Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Hạnh Phúc Theo Một Cách Khác

Những khám phá trong lĩnh vực di truyền học xã hội có thể sẽ xác thực một giả thuyết về hạnh phúc đã tồn tại lâu đời như nền văn minh phương Tây.

Gần 2500 năm trước, Aristotle đã khơi dậy một cuộc cách mạng về hạnh phúc. Vào thời điểm đó, các triết gia Hy Lạp đang cố gắng để định nghĩa chính xác trạng thái “hạnh phúc” là gì. Vài người trong số họ cho rằng nó bắt nguồn từ sự mưu cầu khoái lạc (hedonism). Số còn lại thì lý luận từ góc độ bi kịch, cho rằng hạnh phúc là một mục tiêu, một đích đến khiến việc trải qua những khổ hạnh cuộc đời là xứng đáng. Những tư tưởng này hiển nhiên vẫn còn tồn tại đến ngày nay, trong sự suy đồi của văn hóa Instagram và bánh mỳ kẹp thượng hạng, hay trong quan niệm về thiên đàng của đạo Cơ Đốc. Nhưng Aristotle đã đề ra một chọn lựa khác. Trong cuốn Đạo đức Nicomachean, ông mô tả ý tưởng về hạnh phúc eudaemonic, hay từ hạnh, nói rằng bản chất hạnh phúc không đơn thuần là một cảm xúc, một lời hứa hẹn, mà còn là một thực hành. “Đó là cách ta sống để thực hiện những mục tiêu của mình,”Helen Morales, một nhà cổ học ở Đại học California, Santa Barbara, đã nói với tôi. “Đó là việc phát triển bản thân. Aristotle đã nói rằng, ‘Hãy ngừng hy vọng hạnh phúc cho ngày mai. Hạnh phúc chính là sự dấn thân vào quá trình.’” Ngày nay, sau hàng nghìn năm, minh chứng rằng Aristotle đã có một bước tiến lớn được tìm thấy tại một trong những nơi ít ai ngờ tới nhất: gen người.

Phát hiện này là mới nhất trong số những loạt khám phá có liên quan trong lĩnh vực gen chủng học. Năm 2007, John Cacioppo, giáo sư tâm lý học và khoa học thần kinh hành vi ở Đại học Chicago, và Steve Cole, giáo như dược học tại Đại học California ở Los Angeles, cùng các cộng sự, đã xác định ra mối liên hệ giữa sự cô đơn và biểu hiện gen. Từ một  nghiên cứu nhỏ ban đầu, họ cùng nhau so sánh các mẫu máu lấy từ 6 người cảm thấy bị cô lập khỏi xã hội với các mẫu từ 8 người khác không gặp phải tình trạng này. Ở những người cô đơn, chức năng gen đã biến đổi theo chiều hướng khiến nguy cơ mắc các chứng sưng viêm tăng lên và phản ứng chống vi-rút suy giảm. Não bộ của những đối tượng này phản ứng với sự cô đơn bằng cách nhận diện nó như một mối nguy hiểm, và từ đó kích hoạt trạng thái phòng vệ của cơ thể. Về mặt lịch sử và tiến hóa, Cacioppo cho rằng phản ứng trên có thể có lợi, bởi vì nó giúp các tế bào miễn dịch tìm đến được chỗ nhiễm trùng và kích thích các vết thương mau lành. Nhưng đây không phải là cách sự sống tiếp diễn. Viêm nhiễm thúc đẩy sự sinh sôi của tế bào ung thư và sự phát triển mảng bám trong động mạch. Điều này dẫn đến hư tổn chức năng của các tế bào não, và làm tăng khả năng bị tấn công bởi các bệnh thoái hóa thần kinh. Theo như Cole, tóm lại thì phản ứng căng thẳng yêu cầu ta phải “thế chấp sức khỏe về lâu về dài để hỗ trợ giải quyết vấn đề sống còn nhất thời”. Ông kết luận rằng cơ thể chúng ta được “lập trình để chuyển khốn khổ thành cái chết.”


Ở những người cô đơn, chức năng gen đã biến đổi theo chiều hướng khiến nguy cơ mắc các chứng sưng viêm tăng lên và phản ứng chống vi-rút suy giảm. Não bộ của những đối tượng này phản ứng với sự cô đơn bằng cách nhận diện nó như một mối nguy hiểm, và từ đó kích hoạt trạng thái phòng vệ của cơ thể.

Vào đầu năm 2010, Cole phát biểu về nghiên cứu này của ông tại một hội nghị ở Las Vegas. Trong số các thành viên lắng nghe có mặt bà Barbara Fredrickson, một nhà tâm lý học tích cực nổi tiếng đến từ đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill, đồng thời cũng là bạn cùng trường cao học với Cole. Bài phát biểu của ông đã khiến bà băn khoăn: Nếu những trạng thái căng thẳng, bao gồm cả cô đơn, khiến gen biểu hiện theo cách gây tổn hại như vậy, thì liệu các trải nghiệm tích cực được duy trì đều đặn có đưa ra kết quả đối nghịch? Fredrickson nói: “Chủ nghĩa hạnh phúc Eudaemonic và chủ nghĩa khoái lạc đã được liên hệ với tuổi thọ cao, nên khả năng tìm thấy tác dụng có lợi từ chúng có vẻ hợp lý.” Một ngày sau buổi hội thảo, bà gửi cho Cole một email, và mùa thu năm ấy họ đã cùng nhau gây quỹ thành công để tiến hành một dự án hợp tác. Đội ngũ của Fredrickson lập hồ sơ một nhóm đối tượng tham gia, sử dụng bảng khảo sát để xác định phong cách hạnh phúc của từng người, rồi lấy mẫu máu của họ. Cole sẽ phân tích những mẫu thu thập này và tìm ra liệu có những điểm tương đồng tồn tại trong số chúng.

Fredrickson tin tưởng rằng chủ nghĩa khoái lạc sẽ có kết quả triển vọng hơn chủ nghĩa eudaemonic, rằng những cảm xúc rõ ràng của hạnh phúc sẽ ghi dấu trên gen mạnh mẽ hơn những khái niệm trừu tượng về ý nghĩa và mục đích. Cole, trong khi đó, lại hoài nghi về khả năng liên hệ giữa hạnh phúc và sinh học. Ông đã từng làm việc với đủ các nhà nghiên cứu, cố gắng tìm ra phản hồi gen từ tất cả mọi thứ từ yoga, thiền định cho đến thái cực quyền. Đôi khi ông tìm ra những kết quả tương đối thú vị, nhưng thường thì các dữ liệu chỉ khiến ông phải nhún vai. Ông bảo rằng: “Ngày qua ngày, tôi chỉ thấy những kết quả không đâu.” “Chẳng có gì ở đó, ở kia, và ở kia nữa.” Nghiên cứu đầu tiên của Fredrickson và Cole không có quy mô lớn cho lắm, bao gồm những kết quả hữu dụng từ 80 người, nhưng, bởi vì Cole đã tìm hiểu về sự khốn khổ trong một thời gian dài, cho nên ông biết những gì cần xem xét ở những mẫu máu. “Hiện tại, chúng tôi đã có một ý thức khá rõ ràng về sự chuyển đổi trong biểu hiện gen quan sát được ở những người bị đe dọa hay tinh thần bất ổn,” ông nói. “Chúng tôi đang ở vị trí thuận lợi, ngay cả khi quy mô nghiên cứu khá nhỏ, để nói rằng, ‘Đây chính là kết quả mà tôi sẽ quan sát.’”

Trong khi phân tích dữ liệu, họ thấy rằng dự đoán của Fredrickson dường như là một sai lầm. “Tất cả thứ hạnh phúc khoái lạc này –  bạn hạnh phúc ra sao, bạn mãn nguyện như thế nào với cuộc đời? – lại không hề tương quan gì với biểu hiện gen cả,” Cole nói. Với việc kiểm tra sự tương quan với hạnh phúc eudaemonic, ông tiếp tục “Khi chúng tôi quan sát, các biểu hiện lại thực sự khá là ấn tượng.” Kết quả, dù nhỏ, rõ ràng có ý nghĩa rất lớn. “Tôi đã giật mình.” Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người giàu cảm xúc hạnh phúc eudaemonic thường có một hồ sơ gen đối nghịch với những người chịu đựng sự cô lập khỏi xã hội: tình trạng viêm nhiễm giảm, còn phản ứng chống vi-rút tăng lên. Kể từ sau lần thử nghiệm đầu tiên trên, vào năm 2013, đã có tới 3 nghiên cứu tương tự thành công, một trong số đó được thực hiện trên 108 người, một cái khác gồm 122 người. Theo Cole, những kết quả ở quy mô lớn hơn được tìm ra cho thấy rằng thiếu thốn hạnh phúc eudaemonic có thể gây tổn hại không khác gì việc hút thuốc lá hay căn bệnh béo phì. Họ cũng gợi ý rằng, mặc dù những người có mức độ hạnh phúc eudaemonic cao cũng thường xuyên trải nghiệm nhiều cảm xúc khoái lạc, lợi ích sức khỏe đi kèm có xu hướng thể hiện ra chỉ ở những người mà Aristotle khẳng định rằng họ có một cuộc sống tốt đẹp.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người giàu cảm xúc hạnh phúc eudaemonic thường có một hồ sơ gen đối nghịch với những người chịu đựng sự cô lập khỏi xã hội: tình trạng viêm nhiễm giảm, còn phản ứng chống vi-rút tăng lên.

Nhưng mà, cuộc sống tốt đẹp dường như chỉ có trong tưởng tượng đó chính xác là như thế nào? Chúng ta có ý gì mỗi khi nói về đức từ hạnh (eudamonia)? Theo Aristotle, nó đòi hỏi một hỗn hợp lý trí và arete – một kiểu đạo đức, mặc dù khái niệm này đương thời đã bị Giáo lý Cơ đốc làm nhơ bẩn. “Nó thực sự nói lên tính chất tốt đẹp, nhưng đồng thời nó cũng thiên về việc theo đuổi sự xuất sắc,” Morales nói. “Theo Usain Bolt, một trong số những phần luyện tập cần thiết để trở thành một vận động viên vĩ đại không hề dễ chịu, nhưng đạt được nguyện vọng của bản thân trở thành một người điền kinh vĩ đại mang lại hạnh phúc. Trong khi đó Fredrickson tin rằng khía cạnh then chốt của eudaemonic chính là sự kết nối. Bà nói rằng: “Nó đề cập đến những khía cạnh của hạnh phúc mà khiến cảm xúc mãn nguyện dâng trào ngay tức thì và kết nối con người với điều lớn lao hơn.” Nhưng Cole lưu ý rằng sự kết nối này không hoàn toàn là một điều kiện tiên quyết. “Nó có vẻ không đúng lắm nếu nói rằng Usain Bolt đang thực hiện điều mà ông làm để phục vụ lợi ích nhân loại trong bất kỳ khái niệm thúc đẩy xã hội nào,” ông nói. “Nếu vậy, hạnh phúc eudaemonic phần lớn là gồm những mục tiêu được dàn trải và làm việc mà cá nhân bạn nghĩ nó tuyệt vời hay quan trọng? Hay liệu nó bao gồm thứ gì đó khác hơn hành vi thúc đẩy xã hội?” Theo Cole thì câu hỏi này vẫn chưa được trả lời.


Một manh mối trêu ngươi hơn có thể đến từ một góc xa xôi khác của giới hàn lâm. Từ đầu những năm 70 của thế kỷ 19, nhà tâm lý học Brian R. Little đã có hứng thú với cái mà ông gọi là dự án cá nhân. Ông và các đồng nghiệp ở đại học Cambridge đã “quan sát hàng chục nghìn dự án cá nhân trong số mấy nghìn người tham gia.” Kết quả rút ra là phần lớn các đối tượng có khoảng 15 dự án cho riêng mình diễn ra bất kể lúc nào, từ những việc tầm thường, như cố gắng khiến vợ mình nhớ tắt máy tính sau khi sử dụng, cho đến những việc cao thượng, như mang hòa bình đến vùng Trung Đông. Little gán loại thứ hai này là những dự án “cốt lõi”. Một trong số những phát hiện xác đáng của ông là, để mang lại hạnh phúc cho bản thân ta, một dự án phải có hai phẩm chất: nó phải có ý nghĩa nào đó, và chúng ta phải có khả năng thực hiện nó. (Tức là, sẽ thật vô ích khi cố gắng trở thành người nhanh nhẹn nhất thế giới nếu bạn là một người về hưu thừa cân và có chứng sợ khoảng không.) Khi tôi mô tả nghiên cứu của Cole và Fredrickson, Little nhấn mạnh rằng nó tương đồng với khái niệm của ông một cách kinh ngạc. Mặc dù vậy, với eudaemonic thì định nghĩa về một dự án cốt lõi dễ dàng bị uốn cong. “Dự án cốt lõi có thể tăng khả năng kết nối xã hội, nhưng không nhất thiết là vậy,” Little nói. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi cá nhân. “Dự án cốt lõi của một nhà sư Trappist không cần sự kết nối giống như một anh chàng bình thường ở Birmingham.”

Tính dễ uốn cong này quả thực có thể là đặc điểm mang tính khích lệ nhất của cả dự án cốt lõi của Little và hạnh phúc eudaemonic của Aristotle, bởi vì chúng khiến việc tìm được hạnh phúc là một điều khả thi. Ngay cả một người hướng nội thất thường hay một người bất hạnh trong chúng ta đều có khả năng tìm được một dự án ý nghĩa phù hợp với mỗi người. Xác định được dự án đó không chỉ mang lại niềm vui sướng, mà còn có thể cho ta thêm một vài năm cuộc đời để hoàn thành dự án này.
Theo zeally.net

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

144 lượt xem