Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Đánh Bại Sự Cô Đơn

Cô đơn là một cảm xúc khá chủ quan. Bạn có thể có nhiều bạn bè, gia đình, đồng nghiệp xung quanh, nhưng bạn vẫn cảm thấy không thể kết nối dù về cảm xúc hay giao tiếp với người xung quanh. Mọi người không thể nào giúp bạn ngăn chặn được nỗi đau tinh thần do sự cô đơn mang lại.

Thế nhưng, nỗi đau về mặt tinh thần chỉ là khởi đầu cho những tổn hại mà cô đơn gây nên. Nó có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất của chúng ta. Cô đơn sẽ khởi động cho những phản ứng với stress về mặt thể chất lẫn tâm lý, đồng thời ngăn chặn những hoạt động của hệ miễn dịch của chúng ta. Nó làm gia tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật, bao gồm cả bệnh tim. Đáng ngạc nhiên là, hiểm họa lâu dài của việc cô đơn kinh niên lên sức khỏe và tuổi thọ của chúng ta rất nặng nề, nó làm gia tăng khả năng chết trẻ lên đến 26%.

Có nhiều con đường dẫn tới sự cô đơn. Một vài người thì từ từ cảm nhận sự cô đơn. Một người bạn chuyển đi xa, một người bạn khác có con, người bạn thứ ba thì làm việc tăng ca, và trước khi ta kịp nhận ra, thì mối quan hệ thân thiết mà ta luôn dựa vào bao năm nay, biến mất. Một số khác thì rơi vào cô đơn nhanh hơn, khi họ rời trường hoặc quân đội, mất đi người bạn đời, li dị, bắt đầu một công việc mới, hay chuyển đến ở một thành phố hay đất nước mới. Và với một số người khác thì, bệnh mạn tính, tật nguyền, hay những điều kiện giới hạn khác, đã biến cô đơn thành người bạn đồng hạnh của họ.

Rủi thay, thoát khỏi cô đơn khó khăn hơn chúng ta tưởng rất nhiều, bởi vết thương tâm lý do nó gây nên tạo thành một cái bẫy giam cầm chúng ta. Cô đơn bóp méo mọi nhận thức của chúng ta, khiến ta tin rằng mọi người xung quanh không quan tâm đến ta, và làm chúng ta nhìn những mối quan hệ đang có một cách tiêu cực, như thể chúng không đáng giá và quan trọng bằng khi chúng ta nhìn nhận chúng lúc không cảm thấy cô đơn.

Sự nhận thức méo mó này như một làn sóng, tạo nên những lời tiên đoán tự thành hiện thực đánh bẫy nhiều người. Cảm nhận cảm xúc một cách trần trụi và bị thuyết phục bởi không mong muốn và thiếu vắng quan tâm từ mọi người, chúng ta ngại phải liên hệ đến người khác, và cả khi chúng ta đáp trả lại người khác bằng sự ngần ngại, oán trách, nghi ngờ, hay tuyệt vọng, chúng ta đẩy những người có thể giúp cho hoàn cảnh của chúng ta ra xa.

Vi lẽ đó, nhiều người cô đơn đã chọn khép mình và tách biệt khỏi mọi người để tránh cảm giác bị từ chối và thất vọng. Và khi họ phải tiếp xúc với thế giới bên ngoài, sự ngần ngại và nghi ngờ của họ lại khiến họ nhận được những phản ứng mà họ lo sợ phải nhận. Ví dụ như họ cố gắng đi dự một buổi tiệc mà họ tin rằng không ai muốn nói chuyện với họ, rồi họ đứng cả buổi bên cạnh mấy món ăn khai vị với khuôn mặt cau có, và chính vì thế, không ai dám tới bắt chuyện với họ – điều này lại làm họ thêm khẳng định là chẳng ai muốn họ có mặt ở đó.

Để thoát khỏi sự cô đơn và chữa lành vết thương tâm lý là điều có thể, nhưng nó cần chúng ta phải đưa ra một quyết định – quyết định vượt lên bản năng luôn dặn chúng ta cần né tránh và co rút vào vùng an toàn. Chúng ra cần phải làm 3 điều đòi hỏi lòng dũng cảm và niềm tin tuyệt đối:

1. Hành động

Chấp nhận rằng sự cô đơn đang gây ảnh hưởng đến nhận thức của bạn và hiểu rằng mọi người sẽ đáp lại bạn tích cực hơn là bạn tưởng. Khi bạn cảm thấy mình tách biệt với xã hội, hãy xem lại trong điện thoại hay thư điện tử và mạng xã hội, lập một danh sách những người bạn đã lâu không bắt chuyện hoặc gặp gỡ. Nếu bạn cảm thấy cảm xúc bị cô lập, hãy lập danh sách 5 người bạn thân thuộc trước đây. Hãy liên lạc với họ, gợi ý họp mặt và trò chuyện. Đúng là việc này có vẻ rất đáng sợ, và đúng là bạn sẽ lo lắng về việc bạn cảm thấy lúng túng hoặc bất an. Đó là lý do bạn cần phải:

2. Tin tưởng vào người khác

Bạn nên cho rằng những người trước đây từng tiếp xúc vui vẻ với bạn thì hiện tại họ cũng vẫn như thế. Đúng là đã lâu bạn không gặp họ, có thể họ đã quên không gọi điện cho bạn dù họ đã hứa sẽ liên lạc, nhưng bạn nên chấp nhận rằng lí do họ không liên lạc bấy lâu nay có khi không liên quan gì đến bạn cả. Có thể rằng, trong cuộc sống bận rộn của họ, có nhiều việc cần quan tâm hơn, sự căng thẳng hoặc rất nhiều những lí do khác có thể khiến họ mất liên lạc với bạn. Có nhiều khi, cả hai không hẳn là mất liên lạc nữa – nói cách khác, sự miễn cưỡng (để liên lạc với bạn) mà bạn nghĩ họ đang mắc phải thậm chí không tồn tại. Vì lẽ đó, hãy liên hệ với những người trong danh sách bạn đã lập nên, nhưng cần nhớ rằng:

3. Tiếp cận với thái độ tích cực

Đúng là bạn sợ bị từ chối, và đúng là bạn đang không ở trạng thái tinh thần tốt nhất, nhưng đây là một trường hợp mà bạn cần phải vờ vịt đó. Khi liên hệ với những người bạn ghi trong danh sách, hãy cố gắng dùng một thái độ tích cực. Một cách an toàn mà bạn có thể làm là gửi tin nhắn hoặc thư điện tử, đính kèm với những biểu tượng cảm xúc vui vẻ, như hình mặt cười, mà bình thường bạn khó có thể biểu hiện trực tiếp. Trước khi gửi tin bạn cũng nên đọc lại để chắc rằng tin nhắn nghe thuyết phục. Tránh dùng từ ngữ trách móc (“Cậu không gọi cho tôi mấy tháng nay rồi!!!”) hay những câu nghe thật xa cách (“Tôi biết là cậu cảm thấy kì quặc khi nhận tin nhắn từ tôi…”). Thay vào đó là những cụm từ mang tình cảm tích cực (“Tôi chợt nghĩ đến cậu!” hay là “Tôi nhớ cậu!”), một lời mời (“Hôm nào mình đi cà phê nhé,” hay là “Bữa nào rảnh mình đi ăn tối và trò chuyện nhá,”) và cũng nên đưa một khoảng thời gian cụ thể (“Tuần tới thì thế nào?” hoặc “Trong tháng này cậu rảnh ngày nào?”)

Cô đơn có thể rất đau đớn, nhưng một khi bạn nhận ra được nó đã bóp méo nhận thức và giam cầm bạn như thế nào, bạn có thể lấy hết dũng khí, lao đi bằng một niềm tin mạnh mẽ, và lên kế hoạch để thoát khỏi nó. Sự tự do sẽ trở nên rất ngọt ngào khi bạn nếm được nó.

Theo: beautifulmindvn.com

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

887 lượt xem