Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

Kẻ Độc Tài Mang Tên “Tiện Lợi”

Ta không nên gạt bỏ sự tiện lợi. Nhưng nếu để nó quyết định mọi thứ, ta sẽ mất đi rất nhiều điều quý giá.

Sự tiện lợi là nguồn động lực bị xem thường và ít được hiểu rõ nhất trong thế giới ngày nay. Dù là một yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của con người, sự tiện lợi không thú vị như thuyết về các ham muốn tình dục vô thức của nhà tâm lý học Sigmund Freud hay thuyết về động cơ trong kinh tế học. Sự tiện lợi không có gì hấp dẫn, nhưng điều đó  không có nghĩa là nó không quan trọng.

Ở những quốc gia phát triển của thế kỷ 21, sự tiện lợi – tức là những cách hoàn thành công việc cá nhân nhanh hơn và hiệu quả hơn – có lẽ là nguồn động lực mạnh mẽ nhất hình thành nên cuộc sống cá nhân và nền kinh tế của chúng ta. Điều này đặc biệt đúng ở Mỹ, vì dù người Mỹ luôn ca ngợi quyền tự do và tính độc đáo, đôi khi ta phải tự hỏi là liệu có phải sự tiện lợi mới là giá trị được đề cao nhất hay không.

Như phát biểu gần đây của Evan Williams, người đồng sáng lập Twitter, “Sự tiện lợi quyết định mọi thứ.” Sự tiện lợi có vẻ thường đưa ra quyết định thay chúng ta và lấn át điều mà ta cho là mình thích. (Tôi thích tự pha cà phê, nhưng loại cà phê uống liền của Starbucks quá tiện nên tôi ít khi nào làm điều tôi “thích.”) Cái gì càng dễ làm thì càng tốt.

Sự tiện lợi có khả năng đẩy những lựa chọn khác sang nhóm “không thể chấp nhận được nữa”. Một khi đã dùng máy giặt, bạn sẽ cảm thấy việc giặt đồ bằng tay là vô lý dù nó giúp bạn tiết kiệm hơn. Sau khi đã sử dụng dịch vụ truyền hình trực tuyến, bạn sẽ cảm thấy việc chờ xem chương trình được chiếu vào một khung giờ định trước là ngớ ngẩn, thậm chí có hơi đáng xấu hổ. Muốn chống lại sự tiện lợi, tức là không dùng điện thoại di động, không dùng Google, ta phải có quyết tâm – điều thường bị lầm tưởng là sự lập dị, nếu không muốn nói là hủ lậu.

Với khả năng ảnh hưởng lớn đến quyết định cá nhân, sự tiện lợi còn có tác động mạnh mẽ hơn nếu nó đến từ những quyết định tập thể, và chính điều này đã cấu trúc nên nền kinh tế hiện đại. Nhất là trong những ngành liên quan đến công nghệ, cuộc chiến về sự tiện lợi là cuộc chiến giành quyền thống trị thị trường.

Người Mỹ nói họ xem trọng sự cạnh tranh, thích có nhiều lựa chọn và đứng về phía yếu thế. Nhưng xu hướng thích tiện lợi của chúng ta lại tạo ra nhiều sự tiện lợi hơn, thông qua sự kết hợp giữa lợi thế kinh tế về quy mô và sức mạnh của thói quen. Amazon càng dễ dùng thì nó càng trở nên mạnh mẽ –  và chính vì vậy mà nó càng trở nên dễ dùng hơn. Sự tiện lợi và tính độc quyền có vẻ đi đôi với nhau.


Với tốc độ phát triển của sự tiện lợi – như một lý tưởng, một giá trị, một lối sống – ta cần tự hỏi việc mình ưu ái sự tiện lợi đang ảnh hưởng ra sao đến bản thân ta và đất nước của ta. Tôi không có ý nói rằng sự tiện lợi là nguồn động lực tai hại. Làm cho mọi thứ trở nên dễ dàng hơn không phải là chuyện xấu. Ngược lại, sự tiện lợi thường mở ra những khả năng mà ta từng bỏ qua vì thấy việc nắm bắt nó quá phiền hà, và sự tiện lợi thường làm cho cuộc sống bớt nhọc nhằn, nhất là đối với những ai dễ nản lòng thoái chí.

Nhưng ta sai ở chỗ ta cho rằng tiện lợi luôn là điều tốt, vì nó có một mối quan hệ phức tạp với những lý tưởng khác mà ta ấp ủ. Dù được xem là một công cụ đem lại sự tự do, sự tiện lợi vẫn có một mặt trái. Với lời hứa sẽ làm mọi thứ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn, sự tiện lợi đang đe dọa xóa bỏ mọi khó khăn và thử thách đem lại ý nghĩa cho cuộc sống. Với mục đích giải phóng con người, sự tiện lợi có thể trở thành một bức tường ngăn ta làm điều ta muốn làm, và nó có thể âm thầm biến ta thành nô lệ của nó.

Ta không nên gạt bỏ sự tiện lợi. Nhưng nếu để nó quyết định mọi thứ, ta sẽ mất đi rất nhiều điều quý giá.

Sự tiện lợi mà ta biết ngày nay là sản phẩm ra đời vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi các thiết bị giúp tiết kiệm sức lao động cho gia đình được phát minh và quảng bá. Các cột mốc quan trọng bao gồm sự phát minh ra “thực phẩm tiện lợi” đầu tiên, như thịt heo đóng hộp, đậu đóng hộp và ngũ cốc ăn liền, máy giặt quần áo bằng điện đầu tiên, những sản phẩm làm sạch như bột cọ rửa hiệu Old Dutch và những phát minh kỳ diệu khác bao gồm máy hút bụi bằng điện, hỗn hợp bột bánh làm sẵn và lò vi sóng.

Sự tiện lợi là phiên bản gia đình của một ý tưởng khác vào khoảng cuối thế kỷ 19, hiệu quả công nghiệp và người bạn đồng hành “quản lý theo khoa học.” Nói cách khác, các đặc tính của sản xuất trong nhà máy được áp dụng vào cuộc sống gia đình và được gọi tên là “sự tiện lợi.”

Dù có vẻ tẻ nhạt, sự tiện lợi – nguồn động lực giải phóng con người khỏi việc lao động – từng là một lý tưởng hoàn hảo. Bằng cách tiết kiệm thời gian và loại bỏ những khó khăn, sự tiện lợi cho ta cơ hội tận hưởng cuộc sống, tức là ta có thể dành thời gian cho việc học, cho sở thích hoặc bất kỳ điều gì quan trọng với ta. Sự tiện lợi sẽ giúp mọi người có quyền học tập – quyền lợi mà ngày xưa chỉ dành cho giới quý tộc. Xét ở khía cạnh này, sự tiện lợi cũng là một nguồn động lực giúp xóa bỏ cách biệt xã hội.

Nhưng ý tưởng xem sự tiện lợi là sự giải phóng này có thể khiến ta mê muội. Minh chứng rõ nhất cho sự mê muội này nằm trong những tác phẩm tưởng tượng về tương lai và khoa học viễn tưởng vào khoảng giữa thế kỷ 20. Từ những tạp chí nghiêm túc như Popular Mechanis và những thú giải trí tầm phào như bộ phim hoạt hình The Jetsons, ta biết rằng cuộc sống trong tương lai có thể hoàn toàn tiện lợi. Thức ăn sẽ xuất hiện chỉ sau một cái bấm nút. Lề đường sẽ tự động di chuyển để ta không phải mất công đi bộ nữa. Quần áo sẽ tự làm sạch hoặc có lẽ là tự hủy sau một lần mặc. Cuối cùng, ta không cần phải nỗ lực đấu tranh để sinh tồn nữa.

Giấc mơ về sự tiện lợi ra đời vì con người sợ lao động tay chân. Nhưng có phải lao động tay chân luôn là cơn ác mộng không? Ta có thực sự muốn mình hoàn toàn không phải lao động tay chân không? Có lẽ chính những hành động bất tiện và những nỗ lực tốn thời gian mới là một phần bản chất của loài người. Có lẽ đó là lý do khiến mỗi khi xã hội có một bước tiến mới trong sự tiện lợi, ta luôn thấy có người chống lại nó. Họ phản đối vì họ cố chấp, đúng vậy (và vì họ có quyền phản đối), nhưng cũng vì họ nhận thấy sự đe dọa đến ý thức của họ về con người họ, đến cảm giác có quyền kiểm soát những điều quan trọng với họ.

Đến cuối những năm 1960, cuộc cách mạng tiện lợi đầu tiên đã bắt đầu lắng xuống. Viễn cảnh về cuộc sống hoàn toàn tiện lợi có vẻ không còn là khát khao lớn nhất của xã hội nữa. Sự tiện lợi đồng nghĩa với sự đồng nhất. Trong khi đó, tư tưởng của con người lúc này lại thay đổi theo hướng đòi hỏi cơ hội được thể hiện bản thân, khai thác tiềm năng cá nhân, sống hòa hợp với thiên nhiên thay vì liên tục cố gắng vượt qua những khó khăn mà thiên nhiên đem lại. Chơi ghi-ta là việc không tiện lợi. Tự trồng rau cũng vậy. Tự sửa xe cũng thế. Nhưng những hoạt động này vẫn được xem là có giá trị – hay nói đúng hơn, nó được xem là kết quả. Con người muốn tìm lại tính độc đáo của mình.

Có lẽ vì vậy mà làn sóng công nghệ tiện lợi thứ hai – giai đoạn hiện tại – lại hỗ trợ cho lý tưởng này: tiện lợi hóa tính độc đáo.

Có lẽ thời kỳ này bắt đầu từ phát minh máy Sony Walkman vào năm 1979. Sau khi máy Walkman ra đời, ta có thể thấy một thay đổi tinh tế nhưng quan trọng trong hệ tư tưởng về sự tiện lợi. Nếu cuộc cách mạng tiện lợi đầu tiên hứa hẹn sẽ làm cuộc sống và công việc trở nên dễ dàng hơn cho bạn, thì cuộc cách mạng thứ hai lại hứa hẹn rằng nó sẽ làm mọi việc dễ dàng hơn để bạn được là chính mình. Những công nghệ mới là chất xúc tác cho tư tưởng chú trọng cái tôi. Nó giúp những hành động thể hiện bản thân trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.

Hãy xem xét hình ảnh sau đây của một anh chàng vào những năm đầu 1980. Anh vừa đi bộ, vừa đeo tai nghe máy Walkman. Anh được bao trùm trong một không gian âm nhạc theo ý muốn. Ngay giữa nơi công cộng, anh đang thể hiện bản thân theo cách mà trước đây anh chỉ có thể làm trong phòng riêng. Một công nghệ mới đã giúp anh dễ dàng thể hiện con người mình hơn, dù chỉ là với chính anh. Anh như đang dạo khắp thế gian và là diễn viên chính trong bộ phim của chính mình.

Viễn cảnh này hấp dẫn đến mức nó đã thống trị cuộc sống của chúng ta. Hầu hết các công nghệ quan trọng và mạnh mẽ ra đời trong vài chục năm qua đã đem lại sự tiện lợi cho việc thể hiện cá tính và cá nhân hóa, ví dụ như đầu máy video, danh sách nhạc, Facebook, Instagram. Kiểu tiện lợi này không còn chỉ giúp tiết kiệm sức lao động nữa – dù sao thì nhiều người trong chúng ta cũng không còn lao động chân tay nhiều. Sự tiện lợi bây giờ liên quan đến việc giảm lao động trí óc, tức là ta không cần phải cố gắng nhiều để chọn một lựa chọn giúp ta thể hiện bản thân. Sự tiện lợi là ta có thể mua hàng ở một nơi bằng một cái nhấp chuột và trải nghiệm mượt mà tính năng “cắm và chạy” (plug and play). Mục tiêu lý tưởng bây giờ là làm mọi thứ theo ý muốn mà không tốn sức.

Dĩ nhiên là ta sẵn sàng trả giá cao để mua sự tiện lợi – và thường thì cái giá đó cao hơn mức mà ta nghĩ là giới hạn chấp nhận được của mình. Ví dụ, trong khoảng cuối những năm 1990, các công nghệ phân phối nhạc như Napster cho phép ta tải nhạc trực tuyến mà không tốn phí, và nhiều người đã tận dụng cơ hội này. Nhưng ngày nay, dù nhạc vẫn miễn phí ở nhiều nơi trên mạng, hiếm ai còn làm như vậy nữa. Vì sao? Vì sự ra đời của cửa hàng iTunes vào năm 2003 đã làm việc mua nhạc trở nên tiện lợi hơn việc tải nhạc bất hợp pháp. Sự tiện lợi đã chiến thắng sự hấp dẫn của hàng miễn phí.

Khi mọi việc dần trở nên dễ dàng hơn, kỳ vọng về sự tiện lợi ngày một tăng của chúng ta đã tạo áp lực lên mọi thứ, bắt chúng phải trở nên dễ dàng bằng không sẽ bị gạt bỏ. Vì gần như cái gì cũng có thể xảy ra ngay lập tức, ta bị nuông chiều và trở nên khó chịu với những việc tốn thời gian và sức lực như trước kia. Khi ta có thể loại bỏ việc xếp hàng và mua vé xem nhạc bằng điện thoại, việc xếp hàng để bầu cử làm ta thấy phiền hà. Điều này đặc biệt đúng với những ai chưa từng phải xếp hàng (có lẽ đó là một phần lý do vì sao những người trẻ tuổi ít đi bỏ phiếu như vậy).

E-Commerce App checkout purchase buy add item shopping cart nike shoes clothing mobile app iphone line icons white orange clean style material ui ux gif animation e-commerce store ecommerce shop basket bag pull down

Sự thật nghịch lý mà tôi đang muốn nói là: công nghệ cá nhân hóa ngày nay là công nghệ cá nhân hóa hàng loạt. Sự cá nhân hóa có thể đem lại sự đồng nhất không ngờ. Mọi người, hay hầu như tất cả mọi người, đều dùng Facebook: Đó là cách tiện lợi nhất để cập nhật tình hình của gia đình và bạn bè, những người mà về lý thuyết nên đại diện cho những đặc điểm độc nhất về bạn và cuộc đời bạn. Thế nhưng Facebook có vẻ đang làm cho vạn người như một. Bố cục giao diện và cách hoạt động của nó đã lọc sạch những đặc điểm riêng của ta, chỉ chừa lại những biểu hiện hời hợt nhất, như một tấm ảnh chụp cảnh biển hoặc dãy núi mà ta chọn làm hình nền.

Tôi không có ý bác bỏ công lao của sự tiện lợi trong việc đem lại cho ta nhiều lựa chọn (nhà hàng, dịch vụ taxi, bách khoa toàn thư nguồn mở) ở những lĩnh vực mà trước đây ta không hề có hoặc có ít lựa chọn. Nhưng sở hữu và đưa ra lựa chọn chỉ là một phần trong việc làm người mà thôi, ta còn phải nghĩ đến cách ta đương đầu với nghịch cảnh bất ngờ, đến việc vượt qua những thử thách xứng đáng và hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn – những quá trình đấu tranh hình thành nên con người ta. Nếu quá nhiều trở ngại, thử thách, điều kiện và sự chuẩn bị đều bị loại bỏ, thì làm người còn có bao nhiêu ý nghĩa?

Những người tôn thờ sự tiện lợi ngày nay không hiểu được rằng khó khăn là một yếu tố giúp tạo nên trải nghiệm làm người. Sự tiện lợi chỉ chăm chăm vào kết quả mà bỏ qua quá trình. Nhưng leo núi khác với việc ngồi cáp treo, dù bằng cách nào thì cuối cùng bạn cũng lên đến đỉnh. Chúng ta đang trở thành những con người hầu như hoặc hoàn toàn chỉ quan tâm đến kết quả. Ta đang có nguy cơ trở thành những sinh vật ngồi trên các chuyến xe lướt qua cuộc sống.

Sự tiện lợi phải phục vụ cho một điều gì đó lớn lao hơn chính nó, bằng không thì nó chỉ dẫn đến nhiều sự tiện lợi hơn mà thôi. Trong tác phẩm kinh điển The Feminine Mystique ra đời năm 1963 của mình, Betty Friedan đã xem xét những gì công nghệ gia đình đem lại cho phụ nữ và kết luận rằng các công nghệ đó chỉ tạo ra nhiều đòi hỏi hơn mà thôi. Bà viết, “Dù có tất cả những thiết bị giúp tiết kiệm sức lao động này, một bà nội trợ hiện đại người Mỹ có lẽ vẫn dành nhiều thời gian làm việc nhà hơn bà của mình.” Khi mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn, ta có thể tìm cách lấp đầy thời gian trống bằng nhiều việc “dễ dàng” hơn. Đến một ngưỡng nhất định, những sự vất vả tạo nên ý nghĩa của cuộc sống sẽ bị “thống trị” bởi những việc vặt và các quyết định tủn mủn.

Một hậu quả không mong muốn khi sống trong thế giới toàn những việc “dễ dàng” là ta chỉ còn đúng một kỹ năng quan trọng – khả năng làm nhiều việc cùng một lúc. Xét theo hướng cực đoan thì ta không thực sự làm gì cả; ta chỉ sắp xếp những gì sẽ được làm, đây là một nền tảng rất mong manh cho một cuộc đời.

Ta cần phải chủ động đón nhận sự bất tiện một cách thường xuyên hơn. Ngày nay, sự độc đáo đã thôi thúc ta thực hiện ít nhất là một số lựa chọn bất tiện. Ta không cần phải tự đánh sữa làm bơ, nhưng nếu muốn trở thành kiểu người mà mình mơ ước, ta không thể để sự tiện lợi trở thành giá trị cao nhất trong đời mình. Khó khăn không phải lúc nào cũng là vấn đề. Đôi khi, nó chính là giải pháp. Và nó có thể là câu trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?”

Ý tưởng đón nhận sự bất tiện nghe có vẻ lạ lùng, nhưng thật ra ta đã thực hiện nó mà không hay biết. Như thể để che giấu việc này, ta đặt những cái tên khác cho các lựa chọn bất tiện: sở thích, thú tiêu khiển, thiên hướng, đam mê - những hoạt động không được xem là trọng tâm nhưng lại giúp ta định nghĩa chính mình và phát triển tính cách, vì nó bắt ta phải nỗ lực một cách có ý nghĩa – chống lại các quy luật của tự nhiên, vượt qua giới hạn của chính mình – như trong những hoạt động như chạm khắc gỗ, gia công nguyên liệu thô, sửa vật dụng hư, viết mã lập trình, tính thời gian thủy triều lên xuống hoặc chạy bộ đến mức chân run và hai lá phổi như muốn nổ tung.

Những hoạt động đó đòi hỏi ta phải bỏ ra thời gian nhưng cũng giúp ta tiết kiệm thời gian. Khi tham gia những hoạt động này, ta có thể thất bại và thất vọng, nhưng nó cũng dạy ta về thế giới và vị trí của ta trong thế giới.

Vậy, hãy cũng suy ngẫm về sự độc tài của sự tiện lợi, cố gắng chống lại sức mạnh to lớn của nó thường xuyên hơn, và xem xem chuyện gì sẽ xảy ra. Đừng bao giờ quên đi niềm vui khi ta làm một điều gì đó mất thời gian và khó khăn, đừng bao giờ quên đi cảm giác hài lòng khi không chọn cách dễ dàng nhất. Những lựa chọn bất tiện có thể là điều duy nhất còn ngăn ta sống cuộc sống đồng nhất và hoàn toàn tiện lợi.

***

Tác giả: Tim Wu - https://www.nytimes.com/2018/02/16/opinion/sunday/tyranny-convenience.html 

Người dịch: Nguyễn Phan Bảo Ngân

Đội ngũ biên tập: UBrand Content Team- https://www.ubrand.global/courses/ke-doc-tai-mang-ten-tien-loi 


 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

349 lượt xem