Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

Đây Là Lý Do Tại Sao Bạn Cần Chậm Lại

Gần đây, các sĩ quan cảnh sát của hạt đã nhận được một cuộc gọi từ một người phụ nữ quẫn trí và bị tâm thần đang la hét trong nhà cô ta. Người phụ nữ này được biết đến là một người tuân thủ luật pháp địa phương và sống một mình. Khi các sĩ quan gõ vào cánh cửa trước nhà, cô ta đã chào đón họ với một con dao nằm chặt trong tay.

Các sĩ quan và cảnh sát viên chỉ có một khoảng thời gian rất ngắn để phản ứng trước mối đe dọa chết chóc tiềm ẩn này. Họ được dạy rằng, dù khoảng cách giữa họ và người cầm dao là mười lăm feet, thì người đó sẽ thu hẹp khoảng cách rất nhanh và hướng mũi tấn công vào họ.

Do vậy, các sĩ quan đã được huấn luyện để lập tức chộp lấy khẩu súng bên hông và chuyển sang thế phòng thủ. Các lợi khí khác như vũ khí ít gây chết người, súng bắn đạn đậu hay súng điện có thể sẽ được tận dụng, nhưng cảnh sát cần chuẩn bị cho một tình huống tấn công chết người.

Người phụ nữ loạn thần hét lên và vung dao về phía các sĩ quan. Nhưng mặc cho nguy hiểm đang cận kề, các sĩ quan lại lựa chọn hành động theo cách phản trực giác.

Họ di chuyển chậm lại.

Nghệ thuật hữu ích của sự trì hoãn
Các tay vợt lão luyện có thể giao bóng với tốc độ trên 100 dặm/giờ (~ 160,9 km/h). Thời gian chuẩn bị cho trả bóng là 500 mili giây. Mắt người cần 200 mili giây để “nhìn thấy” trái bóng đang đến gần, do đó mỗi đấu thủ còn 300 mili giây để trả bóng.
Những người mới có xu hướng gấp gáp trong trả bóng. Tuy nhiên, những tay chuyên nghiệp lại chờ đến tận cơ hội trả bóng cuối cùng. Họ dành thao tác này cho đến tận 50 hoặc 100 mili giây cuối. Sự trì hoãn này tạo ra nhiều thời giờ hơn để quan sát, chuẩn bị, đưa ra chiến thuật và đánh trả. Và kết quả nhận được thường là một cú trả bóng trên cơ.
Tác giả Frank Partnoy đã đề cập đến ví dụ về quần vợt ở trên trong cuốn sách “Wait- The Useful Art of Procrastination” của mình. Tôi sẽ trích một đánh giá trên Amazon về cuốn sách này:

Lý lẽ cơ bản của ông là mọi người đang suy nghĩ và hành động quá nhanh — trong kinh doanh, trong tương tác giữa người với người, và trong những quyết định lớn nhỏ trong đời. Nói chung là, chúng ta nên chờ đợi càng lâu càng tốt trước khi quyết định bất kì điều gì. Tác giả đề nghị rằng, nếu chúng ta có 10 giây, hãy chờ đến giây cuối cùng. Nếu có một giờ, hãy chờ đến phút thứ 59. Nếu có một năm, hãy chờ đến ngày thứ 364. Nếu chúng ta chỉ có một giây, thì việc hành động hay đưa ra quyết định ở những mili giây cuối cùng là điều mà ta nên hướng tới.

Đánh giá này chỉ ra rằng chờ đợi chính là cách làm của những chuyên gia đầu ngành, thêm vào đó:

Có thể bạn sẽ cảm thấy những người như họ đều phải đưa ra những quyết định chớp nhoáng — nhưng dù có thế, họ đang duỗi dài mẫu số hết mức có thể, với mục tiêu dành ra thời gian làm việc tối đa cho cả bộ óc lý trí và trực giác của họ, hướng tới kết quả tốt nhất.

Phán đoán vồ vập và trì hoãn có tổ chức

Cuốn sách bán chạy của tác giả, nhà báo Malcolm Gladwell “Blink: The Power of Thinking Without Thinking” chú trọng vào giá trị của những phán đoán vồ vập. Làm thế nào để phán đoán một lượng lớn thông tin chỉ trong hai giây quan sát đầu tiên? Ông đã kiểm tra khả năng dẫn dắt của nghiên cứu về “những lát cắt mỏng” hành vi và cách chúng ta dựa vào “tiềm thức thích nghi” để đưa ra quyết định.

Ngược lại, cuốn “Wait- The Useful Art of Procrastination” của Frank Partnoy lại khuyến khích xác định rõ thời hạn mà ta cần đưa ra quyết định. Tiếp đó, chúng ta nên sử dụng toàn bộ thời gian ấy để định giá các lựa chọn và chỉ đưa ra quyết định vào thời điểm sau cùng.

Vậy ai mới là người nói đúng? Gladwell hay Partnoy? Cũng như nhiều tình huống khác trong cuộc sống: tùy thôi.
Không có gì để hoài nghi về việc một người sở hữu kỹ năng chuyên môn đặc biệt có thể vận dụng kiến thức và kinh nghiệm của mình để đưa ra một quyết định nhanh chóng.

Gladwell mở đầu cuốn “Blink” của mình bằng một câu chuyện về bức tượng Hi Lạp cổ mà Bảo tàng Getty dự định mua về. Bức tượng này có giá bán 10 triệu, và các nhân viên của Getty đã miệt mài nghiên cứu để xác định nó là hàng thật. Nhưng sau đó, họ đã mời thêm một nhà sử học nghệ thuật để xem xét bức tượng. Và chuyện gì đã xảy ra? Ngay khi vừa nhìn thấy bức tượng, nhà sử học đã biết đó là đồ giả. Sau cùng thì, họ phát hiện ra bức tượng này đã được điêu khắc bởi những tay chuyên làm đồ giả ở Rome.

Năng lực chuyên môn và kinh nghiệm có thể đẩy nhanh quá trình đưa ra một quyết định hợp lí, nhất là trong những hoàn cảnh mà thời gian là thứ cốt yếu. Chúng ta triệu hồi mọi sự khôn ngoan tiềm ẩn, thứ tạo ra “sức mạnh linh cảm” (thuật ngữ được định nghĩa bởi biên tập viên David Brooks).

Tuy nhiên, khi nói đến những quyết định hằng ngày, dành ra toàn bộ thời gian mà ta có thể là lựa chọn đúng đắn nhất.

I love you, I love you not

Cuốn “Wait- The Useful Art of Procrastination” của Frank Partnoy đã chỉ ra một trong những lý do tại sao hẹn hò tốc độ (speed dating) không phải một hình thức lý tưởng. Những người độc thân tham gia vào một cuộc hẹn hò tốc độ có ít thời gian để giành được cảm tình từ một đối tác cầu hôn tiềm năng. Họ kết thúc cuộc hẹn với một ấn tượng vội vàng và một phán đoán vồ vập — thứ ngăn trở họ trong việc tạo dựng hình ảnh về một người tình lý tưởng.

Trái lại, Partnoy cũng xem xét đến công ty mai mối “It’s Just Lunch”. Công ty này tiến hành khảo sát đối với từng đối tượng khách hàng và sắp xếp bữa trưa với một người phù hợp với sơ yếu lí lịch của bạn. Khách hàng sẽ không được nhận bất kì hình ảnh nào có liên quan đến buổi hẹn, bởi nó có thể dẫn tới phản ứng vội vàng và sai lệch.
“It’s Just Lunch” nhận ra rằng, không giống hẹn hò tốc độ, một bữa trưa trọn vẹn cho phép người tham gia đối thoại ở mức độ sâu sắc hơn. Sau bữa ăn ấy, hai người sẽ có cả một ngày để suy nghĩ về trải nghiệm vừa có trước khi đồng ý có bữa trưa tiếp theo trong tương lai. Việc có nhiều thời gian để đánh giá các trải nghiệm và cảm xúc của bản thân là vô cùng quan trọng, đặc biệt là khi phải chọn lựa một người bạn đời trong tương lai.

Con chuột thứ hai mới lấy được phô mai
Có một câu nói có lẽ đã quá quen thuộc với bạn: “Con chim đến sớm thì bắt được sâu, nhưng con chuột thứ hai mới lấy được phô mai”. Chúng ta quá vội vã trong một thế giới phát triển như vũ bão, đôi khi lại gặp bất lợi.

Vội vã ôm đồm có thể là một cú trượt vô nghĩa, nó khiến bạn không thể thực sự sống cuộc đời của mình. — Claire Messud

Lấy ví dụ, một trong những điều mà các họa sĩ ngoài trời “Plen-air” thường gặp phải, nhất là trong các cuộc thi “vẽ nhanh”, là một loại lo lắng về hiệu suất. Đồng hồ điểm tích tắc, các tia sáng mặt trời cứ thế thay phương, và có một loại áp lực thúc giục bạn phải vẽ cho thật nhanh. Thành quả nhận được là gì? Một bức vẽ kinh hoàng.

Không may là chúng ta thường mắc lỗi khi vội vã. Dù đúng là đôi khi tình thế gấp gáp buộc chúng ta phải ưu tiên hoàn thành những công việc mang tính cốt lõi, nhưng nhược điểm của cách làm này là các chi tiết quan trọng có thể bị coi nhẹ và bỏ qua.
Nếu bạn muốn trở thành con chuột thứ hai và lấy được miếng phô mai, hãy đầu tư nhiều thời gian hơn cho công việc. Thời gian, suy nghĩ và nỗ lực bạn đổ thêm vào công việc chuyên môn hay sáng tạo sẽ được đền đáp bằng những kết quả xứng đáng.

Tư duy nhanh và chậm
Cuốn sách “Thinking, Fast and Slow” của tác giả Daniel Kahneman đề cập đến hai loại tư duy. Một loại vận hành nhanh gọn và dễ dàng. Loại còn lại đòi hỏi sự chú ý, tính tập trung và tư duy phức tạp hơn.

Loại đầu tiên có thể nhanh gọn và dễ dàng hơn, nhưng cũng dễ bị ảnh hưởng bởi sai lầm, thiên kiến và những kết luận không chính xác. Loại thứ hai là tập hợp nhiều thông tin hơn cùng tri thức bề sâu, do đó kết quả có xu hướng chính xác hơn.
Phần lớn chúng ta đều do dự trong việc chọn lựa giữa tư duy nhanh và chậm. Những quyết định thường ngày sẽ được đưa ra nhanh chóng, còn những quyết định phức tạp và quan trọng sẽ được suy xét lâu dài. Đó là khi chúng ta lướt qua những quyết định quan trọng — thứ khiến ta gặp rắc rối.

Một cách thức chắc chắn khiến mọi người tin vào những điều giả dối là sự lặp lại thường xuyên, bởi cảm giác quen thuộc không dễ để phân biệt với sự thật. Các tổ chức độc quyền và giới tiếp thị luôn nhận thức rõ sự thật này. — Daniel Kahneman.

Quyết định tốt hơn
Nghệ thuật đưa ra quyết định tốt hơn, đặc biệt là những quyết định quan trọng, được gói gọn trong ba chiến lược dưới đây. Hãy thử thực hành, rồi bạn sẽ có thể giảm số lần mắc lỗi xuống mức tối thiểu.

1. Nghiên cứu/Kiến thức

Các nhà tiếp thị và nhân viên bán hàng có đủ mọi mánh lới nhằm khiến bạn đưa ra quyết định tồi. Giới hạn thời gian, đếm ngược, và nguồn cung có hạn là những chiêu trò quảng cáo tạo cảm giác gấp rút. Mọi người sợ bỏ lỡ một món hàng, và vì thế mà họ dính bẫy.

Cách tốt hơn để đưa ra quyết định là chậm lại và làm bài tập tại nhà. Hãy chuyển sang tìm hiểu tại những nguồn tin uy tín, tham khảo ý kiến từ những người bạn đáng tin cậy và đọc các đánh giá không thiên kiến — những điều này sẽ chỉ lối cho quyết định của bạn.

2. Thiên kiến

Tất cả chúng ta đều có thiên kiến. Những niềm tin mà ta có được theo thời gian không phải lúc nào cũng đúng. Mọi người cũng có thiên kiến xác nhận, thứ thôi thúc họ tìm kiếm dữ liệu để bảo đảm cho kết luận của mình.

Khi đưa ra bất kì quyết định nào, hãy nhớ xem xét tới thiên kiến của bản thân trước. Chậm lại và tự mình cân nhắc những điểm đối lập với niềm tin của bạn để tránh đưa ra những quyết định sai lầm.

3. Nghỉ ngơi

Khi thiếu ngủ, chúng ta mắc lỗi. Khi phải làm việc quá sức và không có khoảng nghỉ để sạc lại năng lượng cho bản thân, chúng ta ít miễn dịch với những quyết định tồi.

Giấc ngủ, các bài tập thể dục và những khoảng nghỉ góp phần thiết lập một cơ thể khỏe mạnh và một trí óc minh mẫn — thứ gia tăng năng lực quyết định của chúng ta.

Sống chậm lại và cứu lấy một đời người

Bạn còn nhớ tình huống được đề cập đến ở phần đầu bài viết, khi các sĩ quan phải đối mặt với một người phụ nữ quẫn trí có một con dao trong tay không? Thay vì trực tiếp đối đầu, họ quyết định từ từ rút lui về xe của mình. Họ cố giảm thiểu nguy hiểm. Người phụ nữ vẫn đứng trước nhà cô ta, miệng thét gào.

Các sĩ quan liên hệ với một nhân viên điều phán đặc biệt chuyên trách mảng sức khỏe tâm thần. Người điều phán này đến hiện trường và nói chuyện với người phụ nữ từ xa.

Khi ấy, người phụ nữ kia đã quay vào nhà. Cảnh sát không rời mắt khỏi ngôi nhà, trong khi người điều phán gọi điện cho người phụ nữ. Mọi người chỉ đơn giản là hành động chậm lại.

Sau vài giờ, người phụ nữ đồng ý ra khỏi nhà, Cô đã gặp được người điều phán — người có thể cho cô sự giúp đỡ mà cô cần.
Mọi chuyện rất có thể đã kết thúc theo một cách tồi tệ hơn, nhưng cảnh sát đã hành động chậm lại và để mọi thứ diễn tiến một cách từ từ. Họ đã cứu mạng người phụ nữ.

Điều đáng phấn khởi là công việc của bạn không phải đối mặt với những tình huống căng thẳng như cảnh sát, nhưng bài học về cách sống chậm lại vẫn có thể giúp lấy bạn.

Hãy sống chậm thôi. Hãy dành nhiều thời gian để đánh giá, nghiên cứu và điều chỉnh. Kiểm tra các thiên kiến trước tiên. Nghỉ ngơi nhiều. Đây chính là cách giúp ta làm chủ nghệ thuật quyết định, thứ dẫn lối ta đến với một cuộc sống hạnh phúc hơn, trọn vẹn hơn.
-----------------------------------
Dịch giả: Mai Thu Hà (Đăng tải tại QRVN)

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

162 lượt xem

lh-fulllh-x