Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Các Cấu Hình Của Nhân Cách

Theo thuyết phân tâm học của Sigmund Freud, nhân cách con người được cấu thành từ 3 nhân tố và được biết đến với tên gọi là Id, Ego và Superego – Làm việc cùng nhau để hình thành những hành vi phức tạp của con người.

1. Id

Id là thành phần duy nhất của nhân cách đã hiện hữu từ khi sinh ra. Khía cạnh này của nhân cách là hoàn toàn vô thức, nó bao gồm các hành vi nguyên thủy và bản năng.Theo Freud, Id là nguồn gốc của mọi năng lượng tinh thần, khiến nó trở thành nhân tố chính của nhân cách.

Id được điều khiển bởi nguyên tắc thỏa mãn – sự đấu tranh nhằm thỏa mãn lập tức những ham muốn và nhu cầu. Nếu những nhu cầu này không được đáp ứng ngay sẽ dẫn đến tình trạng lo lắng hay căng thẳng.

Ví dụ: Sự gia tăng cảm giác đói hay khát sẽ lập tức tạo ra một nỗ lực để được ăn hoặc uống. Id là rất cần thiết trong những giai đoạn sớm của cuộc đời vì nó đảm bảo các nhu cầu của trẻ sẽ được đáp ứng. Nếu trẻ đang đói hay cảm thấy không thoải mái, bé sẽ khóc cho đến khi nhu cầu của Id đã được thỏa mãn.

Tuy nhiên, việc đáp ứng ngay lập tức những đòi hỏi trên không phải lúc nào cũng thực tế hay khả thi. Nếu ta bị chi phối hoàn toàn bởi nguyên tắc thỏa mãn, ta sẽ có thể thấy bản thân lấy thứ ta muốn từ tay người khác nhằm đáp ứng cho cơn thèm muốn của ta. Loại hành vi này có thể bị xem là gây rối và không thể chấp nhận được.

Theo Freud, Id cố gắng làm giảm bớt căng thẳng tạo ra bởi nguyên tắc thỏa mãn thông qua “quá trình nguyên thủy” bằng cách tạo ra một hình ảnh của vật mà ta ham muốn về mặt tinh thần, như một cách để thỏa mãn nhu cầu của ta.

2. Ego

Phần nhân cách chịu trách nhiệm đối phó với thực tiễn. Theo Freud, Ego phát triển từ Id và đảm bảo các xung động bản năng được thể hiện theo cách mà xã hội chấp nhận. Vận hành trong cả ý thức, tiền ý thức và vô thức.

Ego vận hành theo nguyên lý thực tế – đi tìm những đáp ứng từ môi trường nhằm thỏa mãn ham muốn của Id một cách thiết thực và phù hợp với xã hội. Nguyên lý thực tế sẽ đánh giá cái đạt được và lợi ích của một hành động trước khi quyết định thực hiện hay kìm hãm nó. Trong nhiều trường hợp, xung lực của Id có thể được thỏa mãn thông qua quá trình “kiểm soát ham muốn” – Ego sẽ chấp thuận một hành vi, nhưng chỉ trong một hoàn cảnh và thời gian thích hợp.

Ego cũng đồng thời giảm bớt căng thẳng tạo ra bởi các xung động chưa được đáp ứng thông qua “quá trình trung gian”, khi Ego cố gắng tìm kiếm trong môi trường một vật thể phù hợp với hình ảnh tinh thần tạo ra bởi “quá trình nguyên thủy” của Id.

3. Superego

Nhân tố cuối cùng của nhân cách giúp phát triển chính là Superego. Thành phần nắm giữ tất cả những tiêu chuẩn về đạo đức và lý tưởng mà ta có thừa hưởng từ cha mẹ và xã hội – Cảm giác của chúng ta về Đúng và Sai.

Superego cung cấp những chỉ dẫn nhằm giúp ta đưa ra đánh giá. Theo Freud, Superego bắt đầu xuất hiện ở giai đoạn 5 tuổi.

Superego bao gồm 2 phần:

  • Cái tôi lý tưởng: bao gồm các luật lệ và tiêu chuẩn đối với các hành vi tốt, loại hành vi được chấp thuận bởi cha mẹ và xã hội. Tuân theo các tiêu chuẩn này sẽ dẫn đến các loại cảm giác như tự hào, có giá trị, và sự đạt được mục đích.

  • Lương tâm: là thông tin về những gì được xem là xấu xa bởi cha mẹ và xã hội. Các hành vi này thường bị cấm và sẽ dẫn đến những hậu quả xấu, sự trừng phạt, hay cảm giác tội lỗi và hối hận.

Superego hoạt động nhằm hoàn thiện và văn minh hóa hành vi của chúng ta. Bản chất của nó là trừ khử tất cả những ham muốn không thể đáp ứng của Id và đấu tranh để khiến cho Ego hành động dựa trên tiêu chuẩn lý tưởng chứ không phải theo nguyên lý thực tiễn. Superego tồn tại cả trong ý thức, tiền ý thức và vô thức.

4. Tương quan Id – Ego – Superego

Trước quá nhiều các xung lực cạnh tranh, có thể dễ dàng thấy được những mâu thuẫn diễn ra giữa Id, Ego và Superego. Freud dùng cụm từ “sức mạnh cái tôi” để chỉ khả năng vận hành của Ego dưới các tác động xung quanh. Một người có sức mạnh cái tôi tốt sẽ có thể kiếm soát hiệu quả các áp lực này, trong khi những người có sức mạnh cái tôi quá nhiều hay quá ít sẽ dễ trở nên quá cứng ngắt hay dễ bốc đồng.

Theo Freud, chìa khóa để có một nhân cách bình thường là sự cân bằng giữa Id, Ego và Superego.

Các quan sát:

  • “Khi bàn luận về Id, Ego và Superego, ta cần phải nhớ rằng đây không phải ba thực thể tồn tại độc lập với những ranh giới xác định, đúng hơn là chúng đại diện cho một loạt các quá trình, chức năng khác nhau, và vận hành trong mỗi một con người… Ngoài ra, trong các ghi chép của mình, Freud dùng các đại từ nhân xưng sau: das Es, Das Ich, and das uber-Ich. Theo nghĩa đen chúng đại diện cho “Cái ấy”, “Cái Tôi”, và “Cái Siêu Tôi”. Sự phiên dịch thành tiếng Latinh khiến chúng trở nên ít gần gũi hơn, làm dấy lên mong muốn được đưa ra một bản dịch mới.” (Engler, 2009)

  • “Với Ego đặt ở giữa, và nếu các nhu cầu đều được đáp ứng, hệ thống sẽ duy trì tính cân bằng của nó về sức mạnh tinh thần và kết quả là một tính cách thích hợp. Nếu có sự mất cân bằng, kết quả sẽ cho ra một tính cách thích nghi không tốt. Ví dụ, nếu Id chiếm ưu thế, kết quả sẽ có thể là một cá thể bốc đồng, không kiểm soát được (tội phạm…). Với sự chiếm ưu thế của Superego, kết quả sẽ là một cá nhân quá đạo dức (nhà truyền giáo,…). Một Ego quá mạnh có thể tạo ra một cá nhân (ví dụ như một người vô cùng cứng nhắc và không thể không tuân theo luận hay một kết cấu nhất định nào đó), không thể hành động tự phát (ví dụ), hay thiếu đi sự nhạy cảm về đúng và sai (ví dụ như người chỉ nghe theo sách vở).” (Carducci, 2009)

Theo whypsy.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,871 lượt xem