Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Củng Cố Kỹ Năng Đọc Nhanh, Tập Trung, Nắm Chắc Ý (Academic, Nonfiction Reading)

Tôi học đọc

Nhiều người bắt gặp tôi đọc tài liệu academic (học thuật/chuyên ngành) hay nonfiction (phi giả tưởng) từng kêu trời lên rằng: “Không thể tưởng tượng được cậu suốt ngày đọc những cái khô khan như thế này! Cậu không thấy chán, không thấy buồn ngủ à?” Những lúc như thế, tôi lại tủm tỉm cười. Tôi nhớ mình từng đặt những câu hỏi y chang như vậy khi thấy mọi người đọc hàng tập tài liệu dày đặc chữ với số ở thư viện. Làm sao họ có thể đọc lâu thế trong khi mình thì cứ mở quyển sách ra là buồn ngủ tới rơi cả mắt? Chăm chú đọc truyện tranh hay truyện chữ giả tưởng kiểu kiếm hiệp, ngôn tình thì còn có thể lý giải được nhưng đọc academic với nonfiction thì có cái gì mà hấp dẫn thế? Tôi vẫn còn nhớ hồi học Đại học, mỗi lần phải đọc sách chuyên ngành (bằng tiếng Anh) từ 10 trang trở lên là một lần hạ quyết tâm lên, quyết tâm xuống, rồi tốn bao nhiều trà, cà phê, nước tăng lực để chống chọi cơn buồn ngủ. Có những hôm phải mất nguyên cả ngày đứng lên, ngồi xuống mới đọc được 30 trang tài liệu. Đọc quả là một thảm hoạ!

Khi mới bắt đầu sang Mỹ học Thạc sĩ, tôi vẫn tiếp tục đọc rất chậm trong khi khối lượng bài đọc mỗi ngày một nặng, gấp hàng chục tới hàng trăm lần hồi học Đại học tại Việt Nam. Có những tuần tôi được yêu cầu đọc 3 quyển sách chuyên ngành, mỗi quyển ít nhất 300 trang để thuyết trình và thảo luận trên lớp. Với áp lực phải đọc và tiếp nhận khối lượng kiến thức lớn như vậy, tôi cố gắng hỏi và quan sát cách các bạn trong lớp đọc, ghi chép, và diễn đạt ý hiểu của mình trên lớp để “bắt chước” làm theo ở nhà hoặc ở thư viện. Tôi cũng tự tìm tòi, nghiên cứu, và thử nghiệm các phương pháp đọc khác nhau để rút kinh nghiệm cho mình. Bằng cách áp dụng vài quy tắc cơ bản, đến kỳ 2 Thạc sĩ, tốc độ đọc của tôi tăng lên rõ rệt, có thời điểm tôi đã đuổi kịp, thậm chí vượt lên tốc độ đọc của các bạn bản ngữ học cùng. Tuy nhiên, đọc nhanh cũng dẫn đến việc không nắm được chắc ý và thiếu tập trung khi đọc những tài liệu khó – những điểm mà tôi phải rút kinh nghiệm và luyện tập thêm vài năm sau đó.

Cho đến khi học lên Tiến sĩ và trở thành nghiên cứu sinh, đọc trở thành công việc chính của tôi. Tôi được trả lương để đọc. Công việc đầu tiên tôi được nhận là đọc hơn 200 bài báo chuyên ngành, lọc ý, tóm tắt, và viết lại thành một Literature Review (cơ sở lý luận) cho giáo sư. Trong quá trình biến đọc trở thành một hoạt động cố định mà tôi làm hàng ngày (như đánh răng, rửa mặt vậy), tôi đã xây dựng một số phương pháp để đọc tốt hơn cả về số lượng (đọc nhanh hơn) và chất lượng (đọc tập trung, nắm tốt ý). Ngày nay, đọc tài liệu academic và nonfiction không còn là thảm hoạ với tôi nữa, đọc trở thành một kỹ năng, một thói quen giao thoa giữa công việc và sở thích. Đọc đưa tôi đến với nhiều kiến thức thú vị – những tri thức không chỉ áp dụng cho nghiên cứu mà còn cho đời sống hàng ngày (rất nhiều điều tôi viết trên blog ra từ sách academic và nonfiction). Nếu không vì thích đọc, chắc chắn tôi sẽ không thích viết và sẽ không viết thường xuyên như thế này. Đọc và học đọc thực sự đã tạo ra những thay đổi gốc rễ và tích cực cho cuộc sống của tôi những năm qua.

Phương pháp đọc của tôi

Trước khi chia sẻ phương pháp đọc của tôi, tôi muốn nhấn mạnh một điều là dù cùng đọc một loại tài liệu, mỗi người sẽ có phương pháp đọc riêng, không ai giống ai và không có phương pháp đọc nào đúng với mọi trường hợp. Phương pháp đọc của tôi (hay hàng vạn phương pháp đọc khác trên đời) chỉ có ý nghĩa tham khảo. Cách duy nhất để tìm ra phương pháp đọc phù hợp nhất của mình là phải đọc nhiều, thử nghiệm các phương pháp khác nhau, và không ngại thay đổi linh hoạt để đáp ứng với đặc điểm của bài đọc. Nâng cao kỹ năng đọc luôn là một quá trình lâu dài tìm tòi, phát triển, và không ngừng luyện tập (bằng cách đọc nhiều và đọc hiệu quả) để ngày một tốt hơn. Dưới đây là một vài gợi ý của tôi:

1. Đọc có chọn lựa. Điều đầu tiên tôi thường nói với sinh viên/bạn bè của mình khi vào Cao học là đừng kỳ vọng mình sẽ đọc được hết tất cả những tài liệu được giao cho từng từ, từng chữ một. Ngay cả những giáo sư lâu năm trong nghề, mặc dù ngày nào cũng đọc, viết, và suy nghĩ, họ cũng chỉ có thể đọc kỹ lưỡng một số tài liệu nhất định mà thôi. Số còn lại, họ đều đọc lướt để lấy ý. Ở trình độ học viên, khi khả năng đọc (đặc biệt đọc ngôn ngữ nước ngoài) của mình còn thấp, tôi rất khuyên mọi người nên đọc có chọn lựa. Thứ nhất, bạn chỉ nên dành thời gian đọc những bài báo/sách thực sự có giá trị và có liên hệ đến những vấn đề mình quan tâm. Để có lựa chọn tốt, bạn có thể dựa vào review của sách trên mạng, số lượng trích dẫn (citation) của bài báo, và giới thiệu của bạn bè, thầy cô, internet. Thứ hai, khi lần đầu tiếp xúc một tài liệu, bạn chỉ nên đọc lướt (scan/skim) tiêu đề, tóm tắt (executive summary/abstract), mở bài, kết bài, và có thể cả phần phương pháp (methodology) đối với nghiên cứu khoa học vì đây là những phần xương sống của tài liệu. Nếu những phần này không rõ ràng hoặc không nói lên liên hệ gì với vấn đề bạn đang quan tâm, bạn có thể đưa ngay ra quyết định ngừng đọc tiếp. Thứ ba, khi đọc những phần xương sống này, bạn có thể tăng hơn nữa tốc độ đọc bằng cách tập trung vào 1-2 câu mở đầu của từng đoạn (thesis statements), tiêu đề phụ (subtitles), mô hình/bảng biểu mình hoạ, và hệ thống danh từ, động từ của từng câu vì đây luôn là những phần nêu ra ý chính của từng phần nhỏ trong bài. Qua ba bước đọc nhanh này, bạn có thể dễ dàng nắm được ý chính của tài liệu và đưa ra quyết định có đọc tiếp/đọc kỹ hay không trong vòng 3-5 phút.

2. Luôn ghi chép. Từ những năm học phổ thông, tôi đã nhận ra sức mạnh của ghi chép. Ghi chép giúp tăng độ tập trung lên rất cao vì hoạt động này bắt buộc não bộ phải xử lý thông tin nhận được, làm cho thông tin có nghĩa, chọn lọc thông tin, rồi chuyển hoá thành con chữ trên giấy qua hoạt động thể chất (viết tay/đánh máy). Vì vậy, khi đọc bất cứ tài liệu nào dạng academic hay nonfiction, tôi đều dùng bút chì/con trỏ chuột để gạch chân phần quan trọng hoặc ghi lại bên lề. Nếu đọc sách giấy mà không mang theo bút hoặc đọc tài liệu bản mềm mà không ghi chép được lên máy, tôi không thể đọc tập trung quá 15 phút!. Ghi chép còn giúp việc đọc thú vị hơn vì khi đã có ý thức ghi chép, ta thường sẽ có thêm động lực để kiếm tìm và ghi lại những ý tưởng quan trọng, thú vị của tài liệu. Từ đó, việc đọc cũng trở nên sôi nổi, lôi cuốn, vui vẻ hơn. Với những ai thường phải học thuộc lòng, bạn biết là đọc chữ cho chính mình viết ra luôn dễ hiểu và dễ nhớ hơn là đọc ghi chép của người khác. Vì vậy, ghi chép còn giúp tăng khả năng nhắc lại khi bạn cần review lại nội dung bài đọc hoặc cần học thuộc lòng.

Luôn ghi chép

3. Xây dựng một “hệ thống” đọc phù hợp. Mỗi người nên có một “hệ thống” (system) đọc riêng. Hình dưới đây là hệ thống của tôi khi đọc sách chuyên ngành – một nội dung đọc yêu cầu sự tập trung rất cao.

Hệ thống đọc của tôi

Mỗi khi ngồi xuống bàn, tôi thích mở ra cuốn Productivity Planner của mình để quản lý thời gian đọc tài liệu. Với tài liệu mở bên cạnh (có thể là tài liệu giấy hoặc tài liệu điện tử trên máy tính), tôi sẽ mở cuốn sổ của mình ngay bên cạnh. Cuốn sổ này, như bạn thấy trên hình, được chia làm 2 phần. Bên tay trái trang sổ tôi ghi lại ý chính hoặc những ý thú vị của tài liệu (kèm theo số trang để tiện tra cứu lại). Bên tay phải trang sổ, tôi viết suy nghĩ của cá nhân mình về bài đọc, liên hệ từ bài đọc này sang bài đọc khác, hoặc câu hỏi tôi có đối với bài đọc. Đây là cách làm của riêng tôi để tách biệt đâu là thông tin từ bài đọc và đâu là suy nghĩ cá nhân. Cách làm này đặc biệt hữu ích khi tôi cần phát biểu trên lớp, trong hội thảo, hay trong cuộc họp. Mỗi lần cần đưa ra ý kiến của mình, tôi chỉ cần nhìn vào phần bên phải để chuẩn bị ý tưởng và nói cho rõ ràng, đồng thời đối chiếu với phần bên trái để người nghe có thể cùng đối chiếu vào văn bản. Tôi cũng để một vài tờ nhắn màu sắc bên cạnh để ghi chú lại ý tưởng và dán vào vở/ sách. Tuỳ vào tính chất của từng bài đọc, tôi đôi khi còn làm thêm một bước nữa là đánh máy nhanh tóm tắt bài đọc, lưu lại ở một file chung trên máy tính để sau này có thể tìm lại dễ dàng.

4. Sắp xếp tài liệu đọc. Với khối lượng tài liệu đọc nhiều, việc sắp xếp tài liệu đọc là rất quan trọng để theo dõi tiến trình đọc thường xuyên và xem lại ý chính của bài đọc khi cần (rất quan trọng đối với sinh viên và những người làm nghiên cứu). Đối với tài liệu giấy, tôi có một hệ thống sắp xếp riêng trên giá sách theo thể loại và chủ đề. Tuy nhiên, mấy năm gần đây tôi đang thực hiện giảm thiểu việc đọc trên giấy và tăng lên việc đọc trên máy để có thể di chuyển dễ dàng hơn với tài liệu và có thể đọc mọi lúc, mọi nơi. Vì vậy, tài liệu nào không cần nữa tôi thường cho đi, huỷ đi, hoặc scan để giữ lại trên máy tính. Đối với tài liệu điện tử, tôi sử dụng Mendeley để sắp xếp tài liệu và ghi chép dạng PDF, sử dụng Kindle lưu trữ và đọc sách, và Dropbox hoặc Google Drive để lưu và chia sẻ tài liệu. Hiện nay, càng ngày càng có nhiều công nghệ để sắp xếp và lưu trữ tài liệu, bạn đọc có thể nghiên cứu và chọn cho mình loại hình công nghệ thích hợp nhất.

***

Tôi hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn đọc củng cố hơn kỹ năng đọc của mình và không còn ngại đọc thể loại academic/nonfiction nữa. Nếu bạn có bí quyết đọc nào nhanh, tập trung, và hiệu quả, hãy chia sẻ với tôi cùng các bạn đọc khác trong phần comment dưới đây nhé!

Be Present,

Chi Nguyễn

 

Nguồn bài: http://thepresentwriter.com/doc-nhanh-tap-trung-nam-chac-y-academicnonfiction-reading/

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

10,465 lượt xem