Hằng Nguyễn(E)@Gia Vị
năm ngoái
Gen Z Có Phải Là 'Thế Hệ Bông Tuyết'?
Là người nhiều năm nghiên cứu về giới trẻ, tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, "thế hệ bông tuyết" (snowflake generation). chỉ những người nhạy cảm, dễ bị tổn thương, kích động trước những ý kiến phản đối của người khác, trong khi bản thân họ không có khả năng tự vệ.
Nhắc về lý do khiến nhiều người trẻ hiện nay bị coi là thế hệ mỏng manh, yếu đuối, bà Hương cho rằng phần lớn dựa vào quan niệm, sự áp đặt của phụ huynh lên con cái, muốn chúng trở thành phiên bản mạnh mẽ hơn mình.
"Họ luôn so sánh với con nhà người ta, muốn con phải theo nếp cũ là có công việc ổn định, lương cao, sớm lập gia đình. Do vậy khi đi chệch quỹ đạo đó, phụ huynh cho rằng con yếu kém, không có năng lực và thiếu ý chí", chuyên gia nói.
Một nguyên nhân khác, theo bà Hương nhiều người có xu hướng nuông chiều quá mức, đáp ứng mọi yêu cầu của con nhưng không dạy các kỹ năng làm thế nào để đạt được mong muốn đó, gây ra tâm lý ỷ lại ở trẻ.
Bên cạnh đó người trẻ ngày nay chịu nhiều áp lực hơn các thế hệ trước. Một là từ phía gia đình, hai là phải gánh chịu nhiều hậu quả từ những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội như lạm phát, dịch bệnh, tỷ lệ thất nghiệp và cạnh tranh cao. Điều này gây ra căng thẳng, mệt mỏi và dễ hình thành tâm lý bất ổn ở giới trẻ.
Đồng tình quan điểm trên, sư bác Thích Tuệ Nguyên - người tiếp xúc nhiều với thế hệ trẻ qua các khoa tu chữa lành tại chùa Sủi, huyện Gia Lâm, Hà Nội - cho biết một nguyên nhân khác hình thành thành tư tưởng "thế hệ bông tuyết" đến từ chính nội tại mỗi cá nhân.
"Sinh ra trong thời kỳ giao thoa giữa cái cũ và mới, truyền thống và hiện đại cũng như tiếp cận nhiều nền văn hóa khác nhau, giới trẻ khó quyết định được hướng đi riêng. Từ đó hình thành xu hướng thể hiện bản thân, thách thức các giới hạn của quan điểm sống cũ", sư bác nói.
Theo ông, thay vì được người lớn định hướng vào nền tảng đạo đức "tiên học lễ, hậu học văn" như thế hệ trước, giới trẻ ngày nay lại phụ thuộc nhiều hơn vào cảm xúc cá nhân, không quan tâm đến giá trị hay quan niệm cũ và cũng không ảnh hưởng nhiều bởi gia đình, nhà trường.
"Các nền văn hóa, tư tưởng mới luôn cần thời gian trải nghiệm và tiếp biến cho phù hợp với văn hóa truyền thống. Trong khi giới trẻ lại quá vội vàng tiếp cận dù chưa đủ kinh nghiệm ứng phó với những căng thẳng nên dễ nảy sinh tâm lý đổ lỗi, oán trách số phận", sư bác Tuệ Nguyên nói.
Các chuyên gia cảnh báo, một khi mâu thuẫn thế hệ không được giải quyết sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, quan hệ bố mẹ với con cái sẽ rạn nứt, khó hàn gắn, đẩy các cá nhân tách xa gia đình. Nếu người trẻ không được thấu hiểu, chia sẻ và định hướng đúng đắn dễ nảy sinh căng thẳng, trầm cảm, thậm chí làm hại bản thân.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc kiêm trưởng khoa lâm sàng Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết, những năm gần đây tỷ lệ người đến khám các bệnh liên quan đến tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm tăng khoảng 20%, độ tuổi bệnh nhân đến khám có xu hướng trẻ hóa. Đa số các trường hợp thường gặp áp lực học tập, công việc, đặt mục tiêu cuộc sống cao hoặc bị thúc ép kết hôn, lập gia đình sớm.
Để tránh tình trạng trên, chuyên gia Vũ Thu Hương khuyên các thế hệ nên đối diện và đối thoại. Về phía phụ huynh không nên áp đặt tư tưởng của mình lên con cái, phải có sự định hướng nhưng luôn tôn trọng quyết định của con. Trong khi bản thân người trẻ cần tích cực trao đổi, bày tỏ quan điểm và sẵn sàng chấp nhận xung đột để có thể nêu rõ chính kiến.
"Mọi tư tưởng bất đồng đều sẽ có tranh cãi, nhưng sau cuộc tranh luận đó, phụ huynh có thể hiểu được tâm tư nguyện vọng của con, từ đó đưa ra các biện pháp thay đổi phù hợp. Còn không việc người trẻ tự nảy sinh các biện pháp chống đối, trốn chạy và rời bỏ gia đình ắt sẽ xảy ra", bà Hương cảnh báo.
Bổ sung thêm, sư bác Thích Tuệ Nguyên khuyên người trẻ khi xảy ra mâu thuẫn nên tìm cách giải quyết, ứng phó với những căng thẳng như tham gia các hoạt động thiện nguyện, văn hóa văn nghệ để giải tỏa tinh thần. Khi bản thân biết cách đối diện với thực tại, nhìn cuộc sống tích cực hơn, áp lực cũng tự tiêu biến.
Từng mệt mỏi với những áp đặt của bố mẹ, Văn Lâm, 22 tuổi, quê Lạng Sơn chọn tham gia các khóa thiện nguyện, vừa tăng sự tự tin của bản thân, vừa giao lưu với nhiều người. Hơn nữa chứng kiến các mảnh đời khó khăn, chàng trai trẻ thấy cuộc sống của mình còn quá may mắn.
"Tôi dần nhận ra những mệt mỏi mình phải đối diện không là gì so với người khác. Một khi nhận thức thay đổi theo hướng tích cực, cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn", Lâm nói.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
165 lượt xem