là những vật cổ tích mỗi khi nhắc nhỏm tới lại gợi lại một chút nhớ
tiếc trong lòng một đám người mệt mỏi còn sống thêm một ngày là càng chỉ thêm
một ngày bỡ ngỡ với phong hội mới. (Báo oán)
Ông cụ phó Sần buồn rầu nghĩ đến ngày phải xuống khỏi núi.
Cứ ở trên này mãi, thì bọn thợ còn được tha hồ bán tán đến những cái lạ của
Ngàn To, Lớn, Thăm thẳm, Kín mật, mỗi khi lìa rời xuống khỏi, là không tìm lại
được đường lên, là không dám hở hang tí chút lại vưới người đời về cái thâm kín
thần bí trên ngàn xanh tươi đến ngày tận thế. (Trên đỉnh non tản)
Hay ngay cả Huấn Cao, kẻ ngang ngược
chọc trời khuấy nước không chịu khuất phục xã hội đương thời.
Hơn
cả, Vang bóng một thời là tác phẩm của cái đẹp.
Đầu tiên là cái đẹp của ngôn từ. Mỗi
từ được Nguyễn Tuân hạ bút thì như một cánh cửa để người đọc đọc và ngẫm, mà
càng ngẫm thì, quái, không gian như lại càng mở thêm nhiều trường nghĩa. Mà văn
Nguyễn Tuân hay lắm, mỗi chữ mỗi câu đều như đóng lại đó một dấu ký. Thật khiến
con người ta phải ngả mũ mà thán phục kẻ “phù thủy ngôn từ” Nguyễn Tuân. Chả
phải vậy mà nhà văn Anh Đức từng hạ bút bình xét: “Không biết chừng nào mới lại có một nhà văn như thế, một nhà văn
mà khi ta gọi là một bậc thầy của ngôn từ ta không hề thấy ngại miệng, một nhà
văn độc đáo, vô song mà mỗi dòng, mỗi chữ tuôn ra đầu ngọn bút đều như có đóng
một dấu triện riêng”.
Và đặc biệt, Vang bóng một thời chứa
đựng những tác phẩm mang đậm dấu ấn “yêu ngôn” của Nguyễn Tuân như Báo oán,
Trên đỉnh non tản. Nhưng tác phẩm này mang đậm màu sắc dị hoặc, quái dị, thậm
chí có phần rùng rợn, mỗi câu mỗi chữ đều như chạm một nét lạnh vào tâm trí
người đọc. Một phong cách yêu ma nhưng lại khiến người ta tò mò không thể dừng
trang sách.
Không chỉ dừng lại cái đẹp trong
ngôn từ, mà mỗi nhân vật sự kiện trong Vang bóng một thời cũng được Nguyễn Tuân
khai thác triệt để dưới góc độ của cái đẹp. Ông nhìn con người dưới góc độ tài
hoa nghệ sĩ, nhìn sự vật dưới con mắt thẩm mỹ, bởi vậy nên ta bắt gặp trong thơ
ông những cái tài rất lạ.
Như tài ném bút chì của Lý Văn, tài
chém treo ngành của ông Bát Lê,…. những cái tài ấy được miêu tả đạt đến mức
tuyệt đỉnh.
Bát Lê bắt đầu hoa không thanh quất mấy vòng. Rồi y hát
những câu tẩy oan với hồn cội tội. Trong nhà rạp các quan chỉ nghe thấy cái âm
lơ lớ rờn rợn. Quang Công sứ chăm chú nhìn Bát Lê múa lượn giữa hai hàng tử tù
và múa hát đến đâu thì những cái đầu tội nhân bị quỳ kia chẻ gục đến đấy. Những
tia máu phun kêu phì phì, vọt cao lên nền trời chiều. Trên áng cỏ hoen ố, không
một chiếc thủ cấp nào rụng xuống. […] Bấy giờ quan Công sứ mới nhìn kỹ. Y mặc
áo dài trắng, một dài dây lưng điều thắt chẽn ngang bụng. Thấy trên quần ao
trắng của y không có một giọt máu phun tới…(Chém treo ngành)
Cả bọn
chạy ra luống khoai, giơ cao con gà gẫy mất hai chân. Vết thương gọn gàng vừa
đúng quãng đầu gối và cặp giò chưa lìa hẳn, vẫn còn dính vào đùi bởi một lần da
hoen máu. Lý Văn gác mai, nói với tất cả bọn:
– Nếu mình
ném mạnh tay quá, và không biết tính sức đi của “bút chì” thì nát mất gà. Các
chú không phải đánh những “tiếng bạc” vào sinh ra tử, các chú không biết, chứ
đòn “bút chì” khó khiến lắm. (Ném bút chì)
Hoặc không, đó sẽ là những con người
với tâm hồn nghệ sĩ, mang tâm thế của kẻ thích xê dịch, của kẻ tài tử, lãng tử
giữa đất trời rối ren:
Ông Cử Hai có khoa mà không có hoạn, và khoa mục ấy giá
không nói ra thì không ai biết. Người có hoa tay, thêm được chút tâm hồn lãng
tử, nên ông Cử Hai sống cuộc đời mình như người ta chơi chơi vậy thôi. Người ấy
thực là một người không có lấy một giây phút trịnh trọng với nhân sinh. Ông ta
sinh ra để mà đùa với cuộc sống và bắt đầu từ việc đem ngay cái tài hoa của
mình ra mà đùa nhả với sự nghiệp thân thế mình. [….] Cái hành tung của người
nghệ sĩ không chịu sống cho người khác và hùa theo với người chung quanh ấy,
thực khó mà dò hỏi. Lùng tìm cái dấu bàn chân một chính khách thất quốc lúc
vượt bể ra ngoài mưu việc lớn, thực còn dễ hơn đi đuổi theo ông Cử Hai những
lúc cái hứng giang hồ ở người ông nổi dậy. ( Một cảnh thu muộn)
Cho dù là dưới xã hội xưa hay nay,
đương thời hay hiện đại, những trang văn được nguyễn tuân khắc họa đã và sẽ
luôn là trang văn ghi dấu lại một phần tài hoa, một phần hồn phách của một thời
vang bóng. Giữa những sự xô bồ của thời đại kim khí, nó như một tiếng vọng về,
nhắc ta về sự trân quý những giá trị cổ xưa, nhắc nhở ta về một thời cha anh
còn vang bóng.
Trong cơn trở dạ, thay thời của lịch
sử, chúng ta vẫn thật may mắn khi có một nhà văn như Nguyễn Tuân, một người cả
đời đi tìm về cái đẹp, tìm về cái hồn thiêng non nước. Giữa thời điểm mà hai
nền văn hóa Đông – Tây giao nhau, giữa sự lụi đi của những nền văn hóa cổ
truyền, tại giây phút đó, nếu chúng ta không làm gì đó, thì ta sẽ mãi mất đi
những giá trị xưa cũ. Và Nguyễn Tuân đã không để điều đó xảy ra, ông không nhìn
những người cũ, thứ cũ im lặng mà mất đi trong buồn cực như Ông Đồ năm nào
trong thơ Vũ Đình Liên, Nguyên Tuân đã đứng dậy, gõ lên những tiếng gióng đầu
tiên để nó âm vang mãi. Đúng như cái tên của tựa sách: Vang bóng một thời, đọc
lên mà có cảm giác những điều xưa cũ như ngân lên, vang lên và lan tỏa ra xa,
xa mãi…
Tôi biết rằng ngày nay, phần lớn bạn trẻ đã mất đi tình yêu với nền văn học cổ điển, hoặc tệ hơn là với chính nền văn học nước nhà, nhưng tôi mong rằng mỗi chúng ta ít nhất trong đời một lần, hãy thử lướt qua những trang viết của Vang bóng một thời, để trong thời đại hội nhập này, ta nhớ ngôn ngữ nước nhà cũng từng giàu và đẹp, thanh lịch và duyên dáng đến thế nào, và để ta nhớ về một phần quê hương từng thế nào. Bởi nếu một ngày ta không còn nhớ đến những điều xưa cũ nữa, khi ấy ta không còn là ta nữa..
Này người bạn đọc của tôi, nếu vào một ngày mưa, bạn có mệt mỏi giữa vạn sự xô bồ, bạn có thấy thời đại kim khí này có chút mệt mỏi, hãy đừng quên chầm chậm đôi chân qua cửa, cùng một tách trà, tôi cùng bạn, ta tìm về một thoáng xưa.
----------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
Tham gia Bookademy Team để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
6,334 lượt xem