Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Đã Đến Lúc Giới Trẻ Nên Ngồi Lại Và Nghĩ Về Tương Lai Của Mình Trong Thời Đại Công Nghiệp 4.0

Trong tương lai, rất nhiều công việc được thay thế bằng robot. Tưởng rằng đó chỉ là một bộ phim khoa học viễn tưởng, nhưng với cuộc Cách mạnh công nghiệp 4.0 đang diễn ra, viễn cảnh ấy sẽ thành sự thật trong khoảng 10 - 15 năm nữa.

Robot rồi sẽ thay thế chúng ta?

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra từ những năm 2000 gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số.

Năm 2013, một từ khóa mới là Công nghiệp 4.0 (Industrie 4.0 - I4.0) bắt đầu nổi lên xuất phát từ một báo cáo của chính phủ Đức đề cập đến cụm từ này nhằm nói tới chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người. Hiện nay, I4.0 đã vượt ra khỏi khuôn khổ dự án của Đức với sự tham gia của nhiều nước.

Công nghệ đang phát triển theo đúng quy luật được nhà triết học R. Buckminster Fuller chỉ ra: Làm nhiều hơn với công sức bỏ ra ít hơn, cho tới lúc bạn có thể làm mọi thứ mà không phải tốn bất kì công sức nào. Sự kiện chương trình máy tính AlphaGo đánh bại kì thủ cờ vây vô địch thế giới Le Sedol vào ngày 15/3/2016 đã làm cả thế giới ngỡ ngàng và lo sợ trước tương lai: Robot có thể trở nên thông minh hơn cả con người và thay thế con người trong một ngày không xa.

Cuối năm 2015, Ngân hàng Anh quốc đưa ra một dự báo: Sẽ có 95 triệu lao động truyền thống sẽ bị mất việc trong vòng 10 - 20 năm tới chỉ riêng tại Mỹ và Anh - tương ứng với 50% lực lượng lao động tại hai nước này và tình trạng tương tự cũng sẽ xảy ra ở các quốc gia khác.

Trong lĩnh vực Sản xuất: Năm 2016, tập đoàn sản xuất Foxconn của Đài Loan, Trung Quốc, nhà cung cấp chính của Apple, đã mua hàng ngàn robot để làm việc, thay thế 60.000 công nhân trong các nhà máy. Trong tương lai gần, công ty này dự định sẽ triển khai 1 triệu robot.

Trong lĩnh vực Thương mại, Dịch vụ, Giải trí: Ở Nhật, robot đã hiện diện ở những vị trí công việc vốn được cho rằng không thể thay thế con người như lễ tân (khách sạn, cơ quan, nhà hàng, trung tâm tư vấn...) Khi có khách đến, robot có thể tự động nhận dạng, ghi nhớ để chào hỏi, nhớ được sở thích, trả lời các nhu cầu của khách hàng bằng giọng nói của con người. Sự phát triển của hệ thống trực tuyến Grab và Uber đã khiến cho hàng triệu nhân viên trực điện thoại đặt xe taxi mất việc vào năm 2013. Công nghệ mua sắm Amazon Go là thách thức với các siêu thị và đội ngũ nhân viên bán hàng khi người dùng chỉ cần cài ứng dụng, quét mã QR, chọn đồ và đi thẳng ra cửa mà không cần xếp hàng.

Trong lĩnh vực Giao thông: Xe tự lái có thể khiến hơn 3 triệu lái xe ở Mỹ mất việc và 5 triệu người làm việc trong các quán ăn, trạm xăng và nhà nghỉ có thể sẽ bị robot thay thế.

Trong lĩnh vực Y tế: Cỗ máy IBM Watson có biệt danh Bác sĩ biết tuốt có thể lướt duyệt cùng lúc hàng triệu hồ sơ bệnh án để cung cấp cho các bác sĩ những lựa chọn điều trị dựa trên bằng chứng chỉ trong vòng vài giây nhờ khả năng tổng hợp dữ liệu khổng lồ và tốc độ xử lý mạnh mẽ và đưa ra gợi ý hướng điều trị chính xác. 

Trong lĩnh vực Giáo dục: Sự phát triển của MOOC (hệ thống học trực tuyến) đã tăng từ một vài ngàn sinh viên tới hơn 35 triệu người học kể từ năm 2013. Trong tương lai, số lượng giáo viên ảo có thể nhiều hơn giáo viên thực gấp mấy lần.

Bà Sabine Pfeiffer - nhà xã hội học, Đại học Hohenheim, Đức - cho rằng những công việc lặp đi lặp lại nhiều sẽ dễ bị thay thế nhất. Bà chia sẻ: "Các công việc văn phòng thông thường sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đó là những công việc không cần nhiều bằng cấp mà chỉ cần dựa trên các quy trình chuẩn. Cách thức tự động hóa các công việc đó khá đơn giản và cắt giảm rất nhiều chi phí, không chỉ bằng máy móc mà còn bằng các thuật toán".

Những viễn cảnh trên không còn là tương lai của mấy trăm năm, mà nó chỉ còn cách chúng ta vài năm nữa thôi. Nếu bạn không thể chuẩn bị cho nó ngay từ bây giờ, bạn sẽ bị chính dòng chảy của công nghệ đẩy ra xa và vĩnh viễn bị thay thế.

Chúng ta sẽ phải thay đổi ra sao?

 

Giáo sư Phan Văn Tường, chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế chia sẻ: “Trong Cách mạng công nghiệp 4.0, không còn ai nói tới bằng cấp nữa. Con người sẽ được đánh giá theo giá trị thật họ mang tới cho xã hội, bất chấp bằng cấp, bất chấp xuất xứ, bất chấp hệ thống chống lưng. I.4 đòi hỏi sự đóng góp của mọi giới năng động, tự lập, tự do, tự học, tự nghiên cứu, tự động viên, nhất là óc sáng tạo. Bao nhiêu cái “tự” đó khó lòng sinh tồn trong một cơ chế “đợi lệnh trên”.Tất nhiên, những người học thuộc lòng, thi lấy điểm, học lấy bằng sẽ mất chỗ đứng. Giáo viên nào không thay đổi tư duy cũng sẽ mất chỗ”.

“Nhu cầu của những công việc lặp đi lặp lại (routine work) sẽ giảm thiểu theo cấp số mũ. Nhưng nhu cầu cho những công việc sáng tạo (non-routine and creative work) sẽ tăng tới chóng mặt. Trong một tương lai rất gần thôi, sẽ không còn ai thuê bạn vì những gì bạn biết nữa. Bạn không thể biết nhiều hơn Google được. Nhưng họ sẽ tuyển bạn dựa trên những gì bạn có thể làm với kiến thức bạn được học. Vì thứ lớn nhất mà con người có thể hơn máy tính chính là khả năng tư duy sáng tạo và thiết kế những giải pháp cho các vấn đề - thứ mà robotvĩnh viễn chỉ có thể bắt chước” - tiến sĩ Bernhard Schindlholzer (Technology Manager tại Machine Learning and E-commerce) chia sẻ.

Chính vì nhu cầu của xã hội, những lớp học truyền thống nhằm mục đích truyền tải kiến thức từ “đầu” người này sang “đầu” người kia (transfer knowledge) sẽ bị xoá sổ vĩnh viễn với sự phát triển của hệ thống giáo dục trực tuyến. Những ngành học như Ngân hàng, Kế toán, hay Kiểm toán cũng sẽ không còn được trọng dụng nếu chúng ta vẫn cứ theo cách học truyền thống. Ngoài ra, việc kết hợp giữa những ngành học khác nhau như công nghệ và kinh tế lại có thể mở ra một hướng đi mới cho tương lại.

Trong Cách mạng 4.0, làm việc nhóm là bắt buộc, nhưng không chỉ với bạn bè thân hữu mà phải làm việc với những người không quen biết trên thế giới có cùng chung chí hướng. Điều này đòi hỏi một phong cách làm việc kỹ lưỡng, chuyên nghiệp, cẩn mật, có óc tổ chức, tư duy thương thảo mỗi lúc, khả năng truyền thông tuyệt vời trong nhiều ngoại ngữ, khả năng giải quyết mâu thuẫn, thậm chí xung đột từ xa… Sẽ không có chỗ cho việc làm tạm bợ, không hiểu hoặc không tôn trọng luật pháp tại nhiều quốc gia; đòi hỏi một phông văn hóa cao để dễ tìm nguồn thông cảm giữa các chủng tộc, đạo giáo. Cách mạng 4.0 cần ở nguồn nhân lực mới những tư duy thực tiễn để có thể cạnh tranh toàn cầu.  

Ngay bản thân nước Mỹ, trong lịch sử, sau Thế chiến thứ Hai và sau năm 1957, khi Liên Xô phóng thành công vệ tinh lên quỹ đạo, họ đã đối mặt với Thời điểm Sputnik để có được nền khoa học phát triển như bây giờ. Việc Liên Xô đưa vệ tinh vào vũ trụ đã “thức tỉnh” người Mỹ, khoa học Mỹ và giáo dục Mỹ tập trung mọi nguồn lực cho phát triển khoa học. Và bây giờ, có lẽ đã tới lúc Việt Nam tự tạo ra thời điểm Sputnik cho chính mình. Những ngành học về STEM (những ngành về khoa học công nghệ) phải bắt đầu được cân nhắc đào tạo. Các chính sách khuyến khích sáng chế, khoa học công nghệ trong trường học phải được triển khai trên diện rộng. Vì nếu không chúng ta sẽ vĩnh viễn tụt lại phía sau.

Trong thời đại này, sẽ không có một tấm bằng cấp nào là hộ chiếu bảo đảm cho bạn một chỗ đứng hay sự chiến thắng tuyệt đối với robot. Để có thể giữ được chỗ đứng của mình, bạn bắt buộc phải thay đổi ngay hôm nay! Hãy tự tạo ra thời điểm Sputnik của chính mình và thay đổi tương lai của bạn!

Nguồn: hoahoctro.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

428 lượt xem