Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Kỹ Năng] Vẻ Đẹp Của Đơn Nhiệm (Monotasking)

Một trong những kỹ năng mà mình nhận thấy có rất, rất nhiều người mong muốn có thể thiết lập được trong công việc lẫn cuộc sống là khả năng làm việc đa nhiệm (multitasking) hay là khả năng làm nhiều việc cùng một lúc. Và việc ngợi ca sự đa nhiệm của vật dụng lẫn con người đã vô hình chung mang lại một cái nhìn sai lệch liên quan đến năng suất làm việc và học tập của các cá nhân: làm nhiều thứ cùng một lúc đồng nghĩa với việc chúng ta làm việc hiệu quả, và năng suất hơn.

Thực tế lại không phải như vậy.

Theo nghiên cứu, những trải nghiệm mang tính đa nhiệm có thể làm giảm chỉ số IQ (1), giảm chất xám ở khu vực vỏ não vành trước (2), và giảm khả năng tập trung của cá nhân. Khi bạn làm việc đa nhiệm, điều đó không có nghĩa là bạn đang thực sự tập trung làm nhiều việc trong cùng một lúc, mà nó có nghĩa là bạn đang liên tục chuyển từ việc này sang việc khác. Điều này đồng nghĩa với bộ não của bạn cũng liên tục chuyển đổi vị trí được kích thích từ việc bạn đang làm. Trạng thái này được gọi là “chuyển nhiệm” (task-switching) và mặc dù nó xảy ra trong khoảng thời gian rất nhỏ, vẫn có thể giảm năng suất của chúng ta đến 40% (3).

Bản thân mình từng là một người hay làm nhiều việc cùng một lúc, như ăn + đọc sách + nghe nhạc + nhắn tin + viết cùng một lúc (ừ mình đã từng làm tất cả các việc đó cùng một lúc). Nhưng trải qua thời gian áp dụng những cách thức làm việc và học tập khác nhau, mình nhận ra rằng đơn nhiệm, hay tập trung làm một việc cùng một lúc sẽ cải thiện hiệu quả công việc rất nhiều. Đồng thời, khi chúng ta tập trung sức lực và tậm trí để giải quyết một việc, thời gian hoàn thành công việc sẽ giảm đáng kể. Sau khi hoàn thành một việc, chúng ta có thể chuyển sang việc thứ hai, thứ ba. Cứ như vậy, số lượng việc chúng ta hoàn thành trong ngày có thể tăng lên đáng kể với hiệu quả cao hơn nhiều.

Monotasking không chỉ dừng lại trong việc nâng cao năng suất công việc, nó còn giúp cho mình trở nên nhận thức rõ hơn về những việc xảy ra trong ngày, trong những việc mang tính chăm sóc bản thân và quán xuyến những việc lặt vặt khác. Không những thế, tâm trí đơn nhiệm là một khởi đầu tốt cho những bạn muốn sống một cách tỉnh thức hơn, và nhẹ nhàng hơn. Khi mình không phải vướng bận bởi nhiều chuyện trong cùng một lúc, mình có thể kiểm soát suy nghĩ một cách dễ dàng, đồng thời mức độ căng thẳng của tâm trí cũng giảm đáng kể.

Mình nghĩ rằng với những ai có nhiều việc (tasks, projects) cần phải hoàn thành, thì làm việc đơn nhiệm sẽ có hiệu quả cao hơn, đặc biệt là khi nó được kết hợp với danh sách việc cần làm (do-to list). Vì khi chúng ta có một bức tranh toàn cảnh về những nhiệm vụ cần hoàn thành, và việc nhanh chóng làm xong từng việc một sẽ tạo điều kiện cho những việc khác cũng được hoàn thành nhanh chóng về sau.

Vậy làm thế nào để bắt đầu làm việc đơn nhiệm?

Với mình thì chúng ta nên bắt đầu với việc xây dựng “tâm trí đơn nhiệm” (monotasking mind) cho bộ não với những cách sau:

1.Học cách làm việc sâu (deep work). 

Làm việc sâu là một kỹ năng mà mình nghĩ không phải dễ dàng để có được, nhưng chúng ta nên bắt đầu rèn luyện khả năng này càng sớm càng tốt, vì nó sẽ đặc biệt có ích cho công việc của mỗi người. Làm việc sâu là khả năng tập trung cao độ cho một nhiệm vụ được đặt ra như hoàn thành một bản báo cáo, học xong một chương sách, viết xong một bài báo, vân vân. Việc này đỏi hỏi phải có một khả năng nhận thức cao và cả sự chú ý – không đi kèm với xao nhãng – trong một khoảng thời gian mà mình cho là không ngắn (từ một tiếng trở lên). 


Có lẽ nhiều bạn cho rằng một tiếng tập trung làm việc là chuyện dễ ợt, nhưng mình hi vọng các bạn thử suy nghĩ trong một tiếng mà các bạn làm việc đó, có bao nhiêu lần các bạn bị xao nhãng bởi mạng xã hội, điện thoại, suy nghĩ vẩn vơ, hay những xao nhãng khác. Hơn nữa, deep work là một trạng thái cao hơn là việc chỉ tập trung, mà nó còn sử dụng rất nhiều năng lượng của bộ não, giúp bạn vừa có thể sáng tạo hay hoàn thành công việc, mà còn giúp bạn học được, hiểu thêm nhiều về công việc mà bạn đang làm trong thời gian deep work đó. Và chính nhờ việc hoạt động mạnh của não như thế, những liên kết neuron thật và sâu sẽ được hình thành trong bộ não các bạn, xây dựng cơ chế làm việc tập trung hiệu quả cho những lần sau. 

Để luyện tập làm việc sâu, chúng ta có thể bắt đầu bằng việc dành ra một hai, hay ba bốn tiếng mỗi ngày để tập trung hoàn thành công việc bạn cần làm: dù đó là việc liên quan đến sáng tạo, thực hành, hay là học tập. Hạn chế các tác nhân xao nhãng tối đa bằng việc tắt hoặc cất điện thoại, đặt ly nước gần chỗ bạn, tìm không gian yên tĩnh hoặc mang tai nghe nếu môi trường bạn làm việc hơi ồn. Trong thời gian này, tất cả các hành vi và suy nghĩ của bạn chỉ xoay quanh một việc mà bạn đang muốn hoàn thành.

2. Tìm ra thời gian làm việc tốt nhất của bạn.

Thường thì mỗi người đều có một khoảng thời gian mà chúng ta cảm thấy làm việc hiệu quả nhất. Đối với mình thì nó rơi vào ba giờ trưa đến sáu giờ chiều, hoặc tám giờ tối đến mười một giờ đêm, có khi là bốn giờ sáng cho những ngày mình thức sớm. Sau khi xác định khoảng thời gian hiệu quả đó, chúng ta có thể tập làm việc sâu trong chính những khoảng thời gian đó, đồng thời đây cũng là lúc thích hợp để làm những việc khó nhất, đòi hỏi nhiều năng lượng nhất. 

3. Check in bản thân. 

Liên tục check in xem thử bạn thân mình đang làm gì. Trước đây mình có sử dụng một cách đó là hễ 1 tiếng thì điện thoại mình sẽ báo một lần. Khi đó mình sẽ xem thử bản thân mình đang làm gì, việc này có ích không hay chỉ là đang gây lãng phí thời gian. Nếu báo lúc mình đang lướt mạng lung tung thì mình có thể ngừng lại để làm việc khác có ích hơn. Tóm lại, đây là hành động kiểm tra và nhận thức được các hoạt động chúng ta làm trong ngày. Đến khi các bạn tập được thói quen tự check in thì cũng không cần nhờ điện thoại báo nữa.

4. Hai câu hỏi quan trọng trong ngày. 

  •  Hôm nay mình có thể làm gì để mang lại giá trị cho bản thân, và cho những mục tiêu mà mình theo đuổi?
  • Hai điều quan trọng nhất mà mình phải làm hôm nay để tạo ra sự ảnh hưởng lớn là gì? 

Thử đặt hai câu hỏi này và xem xét một chút về những việc chúng ta đang làm bạn nhé.

5. 13 cách nhắc nhở chúng ta về “thói quen đơn nhiệm.” 

  • Ăn mà không dùng điện thoại trong khi ăn. 
  • Lúc ngồi trên xe máy, ô tô, xe bus, tàu hoả thì chúng ta có thể quan sát ngắm nhìn mọi thứ thay vì xem điện thoại.
  • Xem một bộ phim từ đầu đến cuối mà không bị xao nhãng. 
  • Tập trung nghe trọn vẹn một loạt các bài hát. 
  • Lắng nghe nhiều hơn, nói ít lại.
  • Liệt kê những việc phải làm, hoàn thành từng việc một, gạch chúng đi. 
  • Xây dựng routine (những việc thường làm hằng ngày) buổi tối và buổi sáng cho mình. 
  • Áp dụng phương thức làm việc 45 phút làm – 10 phút nghỉ – 45 phút làm. Hoặc thay đổi một chút để phù hợp với bạn.
  • Dọn dẹp nơi làm việc.
  • Không dùng công nghệ trong khoảng một thời gian tương đối trong ngày, hoặc cả một ngày trong tuần. 
  • Đọc sách 
  • Dành thời gian và tâm trí cho việc thư giãn bản thân trước khi đi ngủ. 
  • Thiền/Yoga hay một hình thức luyện tập tỉnh thức (mindfulness) nào đó. 


Vậy đây là tất cả những gì mình muốn chia sẻ với các bạn về monotasking. Hi vọng mọi người có thể thử áp dụng và nhìn nhận được lợi ích mà đơn nhiệm mang lại như chính bản thân mình đã trải qua.

Comment cho mình biết suy nghĩ các bạn nhé. 

Keep hygge,
Hoại Băng. 

Reference: 
(1) Study by the Institute of Psychiatry at the University of London
(2) Loh KK, Kanai R (2014) Higher Media Multi-Tasking Activity Is Associated with Smaller Gray-Matter Density in the Anterior Cingulate Cortex.
(3) Multitasking: Switching costs. American Psychological Association. 
Và một số references khác trong quá trình lăn lộn tìm hiểu của mình. 

[ Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Gỉa Chuyên Sâu AUTHORITY ] Tác giả: Hoại Băng

Chị Hoại Băng là một cây bút viết chia sẻ về những khái niệm sống, những bài học, không chỉ là kiến thức chung mà còn là suy nghĩ, tâm tư của chị về thế giới xung quanh mình. Link bài gốc: Vẻ Đẹp Của Đơn Nhiệm (Monotasking)
Xem thêm các bài viết khác của tác giả quathe mini hygge
Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,218 lượt xem