Vũ Lê Ngọc Hà@Gia Vị
2 năm trước
Học Tiếng Anh Học Tiếng Anh Và Tìm Hiểu Chuyện Hẹn Hò Ở Trời Tây
Gặp con bạn ở
London và nghe nó kể về thiên tình sử không thành giữa nó và một anh chàng châu
u, mình mới có cơ hội nhìn lại sự khác nhau một trời một vực giữa quan niệm hẹn
hò ở trời Việt và trời Tây. Qua bài viết này, mình muốn chia sẻ một số từ và
cụm từ tiếng Anh mà mình nghĩ thể hiện được những nét khá thú vị về văn hoá yêu
đương ở phương Tây.
1. Giới tính
(gender) và xu hướng tình dục (-sexual)
Ở Việt Nam, chúng ta thường chỉ biết đến hai giới tính nam và nữ. Khi nói về xu
hướng tình dục, chúng ta thường chỉ nghĩ đến chuyện đồng tính hay không. Tuy
nhiên, phạm trù giới tính và xu hướng tình dục ở các nước phương Tây là vô cùng
rộng. OKCupid, một trang web hẹn hò phổ biến, có đến 22 giới tính và 13 xu
hướng tình dục. Facebook cho người dùng ở Mỹ 51 lựa chọn về giới tính so với
con số 71 cho người sử dụng ở Anh.
Một số từ
miêu tả giới tính bao gồm:
- agender: người không thể hiện giới tính gì cả.
- androgyne/androgynous: người có những đặc điểm của cả nam và nữ -- khá nhiều
người nổi tiếng bao gồm Tilda Swinton và David Bowie sử dụng ngoại hình
androgynous của mình như một thế mạnh.
- cis female: một người phụ nữ coi mình là phụ nữ. Tương tự với cis male
- gender nonconforming: người không tuân thủ theo các quy chuẩn xã hội dành cho
người mang giới tính của người đó.
- transmasculine-: người sinh ra với ngoại hình như con gái, nhưng tự thấy mình
nam giới, nhưng lại không hoàn toàn là con trai. Ngược lại như thế cho
transfeminine.
Người có giới
tính không thuộc về số đông có thể sẽ thấy khó chịu khi người khác chụp mũ giới
tính của mình, ví dụ, người ta là “transmasculine-” mà cứ bắt người ta là con
gái. Một câu nói thể hiện sự bất mãn này là: “Did you just assume my gender?”
(Mày vừa chụp mũ giới tính cho tao đấy à?) Tuy nhiên, câu nói này bị sử dụng
nhiều quá nên một số người không hài lòng với sự quá nhạy cảm của người khác về
giới tính của họ hay mang nó ra làm trò đùa.
Về xu hướng
tình dục, tiếng Anh thường dùng từ kết thúc bằng “-sexual”. Phần lớn mọi người
hẳn đã quen với những từ như homosexual (hấp dẫn bởi người cùng giới), bisexual
(hấp dẫn bởi cả hai giới), heterosexual (hấp dẫn bởi người khác giới). Anh
chàng tiến sĩ Sheldon Cooper trong “The Big Bang Theory" đã từng nghĩ rằng
mình là “asexual”, không có tí mảy may mong muốn tình dục gì cả. “Pansexual”
chỉ người bị hấp dẫn bởi bất cứ ai không kể giới tính và xu hướng tình dục.
“Demisexual” là người không bị hấp dẫn về mặt cơ thể với ai đó cho đến kết nối
về mặt tình cảm với người đó.
Bạn bè, sau
khi quan sát các mối quan hệ của mình, đã dồn mình vào chân tường bắt mình thừa
nhận mình là “sapiosexual” -- người bị hấp dẫn bởi những con người trí tuệ.
Trước giờ mình thấy anh trai nào thông minh giỏi giang là chảy nước miếng.
Không biết có bạn nào như mình không?
2. Sự khác
nhau giữa “seeing someone", “dating someone", và “hanging out"
Ngày mới học tiếng Anh, mình lúc nào cũng dịch hẹn hò là “date/dating”. Sau
này, bắt đầu hẹn hò rồi, mình mới nhận ra ngôn từ cho cái chuyện hẹn hò cũng đủ
sắc thái, làm đau đầu không chỉ người nước ngoài như mình mà còn cả người nói
tiếng Anh bản địa.
Cái mình thấy
khó hiểu nhất là sự khác nhau giữa “seeing someone” và “dating someone”. Cả hai
cụm từ này đều có nghĩa nôm na là “hẹn hò ai đó”. Ví dụ, một người bạn bảo tôi
là: “I'm not dating that guy. I'm seeing him.” Tôi có hỏi bạn bè thì dường như
không có định nghĩa rõ ràng nào cho hai cụm từ này cả, nhưng hầu hết mọi người
đồng ý rằng chúng thể hiện mức độ nghiêm túc khác nhau trong việc hẹn hò.
“Seeing someone" thường chỉ giai đoạn đầu của mối quan hệ, khi cả hai bên
vẫn đang cân nhắc xem người kia có khả năng đốt nhà cướp của mình hay không.
Rất có thể trong giai đoạn này, bạn có thể nhắc đến người bạn đang
“seeing" với bạn bè của bạn nhưng chưa giới thiệu họ với nhau. Sau khi đã
chắc chắn hơn về nhau rồi, hai người chuyển lên giai đoạn “dating". Trong
giai đoạn này, nhiều khả năng bạn muốn rủ người bạn đang “dating" đi chơi
với bạn bè của bạn.
Cái khiến bạn
bè tôi đau đầu nhiều nhất có lẽ là cụm từ “hanging out”. Nhiều người trẻ phương
Tây, hoặc là do sợ “commitment” từ quá sớm (xem “commitment” phần sau), hoặc là
do sợ bị từ chối, nên thay vì hỏi người thầm thương trộm nhớ đi hẹn hò (“ask
someone out on a date”), họ hỏi người đó để “hang out”, kiểu như: “Hey, do you
want to hang out this weekend?” (Này, mày có muốn đi chơi cuối tuần này không?)
Điều này dẫn
đến việc người “bị” hỏi “hang out” vo đầu bứt tai không biết người hỏi có ý
định gì. Liệu anh chàng hay cô nàng đó có cảm tình với mình không hay chỉ muốn
chơi với mình như bạn bè? Nhỡ người ta hỏi mình “hang out” với tính chất hẹn hò
mà mình lại chỉ thích người ta như bạn, nhận lời đi chơi sẽ khiến người ta hiểu
nhầm. Hay mình thì say mê người ta đắm đuối, nghe người ta rủ đi chơi thì hớn
hở chuẩn bị áo xống, đến nơi thì phát hiện ra người ta đi cùng một đống bạn nữa.
Vậy nên, một số người mạnh bạo khi được hỏi “hang out” với ý nghĩa không rõ
ràng sẽ hỏi lại ngay: “As friends?” (Như bạn bè á?) Một số người, khi được hỏi
“hang out” mà không thích người ta, sẽ hỏi lại khéo rằng họ mang theo bạn được
không, vì mang theo bạn là tín hiệu rõ ràng rằng đây không phải là một buổi
“date”.
3.
Relationship, exclusivity, và commitment
Ở Việt Nam, chuyện yêu đương có vẻ khá đơn giản: cứ hẹn hò với nhau là trở
thành người yêu. Nếu thấy hai đứa cầm tay cầm chân nhau ở ngoài đường thì chắc
chắn chúng nó đang sắp cưới tới nơi. Ở phần lớn các nước phương Tây, từ chuyện
hẹn hò đến chuyện trở thành bạn trai bạn gái của nhau là cả một quá trình, diễn
ra trong khoảng từ vài tháng đến cả năm trời. Bạn có thể hôn hít, quan hệ chán
chê rồi mà vẫn chưa là gì của nhau cả.
Để trở thành
bạn trai bạn gái của nhau, các cặp thường phải có “the ‘what-are-we’ talk”
(buổi nói chuyện về chúng ta là gì của nhau). Khi thấy ai đó băn khoăn về trạng
thái mối quan hệ của mình, bạn bè người đó sẽ hỏi: “Have you had the
‘what-are-we’ talk yet?” (Chúng mày đã nói chuyện về việc là gì của nhau chưa?)
Thời điểm buổi nói chuyện này giao động khá nhiều, thường là khi ai đó bấn quá
không biết làm sao phải hỏi người kia.
Một trong
chuyện hai người cần nói với nhau khi hẹn hò là “exclusivity”, việc hai người
chỉ hẹn hò lẫn nhau mà không hẹn hò ai khác. Ở Việt Nam khi yêu, “exclusivity”
là mặc định. Nhưng ở phương Tây, hai người chỉ có “exclusivity" khi mà cả
hai đã đồng ý về chuyện đó. Vì sự khác biệt về văn hoá này mà tôi đã thấy một
số bạn gái Việt Nam đau khổ vì bị bạn trai phản bội trong khi bạn trai cứ cãi
rằng nó có phản bội đâu vì hai người chưa từng nói về “exclusivity”.
Chuyện khác
cần nói đến là cái “label” (nhãn mác) của mối quan hệ đó. Bạn không tự nhiên
gọi ai đó là boyfriend hay girlfriend của mình chỉ vì hai người hẹn hò với
nhau, mà chỉ sau khi hai người đã đồng ý với nhau về việc đặt nhãn mác cho mối
quan hệ đó.
“The
what-are-we talk” không phải luôn dễ dàng. Nếu may mắn, hai người có cảm xúc
như nhau và muốn cùng điều như nhau, mối quan hệ tiến triển tốt đẹp. Nhưng giả
sử mình muốn “exclusive" mà người ta không muốn thì mối quan hệ sẽ mất đi
tính cân bằng và người muốn nhiều hơn cảm giác như mình bị chối bỏ. Một cách
thăm dò nhẹ nhàng mà bản thân tôi hay dùng là chọn thời điểm thích hợp hỏi
người kia: “Are you seeing anyone else?” (Mày có đang hẹn hò ai đó khác không?)
Nếu người đó có ý định “exclusive" với mình, họ sẽ trả lời câu đại loại
như: “Of course not. I don't want to see anyone else.” (Dĩ nhiên không. Tao
không muốn hẹn hò ai khác cả.) Nếu không có ý định “exclusive”, họ sẽ trả lời
kiểu khác. Hy vọng họ là người tử tế và chân thành về ý định của họ.
Một điều được
nhắc đến nhiều trong các mối quan hệ phương Tây là “commitment”: sự cam kết hai
người dành cho nhau và dành cho mối quan hệ đó. Thường khi bước chân vào một
mối quan hệ exclusive hay gọi nhau là boyfriend, girlfriend, họ đưa ra những
cam kết nhất định, ví dụ như sẽ không lừa dối nhau. Nhiều người phương Tây rất
nghiêm túc về những “commitment" này, và chuyện phá bỏ commitment này bị
nhìn rất xấu. Thành ra có nhiều người bị liệt vào hạng
“commitment-phobic", sợ đưa ra các “commitment" mình không giữ được
nên không đồng ý bước chân vào mối quan hệ nào cả. Ở Việt Nam, tôi thấy các cặp
đôi đến với nhau và ít khi nghĩ đến “commitment” này, dẫn đến việc lừa dối nhau
khá phổ biến.
Thế thôi đã
nhé các tình yêu. Muốn mình viết về chủ đề gì mới thì báo mình nha!
Tác giả: Huyền Chip
Link bài gốc: Học Tiếng Anh Học Tiếng Anh Và Tìm Hiểu Chuyện Hẹn Hò Ở Trời Tây Và Tìm Hiểu Chuyện Hẹn Hò Ở Trời Tây
Tham khảo các bài viết khác của tác giả tại: Huyen Chip
Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
623 lượt xem