Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

Đối Diện Với Sự Mất Mát

Mất mát là một phần khó tránh khỏi trong cuộc sống, thế nhưng khi bạn thật sự trải nghiệm nó thì chúng thật sự rất khó để phản ứng. Làm thế nào để chúng ta có thể đương đầu với sự tang thương và nỗi buồn tràn ngập?


Đó là một buổi sáng thứ Năm bình thường như bao buổi sáng khác. Tôi đang làm việc trước màn hình máy tính và bỗng dưng những tin nhắn nặng nề nhất xuất hiện trong inbox của tôi, báo hiệu bằng một tiếng bíp rất nhỏ. Từng từ từng chữ như những nhát búa vậy. Tim tôi đập rất mạnh và đầu tôi cứ lắc suốt khi đọc những dòng này: “Nó có thể kết thúc vào bất cứ lúc nào, cô ấy đã mất ý thức rồi.” Tôi cứ nhìn chằm chằm vào dòng đó, và tôi không thể tiếp nhận được. Vài năm gần đây tôi và cô ấy không ở cạnh nhau nữa, nhưng trước đây chúng tôi đã từng là một cặp bạn bè không thể tách rời. Cô ấy đang chết dần.

Tôi vẫn nhìn như người mất hồn vào màn hình máy tính, mắt mờ đi. Tôi không thể khóc, cũng không thể nói gì. Tôi chỉ có thể nghĩ về cô ấy. Những mảnh ký ức bay lượn trong đầu tôi. Những cuộc hội thoại, tán gẫu, những buổi đi chơi với nhau, những lúc vui vẻ và cả những lúc cãi vã: bằng chứng của một tình bạn sâu đậm. Ngày tiếp theo cô ấy qua đời, nhưng trong tâm trí tôi vẫn là hình ảnh cô ấy đang sống và cười nói.


Trận động đất của cảm xúc

Sự mất mát có sức tàn phá lớn. Người ta thường có cảm giác như nền đất dưới chân biến mất vậy. Những mơ ước về việc già đi cùng nhau, nhìn những đứa con của cả hai lớn lên hoặc có một kỳ Giáng sinh nữa cùng nhau: Tất cả đã không còn chỉ trong nháy mắt. Theo Manu Keirse, một giáo sư Hà Lan chuyên nghiên cứu về sự đau khổ và mất mát tại đại học KU Leuven của Bỉ, cho rằng sự đau buồn thể hiện bằng rất nhiều cách thức khác nhau. “Tất cả mọi người đều đau buồn theo cách riêng của họ. Bạn không thể cân đo đong đếm nỗi mất mát được. Một người tôi từng nói chuyện kể rằng, mất mát đối với anh ta như thể anh ấy bị chuyển vào hàng ghế dự bị và không được vào sân trong một thời gian dài. Người khác thì mô tả nó như một trận động đất – trận động đất của cảm xúc. Bạn bị chôn vùi trong đất bụi, đau đớn khắp nơi và cần một sự cố gắng khổng lồ để có thể ngoi lên từ đống đổ nát. Bạn phải dần dần dính những mảnh đó lại với nhau nếu bạn muốn đứng dậy một lần nữa và thoát khỏi sự hỗn loạn.”, ông nói.

Tiếp tục bước về phía trước

Trong xã hội hiện đại vội vã của chúng ta, thật sự khó để chấp nhận rằng có một số thứ cần thời gian. Và đau buồn yêu cầu thời gian và sự tập trung, theo như nhà triết học người Bỉ Marc Van Den Bossche, tác giả của cuốn sách Leven na de dood (Sự sống sau cái chết). “Lúc này, tôi đã hoàn thành một đoạn viết về thể thao như một cách sống, một cách thể hiện sự tôn trọng đối với sức khoẻ,” ông ấy nói với tôi. “Vậy mà chỉ hôm sau, tôi nhận được tin rằng sức khoẻ của vợ tôi – Hilde, vẫn không trở nên khá hơn tẹo nào. Cô ấy ra đi khi tôi đang nắm chặt lấy tay cô ấy. Một cơ thể mà tôi vẫn ôm ấp, trân trọng tuần trước, giờ bỗng dưng chỉ còn là tro bụi. Đó thật sự là một cuộc đối đầu khó khăn vô cùng. Hilde luôn luôn là một người lạc quan và cô ấy đã để lại một ấn tượng sâu đậm với tôi trước khi cô ấy ra đi, nói rằng tôi phải đứng dậy được sau biến cố này. Rằng cuộc sống sẽ tiếp diễn sau khi cô ấy không còn. Nhưng điều này không hề dễ dàng. Cuối cùng, một bước ngoặt đã xảy đến với tôi 18 tháng sau, khi tôi đang công tác tại một trường Đại học ở Yogyakarta, Java, với tư cách là giáo sư thỉnh giảng. Tôi đang bơi và tự dưng mọi thứ ập đến, như thể nói với tôi rằng năm ngoái cùng cô ấy là một năm đầy ý nghĩa. Cường độ và những kỷ niệm gần gũi không còn cũng có thể là một điều đẹp đẽ và tích cực. Tự dưng tôi nhìn thấy được điều mà vợ tôi luôn muốn tôi nhìn thấy – như là một điều gì đó đẹp đẽ tôi nên để lại ở một nơi nào đó, và rồi tiếp tục sống tiếp với cuộc sống của mình mà không có cô ấy.”




Đó là một bước ngoặt mà Van Den Bossche gọi là “cái chết biểu tượng”, một cụm từ mà ông ấy mượn từ nhà phân tâm học người Anh, Darian Leader. Ngoài cái chết sinh học còn có cái chết biểu trưng, Leader nói. Khi ai đó ra đi, nỗi buồn đau trở thành vấn đề chính. Bạn đi xung quanh một cách vô định và không biết phải làm gì hay đi đâu nữa; cho đến một thời điểm nào đó mà cuối cùng bạn có thể đặt vị trí người đã khuất yên nghỉ trong câu chuyện cuộc đời bạn, nằm đâu đó trong bạn. Dù thế nào, họ cũng sẽ luôn luôn là một phần cuộc sống của bạn. “Sự hiện diện về mặt thể xác của họ có thể không còn, nhưng họ vẫn sống bằng những cách khác,” Van Den Bossche nói. “Từng bước bạn đi trong cuộc đời này bị ảnh hưởng bởi những bước đi trước đó. Những gì bạn đã trải qua với người đã khuất sẽ luôn ảnh hưởng lên cuộc sống của bạn. Một phần của Hilde, vợ tôi, vẫn tiếp tục sống trong lòng tôi. Từ những cuộc tản bộ cho đến tình yêu của tôi với thiên nhiên, cô ấy vẫn ở đó trong cái cách mà tôi nhìn vào thế giới này.”


Một cuộc sống bình thường

“Một trong những phát hiện gần đây về quá trình thương tiếc người đã khuất cho rằng, có tới 80% thật sự phục hồi từ những đợt mất mát ấy.” bà Paul Boelen, một giáo sư về tâm lý học lâm sàng người Hà Lan tại Đại học Utrecht, chia sẻ. “Chúng ta thường có xu hướng nghĩ rằng con người sẽ bị nghiền nát bởi sự mất mát, nhưng thật ra chúng có thể không tệ đến mức đó. Việc một người có thể đối diện với sự ra đi của người khác thế nào, phụ thuộc rất nhiều vào người đã khuất ấy: Sẽ khó để hồi phục từ cái chết đột ngột của một đứa trẻ hay một thanh niên khoẻ mạnh hơn là sự ra đi thanh thản của ông/bà bạn hay người già nào đó đã sống một cuộc sống đầy đủ, ý nghĩa.” Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sự lạc quan cũng có chức năng bảo vệ của nó: Những người tự tin rằng mình rồi sẽ ổn, trên thực tế họ hồi phục tốt hơn sau một năm trải nghiệm sự mất mát.

Có rất nhiều nghiên cứu khoa học hữu ích khác, nhưng chúng không làm cho nỗi đau đỡ sắc bén hay sự mất mát trở nên nhỏ bé hơn. Bạn sẽ làm gì vào những thời khắc mà chỉ có nỗi buồn là thứ duy nhất tồn tại? Làm thế nào bạn có thể thoát khỏi vũng lầy vô tận của cảm xúc mà chỉ chầu chực hút bạn vào trong?

“Một điều quan trọng cần nhớ, rằng giữ một cuộc sống chủ động, tích cực là điều nên làm, cho dù khi đó nó là điều cuối cùng bạn muốn chú tâm tới,” Boelen nói. “Cho dù có khó khăn thế nào, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc tiếp tục, cố gắng sống một cuộc sống bình thường hết mức có thể sẽ giúp bạn chữa lành tốt hơn. Về lâu dài, những người làm điều này sẽ có khả năng tiếp nhận sự mất mát tốt hơn. Đi ra ngoài, tìm đến bạn bè… Chúng không chỉ giúp bạn phân tâm khỏi nỗi buồn, mà nó còn giúp bạn nhận ra rằng cuộc đời này vẫn còn nhiều ý nghĩa.”



Boelen cũng nói rằng mang trong mình nỗi đau mất mát không có nghĩa bạn tảng lờ hoặc chôn vùi nó. Nó trở thành một phần mà bạn luôn mang theo mình. Đau buồn là một con dao động giữa việc tiếp nhận sự mất mát (những ký ức sống lại, nhìn những tấm ảnh chụp của người đó, những kỷ vật của người đó…) và hồi phục từ nó (đi thăm bạn bè, thư giãn, học cái gì đó mới…)

Còn một điều quan trọng nữa nên nhớ rằng, tình trạng đau khổ này sẽ chấm dứt. Thời điểm sẽ đến khi bạn có thể yêu đời trở lại. Keirse so sánh điều này như một điệu nhảy Echternach: “Bạn bước lên ba bước và lùi hai bước, có những ngày sáng, tối, có những lúc lên xuống, những ngày vui và những ngày tồi tệ. Ngay cả khi bạn nghĩ bạn đã vượt qua nỗi mất mát rồi, những cảm xúc vẫn có thể xuất hiện, trồi lên với cường độ khủng khiếp vào lúc này hay lúc khác. Đó là điều bình thường và đều là một phần của quá trình phục hồi.”

Lời người dịch

Khi bạn vừa mất một người thân hay một ai đó bạn rất yêu quý hoặc có nhiều kỷ niệm cùng, điều đầu tiên cần làm là đừng chịu đựng nó một mình mà hãy chia sẻ với người khác. Thậm chí bạn cũng có thể tìm đến sự giúp đỡ từ nhà trị liệu tâm lý, hoặc các hoạt động tâm linh mà bạn cảm thấy có thể làm bạn trở nên khá hơn như cầu nguyện nếu bạn là người theo Đạo. Hãy ở giữa những người mà bạn cảm  thấy an toàn hoặc ít nhất cũng biết và cảm thông với bạn trước sự mất mát này.

Điều tiếp theo, những người đối mặt với sự kiện người yêu quý qua đời thường có những cảm giác tội lỗi và trách cứ bản thân thường trực. Điều bạn cần làm nếu bạn có những cảm giác tội lỗi này, đầu tiên là học cách chấp nhận rằng sự việc đã xảy ra rồi và bạn cũng đã cố gắng hết sức. Có những người con khi cha mẹ mất đi liền tự trách bản thân mình vì đã có những lúc hỗn, hoặc có cảm xúc tiêu cực với cha mẹ mình. Các chuyên gia cho rằng, chúng ta có thể đền bù những điều này bằng cách làm một việc gì đó tốt, hoặc chỉ cần chúng ta hoàn thành việc gì đó và tự công nhận nó, ví dụ viết lách, hay làm một công việc ngoài giờ, hoàn thành một dự án nào đó; sẽ giúp nhắc nhở chúng ta rằng về cơ bản, chúng ta là một người có ích. Jan Kloppenburg, một người cha có con trai mình bị mất bởi bạo lực đường phố, đã thành lập tổ chức Kappen Nou (Dừng Lại Ngay), một tổ chức giúp ngăn chặn bạo lực đường phố và giúp đỡ những người có hoàn cảnh tương tự. Khi làm điều này, ông ấy không còn là một nạn nhân nữa mà hơn thế, ông ấy còn là người kiến tạo.



Bạn cũng có thể nuôi thú cưng và nghe nhạc, đọc sách, vẽ tranh, thậm chí chơi game để có thể khoả lấp những nỗi buồn. Bởi, có những thứ vốn không thể biểu hiện ra bằng lời được, mà phải qua những hành động khác nhau. Những năng lượng tích tụ lâu ngày trong quá trình ta đau buồn trước sự ra đi của ai đó cần phải được giải toả.

Suy cho cùng thì sự mất mát của người mà ta yêu quý cũng như một cơn bão. Bạn bước vào đó và sau khi bước ra, cho dù có sống sót, bạn cũng không thể là chính bạn trước kia nữa. Cơn bão đã thay đổi bạn. “Not only did he die, my favorite me also died” – Connie Palmen. Và, hãy tôn trọng những nỗi buồn của người khác bởi suy cho cùng, chúng ta đều là con người và nếu một ngày bạn bị như họ, liệu bạn có muốn ai đó cười cợt hay chê bạn yếu đuối khi khóc thương người bạn yêu quý?

Buồn đau sẽ làm chúng ta mạnh mẽ hơn.


Theo beautifulmindvn.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

306 lượt xem