Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Điều Gì Khiến Người Ta Không Tin Tưởng Nhau Trong Tình Yêu?

Vấn Đề Lòng Tin Trong Mối Quan Hệ

Trong một mối quan hệ thân mật, lòng tin là yếu tố quan trọng nhất. Chuyên gia về mối quan hệ Shirley Glass chỉ ra rằng, “Mối quan hệ thân mật phụ thuộc vào sự thành thật và cởi mở. Nó được xây dựng và duy trì thông qua niềm tin rằng ta có thể tin vào những gì người khác nói với ta.” Trong thực tế, lòng tin có thể được xem như chất keo gắn kết mối quan hệ vì nó tạo điều kiện cho sự gắn kết cảm xúc tích cực giữa những người yêu nhau dựa trên tình cảm, tình yêu và lòng chung thủy. Sự tin tưởng lẫn nhau ở các cặp đôi hạnh phúc được chất oxytocin củng cố; oxytocin là chất hóa học thần kinh trong não giúp tiến hành gắn kết trẻ sơ sinh với mẹ của bé. Hoạt động âu yếm, trìu mến giữa những người yêu nhau cũng giúp tiết ra oxytocin mà theo một số nhà khoa học thì nó “giúp người ta tin tưởng nhưng không mù quáng.”

Ngược lại, sự không tin tưởng có thể phá vỡ ngay cả những mối quan hệ thắm thiết nhất. Rất nhiều tình huống xảy ra trong một mối quan hệ có thể gây ra thái độ nghi ngờ ở một hoặc cả hai người. Hầu hết mọi người phản ứng với sự lừa dối của đối phương giống như cách họ phản ứng với những lời nói dối, sự không trung thực và thông điệp “nước đôi” của cha mẹ.

Thông điệp “nước đôi” và vấn đề lòng tin

Thông điệp “nước đôi” tạo ra sự hoang mang và xa cách ở các cặp đôi thông qua việc phá vỡ cảm giác tin tưởng lẫn nhau. Một số người bắt đầu nghi ngờ đối phương gần như ngay sau khi quen nhau vì trong thâm tâm, họ sợ sự thân mật và gần gũi. Những người khác có thể phản ứng lại dấu hiệu ban đầu của sự phản bội hoặc không đáng tin ở nửa kia. Ví dụ, một cô gái trẻ nghĩ rằng người yêu mới dành ít thời gian với cô hơn lúc trước. Khi cô đề cập đến điều này, anh nhấn mạnh rằng anh yêu cô nhiều hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, lời nói của anh không trấn an được cô, bởi vì hành động của anh không “khớp” với những phát biểu có vẻ rất quan tâm này. Trong những trường hợp này, quan trọng là ta nên căn cứ vào hành động hơn là chỉ dựa vào những gì đối phương nói.

Sự lừa dối, ngoại tình, hành vi tự hủy hoại bản thân và các vấn đề lòng tin

Phản ứng của con người đối với sự không trung thực của nửa kia chủ yếu dựa trên kinh nghiệm quá khứ của họ với cha mẹ, những người có thể đã phản bội lòng tin của họ. Khi thảo luận về hậu quả của một cuộc ngoại tình, Shirley Glass nhấn mạnh rằng “Những người không hình thành niềm tin cơ bản trong suốt thời thơ ấu đặc biệt dễ bị người thân yêu lừa dối. Ngoại tình gợi lại tất cả những vết thương thuở ấu thơ của một người từng bị người khác lừa dối.”

Phản bội lòng tin có thể gây hại cho mối quan hệ nhiều hơn là bản thân cuộc ngoại tình. Sự lừa dối phá vỡ hiện thực của những người khác, hủy hoại niềm tin vào tính xác thực trong nhận thức và kinh nghiệm chủ quan của họ. Theo Robert Firestone, “Sự phản bội lòng tin đến từ việc người yêu/bạn đời bí mật qua lại với người khác khiến cho người bị lừa dối sửng sốt và đau đớn nhận ra rằng người mà họ đã gắn bó lại có một cuộc sống bí mật và rằng có một khía cạnh ở người đó mà họ không hề hay biết.” Tương tự như vậy, trong Living and Loving After Betrayal, Steven Stosny tuyên bố rằng, “Cũng như sự tổn hại mà vết đạn bắn đe dọa đến sức khỏe nói chung của cơ thể, sự phản bội tình cảm ‘xuyên thủng’ lòng tin và tình yêu và ảnh hưởng đến cách chúng ta hiểu về cuộc sống của mình nói chung.”

Lòng tin cũng có thể bị phá hủy vì sự thờ ơ, chỉ trích, khinh thường và các hành vi cự tuyệt trực tiếp lẫn gián tiếp của một trong hai người. Việc người mà ta yêu thương giữ bí mật hay lừa dối ta về việc lạm dụng rượu hoặc ma túy có thể phá hủy niềm tin của ta. Sự dối trá về tiền bạc, tài chính gia đình, hoặc những ý đồ khác có thể phá hủy lòng tin của ta đối với bạn đời.

Tiếng nói chỉ trích nội tâm “nuôi dưỡng” các vấn đề lòng tin trong mối quan hệ như thế nào

Thái độ hoài nghi bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những tiếng nói chỉ trích trong thâm tâm. Quá trình suy nghĩ tiêu cực này là một phần của hệ thống phòng vệ mà ta xây dựng khi còn là trẻ con; nó liên quan đến cuộc đối thoại nội tâm chống lại lợi ích tốt nhất của ta và thể hiện sự cay độc đối với người khác. Nó là thủ phạm gây ra các vấn đề về lòng tin trong những mối quan hệ gần gũi nhất của con người.

Nếu ta nghi ngờ chính mình, xem bản thân là không xứng đáng hoặc cảm thấy tiêu cực đối với người khác, ta sẽ không thể tìm kiếm tình yêu và sự hài lòng trong mối quan hệ. Khi tìm thấy một ai đó thực sự chấp nhận và yêu thương mình, ta có thể bắt đầu cảm thấy lo lắng vì cái nhìn tích cực của họ về ta mâu thuẫn với nhận thức tiêu cực về bản thân của ta. Đến lúc này, sự nghi ngờ bản thân có thể áp đảo tư duy hợp lý. Những tiếng nói chỉ trích nội tâm trở nên mạnh mẽ hơn, nói với ta rằng ta không xứng đáng có được tình yêu; nó cũng có thể tập trung vào và phóng đại bất kì sai sót nào ở người yêu thương ta, rồi ta bắt đầu kén cá chọn canh và chê bai họ.

Định kiến về giới và thái độ phân biệt giới tính đại diện cho một phần mở rộng của tiếng nói chỉ trích nội tâm trong khuôn khổ văn hóa. Nó tập trung vào những đặc điểm tiêu cực nhất định mà được cho là “đặc trưng” của nam giới hoặc nữ giới và thúc đẩy sự không tin tưởng và chỉ trích cay độc giữa hai giới. Những quan điểm méo mó như “Đàn ông thật vô cảm. Họ không quan tâm đến cảm xúc, đến phụ nữ hoặc trẻ con” và “Phụ nữ thật trẻ con và quá tình cảm, họ không hiểu những vấn đề thực tiễn” là những ví dụ về lối tư duy này.

Trớ trêu thay, ta có thể thấy một vài tiếng nói nội tâm là thân thiện và có ích. Những tiếng nói này cảnh báo ta về những nguy hiểm khi ta để mình yếu đuối, mở lòng hoặc cả tin, đôi lúc ngay khi ta vừa bắt đầu một mối quan hệ mới, “Đừng quá vội mừng. Đừng gắn bó quá sâu, mi sẽ chỉ bị tổn thương hoặc bị từ chối mà thôi.”

Nhiều người cảm nhận tiếng nói này như kiểu “huấn luyện viên” nội tâm thường cho lời khuyên tồi về cách ứng xử trong một mối quan hệ. “Hãy nhớ rằng, bạn phải cố gắng thể hiện mình một cách tốt nhất. Sai một li, đi một dặm và cuối cùng bạn sẽ chỉ còn lại một mình.” Hoặc là nghi ngờ sự tận tâm hay tình yêu của nửa kia, “Tại sao anh ấy (cô ấy) không trìu mến hơn?”, “Tại sao anh ấy (cô ấy) luôn luôn ở cùng với bạn bè?”, “Anh ấy (cô ấy) không thực sự quan tâm đến cậu đâu.” Những suy nghĩ tiêu cực khác sẽ củng cố cho bất kì sự ngờ vực bản thân nào mà ta vốn đeo mang sẵn, “Không có gì lạ khi anh ấy (cô ấy) cho mình leo cây. Anh ấy (cô ấy) đã hối hận vì hẹn hò với mình rồi.” “Một khi anh ấy (cô ấy) biết về mình, anh ấy (cô ấy) sẽ phát hiện ra bản chất con người mình.”

Một số những tiếng nói xấu xa nhất là tiếng nói “công kích” ta với những suy nghĩ khiến ta lo âu dự về sự từ chối và mất mát, nhất là trong những tình huống có xuất hiện “tình địch”, ví dụ, “Hãy cẩn thận! Mình sẽ mất anh ấy (cô ấy) cho xem. Anh ấy (cô ấy) đang làm gì? Đang đi đâu? Mình nên tìm hiểu đi. Sẽ ra sao nếu anh ấy (cô ấy) gặp gỡ người khác tại nơi làm việc, tại bữa tiệc đó? Mình không thể cạnh tranh với anh chàng/cô nàng ấy đâu. Mình sẽ không thể chịu đựng được điều đó! Mình sẽ không bao giờ có thể gặp được ai khác. Đời mình thế là xong.”

Xây dựng lại niềm tin

Để xây dựng lại niềm tin sau khi bị phản bội, những người yêu nhau cần phải xác định những tiếng nói chỉ trích nội tâm vẫn đang tiếp tục “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến họ mắc kẹt trong quá khứ. Nếu sự không chung thủy khiến lòng tin rạn nứt, họ cũng cần một cuộc đối thoại lâu dài về những gì mà mỗi người mong muốn; dù là để hàn gắn lại mối quan hệ hay để “đường ai nấy đi.” Một nguồn thông tin có ích vào lúc này, cuốn sách Not Just Friends, của Shirley Glass, cung cấp những gợi ý có giá trị giúp “Chữa lành vết thương sau khi bị phản bội” như tựa phụ của sách cho biết. Tiến sĩ Glass nhấn mạnh rằng “Bạn không thể giành được lòng tin bằng những lời thề thủy chung… Liều thuốc giải (đối với việc giữ bí mật, sự lừa dối và những cái cớ cho việc vụng trộm)… là sự cởi mở, trách nhiệm giải thích và sự thành thật.” Bà cũng khuyên rằng,

“Điều giúp ta có thể tha thứ cho đối phương chính là lòng trắc ẩn… Cả hai phải tìm kiếm và thứ tha vì những gì họ đã làm trong vấn đề hôn nhân dẫn đến sự không chung thủy hoặc vì những hành vi gây tổn thương xảy ra sau khi sự phản bội bị phát hiện.”

4 nguyên tắc chung để củng cố niềm tin trong mối quan hệ gần gũi:

  • Chân thật và chính trực: Hãy cố gắng chân thật và minh bạch hơn trong toàn bộ tương tác cá nhân của bạn. Điều này đòi hỏi bạn phải vượt qua khó khăn để thật sự hiểu bản thân và có lẽ là để đối mặt với những phần tính cách mà có thể chẳng dễ chịu gì. Tuy nhiên, hiểu nhiều về bản thân sẽ cho phép bạn từng bước xây dựng nhiều niềm tin hơn vào chính mình và suy nghĩ, cảm xúc và giá trị của mình. Sống với tính chính trực, tuân theo các giá trị và nguyên tắc của mình cũng giúp bạn trở thành một người đáng tin.
  • Không “xù lông nhím”: Hãy học cách ít xù lông nhím hơn trong giao tiếp với nửa kia: Không xù lông nhím tức là có một cái nhìn thực tế về bản thân và nửa kia, đồng thời mở lòng lắng nghe phản hồi. Hãy tìm hiểu phần cốt lõi của sự thật trong mọi phản hồi hoặc lời phê bình bạn nhận được từ đối phương. Bạn có thể nhận ra rằng bạn đang quá nhạy cảm với những vấn đề nhất định, nhưng vẫn chưa mở lòng để thảo luận về các vấn đề khác. Trong một mối quan hệ lâu dài, hai bên sẽ sớm hiểu rằng vấn đề nào là “cấm kị” và ngừng nhắc đến nó trong những cuộc nói chuyện. Tuy nhiên, đây chính xác là hành vi “kiểm duyệt” dẫn đến sự không tin tưởng và căng thẳng trong mối quan hệ.
  • Thấu hiểu: Hãy chấp nhận và hiểu rõ những khác biệt giữa bạn và nửa kia thay vì để những khác biệt này trở thành bất đồng thúc đẩy sự không tin tưởng. Mối quan hệ tình cảm chín chắn đòi hỏi sự đánh giá đúng và tôn trọng sự độc đáo của người kia. Điều này có nghĩa là nhìn nhận nửa kia như một cá thể tách biệt với những ý kiến và quan điểm của họ.
  • Giao tiếp thẳng thắn: Hãy chú ý hơn đến sự không nhất quán giữa lời nói và hành động của bạn. Kiểu tự nhận thức này cho phép những người đang yêu hình thành nhiều niềm tin hơn về nhau. Nhằm củng cố sự tin tưởng lẫn nhau này, các cặp đôi cũng cần phải học cách thể hiện sự khao khát và mong muốn của họ một cách thẳng thắn hơn. Khi mọi người thẳng thắn yêu cầu những gì mình muốn trong một mối quan hệ thân mật, họ cảm thấy nhạy cảm và cởi mở hơn đối với việc yêu và được yêu.

Khi khám phá những ý nghĩa khác nhau của lòng tin, quan trọng là bạn phải phân biệt giữa niềm tin vô điều kiện (quá ngây thơ) và niềm tin có điều kiện dựa trên sự đánh giá và trải nghiệm trong quá khứ. Phân biệt giữa việc hoài nghi lành mạnh (vốn thể hiện sự trưởng thành) và việc chỉ trích cay độc (thể hiện sự thiếu chín chắn và thích nghi kém) cũng rất quan trọng. Khi tiếng nói chỉ trích nội tâm chiếm ưu thế trong tư duy của mình, ta có khuynh hướng trở nên khắc nghiệt và xem thường người khác. Những thái độ tiêu cực này hủy hoại tinh thần của con người; nó gây tổn thương cho ta cũng như cho những người thân yêu của ta. Thái độ hoài nghi lành mạnh là một phần của cái tôi chân thật, trong khi chỉ trích cay độc lại chống lại cái tôi, là phần tính cách gây  hại cho lòng tự trọng và cản trở các mối quan hệ của ta.

Tóm lại, lòng tin là cực kì quan trọng; nó giúp giữ gìn tình yêu, tình cảm và sự dịu dàng mà những người đang yêu dành cho nhau trong những giai đoạn đầu của mối quan hệ. Cảm giác tin tưởng lẫn nhau này giúp họ vượt qua những thăng trầm không thể tránh khỏi trong những năm tiếp theo.

Theo tamly.blog

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

19,341 lượt xem