Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Review Phim] Hầu Hiếu Hiền Và Những Trang Sử Mới Của Điện Ảnh Đài Loan

Hầu Hiếu Hiền vừa có thể gói gọn không khí lịch sử thăng trầm của Đài Loan - một chủ đề rất nặng nề và khô khan - nhưng lại đồng thời tạo nên những thước phim bay bổng vô kể về con người.

Tin tức buồn nhất với những người yêu điện ảnh những ngày qua: Hầu Hiếu Hiền - nhà làm phim vĩ đại bậc nhất châu Á - sẽ ngừng làm phim. Chỉ trước đó không lâu, còn có tin ông bắt đầu khảo sát tìm phim trường cho một dự án mới với Thư Kỳ, nàng thơ điện ảnh của mình, một tác phẩm lấy cảm hứng về hệ thống sông nước ở thành phố Đài Bắc.

Nhưng sau cùng, Nhiếp Ẩn Nương (The Assassin) vẫn là tác phẩm cuối cùng chúng ta còn được chiêm ngưỡng tay nghề của ông. Ông dừng lại, bởi căn bệnh mất trí của tuổi già.

Khi đọc tin tức ấy, điều đầu tiên tôi nhớ đến là cảnh cuối của Đồng niên vãng sự (A Time To Live And A Time To Die), một tác phẩm kinh điển năm 1985 của Hầu, trong đó nhân vật người bà già cả im lặng qua đời trên tấm chiếu quen thuộc nơi bà đã nằm, ngồi, sống trong biết bao năm tháng. Chỉ khi kiến bắt đầu bâu lấy bà, những đứa cháu mới biết bà đã không còn nữa.


Ảnh: Đồng niên vãng sự (1985). Nguồn: IMDb

Lúc ấy, Hầu Hiếu Hiền chỉ 38 tuổi, vậy mà bằng cách nào đó, ông đã nhìn thấu lẽ sống - chết, đã có những thước phim thấm thía đến tận cùng về tuổi già.

Đồng niên vãng sự (1985) | Nguồn: IMDb
Đài Loan của Hầu Hiếu Hiền

Ai đã từng du lịch Đài Loan (Trung Quốc) hẳn đều được khuyên nhất định phải đến thăm Cửu Phần và Thập Phần - hai địa danh đã được bất tử hoá qua những thước phim của Hầu Hiếu Hiền. Việc “đọc” phim Hầu Hiếu Hiền không dễ dàng với người nước ngoài bởi để hiểu ông, nhất định phải đọc về hòn đảo Đài Loan.

Hầu Hiếu Hiền không sinh ra ở Đài Loan. Ông vốn là sinh ra ở Đại Lục, nhưng đã theo gia đình di cư tới Đài Loan vào năm 1949 khi Tưởng Giới Thạch bại trận ở Đại Lục, cùng tàn quân rút về Đài Loan, và trong nhiều thập kỷ, quân đội Tưởng Giới Thạch đã cai trị Đài Loan bằng bàn tay sắt. Hầu Hiến Hiền vì vậy được coi là một waishengren - phe đối nghịch với benshengren (những người Đại Lục đã định cư ở Đài Loan trong nhiều thế hệ.)

Điều đó cũng từng được thể hiện trong Đồng niên vãng sự, bộ phim có tính tự sự của Hầu Hiếu Hiền, với người bà trong phim lúc nào cũng mong mỏi được trở về Đại Lục, bà thường dắt thằng nhỏ đi loanh quanh và nói với nó rằng, chỉ cần đi qua một cây cầu là sẽ trở về cố hương thôi.

Ảnh: Đồng niên vãng sự (1985). Nguồn: IMDb

Dù không phải người Đài Loan “gốc”, nhưng Hầu lại là cánh chim đầu đàn của Làn sóng mới Đài Loan thập niên 80, với những tác phẩm điện ảnh góp phần định nghĩa cho khí chất Đài Loan, không khác gì Vương Gia Vệ hay Ngô Vũ Sâm đã tạo nên khí chất Hong Kong. Mọi bộ phim của Hầu, nói cho cùng, đều để trả lời cho câu hỏi: Đài Loan là thế nào?

Người ta vẫn nói đỉnh cao của Hầu Hiếu Hiền là Bi tình thành thị (A City of Sadness) - tác phẩm Đài đầu tiên đoạt giải Sư Tử Vàng tại LHP Venice và Hí mộng nhân sinh (The Puppetmaster), bộ phim 1994 về nghệ nhân múa rối Lý Thiên Lộc. Nhưng với những ai mới bắt đầu tìm hiểu ông, có nhiều tác phẩm ngắn hơn, nhỏ hơn và dễ cảm thụ hơn.

Hầu Hiếu Hiền luôn giấu câu chuyện về Đài Loan bên dưới rất nhiều câu chuyện khác. Có khi là một chuyện tình như trong Luyến quyến phong trần (Dust In The Wind), với cặp đôi thanh mai trúc mã A Viễn và A Vân lên Đài Bắc tìm việc làm - chàng bán sức lao động trong một xưởng in, nàng quần quật trong một cửa hiệu may vá, để rồi cuối cùng A Viễn bị gọi nhập ngũ còn A Vân tìm được duyên tình mới.

A Viễn và A Vân trong Luyến quyến phong trần | Nguồn: Seattle Screen Sceen

Một câu chuyện khác mà thoạt nhiên không có vẻ gì liên quan tới lịch sử là phần mở đầu của Thời khắc đẹp nhất (Three Times)mang tên Mộng ái tình lấy bối cảnh năm 1966, khi một người lính trẻ thường đến chơi billiard tại một thị trấn nhỏ mỗi lần được về phép. Anh đem lòng yêu cô gái người Nhật chơi billiard với khách ở đó, nhưng một ngày anh quay lại và cô không còn ở đó nữa, thay vào đó là một cô gái Đài Loan.

Trong tiếng nhạc Smoke Gets in Your Eyes, họ lặng lẽ chơi billiard và dường như anh nảy sinh tình cảm với cô gái này. Và rồi, cô cũng biến mất. Anh đi tìm. Họ gặp lại nhau vào đúng đêm trước ngày anh phải về doanh trại, đi ăn cùng nhau, và nắm tay dưới cơn mưa trong khi đợi tàu đến.

Nếu hiểu về những sự kiện của Đài Loan, người ta sẽ hiểu vì sao cô gái người Nhật biến mất (Đế Quốc Nhật bị đánh bại khỏi Đài Loan), vì sao lại có Smoke Gets in Your Eyes (sự đổ bộ của văn hoá phương Tây vào Đài Loan), vì sao Hầu Hiếu Hiền thường chọn góc máy trung cảnh hoặc viễn cảnh, thay vì những góc cận cảnh đặc tả cảm xúc của hai nhân vật (trong một bối cảnh bất ổn, đôi tình nhân không có một nền tảng bền vững để thật sự đến với nhau).

Thời khắc đẹp nhất | Nguồn: filmaffinity

Nhưng kể cả không biết những điều đó, ta vẫn có thể một cách tự nhiên, rung động trước cảnh hai bàn tay ngại ngùng nắm lấy nhau, thu mình đứng dưới ô, tận hưởng những phút giây ngắn ngủi có nhau.

Cũng có khi, Hầu Hiếu Hiền sẽ mượn chuyện về một nữ diễn viên đang chuẩn bị cho vai diễn của mình cùng những ký ức lạ lùng của cô về mối tình với một chàng trai đã bị đâm chết trong một vụ ẩu đả ở vũ trường, để kể một câu chuyện lớn lao hơn về những người Đài Loan trở về Đại Lục những mong được tham gia kháng chiến chống Nhật, như trong Hảo nam, hảo nữ (Good Men, Good Women).

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

86 lượt xem

lh-fulllh-x