Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Chọn Bạn Đời - Phần 1: Từ Điều Kiện Đến Bản Năng

Chúng ta nên cảm thông với chính mình. Những thách thức trong việc tìm kiếm bạn đời vô cùng phức tạp, hiếm khi có hệ thống và tương đối mới mẻ. Chúng ta đi tìm tình yêu theo cách ta vẫn làm hiện nay, cho đến giờ mới chỉ vỏn vẹn 260 năm. Ta vẫn đang trong

I. Từ Điều kiện tới Bản năng

Chúng ta nên cảm thông với chính mình. Những thách thức trong việc tìm kiếm bạn đời vô cùng phức tạp, hiếm khi có hệ thống và tương đối mới mẻ. Chúng ta đi tìm tình yêu theo cách ta vẫn làm hiện nay, cho đến giờ mới chỉ vỏn vẹn 260 năm. Ta vẫn đang trong quá trình bắt đầu xác định làm thế nào để có những mối quan hệ tốt đẹp. Dấu hiệu của những bước đi sai lầm vẫn đang tồn tại xung quanh chúng ta.

Hầu hết trong lịch sử, những mối quan hệ đều rất khác biệt theo hai hướng chính. Thứ nhất, người ta không cưới nhau vì yêu. Họ làm điều đó dựa trên những lý do về tình trạng hiện thời, tiền bạc, kỹ năng làm việc nhà và sắc đẹp. Chúng ta không mong đợi tình yêu từ đối phương; trong bối cảnh tốt nhất, ta hi vọng mình sẽ chịu đựng được họ. Chúng ta tạo nên cái gọi là "Kết hôn vì điều kiện". Thứ hai, chúng ta không phải tự tìm đối tượng để kết hôn. Nhiệm vụ tìm kiếm vợ/chồng đươc dành cho gia đình hay xã hội nhiều hơn. Chúng ta sẽ đợi để được ra mắt với những lựa chọn đã được kiểm tra theo tiêu chí khách quan.

Sau này, khoảng giữa thế kỷ 18 ở châu Âu, một cuộc cách mạng tư tưởng nổi lên và giờ đây lan rộng ra cả thế giới, một phong trào ngày nay được biết đến dưới cái tên Chủ nghĩa Lãng mạn. Chủ nghĩa Lãng mạn tuyên bố rằng nền tảng hợp pháp duy nhất cho một mối quan hệ là liên kết mãnh liệt của tình yêu. Tất cả những cân nhắc mang tính thực dụng (thừa kế, tình trạng, tài sản) đều được coi là không đáng kể hay không quan trọng. Từ kết hôn vì điều kiện biến thành kết hôn vì tình yêu. Hơn thế nữa, giờ đây chúng ta được phép tự chọn vợ/chồng cho mình mà không cần thông qua gia đình hay xã hội. Người yêu lý tưởng phải được nhận ra bởi Bản năng, không phải Điều kiện.

Tư tưởng của việc tuân theo Bản năng đóng một vai trò to lớn trong lịch sử tình yêu. Không còn là phút bồng bột thoáng qua, cảm giác "đang yêu" giờ đã được hiểu như một chỉ dẫn đáng tin cậy dẫn đến hạnh phúc trong hơn nửa thế kỷ hoặc hơn. Sự xuất hiện của cảm giác này được hiểu theo cách khá bí ẩn: ta không thể dự đoán, chứng minh hay bắt nó xảy ra theo ý mình. Nó chỉ tự nhiên rơi trúng vào ta dưới sự hiện diện của một số người nhất định bằng những lý do nằm ngoài hiểu biết có ý thức. Nó mang những điểm chung như một cuộc gặp gỡ với thần thánh trong tôn giáo. Một người có thể nhận thức được một loạt các biểu hiện được mô tả trong văn học và nghệ thuật: tim đập nhanh, cảm giác bùng cháy với "người ấy", khó ngủ, cảm giác thúc bách phải nói về người thương (cho cả thế giới biết) và khao khát được nghe nhạc, hòa mình vào thiên nhiên cùng "người ấy".

Niềm tin của Chủ nghĩa lãng mạn vào năng lực thu hút của bản năng đã chạm vào lòng người và mang đến cảm giác hứng thú, song nó cũng chứng tỏ nhiều vẫn đề. So với niềm hi vọng ta ấp ủ về tình yêu, thì cách mà hầu hết chúng ta đang sống lại có thể gây ra nỗi thất vọng lớn. Khi nhìn vào số liệu thống kê về những cuộc hôn nhân không hạnh phúc và ly dị, ta phải kết luận rằng chỉ bằng bản năng không được đánh giá là một phương pháp đáng tin cậy trong việc tìm kiếm bạn đời. Niềm tin của chúng ta vào bản năng không hỗ trợ cho ta trong việc tìm kiếm hạnh phúc. Ta không thể quay lại thời kết hôn vì điều kiện, nhưng ta cần tìm kiếm một tương lai vượt trên mối quan hệ dựa vào Bản năng. Ở School of Life, chúng tôi xem xét - và hiện đang cố gắng tạo ra những công cụ - cái mà chúng tôi gọi là Quan hệ Tâm lý học, một nơi mà những hiểu biết sâu sắc nhất về tâm lý học được đưa ra nhằm hỗ trợ cho công cuộc phức tạp tìm kiếm và duy trì tình yêu.

II. Vì sao chúng ta phải lòng một số người nhất định

GIỚI THIỆU

Thật hấp dẫn khi mô tả những thu hút bản năng của chúng ta với một số người nhất định đơn giản là bí ẩn. Nó cảm giác như ta vẫn nói một cách khéo léo, "Lãng mạn" không phân tích cảm xúc của ta mà chỉ đơn thuần tuân theo mệnh lệnh của nó với nỗi kính sợ và quy phục.

Song cảm xúc của ta không phải những nguyên tắc bí ẩn mà thông minh như ta thường ao ước. Phần lớn điều này dễ gây hiểu nhầm. Cảm giác yêu ai đó hiếm khi mở đầu cho một sự mãn nguyện lâu dài. Để các mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn, ta phải nỗ lực để mắt đến những dấu hiệu tình yêu lãng mạn một cách hợp lý. Đây không phải là gạt bản năng sang một bên, mà chỉ đơn thuần là cải thiện nó.

Khía cạnh đặc biệt nhất của bản năng trong tình yêu là tính đặc thù của nó. Ta không có khả năng phải lòng bất cứ ai; ta được dẫn dắt một cách mạnh mẽ bởi "gu" của mình. Ta có thể từ chối rất nhiều ứng cử viên - trên lý thuyết - có vẻ là một nửa hoàn hảo của ta dưới con mắt của người khác. Ta không thể giải thích về những thiếu sót của họ bằng những lý lẽ rõ ràng ngoài việc nói một cách yếu ớt rằng "cảm thấy không đúng cho lắm". Và thay vào đó, ta có thể bị thu hút mạnh mẽ bởi những đối tượng khác rõ ràng ít phù hợp hơn, vì những lý do vượt ngoài ý thức của ta. Chúng ta thực sự vô cùng khó chiều.

Vậy thì, tại sao chúng ta lại phải lòng một số người nhất định (mà không phải là những người khác)? Tại sao chúng ta có "gu" của mình? Điều gì thu hút chúng ta? Có thể xác định ba thành phần sau:

MỘT: BẢN NĂNG HOÀN THIỆN

Một trong những lực lượng mạnh mẽ nhất ẩn trong tình yêu là Bản năng về sự Hoàn thiện. Tất cả chúng ta về cơ bản đều không hoàn thiện: ta không chỉ thiếu một loạt các phẩm chất trong tính cách, tâm lý mà còn cả về thể chất. Ta có thể thiếu bình tĩnh, sáng tạo, kiến thức cơ bản, trí tuệ, sức mạnh, sự nhạy cảm… Như thể, ở đâu đó bên trong, ta nhận ra sự thiếu sót này và sẽ cảm thấy thu hút bất cứ khi nào rơi vào quỹ đạo của người sở hữu những phẩm chất ấy. Chúng ta tìm kiếm - thông qua tình yêu - để khắc phục những khiếm khuyết và hoàn thiện bản thân mình.

Do mỗi chúng ta đều có những kiểu khiếm khuyết khác nhau, nên đó cũng là lý do giải thích vì sao ta thấy cuốn hút bởi những người khác nhau. Một số đối tượng nhất định sẽ có những phẩm chất ta không hề để mắt đến - đơn giản vì ta đã có nó sẵn rồi: ví dụ, ta có thể không cần một người trầm tính ngang bằng với ta. Mọi chuyện sẽ không ổn chút nào nếu cả hai bên quá im lặng. Đó là chút kích thích của sáng tạo và nổi loạn mà ta có thể cần. Gu của chúng ta cũng đa dạng như những khiếm khuyết của mình vậy.

Cơ chế thu hút trong tình yêu cũng tương tự như cơ chế thu hút ta có liên quan đến phong cách kiến trúc và thiết kế. Khi nói đến các tòa nhà và thiết kế nội thất, ta cũng bật chế độ bản năng của sự hoàn thiện. Những nơi ta gọi là "tuyệt đẹp" (cũng như những người ta gọi là "hấp dẫn") thường mang những phẩm chất là muốn nhưng chưa có đủ. Hãy nhìn hai tòa nhà dưới đây:

 Peterskirche, Vienna, 1733

Baptism Chapel, St Moritz Church, Augsburg, 2004

 Nhiều khả năng chúng ta sẽ cảm thấy thu hút với một trong hai bức hình dựa trên nền tảng phẩm chất mà ta cảm thấy chưa có đủ trong bản thân mình. Những người cảm thấy mình còn thiếu cởi mở, sự kịch tính và ngông cuồng (và bị ngợp bởi sự ảm đạm và buồn chán) có thể thấy thu hút với tòa nhà Viennese Peterskirche. Những người cảm thấy lo lắng vì thiếu sự trầm tĩnh, gắn kết và thanh thản (và có quá nhiều những hỗn độn, hoạt động và áp lực) sẽ cảm thấy xúc động trước vẻ đơn giản gần như tuyệt đối của nhà thờ Moritz tại Augsburg.

HAI: BẢN NĂNG CHẤP NHẬN

Bản năng thứ hai thúc đẩy ta trong tình yêu là Bản năng của Sự chấp nhận. Chúng ta có nhiều vấn đề và cảm xúc phải trải qua một mình, bị hiểu lầm và hầu hết mọi người không hiểu hoặc không có hứng thú: có thể ta không thích một số người nổi tiếng nhất định, hoặc lo lắng về chuyện những người khác quá thẳng thắn, ta có thể buồn phiền vì dường như không có ai để chia sẻ, và ta có thể có những niềm hứng khởi hay sở thích không giống với bất cứ ai.

Do đó ta thường bị thu hút mạnh mẽ bởi những người dường như hiểu được khía cạnh đơn độc trong ta. Ta yêu họ vì khả năng chấp nhận những khía cạnh mong manh, cô lập và không dễ dàng. Họ "hiểu" ta - ngược lại với đám đông những người không đủ nhạy cảm để hiểu.

Cuối cùng khi ta được đồng hành với người bạn đời lý tưởng biết chấp nhận ấy, ta cảm giác như mình đang dự một phần nhỏ vào âm mưu chống lại phần còn lại của thế giới. Ta không cần phải giải thích quá nhiều về bản thân. Đơn giản là họ hiểu. Họ hiểu mọi chuyện rất nhanh mà không cần ta phải giải thích. Họ đọc được suy nghĩ của ta - và bởi vậy ta không cần phải nói ra theo cách thông thường, khổ sở. Tình yêu của chúng ta một phần là lòng biết ơn dành cho sự thấu hiểu kỳ diệu ấy.

Có lẽ chúng ta thích bị điều khiển bởi một nguồn năng lượng vô hình nào đó - một thú vui mà những đứa bạn lý trí của ta thường đem ra chế giễu. Hoặc một hứng thú tình dục mà ta hoàn toàn không dám chia sẻ với những đối tượng trước đây. Hoặc ta đồng cảm với một chính trị gia mà mọi người đều khinh thường. Hay ta có yêu quý mẹ nhưng lại cảm thấy ngộp thở vì mẹ - tất cả những điều ấy luôn thật kỳ quặc với người khác. Hay không ai có thể hiểu và tha thứ vì những căng thẳng ta phải chịu đựng trong công việc hành chính. Hoặc là ta từng yêu thích việc chui xuống gầm giường khi còn bé - và ta vẫn thích những tính cách đó bên trong mình nhưng không dễ dàng bộc lộ chúng ra bên ngoài. Tất cả những điều này, một người bạn đời lý tưởng đều biết.

BA: BẢN NĂNG QUEN THUỘC

Cách chúng ta tiếp cận tình yêu khi trưởng thành được định hình chủ yếu bằng cách ta trải nghiệm tình yêu khi còn nhỏ. Ở giai đoạn trưởng thành ta sẽ bị thu hút bởi những người khiến ta nhớ về những người ta yêu quý khi còn nhỏ(ít nhiều vô thức). Ý tưởng này mang cảm giác hoang mang bởi cảm xúc ghê tởm bản năng khi nghĩ đến cha mẹ là đối tượng của tình dục. Song đó không phải là điểm mấu chốt.

 Không hẳn chúng ta bị thu hút bởi những người hoàn toàn giống cha mẹ mình. Chỉ là đối xứng với sự hoang mang, một số phẩm chất ta thấy thu hút nhất khi trưởng thành là những phẩm chất từng được bộc lộ ở những người chăm sóc ta khi còn nhỏ. Tình cảm của chúng ta với bạn đời có thể chốt lại bằng cảm giác quen thuộc. Trong vòng tay họ, về mặt cảm xúc ta cảm thấy mình đang ở nhà.

Và, chẳng có ai suy nghĩ quá nhiều về chuyện này, họ thường gọi ta một cách ngọt ngào là "baby" (cách gọi trẻ con)


III. Vấn đề của chúng ta với những người thu hút mình

GIỚI THIỆU

Xã hội chúng ta không khuyến khích việc phân tích đánh giá ba Bản năng (về sự Hoàn thiện, Chấp nhận và Quen thuộc) quá nhiều. Chúng ta khuyến khích việc "tuân theo cảm xúc" và "tin vào trực giác". Song sự khôn ngoan bắt đầu bằng việc hiểu rằng bản năng của chúng ta hoàn toàn dễ gây hiểu nhầm. Đây là một tính năng trong bản năng con người, không chỉ là kiểu tình cảm nhất thời. Ta chỉ cần nghiên cứu bản năng của mình dành cho thức ăn: môt nửa dân số giàu trên thế giới bị béo phì và nghiện chất béo, đường và muối quá mức. Chúng ta chẳng phải là chuyên gia trong việc biết điều gì là có lợi cho mình.

Bản năng không phải là điều dễ dàng giảm thiểu hay loại bỏ, nhưng ta có khả năng cải thiện và huấn luyện nó đến một cấp độ cao hơn. Chúng ta sẽ luôn là những sinh vật bản năng, nhưng ta có thể học cách điều khiển bản năng một cách hiệu quả hơn. Bằng cách đó, ta sẽ cải thiện triệt để cơ hội tìm kiếm người mình yêu một cách thành công trong dài hạn.

MỘT: RẮC RỐI VỚI BẢN NĂNG HOÀN THIỆN

Bản năng hoàn thiện thúc đẩy ta hướng đến những điểm mạnh ở người khác hứa hẹn bù đắp cho những thiếu sót trong bản chất của ta. Trong thực tế điều này có nghĩa là để trở nên hoàn thiện, có hai điều phải xảy ra: ta cần sẵn sàng học hỏi, và người bạn đời phải sẵn sàng dạy cho ta. Và ngược lại. Thành công trong tình yêu sẽ phụ thuộc vào thành công của việc Học & Dạy.

Đáng tiếc, chúng ta có xu hướng thất bại thảm hại trong cả hai lĩnh vực. Ta có thể quyết định rằng mình không thực sự muốn được dạy. Ta không muốn thay đổi; thay đổi rất đau đớn. Do đó trong khi ta bị thu hút bởi điểm mạnh ở người khác, ta không nhất thiết phải chấp nhận rằng ta phải khắc phục điểm yếu ở chính mình, vốn là thứ châm ngòi cho sự thu hút ngay từ đầu. Chúng ta đòi hỏi - trên thực tế - được người khác chỉ bảo song ta lại không xem xét việc mình có thể trở thành một học trò miễn cưỡng. Chốt lại, ta chống đối lại những bài học mà ta bị thu hút từ xa - để rồi cuối cùng cảm thấy bị đối phương hạ thấp, bẽ mặt và "bị nhìn thấu".

Ngoài ra, bạn đời của ta có thể không phải lúc nào cũng là giáo viên khôn ngoan và khoan dung. Mặc cho sự kiên nhẫn mà họ có trong những bối cảnh khác, họ có thể sợ hãi và cảm thấy bị xúc phạm vì những thiếu sót của chúng ta. Họ có thể trở thành những giáo viên không đúng mực với nỗi sợ hãi tràn ngập rằng họ đã kết hôn với một kẻ ngu xuẩn và đời họ thế là tiêu. Không ngạc nhiên khi họ có thể đưa ra bài học một cách mỉa mai hay hăm dọa làm nhục.

HAI: RẮC RỐI VỚI BẢN NĂNG CHẤP NHẬN

Kịch bản lãng mạn của tình yêu nói với ta rằng người tình đích thực sẽ và phải thấu hiểu chúng ta dù không nói ra. Họ sẽ chấp nhận nỗi cô đơn, bối rối và khía cạnh khó chấp nhận của ta bằng trực giác.

Chuyện này nghe thì cảm động, nhưng trong dài hạn đó là một vấn đề lớn, vì nó ngăn không cho ta thực hiện công việc khó khăn nhưng cần thiết là giãi bày về bản thân mình: ta cần gì, ta cảm thấy thế nào, vì sao ta buồn, điều gì khiến ta kích động. Chúng ta bắt đầu tin rằng một người tình lý tưởng nên biết rõ những gì trong tâm trí ta mà không cần ta phải nói ra. Thực tế là họ đọc được vài phần suy nghĩ của ta khá tốt, nên tự nhiên, từ một điểm cụ thể dẫn đến cảm giác phản tác dụng là họ hiểu toàn bộ tâm trí ta mọi lúc - điều này gây ra một sự miễn cưỡng rõ ràng (phải nói là không Lãng mạn cho lắm).

Vấn đề nền tảng là chúng ta là những sinh vật vô cùng phức tạp. Trên thực tế không một người nào có khả năng hiểu được bằng trực giác mọi ngóc ngách trong tâm trí người khác. Điều này có nghĩa rằng trong nhiều tình huống quan trọng với ta, và trong chính những lúc ta lý tưởng rằng đối phương sẽ hiểu mà không cần nói, ta thường sẽ không tìm được sự thấu hiểu nhanh chóng và dễ dàng từ người mà bản năng dẫn dắt ta đến. Trong nhiều trường hợp, những đòi hỏi không được nói thành lời của ta lại được đáp ứng bằng vẻ mặt trống rỗng khó hiểu hay phản hồi sai gây khó chịu.

Một trong những mối nguy lớn nhất của Bản năng Chấp nhận là khi thất bại nó dẫn đến bùng phát cơn hờn dỗi. Hờn dỗi là hiện tượng vô cùng đặc biệt trong tâm lý tình yêu. Quan trọng là ta không tự nhiên hờn dỗi với người dưng. Ta hờn dỗi với những người ta tin là hiểu mình nhưng vào những dịp nhất định thì lại không. Dĩ nhiên ta có thể giải thích điều này, nhưng nếu làm thế điều đó có nghĩa là họ đã thất bại trong việc hiểu ta bằng trực giác và do đó, họ không đáng để yêu nữa. Hờn dỗi là một trong những món quà kỳ quặc của tình yêu. Ta có niềm tin mãnh liệt rằng một người tình tuyệt vời thì nên tự biết giải thích chuyện gì đã xảy ra trong bữa tiệc khi họ vô tình làm ta bẽ mặt, trong khi ta chỉ ngồi im lặng trong xe trên đường về và chỉ lẳng lặng trả lời "không có gì" khi người yêu hỏi có chuyện gì vậy. Và khi về đến nhà, ta sẽ biến thẳng vào phòng tắm và đóng sập cửa lại - và khi họ hỏi lại lần nữa, "có chuyện gì nói anh/em nghe đi", thì ta vẫn khoanh tay im lặng, vì ta ngầm tin rằng một người tình đích thực, một người xứng đáng với tình cảm của ta, bẩm sinh có khả năng đọc được ý định của ta qua cửa phòng tắm, qua vẻ bề ngoài của ta và tiến thẳng vào hang động của linh hồn đang đau khổ và bùng cháy của ta.


BA: RẮC RỐI VỚI BẢN NĂNG QUEN THUỘC

a) Động lực lặp lại

Chúng ta được bản năng dẫn dắt tới những đối tượng tiềm năng mang cảm giác thân thuộc. Tình yêu trưởng thành chủ yếu là công cuộc tìm kiếm những cảm xúc đã xuất hiện từ thời thơ ấu. Để chứng minh sự hào hứng và thu hút, đối tượng mà ta chọn phải gợi lên nhiều cảm xúc mà ta từng có quanh những hình ảnh thuộc về cha mẹ.

Song những hình ảnh này có thể chỉ đơn thuần liên quan đến sự dịu dàng và thấu hiểu. Họ có thể đã pha trộn tình yêu của mình với một loạt thành phần rắc rối. Ví dụ, họ có thể từng buồn phiền, thiếu tin tượng, bị xấu hổ hay rơi vào trạng thái hỗn độn. Những phẩm chất này giờ đây là thứ ta chủ động tìm kiếm ở người khác trước khi ta trải nghiệm cảm giác yêu họ. Ta có thể từ chối đối tượng không có những khuyết điểm nhất định - dù không hiểu lý do tại sao, ta vẫn thường nói họ "quá tử tế" hoặc "hơi nhàm chán" - những thuật ngữ nhằm ám chỉ: "không có khả năng mang lại cho tôi cảm giác quen thuộc, không khiến tôi chịu đựng theo cách tôi cần để yêu".

Ta có thể nói rằng: chúng ta không chủ đích muốn được hạnh phúc với bạn đời của mình. Ta muốn một người để cảm thấy quen thuộc - vốn là điều có thể thúc đẩy ta đến với những hoàn cảnh không hạnh phúc, nếu tình cảm chúng ta biết khi còn nhỏ gắn kết chặt chẽ với nỗi đau.

Theo những hình mẫu đã được dựng lên thời thơ ấu, ta có thể nói: Tôi cảm thấy mình đang trong một mối quan hệ thân thiết khi người khác ra lệnh cho tôi, không chú ý đến tôi và có xu hướng kìm nén tình cảm, bị kích động vì những điều nhỏ nhặt mà tôi làm hay không làm, có cảm giác là bề trên với tôi và khiến tôi cảm thấy ngượng ngùng và xấu hổ về cơ thể mình.

Động lực lặp lại là xu hướng kỳ quặc trong mối quan hệ - điều rất khó để tự nhận ra nhưng lại dễ dàng nhận thấy ở người khác - nơi ta liên tục tìm kiếm bạn tình với những khuyết điểm bản năng không cho phép ta phát triển hay tìm kiếm hạnh phúc. Đó có thể là một sai lầm, nhưng dường như lại có tính chủ đích hơn thế. Ở mức độ vô thức, ta không có lựa chọn nào khác ngoài đi theo con đường mà tình yêu không hạnh phúc trải dưới tuổi thơ.

Không có sự đổ lỗi nào ở đây. Nhiều người quan tâm đến chúng ta có những khía cạnh rắc rối mà bản thân họ không được lựa chọn. Cho dù có khiến ta phiền muộn nhưng họ không hề cố ý. Dù vậy ta vẫn phải đối mặt với những rắc rối này.

b) Động lực tương phản

Những trải nghiệm thách thức trong quá khứ có thể định hình bản năng về mối quan hệ của chúng ta theo nhiều cách khác nhau. Thay vì bị thu hút bởi một người khiến ta nhớ đến cha mẹ mình, bản năng lại có thể chuyển hướng mạnh mẽ theo hướng ngược lại. Có điều gì đó trong những trải nghiệm hồi nhỏ của ta quá khó khăn đến mức bất cứ điểm tương đồng nào giữa bố mẹ và bạn đời tương lai đều trở nên khó chịu. Chúng ta gọi đó là Động lực Tương phản.

Lý do điều này có thể gây rắc rối là hầu như mọi bậc cha mẹ đều có mặt tốt cũng như xấu. Khi chúng ta phải chịu đựng Động lực Tương phản, ta có thể muốn thoát khỏi mặt Xấu song trên đường đi, ta có thể lại phát triển cảm giác dị ứng không thể cưỡng lại với mặt Tốt. Có thể cha mẹ vô cùng sáng tạo, nhưng lại vô cùng nóng tính: giờ thì ta không thể chịu nổi những người sáng tạo. Có thể cha mẹ rất thông minh, nhưng lại hay hạ nhục người khác: giờ ta cũng không thể chịu nổi mấy người thông minh. Có thể cha mẹ làm kinh doanh tốt, nhưng lại lạnh lùng xa cách: Giờ thì hết chịu nổi với những người thành công trong kinh doanh.

Vì vậy có thể trong thâm tâm ta không lựa chọn như vậy song cuối cùng lại kết đôi với những người không có những phẩm chất có lợi cho ta, những điều nuôi dưỡng ta và khiến ta cảm thấy đồng cảm một cách tự nhiên với nó. Bạn bè ta có thể hơi lúng túng. Họ có thể hỏi tại sao một người sáng tạo như vậy - có thể là mẹ của ai đó - lại sống chung với một người như thế…Hay một người đến từ gia đình kinh tế khá giả lại kết hôn với một tên vô công rồi nghề…Trong những hoàn cảnh đó, chúng ta nên tìm kiếm các bằng chứng về Động lực Tương phản.




Chúng ta không bất lực trước bản năng của mình. Bằng việc thấu hiểu cách thức hoạt động của nó, ta có thể từng bước làm suy giảm những hậu quả tệ hại nhất do nó gây ra. Ta có thể học để trở nên nghi ngờ một cách thông minh những rung động đầu tiên của mình - và kiểm tra một cách hợp lý trước khi tuân theo chúng.

IV: Cải thiện Bản năng Mơ hồ của bản thân

MỘT: CẢI THIỆN BẢN NĂNG HOÀN THIỆN

Chúng ta không chỉ cần những người sở hữu phẩm chất ta cần, mà ta còn yêu cầu một điều khác mà bản năng đã không báo cho ta: sự sẵn sàng lắng nghe bài học và bước những bước giúp ta trở thành những con người hoàn thiện và cân bằng hơn như ta mong muốn. Thực tế là việc đối phương sở hữu những tính cách liên quan không dẫn đến việc ta sẽ học hỏi nó một cách hiệu quả từ họ. Có điểm yếu không có nghĩa là ta tự động trở thành một học trò sẵn sàng và tiếp thu nhanh. Ta cần trở thành một người học trò xuất sắc hơn về cái mà ta muốn người kia dạy cho mình.

Bản năng của ta hướng đến sự hoàn thiện nhưng lại thất bại lớn trong việc ghi nhận những khó khăn của quá trình trở nên hoàn thiện. Bản năng có thể đưa chúng ta đến với những người mà theo nguyên tắc thực sự có những điểm mạnh mà ta đang thiếu. Song mối quan hệ trở nên đau đớn khi ta cảm thấy bị xúc phạm bởi ý tưởng học tập. Chúng ta cảm thấy mình đang sống cùng với một bạo chúa chuyên áp bức và chỉ nhìn thấy những thất bại của ta.

Không phải bản năng của chúng ta đã sai lầm một cách ngu ngốc khi chỉ dẫn cho ta. Chỉ là nó không hoàn toàn triệt để. Đó là một bản năng tốt, nhưng nó tạo nên cơ hội lớn cho những phiền muộn trong mối quan hệ. Một mối quan hệ vững bền nên là một diễn đàn trong đó ta dạy cho người khác nhiều điều và học tập lại từ họ. Nếu ta hiểu mình một cách chính xác, ta sẽ biết có nhiều mặt trong con người ta cần cải thiện. Tình yêu hướng đến vùng an toàn mà ở đó hai người có thể dịu dàng dạy và học lẫn nhau để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Dạy và học không tượng trưng cho sự từ bỏ tình yêu; đó là nền tảng cơ bản dựa trên những gì ta có thể phát triển để trở thành người tình tuyệt vời hơn, và rộng hơn là người tốt hơn.

HAI: CẢI THIỆN BẢN NĂNG CHẤP NHẬN

Sự hờn dỗi và niềm tin của ta vào thấu hiểu qua trực giác có mặt xúc động của nó, gợi lên niềm tin to lớn vào khả năng diễn dịch của người bạn đời. Song để trưởng thành ta phải tin rằng mình không thể tiếp tục kỳ vọng một cách hoang đường rằng người khác sẽ đọc được tâm trí mình nếu trước đây ta không đưa nó ra thông qua từ ngữ. Kể cả một người tình thông minh và nhạy cảm nhất cũng không thể trông đợi tiếp tục điều chỉnh quanh ta mà không có sự biểu lộ bằng lời nói một cách kiên nhẫn về những khao khát và ý định của ta.

Những lời đoán biết may mắn cuốn hút thuở ban đầu về những gì đối phương cảm nhận sẽ không đánh lừa được ta lâu. Thậm chí trong một mối quan hệ hoàn hảo, thì việc trông đợi người tình hiểu được đối phương mà không cần nói cũng chỉ rất ít. Chúng ta không nên giận dữ khi người yêu của mình đoán không đúng. Thay vì im lặng và hờn dỗi, ta nên có can đảm để cố gắng giải thích: để dạy họ một cách điềm tĩnh.


BA: CẢI THIỆN BẢN NĂNG QUEN THUỘC

a) Động lực lặp lại

Bản năng Quen thuộc dẫn ta đến hai trường hợp khó: những người có phẩm chất xấu tương tự như bố mẹ của ta. Hoặc những người không có bất kỳ phẩm chất xấu nào như bố mẹ ta, nhưng lại cũng chẳng có phẩm chất tốt nào.

Hai giải pháp cho vấn đề này thường đến từ người ngoài: rằng ta nên rời xa kẻ rắc rối và ta nên thay đổi gu của mình. Cả hai đều vô cùng khó khăn. Tại School of Life, chúng tôi có phần bi quan về việc liệu con người có thể thay đổi hoàn toàn kiểu người mà họ thấy thu hút. Do đó chúng ta có một giải pháp khác: ta tin rằng mình nên hướng nổ lực vào việc thay đổi cách thức đối phó đặc trưng với những khó khăn mà ta bị thu hút. Hiện tại, cách ta thường dùng để đối phó với những trở ngại mà ta bị thu hút là cách cư xử của ta khi còn là một đứa trẻ. Mô hình phản ứng của chúng ta bị lúng túng với một số vấn đề mà một người trẻ có thể gặp phải. Ví dụ: ta cá nhân hóa những vấn đề mà ta không phải chịu trách nhiệm, ta không giải thích sự khó chịu của mình, ta hoảng loạn, ta trốn trong im lặng. Ta hờn dỗi.

Nói cách khác, có một cơ hội to lớn để chuyển từ mô hình phản ứng của trẻ con sang người trưởng thành khi đối mặt với những khó khăn mà ta bị thu hút. Điều khiến mối quan hệ của chúng ta tồi tệ không đơn giản là, ta bị thu hút bởi một người hơi nóng nảy, xa cách hay bận rộn, mà là ta tiếp tục phản ứng với những vấn đề ấy theo cách ta đã từng làm khi gặp chúng lần đầu cách đây rất lâu, khi còn là một đứa trẻ.

Có một kiểu phản ứng trưởng thành và hợp lý - ít kích động, ít yếu ớt hơn - mà theo nguyên tắc ta có thể làm để thay đổi gần như mọi thứ.

Với những đặc điểm phức tạp nhất mà ta có thể bị thu hút một cách bản năng, ta có thể phân biệt phản ứng của một đứa trẻ và phản ứng của một người trưởng thành lý tưởng.




Quá khứ có thể đã chỉ định cho ta một bản năng hướng đến những con người phức tạp. Nhưng cách ta đối mặt với họ - khi đã kết đôi với nhau - có thể thay đổi. Sẽ vô cùng khác biệt nếu ta có thể chuyển từ cột B sang cột C.

b) Động lực tương phản

Trong Động lực Tương phản, một mô hình hành vi được xem là nguy hiểm khi một người tìm kiếm điều ngược lại như một lối thoát bản năng. Họ vừa tệ hại nhưng lại có học thức, ngăn nắp, lịch sự, sáng tạo, giàu có… - do đó những thuộc tính sau trở nên độc hại. Chúng ta cảm thấy rằng những người không có nó thì sẽ tử tế: ta tìm kiếm phẩm chất tương phản với phẩm chất độc hại.

Vấn đề là, theo thời gian, những phẩm chất tương phản này có xu hướng khiến ta khó chịu. Ban đầu, thật dễ chịu khi ở cạnh những người không mang những đặc điểm khiến ta dị ứng. Rồi sau đó ta bắt đầu chỉ trích bạn đời của mình vì chính những phẩm chất mà bản năng của ta đã tìm kiếm. Không ngạc nhiên khi ta làm điều này bởi ta đã được các chuyên gia (khi còn nhỏ) dạy cách hạ thấp những kiểu người như vậy.

Các bậc cha mẹ khó tính của chúng ta không chỉ tạo nên những điểm mạnh độc hại của họ, mà đồng thời còn dạy ta cách chỉ trích những người thiếu các điểm mạnh đó. Những ký ức của chúng ta ghi nhớ một sự giáo dục rõ ràng trong việc tấn công những điều tương phản ta bị thu hút. Chúng ta có kỹ năng tốt trong việc đè bẹp: ta được dạy bởi những chuyên gia trên thế giới từ thời kỳ tăm tối!




Một đề xuất đơn giản là dừng việc hẹn hò với những người Tương phản. Lời khuyên là chuyển đổi bản năng của chúng ta (hay ghi đè lên chúng) và học cách bị thu hút bởi những người mang các phẩm chất tốt của cha mẹ, mặt tốt chứ không phải mặt gây rắc rối của họ. Nhưng điều này rất khó. Một mục tiêu thực tế hơn là chấp nhận rằng ta có thể luôn bị thu hút bởi những phẩm chất tương phản nhưng ta có thể học cách điều khiển để chúng bớt gây khó chịu và có một khả năng tha thứ cao hơn.

Ta có thể học cách cảm thấy khác biệt với những người mang phẩm chất tương phản, vì bản thân những phẩm chất này không hề xấu.




Chúng ta gặp vấn đề với bạn đời của mình không chỉ vì trên thực tế họ thật tệ hại. Mà bởi vì ta học cách phản ứng với những phẩm chất tương phản của họ theo kiểu trừng phạt. Có một cách khác để xử lý chúng. Điều đầu tiên là hãy nhớ kỹ rằng đối phương đang giúp đỡ ta: ví dụ, một người kém thông minh có thể miễn cho ta cảm giác bị hạ thấp khi ở cạnh những người trí thức uyên bác. Những người bừa bãi giúp ta cảm thấy thoải mái hơn khi ở cạnh những người có tính tổ chức và ngăn nắp cao. Ta cũng nên nhớ nhắc bản thân về sự thật khó xử rằng các phẩm chất nhất định rất khó cho ta. Không phải sai lầm khi ta bị thu hút đến với kiểu người đó. Ta nên hoan hỉ vì mình không có nhiều thủ đoạn. Nhiệm vụ không phải là ghét bạn đời vì những điểm yếu của họ; mà là quan tâm một cách tử tế đến sự phát triển của họ.

Nguồn: http://www.thebookoflife.org/mate-selection/ 

Theo tamlyhoctoipham.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,427 lượt xem