Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Làm Thế Nào Để Dừng Tin Vào Những Ý Nghĩ Ngăn Không Cho Bạn Sống Tự Do Và Hạnh Phúc

Tham khảo:

A Guide to the present moment-How to Stop Believing the Thoughts that Keep You from Feeling Free, Whole, and Happy

Tác giả: Noah Elkrief
Dịch: Rubi



Chúng ta đều muốn được hạnh phúc. Nhưng để theo đuổi được hạnh phúc thì trước tiên ta cần nhận diện và hiểu được nguyên nhân của bất hạnh của mình. Đa số mọi người tin rằng những sự kiện và hoàn cảnh trong cuộc sống là nguyên nhân gây ra nỗi buồn, sự tức giận, lo âu và cảm giác không đủ đầy. Đây là những gì chúng ta được dạy. Đây là cách chúng ta nhìn thấy bạn bè và những người thân trong gia đình và những nhân vật trong phim ảnh chạy theo hạnh phúc. Do đó, chúng ta cố gắng thay đổi hoàn cảnh sống của mình để tìm thấy hạnh phúc là lẽ tự nhiên.

Gần như tất cả mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta có xu hướng tái xác nhận niềm tin rằng hoàn cảnh sống chính là nguyên nhân của hạnh phúc và khổ đau. Đối với phần lớn chúng ta thì niềm tin này quá mạnh và phổ biến tới nỗi chúng ta sống mà chẳng thèm hoài nghi về nó. Nhưng cuối cùng thì một số người đã đạt tới ngưỡng nhận ra rằng cách thức ta từng theo đuổi hạnh phúc là không mang lại kết quả.

Ý NGHĨ TẠO RA CẢM XÚC NHƯ THẾ NÀO

Tất cả cảm xúc được tạo ra bởi những ý nghĩ trong đầu bạn - những ý nghĩ về bản thân, về mối quan hệ của bạn, hoàn cảnh của bạn, quá khứ, tương lai của bạn - và mỗi cảm xúc có thể biến mất ngay lập tức nếu bạn dừng TIN những ý nghĩ đó là đúng.

Nếu một người lạ nói với bạn rằng "Thế giới sẽ chấm dứt vào ngày mai", và bạn TIN HỌ, thì bạn sẽ cảm thấy thế nào? Bạn có nhiều khả năng sẽ thấy sợ hãi. Nhưng nếu bạn không tin họ thì lời nói của họ làm bạn cảm thấy thế nào? Bạn gần như chắc chắn không còn thấy sợ nữa. Nếu một đồng nghiệp nói với bạn "tôi đã xoá tất cả email của cậu" và bạn tin anh ấy, thì bạn sẽ cảm thấy thế nào? Bạn có thể tức giận. Nhưng nếu anh ta nói điều này với bạn mà bạn KHÔNG TIN anh ta vì anh ta lúc nào cũng đùa giỡn với mọi người, thì khi đó bạn cảm thấy thế nào? Bạn gần như chắc chắn không cảm thấy tức giận vì chẳng có gì để giận cả. Nếu bạn đang xem một cảnh bi kịch trong một bộ phim và bạn TIN CÁC DIỄN VIÊN ĐÓ, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Bạn có thể cảm thấy buồn về những chuyện trong phim. Nhưng nếu bạn không tin các diễn viên đó, thì khi ấy bạn hầu như không buồn.

Những ví dụ đó cho thấy khi bạn tin vào lời nói của ai đó là đúng, thì chúng tạo ra những cảm xúc. Nhưng khi bạn không tin lời nói của ai đó, thì chúng sẽ không có khả năng tạo ra cảm xúc trong bạn.

Điều tương tự cũng đúng với những ý nghĩ trong đầu bạn. Nếu bạn tin vào một ý nghĩ tiêu cực về bản thân bạn hay cuộc đời bạn, thì ý nghĩ đó sẽ tạo ra một cảm xúc khó chịu. Tuy nhiên, nếu bạn không tin ý nghĩ đó thì nó sẽ không tạo ra cảm xúc khó chịu.

Hãy tưởng tượng bạn đi gặp bác sỹ để kiểm tra sức khoẻ, và khi bạn nhận được kết quả, bạn phát hiện ra mình mắc phải một căn bệnh nguy hiểm. Bạn nghĩ mình sẽ cảm thấy thế nào vào lúc đó? Bạn có thể cảm thấy tức giận, đau buồn, tuyệt vọng hoặc lo lắng. Điều gì đã tạo ra những cảm xúc đó của bạn vào lúc ấy? Có vẻ do chính căn bệnh tạo ra những cảm xúc đó. Nhưng, nếu bản thân căn bệnh tạo ra nỗi buồn, thì bạn đáng lẽ phải cảm thấy buồn ngay khi bạn mắc bệnh chứ. Nếu bạn không biết mình đã mắc phải căn bệnh nguy hiểm thì bạn có còn cảm thấy buồn, tức giận, tuyệt vọng, lo lắng về nó không? Không.

Mặc dù có vẻ những hoàn cảnh sống trực tiếp tạo ra cảm xúc của chúng ta, thì trên thực tế chúng ta không thể trải nghiệm bất kì cảm xúc gì trừ phi tâm trí chúng ta biết về hoàn cảnh. Nói cách khác, chúng ta không thể có một phản ứng cảm xúc trước một hoàn cảnh chừng nào chúng ta có những ý nghĩ về nó. Nếu bản thân một sự kiện trực tiếp tạo ra một cảm xúc không mong muốn, thì sự kiện sẽ tạo nên cảm xúc không mong muốn ngay khi nó xảy ra.

Nếu một người thân của bạn bị tai nạn xe trong lúc bạn đang ngủ, vậy khi nào bạn sẽ có một phản ứng cảm xúc trước sự kiện này? Bạn sẽ chỉ bắt đầu thấy buồn một khi bạn biết được chuyện gì đã xảy ra và có những ý nghĩ về nó. Nếu tổn thương do tai nạn ơr người thân của bạn (hoàn cảnh) trực tiếp tạo ra nỗi buồn của bạn, thì khi ấy bạn sẽ ngay lập tức cảm thấy buồn ngay khi sự kiện đó xảy ra. Nếu bạn không cảm thấy buồn cho đến khi bạn bắt đầu nghĩ về những gì đã xảy ra, thì khi ấy chính những ý nghĩ của bạn mới tạo ra nỗi buồn của bạn.

Khi còn bé, đa số chúng ta đều thấy hạnh phúc phần lớn thời gian. Nhưng khi lớn lên thì hầu hết chúng ta không còn hạnh phúc nữa. Vậy chuyện gì đã xảy ra với ta? Tại sao ta không còn thấy hài lòng nữa? Khá đơn giản, vì chúng ta đã học được nhiều khái niệm về "sự hoàn hảo": con đường "đúng", ta nghĩ mọi chuyện "nên như thế nào", cái gì là "tốt nhất", "hay", "phù hợp". Chúng ta được dạy những khái niệm đó một cách chính thức hoặc không chính thức bởi cha mẹ, giáo viên và bạn bè; chúng ta tiếp nhận chúng từ TV, phim ảnh.

Khi còn bé (dưới 6 tuổi), trước khi chúng ta học được đa số các khái niệm về những gì được gọi là "hoàn hảo" thì chúng ta không có thứ gì để mà so sánh. Không có một khái niệm "hoàn hảo" để so sánh nên chúng ta không có thói quen xem một khía cạnh nào đó ở bản thân, ở người khác hoặc hoàn cảnh sống của mình là "xấu" hay là "không đủ tốt". Mọi sự chỉ là những gì nó đang là vậy thôi. Khi không có những ý nghĩ về "điều gì là không đủ tốt" trong cuộc sống của mình, cho nên ta cảm thấy tự do, hạnh phúc, đủ đầy.

Khi chúng ta hình thành nên nhiều khái niệm hơn về những cái gọi là "hoàn hảo" qua năm tháng, thì ta bắt đầu so sánh mọi thứ trong cuộc đời mình với những khái niệm đó. Chúng ta dán nhãn mọi thứ trong cuộc sống của mình - những hành động, lời nói, sự kiện, tình huống, tính cách cá nhân, cảm xúc, ngoại hình - là "xấu" hay "không đủ tốt".

Ngay khi một ý nghĩ xuất hiện trong tâm trí ta nói rằng "có thứ gì đó chưa tốt" thì ta bắt đầu cảm thấy buồn bã hoặc thiếu thốn, như thể có điều gì đó bị thiếu trong cuộc sống của ta.

Hãy tưởng tượng bạn đang hạnh phúc với mối quan hệ hiện tại. Nhưng khi bạn chơi với vài đứa bạn và thấy số lần chúng đi chơi với người yêu nhiều gấp đôi bạn. Nếu bạn so sánh mối quan hệ của bạn với của đứa bạn thì bạn có thể cho rằng mối quan hệ của bạn là chưa "đủ tốt". Ý nghĩ "mối quan hệ của tôi chưa đủ tốt" sẽ tạo ra cảm giác buồn bã và cảm thấy có thứ gì đó bị thiếu trong mối quan hệ của bạn. Và nếu bạn nghĩ người yêu của bạn phải chịu trách nhiệm cho sự khiếm khuyết này của mối quan hệ thì ý nghĩ này sẽ tạo ra cảm giác tức giận đối với anh ấy.

Thay vì nhận ra những cảm xúc thất vọng, tức giận của chúng ta được tạo nên bởi những ý nghĩ của ta, thì ta lại TIN rằng những cảm xúc đó được tạo nên bởi hoàn cảnh của ta (vd, mối quan hệ của chúng ta) là "xấu" hay "chưa đủ tốt". Sự hiểu nhầm này khiến chúng ta cố gắng thay đổi hoàn cảnh của mình từ "chưa đủ tốt" thành "hoàn hảo" để ta hạnh phúc. CHÚNG TA KHÔNG NHẬN RA ĐÂY THỰC SỰ CHỈ LÀ MỘT NỖ LỰC NHẰM THAY ĐỔI NHỮNG Ý NGHĨ CỦA CHÚNG TA VỀ HOÀN CẢNH CỦA MÌNH TỪ "NÓ CHƯA ĐỦ TỐT" SANG "NÓ HOÀN HẢO".

Khi còn bé, chúng ta vui vẻ và thoả mãn với việc sống một mình. Nhưng đến một lúc nào đó trong cuộc đời, chúng ta học được rằng hôn nhân là thiết yếu để sống hạnh phúc. Không cần biết niềm tin này đến từ đâu - bố mẹ của chúng ta, thầy cô giáo, các bộ phim - một khi ta tin rằng "hôn nhân là cần thiết cho hạnh phúc" thì ta cũng tự động tin theo "tôi không có một thứ gì đó tôi cần để hạnh phúc". Điều này làm ta tin rằng "cuộc đời tôi không đủ tốt như cách nó đang là." Ý nghĩ này tạo ra cảm giác buồn bã và cảm giác không đủ đầy.

Tiếp đó, chúng ta đổ lỗi những cảm xúc đó cho việc không có người bạn đời, thay vì nhận ra những cảm xúc đó được tạo ra bởi việc TIN vào ý nghĩ "hôn nhân là cần thiết cho hạnh phúc". Niềm tin này làm chúng ta bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm người yêu để ta được hạnh phúc. Nhưng khi chúng ta tin rằng hôn nhân sẽ làm ta hạnh phúc thì ta cũng đồng thời tin rằng việc không tìm được người yêu sẽ làm ta bất hạnh (một kết quả "xấu"). Điều này làm ta cảm thấy sợ hãi rằng mình sẽ không bao giờ tìm thấy người yêu. Và rồi nếu ta không tìm thấy người yêu trước thời điểm ta nghĩ mình nên có người yêu thì khi đó ta sẽ nghĩ "tôi không nên vẫn còn sống độc thân", nó sẽ khiến ta thấy buồn và xấu hổ.

Phụ thuộc vào nơi ta lớn lên và cách ta được dạy dỗ, chúng ta học được những quan điểm khác nhau về những gì mình cần để được hạnh phúc. Những quan niệm đó thường thể hiện qua những huyễn tưởng hoặc những niềm tin của chúng ta về thứ ta nên làm với đời mình. Những niềm tin phổ biến nhất đó là hôn nhân, tình yêu, có con, sự thành công, giàu có, những thành tựu lớn, danh tiếng, quyền lực, sự tôn trọng, hoặc du lịch vòng quanh thế giới sẽ làm ta hạnh phúc. Ngay khi chúng ta TIN rằng một thứ gì đó là chìa khoá cho hạnh phúc của ta, và ta không có được nó, thì chúng ta sẽ nghĩ rằng "Hoàn cảnh của tôi hiện tại không đủ tốt để được hạnh phúc" hoặc "Tôi cần thay đổi hoàn cảnh của mình để hạnh phúc". Những ý nghĩ đó làm chúng ta cảm thấy có điều gì đó bị thiếu trong cuộc sống của ta.

Khi đó chúng ta ngây thơ đổ lỗi cho sự bất hạnh của mình là do hoàn cảnh không đủ đầy của ta, thay vì nhận ra chính NHỮNG Ý NGHĨ của chúng ta về hoàn cảnh đã tạo nên những cảm xúc đó. Khi điều này xảy ra, chúng ta bắt đầu theo đuổi những hoàn cảnh mà ta nghĩ mình cần có được để hạnh phúc.

BẢN SẮC CÁ NHÂN

Khi còn bé, trước khi chúng ta học được những quan điểm của "sự hoàn hảo", chúng ta không nghĩ "Tôi chưa đủ tốt". Chúng ta không cảm thấy mình khiếm khuyết hay chẳng đáng yêu. Chúng ta cũng không bận tâm về những ý kiến của người khác về mình. Khi ta lớn lên thì điều này thay đổi rõ ràng.

Để hiểu thứ gì đã thay đổi, trước tiên chúng ta cần hiểu được bản sắc (identity) của mình là gì. Bản sắc của chúng ta, hay còn gọi là hình ảnh bản thân (self-image), là câu trả lời cho câu hỏi "Tôi là ai?" hay "Tôi sẽ mô tả về bản thân như thế nào?" Một phần của những câu trả lời của chúng ta cho những câu hỏi đó bao gồm những sự thật về tuổi tác của ta, giới tính, học vấn, nghề nghiệp, tình trạng hôn nhân, .... Tuy nhiên, bản thân những sự thật đó không phải là cái tạo ra bản sắc của chúng ta, cảm xúc hay sự tự tin của ta. Nền tảng cho hình ảnh bản thân của chúng ta và kéo theo đó là hạnh phúc hay bất hạnh của ta, là quan điểm của chúng ta về bản thân (những ý nghĩ của chúng ta về bản thân mình). Ví dụ, ngay cả nếu hai người cùng tuổi tác và cân nặng, học vấn, nghề nghiệp, thì một người có thể tự hào về bản thân anh ta, còn người khác thì lại xấu hổ về bản thân. Nói đơn giản là, bản sắc của chúng ta được tạo nên bởi những ý nghĩ.

Khi chúng ta so sánh bất kì khía cạnh nào của hình ảnh bản thân chúng ta với quan niệm về "sự hoàn hảo" và cho rằng nó là "xấu" hay "không lý tưởng", chúng ta sẽ thấy buồn, xấu hổ, thậm chí trầm cảm.

Tất cả chúng ta đều có xu hướng có nhiều đặc điểm mà mình xem là "chưa hoàn hảo". Vd, ta nghĩ "Tôi nên thành công hơn", "Tôi không đủ thông minh", "Tôi quá tẻ nhạt" hay "Cơ thể tôi không hấp dẫn". Ngay khi chúng ta nghĩ bất kì ý nghĩ nào ở trên, chúng ta sẽ cảm nhận được những cảm xúc không mong muốn. Chúng ta đổ lỗi những cảm xúc đó cho những khiếm khuyết thay vì nhận ra những cảm xúc đó chỉ được tạo ra bởi ý nghĩ "Có một thứ gì đó ở tôi là chưa đủ tốt."

Sự nhầm lẫn này khiến chúng ta cố gắng "cải thiện" hình ảnh bản thân thành "hoàn hảo" để làm mình hạnh phúc.



ĐÂU LÀ NHỮNG SỰ THẬT VÀ ĐÂU LÀ NHỮNG Ý NGHĨ CỦA TÔI VỀ NHỮNG SỰ THẬT?

Nhìn chung chúng ta không nhận ra nó, nhưng chúng ta liên tục hình thành nên những ý nghĩ về những hoàn cảnh sống và sau đó xem những ý nghĩ đó là một phần của sự thật. Ví dụ, chúng ta có thể nghĩ "Tôi thật xấu xí", "Anh ta là kẻ đê tiện", "Tình huống này quá kinh khủng", "Hành động của cô ta là không thích hợp" hay "Anh ấy không biết ơn tôi". Chúng ta nhìn chung xem những ý nghĩ đó không khác biệt gì so với những sự thật như "Tên cô ấy là Lan", "Đó là một quả táo", "Ngôi nhà của tôi màu đỏ" hay "Tôi cao 1,8m". Chúng ta ngây thơ và thường vô tình nghĩ rằng những ý nghĩ đó là sự thật và sau đó kết luận rằng cảm xúc của mình được tạo nên bởi những "sự thật" đó. Tuy nhiên, những ý nghĩ được nói đến ở trên không phải là sự thật. Chúng chỉ là những ý nghĩ về sự thật.

Tưởng tượng bạn đang xếp hàng chờ mua cafe, và sau đó một người đàn ông đến nõi với bạn "Tránh ra cho tôi", anh ta đang cố chen lấn để đến khi vực có chỗ ngồi. Bây giờ tưởng tượng việc xô xát này khiến bạn hơi tức giận với anh ta. Điều gì đã tạo nên cơn giận của bạn ở tình huống này? Đa số chúng ta sẽ nghĩ rằng "Lời nói thiếu tôn trọng của anh ta làm tôi tức giận". Nói cách khác, dường như bản thân sự thật tạo ra cơn giận của chúng ta. Nhưng đâu là sự thật và đâu là những ý nghĩ của chúng ta về sự thật? Sự thật là những từ "Tránh ra cho tôi". Có vẻ những từ của anh ta thực sự thiếu tôn trọng; những từ của anh ta chỉ là những từ ngữ, hoàn toàn trung lập. Do đó, anh ta không nói "những từ thiếu tôn trọng"; mà chúng ta đã có một ý nghĩ về những từ anh ta nói "Nó thật thiếu tôn trọng".

Những ý nghĩ của chúng ta không liên quan gì đến những từ anh ta nói (sự thật). Chúng là những thứ riêng biệt nhau. Chúng tồn tại ở hai nơi hoàn toàn riêng biệt. Những từ của anh ta được nói trước mặt chúng ta và được phát hiện thông qua các giác quan của chúng ta, trong khi đó, ý nghĩ của chúng ta "thật là thiếu tôn trọng" chỉ tồn tại như một khái niệm trong tâm trí chúng ta. Cảm xúc của chúng ta được tạo nên bởi khái niệm (ý nghĩ), không phải bởi sự thật. Cảm xúc của chúng ta được tạo nên bởi những gì đang diễn ra trong tâm trí chúng ta, chứ không phải bởi những gì đang diễn ra trước mặt chúng ta. Cơn giận của ta bị gây ra bởi ý nghĩ "thật là thiếu tôn trọng", chứ không phải bởi những từ "Tránh ra cho tôi". Nếu chúng ta không có ý nghĩ này về những từ của anh ta thì chúng ta sẽ không có phản ứng cảm xúc với chúng.

Chúng ta luôn luôn dán nhãn mọi người, những hành động, lời nói, những tình huống và sự kiện là "xấu", "không đủ tốt" hay "sai trái". Chúng ta nói "Cô ấy thật tẻ nhạt" và "Cô ấy xấu xí" như thể chúng là sự thật. Rồi sau đó chúng ta có phản ứng cảm xúc với những cái nhãn đó, và chúng ta đối xử với bản thân và người khác dựa theo những cái nhãn ấy. Nhưng đâu là sự thật và đâu là những ý nghĩ của chúng ta về sự thật? Một cô gái không thể nào "tẻ nhạt" hay "xấu xí". Nhưng khái niệm đó không phải là một phần của sự thật. Một người nào đó chỉ có thể thực hiện những hành động hoặc nói câu gì đó, và ý nghĩ của chúng ta sau đó dán nhãn cho chúng là "tẻ nhạt" hoặc "gây bực mình". "Tẻ nhạt" và "gây bực mình" không nhìn thấy được và sờ được. Chúng chỉ tồn tại như những ý nghĩ trong đầu óc chúng ta.

Có vẻ "xấu xí" có thể nhìn thấy và chạm vào được. Nhưng hãy nghĩ về nó, một khuôn mặt, đôi mắt, cái mũi và mái tóc có thể nhìn thấy và chạm vào. Chúng không "xấu xí", chúng chỉ là những bộ phận cơ thể. Sau khi chúng ta nhìn thấy một bộ phận cơ thể thông qua các giác quan của chúng ta thì sau đó ta có ý nghĩ "cái mũi của cổ xấu quá." Mũi của cô ấy không thể "xấu", mũi của cô ấy chỉ có thể là cái mũi của cô ấy. "Xấu xí" chỉ là một ý nghĩ về cái mũi của cô ấy. Ý nghĩ của chúng ta hoàn toàn tách biệt với sự thật.

Những sự thật là những gì chúng ta biết là thật. Những gì chúng ta trải nghiệm trực tiếp thông qua các giác quan của chúng ta là những sự thật. Những sự thật là thực tại. Sau đó chúng ta thêm vào những quan điểm của chúng ta về "tốt" và "xấu", "đúng" và "sai", "nên" và "không nên" lên thực tế và cho rằng những quan điểm đó là sự thật. Những sự thật thì hoàn toàn TRUNG LẬP. Thực tại không có quan điểm. Chẳng có thứ gì là thực sự "xấu" hay "không đủ tốt" và không có thứ gì "phải nên" theo một cách nào đó, vì những sự thật không chứa đựng quan điểm trong chúng.

Một khi ta có thể nhìn thấy một phần của cái mà ta xem là sự thật trên thực tế chỉ là những ý nghĩ của ta về sự thật, thì khi đó chúng ta có thể bắt đầu nhận ra những cảm xúc của mình được tạo ra bởi những ý nghĩ của chúng ta, chứ không bởi sự thật. Chỉ khi đó ta mới có thể bắt đầu đặt câu hỏi liệu những ý nghĩ của mình có thật sự đúng. Thực tế chính là sự tự do. Chỉ có ý nghĩ của ta về thực tế mới tạo ra mọi khổ đau và bất mãn của chúng ta.

Nhận ra cảm xúc của bạn trên thực tế được tạo ra bởi một ý nghĩ, và không phải bởi những hoàn cảnh sống của bạn, là một bước tiến lớn đến tự do. Nhìn thấy điều này thường làm suy yếu niềm tin của bạn vào ý nghĩ của bạn, và có thể làm suy yếu cảm xúc mà nó kéo theo.

Nếu bạn có thể nhận ra ý nghĩ của bạn đã tạo nên khổ đau cho bạn, thì bạn có thể dừng đổ lỗi cho người khác, cho hành động, sự kiện hay hoàn cảnh nào mà bạn nghĩ là nguyên nhân gây đau khổ cho bạn. Ngộ ra điều này có thể giải phóng ta khỏi phần lớn bực giận trong cuộc sống.

Khi chíng ta không kiểm soát được nhiều hoàn cảnh hay sự kiện trong cuộc sống chúng ta thì có vẻ như ta cũng không kiểm soát được cảm xúc của mình. Điều này có thể làm ta cảm thấy mình bất lực. Chúng ta cảm thấy mình là nạn nhân của cuộc sống. Nhưng nếu bạn có thể nhận ra những ý nghĩ của bạn là nguyên nhân gây khổ đau cho bạn thì khi đó bạn không còn bất lực nữa. Bạn không còn là nạn nhân. Bạn giờ đây đã có chút quyền kiểm soát. Điều này có nghĩa là không có hoàn cảnh nào, sự kiện hay con người nào có sức mạnh gây đau khổ cho bạn.



NHỮNG Ý NGHĨ-TÂM LÝ TẠO RA ĐAU KHỔ

Chúng ta hầu như lúc nào cũng suy nghĩ. Những ý nghĩ của chúng ta rơi vào hai loại chính: những ý nghĩ thuộc tâm lýnhững ý nghĩ thuộc chức năng.

Những ý nghĩ thuộc tâm lý là những ý nghĩ xác định xem liệu một thứ gì đó là "tốt" hay "xấu", và chúng là những ý nghĩ tạo nên đau khổ của chúng ta. Nói đơn giản là, những ý nghĩ thuộc tâm lý của chúng ta gần như là những ý nghĩ chứa đựng những sự đối lập. Bởi vì nếu một ý nghĩ có sự đối lập thì khi đó chúng ta sẽ xem một khía cạnh nào đó là "tốt" và mặt đối lập của nó là "xấu". Ví dụ, nếu chúng ta nghĩ trở nên giàu có, vui vẻ, mảnh mai, thông minh là "tốt" thì khi đó ta sẽ xem nghèo, buồn chán, thừa cân, không thông minh là "xấu". Tâm trí chúng ta có xu hướng đầy ắp những ý nghĩ thuộc tâm lý như thế, chúng lặp đi lặp lại mãi.

Những ý nghĩ thuộc chức năng là những câu trả lời cho câu hỏi "Làm sao tôi làm điều đó?" Nhưng ý nghĩ thuộc chức năng xác định xem làm thế nào để xây dựng một thứ gì đó, làm thế nào để đi đến nơi nào đó, hay làm thế nào để xử lý một vấn đề cụ thể nào đó trong công việc. Những ý nghĩ thuộc chức năng không tạo ra đau khổ, mà chỉ những ý nghĩ thuộc tâm lý mới tạo ra đau khổ. Tuy nhiên, những ý nghĩ đó thường bị xen vào với những ý nghĩ như "thật tệ nếu tôi không hoàn thành xong nhiều việc như tôi muốn." Những ý nghĩ đó thường tạo ra những cảm xúc khó chịu.

 


TRẢI NGHIỆM Ở HIỆN TẠI LÀ GÌ?

Trong bất kì khoảnh khắc nào khi chúng ta không có những ý nghĩ thuộc tâm lý, hoặc chúng ta không tin những ý nghĩ thuộc tâm lý của mình, thì cái còn lại là trải nghiệm giây phút hiện tại. Bất cứ khi nào những ý nghĩ thuộc tâm lý của chúng ta không tạo ra trải nghiệm sống của chúng ta, thì chúng ta trải nghiệm trực tiếp bất kì những gì đang xảy ra ở hiện tại. Trải nghiệm trực tiếp bất kì khoảnh khắc nào chính là trải nghiệm ở hiện tại.

Nói chung, chúng ta hiếm khi trải nghiệm trực tiếp bất kì những gì đang diễn ra ở một khoảnh khắc nào đó vì trải nghiệm của chúng ta liên tục được tạo ra bởi những ý nghĩ của chúng ta về cái gì là "tốt" hoặc "xấu" trong quá khứ, cái gì là "tốt" hoặc "xấu" ngay lúc này, hoặc cái gì là "tốt" hoặc "xấu" trong tương lai. Chúng ta không trải nghiệm việc gặp gỡ một người nào đó, mà chúng ta trải nghiệm NHỮNG Ý NGHĨ của chúng ta về người đó "quyến rũ" hay "xấu xí", "thông minh" hay "ngu ngốc". Chúng ta không đơn thuần trải nghiệm những nhiệm vụ của mình trong công việc, mà chúng ta trải nghiệm NHỮNG Ý NGHĨ của chúng ta về công việc của mình là "hoàn hảo" hay là "chưa đủ tốt", ngày làm việc của ta "buồn chán" hay "vui vẻ". Những ý nghĩ đó là cái tạo nên một loạt cảm xúc khác nhau của chúng ta.

Khi chúng ta không có hoặc không tin vào những ý nghĩ tạo ra những cảm xúc không mong muốn của chúng ta, thì chúng ta có được trải nghiệm khoảnh khắc hiện tại. Bất kể những hoàn cảnh của chúng ta có vẻ "tệ hại" ra sao, khi chúng ta trải nghiệm khoảnh khắc hiện tại thì chúng ta thoát khỏi tất cả những nỗi bất an, giận dữ, buồn bã, nghi ngờ, sợ hãi, lo lắng, stress, đánh giá, căm ghét, xung đột nội tâm, những tranh cãi, mất kiên nhẫn, thất vọng và khó chịu. Khi chúng ta ở trong hiện tại, điều còn sót lại là sự bình an vô điều kiện, sự tự do, thoả mãn. Nó là sự thoả mãn trọn vẹn.

THƯỞNG THỨC

Một khía cạnh khác của trải nghiệm ở khoảnh khắc hiện tại, là chúng ta cảm kích và tận hưởng những điều đơn giản. Chúng ta có thể bị thu hút trọn vẹn bởi mùi thơm của một bông hoa, vẻ đẹp của một cái cây, tiếng cười của một đứa bé, mùi vị của món khoai tây chiên hoặc bất kì thứ gì khác. Khi sự chú ý của chúng ta không dành cho những ý nghĩ của ta thì sự thưởng thức này sẽ xuất hiện một cách tự nhiên.

Hầu hết chúng ta đi bộ trên một con đường hằng ngày và chưa bao giờ chú ý đến những cái cây, kiến túc của những ngôi nhà, kết cấu của con đường, mùi hương của những bông hoa, tiếng chim hót. Lý do chúng ta hiếm khi để ý tới những âm thanh, mùi, cảnh tượng đó trong cuộc sống hằng ngày là bởi sự chú ý của chúng ta gần như liên tục dành cho những ý nghĩ về quá khứ và tương lai của chúng ta.

Ngay cả nếu ta nhìn thấy một cái cây, thì sự chú ý của chúng ta vẫn dành cho những lời đánh giá, những dán nhãn và bình luận của chúng ta về cái cây hơn là bản thân cái cây. Sự chú ý của chúng ta dành cho những ý nghĩ của ta về những gì ta nhìn thấy hơn là chỉ trải nghiệm những gì ta thấy đơn thuần thông qua các giác quan của mình. Khi sự chú ý của chúng ta thoát khỏi những ý nghĩ thì tự nhiênta sẽ chú ý và thưởng thức rất nhiều thứ đơn giản trong cuộc sống hằng ngày mà chúng ta chưa từng trải nghiệm trước đây.

Khả năng bất ngờ trước một thứ gì đó đơn giản xuất hiện trong hiện tại khi chúng ta có sự im lặng hoặc không gian giữa các ý nghĩ của mình. Nó cũng giống như việc nhìn thấy một điều gì đó lần đầu tiên. Cảm giác này giống với cảm giác ngạc nhiên và tò mò của đứa trẻ.



BÌNH AN VÀ THƯ THÁI

Khi chúng ta ở hiện tại, chúng ta cảm thấy được yêu thương, chấp nhận và có giá trị, đáng yêu, chúng ta không cảm thấy thiếu thốn thứ gì đó trong cuộc đời. Không phải vì chúng ta có những ý nghĩ nói rằng "Tất cả mọi người yêu thương tôi" hay là "Tôi là người vĩ đại", mà bởi vì ta không có hoặc không tin vào những ý nghĩ làm ta cảm thấy mình không đáng yêu, còn khiếm khuyết.

Khi không có những ý nghĩ tạo nên bất hạnh cho ta, ta cảm thấy thoả mãn ngay bây giờ. Khi ta đã hạnh phúc thì ta không còn có nhu cầu phải liên tục cải thiện bản thân, người khác và hoàn cảnh để cố làm ta hạnh phúc. Đây là cái cảm giác “aaaaahh, bây giờ tôi có thể thư giãn". Ta vẫn theo đuổi các mục tiêu của mình nhưng không còn quan điểm ta cần đạt được mục tiêu để làm mình hạnh phúc.

Chúng ta không nhận ra nó, nhưng suy nghĩ lấy đi rất nhiều năng lượng của ta, làm cơ bắp của ta căng cứng, cơ thể nặng nề. Còn khi ta ở hiện tại thì toàn bộ cơ thể ta mềm mại và thư thái như thể ta trút bỏ được gánh nặng lớn trên vai, ta có đầy năng lượng.

SỰ NHẸ NHÀNG VÀ TIẾNG CƯỜI NHƯ ĐỨA TRẺ

Thông thường, những ý nghĩ liên tục tạo ra bất hạnh cho ta và làm cho mọi thứ trong cuộc sống có vẻ quan trọng vì ta tin rằng hạnh phúc của mình phụ thuộc vào nó. Trong bất kì khoảnh khắc nào chúng ta ở hiện tại, thì chúng ta không cần xem cuộc sống quá nghiêm trọng vì ta đã hạnh phúc. Điều này làm chúng ta xem mọi thứ ở đời nhẹ nhàng hơn. Nhưng ta vẫn có thể lên kế hoạch cho tương lai, hành động phù hợp với tình huống trước mặt.

TÌNH YÊU, SỰ CHẤP NHẬN VÀ KẾT NỐI

Chúng ta có xu hướng dành nhiều thời gian để tìm kiếm một ai đó yêu ta vì ta tin rằng nhận được tình yêu sẽ làm mình thấy hạnh phúc và trọn vẹn.

Trên thục tế, theo đuổi tình yêu làm chúng ta cảm thấy dường như có điều gì đó bị thiếu trong cuộc đời mình và thường khiến chúng ta cư xử và nói năng theo những gì mà ta nghĩ người khác sẽ yêu ta thay vì cho phép mình sống tự do được là con người thật của mình.

Nếu chúng ta tìm kiếm người nào đó để yêu, thì chúng ta bắt đầu lo sợ rằng chúng ta sẽ không nhận lại được tình yêu của họ, chúng ta cần thường xuyên được đảm bảo rằng họ yêu ta, chúng ta lo sợ đánh mất tình yêu của họ, chúng ta đòi hỏi người yêu đáp ứng nhu cầu của mình, và chúng ta thất vọng hay tức giận khi họ không sống theo những kỳ vọng của ta hay không làm ta hài lòng.

Đây là cách những ý nghĩ liên hệ với tình yêu. Nhưng tất cả những ý nghĩ đó thực sự ngăn không cho chúng ta yêu người khác. Chúng ta nghĩ rằng mình đang yêu một ai đó, nhưng những cảm xúc đó thực sự được tạo ra bởi những ý nghĩ "Tôi vui sướng vì tôi tin rằng bạn sẽ làm tôi hạnh phúc", hoặc "Tôi yêu cách bạn làm tôi cảm nhận". Kiểu "tình yêu" này không làm ta thoả mãn và thường gây ra nhiều lo lắng, tức giận, thất vọng và tổn thương.

Nếu ai đó yêu bạn, nhưng bạn không quan tâm đến người đó, thì tình yêu của họ tác động như thế nào lên mức độ hạnh phúc của bạn? Bạn sẽ nhận ra, nó có rất ít tác động. Lý do là bởi hạnh phúc không đến từ việc nhận được tình yêu; cảm giác hạnh phúc mà chúng ta luôn muốn đến từ việc yêu người khác.

Khi chúng ta yêu ai đó mà không có kỳ vọng hay mong đợi nhận lại bất kì thứ gì, chúng ta cảm thấy tự do, cởi mở và tuyệt vời. Tình yêu vô điều kiện này không giống như những ý nghĩ tích cực về một ai đó, và nó không phải là một ý nghĩ mang tính khẳng định nói rằng "Tôi yêu bạn". Tình yêu là thứ ta trải nghiệm trong bất kì khoảnh khắc nào ta ở cùng ai đó mà không cóhay tin vào bất kì đánh giá nào về người đó ("tốt" hay "xấu"). Khi chúng ta cho phép một ai đó là chính họ, mà không có bất kì niềm tin nào rằng họ sẽ "tốt hơn" nếu họ khác đi, thì đây là tình yêu. Tình yêu đích thực không muốn nhận lại bất kì thứ gì (vd như tình yêu của người khác), vì nó chẳng cần gì cả. Tình yêu không có điều kiện nào hết.



BÌNH AN NGAY CẢ TRONG CƠN ĐAU ĐỚN THỂ XÁC

Dường như khi không có những ý nghĩ của chúng ta, thì chúng ta vẫn chịu đau khổ khi ta có cơn đau về thể xác. Tuy nhiên, đau đớn (pain) rất khác với đau khổ (suffering). Đau khổ là cảm xúc, trong khi đau đớn là một cảm giác thể lý. Bản thân cảm giác thể lý không tạo ra sự tức giận, buồn bã, tự thương hại bản thân hay trầm cảm. Chỉ có những ý nghĩ của chúng ta về những cảm giác thể lý mới có thểtajo ra những cảm xúc không mong muốn đó.

Bạn đã bao giờ từng thấy hạnh phúc dù đang trong lúc đau đớn một chút?

Cơn đau của chúng ta chỉ chuyển thành đau khổ khi chúng ta nghĩ "Cơn đau này là xấu", "Cơn đau này có thể dẫn đến thứ gì đó tệ hơn", "Tôi không nên bị đau", "Cơn đau này là lỗi của tôi". Chúng ta có xu hướng tiêu tốn nhiều thời gian và năng lượng cho những kiểu suy nghĩ đó chỉ càng tạo thêm tức giận, buồn phiền và tự thương hại bản thân. Không chỉ thế, việc tập trung vào những ý nghĩ đó về cơn đau thường cung cấp thêm năng lượng cho cơn đau và làm tăng cường độ của nó.

Tuy nhiên, trong bất kì khoảnh khắc nào chúng ta KHÔNG TIN những ý nghĩ về cơn đau của chúng ta, thì cuộc sống sẽ bình an. Chúng ta vẫn sẽ có sự khó chịu về thể xác, nhưng bất kể cơn đau của ta mạnh đến đâu, nó vẫn sẽ không mang đến đau khổ về tinh thần.

NIỀM HẠNH PHÚC CỦA GIÂY PHÚT HIỆN TẠI LUÔN LUÔN Ở ĐÂY

Niềm hạnh phúc mà ta cảm nhận khi ta có mặt ở hiện tại không phải là một cảm xúc, và nó cũng chẳng phải là một trải nghiệm. Những cảm xúc là những trải nghiệm tạm thời, được tạo ra bởi ta tin vào các ý nghĩ. Nếu một ý nghĩ không nảy sinh thì ta đã có mặt ở hiện tại. Thêm nữa, nếu một ý nghĩ nảy sinh, và ta không tin vào ý nghĩ đó, thì ta cũng đang có mặt ở hiện tại. Đây là lí do tại sao khoảnh khắc hiện tại là trạng thái tự nhiên của chúng ta và tại sao ta không thể nói rằng khoảnh khắc hiện tại là một trải nghiệm có tính nhất thời.

Tại sao cuộc theo đuổi hạnh phúc của chúng ta không bao giờ chấm dứt

Khi chúng ta tin rằng những hoàn cảnh sống của ta tạo nên những cảm xúc không mong muốn của chúng ta, thì phần lớn thời gian, tiền bạc và năng lượng sống của chúng ta được dành cho nỗ lực thay đổi hoàn cảnh của chúng ta từ "chưa đủ tốt" sang "hoàn hảo". Nếu chúng ta cố gắng đạt được bất kì thứ gì đó trong cuộc sống để phù hợp với tiêu chí của sự "hoàn hảo" của chúng ta, rồi khi ta có được thứ ta muốn, chúng ta thường cảm thấy hạnh phúc ngay lập tức. Mặc dù vậy, niềm hạnh phúc tức thì này không phải được tạo ra bởi hoàn cảnh mới đó. Hạnh phúc này trên thực tế là kết quả của sự biến mất những ý nghĩ tạo ra đau khổ của chúng ta.

NHỮNG Ý NGHĨ TÍCH CỰC VẪN CHƯA ĐỦ ĐỂ LÀM TA HẠNH PHÚC

Niềm hạnh phúc được tạo ra bởi những ý nghĩ tích cực chắc chắn là thú vị và làm chúng ta vui vẻ rồi. Tuy nhiên, hạnh phúc do ý nghĩ tích cực đem lại không bền vững.

Có vài lý do giải thích tại sao những ý nghĩ tích cực của chúng ta không làm ta thoả mãn lắm và không tạo ra hạnh phúc sâu sắc khi chúng ta có được thứ mình muốn.

Một cách tự nhiên, khi chúng ta nghĩ rằng một vài khía cạnh nào đó của cuộc sống là "tuyệt vời", thì chúng ta cũng tin rằng những khía cạnh khác là "tệ hại". Do đó, khi chúng ta nghĩ về một ý nghĩ tích cực, hạnh phúc của chúng ta bị kìm lại bởi sự chú ý của chúng ta đến một số ý nghĩ tiêu cực trong hoàn cảnh.

Khi ta có một ý nghĩ tích cực về một thứ gì đó, thì ý nghĩ đó thường dễ dàng thay đổi, trở nên "tệ hơn". Khi chúng ta dựa vào những ý nghĩ tích cực để làm mình hạnh phúc, thì hầu như luôn luôn có ngay một nỗi lo lắng mơ hồ rằng ý nghĩ tích cực của chúng ta có thể thay đổi và chúng ta có thể mất đi hạnh phúc của mình.

Ví dụ, nếu bạn nghĩ về bản thân rằng "Tôi là cô gái quyến rũ", điều này sẽ đem lại cho bạn một chút niềm vui. Vì bạn thích niềm vui này, nên tất nhiên bạn sẽ không muốn ý nghĩ này thay đổi thành "Tôi không quyến rũ". Nhưng một khi bạn cho rằng thật "tồi tệ" khi nghĩ "Mình không quyến rũ", bạn bắt đầu cảm thấy lo lắng về khả năng bạn trở nên không quyến rũ do tăng cân, những vấn đề về làn da, lão hoá, hoặc bất kì thứ gì khác. Thêm vào đó, để duy trì ý nghĩ "Tôi quyến rũ", bạn có thể phải thường xuyên lo lắng về việc liệu khuôn mặt của bạn, trang phục, cơ thể có đáp ứng được tiêu chí "quyến rũ" của bạn không. Nếu những người khác nói bạn không quyến rũ thì bạn sẽ khó mà tiếp tục tin rằng "Tôi quyến rũ", vì vậy bạn sẽ bắt đầu bận tâm tới những gì người khác nghĩ.

Bởi vì chúng ta luôn tìm về những ký ức của mình khi chúng ta không hài lòng với giây phút hiện tại, nếu chúng ta không chú ý 100% vào câu chuyện của chúng ta (vào ký ức), thì một phần nhỏ sự chú ý của ta vẫn dành cho những ý nghĩ tiêu cực của chúng ta. Những ý nghĩ tiêu cực đó ngăn không cho chúng ta trải nghiệm hạnh phúc trọn vẹn của ký ức chúng ta. Thêm nữa, những ký ức cũng thường nhuốm màu lo lắng khi biết rằng chúng ta phải quay về lại với giây phút "tệ hại" này hoặc ý nghĩ chúng ta có thể chẳng bao giờ có được giây phút "tươi đẹp" đó lần nữa.

Ví dụ, nếu bạn nghĩ về kỳ nghỉ tuyệt vời trên bãi biển của bạn vào tháng trước, điều này sẽ mang lại cho bạn chút vui vẻ, và bạn có thể nở nụ cười. Tuy nhiên, kể với bản thân câu chuyện tuyệt đẹp này cũng sẽ tạo ra những ý nghĩ về cái nơi bạn đang ở đây lúc này không "tốt đẹp" như nơi bạn đã từng ở, và nó tạo nên cảm giác bạn đang thiếu thốn thứ gì đó. Chúng ta thường không nhận ra nỗi lo hoặc những ý nghĩ tiêu cực cũng có mặt khi chúng ta chú ý đến kỷ niệm tốt đẹp, nhưng đây là một phần của lý do tại sao niềm hạnh phúc từ ký ức-tích cực ít mang lại sự bình an và thoả mãn hơn nhiều so với niềm hạnh phúc từ trải nghiệm ở hiện tại.

NHỮNG THỨ GÂY SAO LÃNG GIÚP CHÚNG TA TẠM TRỐN THOÁT KHỎI NHỮNG Ý NGHĨ

Chúng ta làm sao lãng bản thân khỏi những ý nghĩ gây đau khổ, bất mãn cho ta. Chúng ta học được từ việc quan sát bố mẹ và bạn bè của ta, cũng như từ kinh nghiệm sống của ta, rằng những thứ gây sao lãng là một con đường dễ dàng để làm ta hạnh phúc, thoát khỏi những cảm xúc khó chịu của ta. Chúng ta có thể không nhận ra, nhưng ta hay tìm đến TV, phim ảnh, âm nhạc, đồ ăn, công việc, những mối quan hệ, internet, điện thoại, bạn bè, shopping, ma tuý và rượu để làm ta sao lãng khỏi những ý nghĩ gây đau khổ cho ta.

Vì những ý nghĩ của chúng ta làm ta đau khổ cho nên chúng ta sẽ làm mọi thứ mình có thể để tránh né chúng. Đó là lý do tại sao phần lớn mọi người không muốn ở với chính mình mà không có những thứ gây sao lãng và luôn luôn cần có bạn bè, hay gọi điện thoại, nghe nhạc, xem TV, làm cho mình bận rộn, hoặc tham gia hoạt động gì đó gây sao lãng. Nhiều người thì uống rượu để không còn chú ý đến những ý nghĩ gây đau khổ.

NHỮNG THỨ GÂY SAO LÃNG KHÔNG ĐỦ ĐỂ GIÚP CHÚNG TA BÌNH AN

Những thứ gây sao lãng rất tuyệt vời với chúng ta. Chúng mang lại nhiều niềm vui trong cuộc sống. Nhưng bất kể bạn hạnh phúc thế nào trong lúc tham gia những trò giải trí, thì bạn cũng không thể luôn luôn tránh né được những ý nghĩ. Bất kể ta đi đến đâu, ta ở cùng ai, thì những ý nghĩ vẫn đi theo ta. Trong những khoảnh khắc ta không bị sao lãng, thì những ý nghĩ đó sẽ quay lại và tạo ra đau khổ cho ta.

CHÚNG TA KHÔNG THỂ BUỘC NHỮNG Ý NGHĨ CỦA MÌNH DỪNG LẠI HOẶC BIẾN ĐI

Bây giờ bạn đã nhận ra ý nghĩ của bạn tạo nên những cảm xúc không mong muốn cho bạn, bạn có thể muốn thoát khỏi ý nghĩ đó. Nhưng càng cố gắng làm tâm trí im lặng, kiểm soát ý nghĩ của bạn, dừng nghĩ, buông bỏ những ý nghĩ của bạn, hoặc tống những ý nghĩ đó đi thường không có kết quả. Những ý nghĩ của chúng ta không biến đi khi bạn nghĩ "Tôi không muốn nghĩ về những ý nghĩ đó", "Mày biến đi ý nghĩ" hoặc "Giờ tôi sẽ dừng suy nghĩ."

Những ý nghĩ sống sót thông qua năng lượng chúng lấy được từ sự chú ý của ta. Chúng ta không thể nào dừng chú ý tới bất kì điều gì quan trọng nhất với mình. Do đó nếu chúng ta dành sự chú ý cho một ý nghĩ, đó là bởi chúng ta vô thức tin rằng ý nghĩ đó quan trọng hơn bất kì thứ gì khác đang diễn ra trước mặt ta.

NHỮNG Ý NGHĨ KHÔNG ĐƯỢC CHÚNG TA TIN THÌ KHÔNG TẠO RA CẢM XÚC

May mắn là chúng ta không cần phải thoát khỏi những ý nghĩ của mình để dừng trải nghiệm cảm xúc do chúng tạo ra. Nếu một người bạn nói rằng con bạn bị tai nạn xe hôm qua, và bạn tin họ, thì bạn sẽ cảm thấy lo lắng. Nhưng nếu bạn không tin họ thì bạn sẽ không lo lắng.

Bất kể ý nghĩ gì xuất hiện trong tâm trí chúng ta, chúng ta không có trải nghiệm phản ứng cảm xúc gì với nó nếu ta không tin ý nghĩ đó.

Bất kể những gì người khác nói với bạn, nếu bạn không tin lời nói của họ, thì bạn có thể tiếp tục nghe họ nói mà không tạo ra những cảm xúc không mong muốn.

Bất kể một ý nghĩ đang nói gì, nếu chúng ta không tin ý nghĩ đó, thì nó có thể vẫn còn trong tâm trí chúng ta nhưng không tạo ra bất cứ cảm xúc gì. Vậy nên bản thân những ý nghĩ của chúng ta không bao giờ là vấn đề. Mà chỉ có niềm tin của chúng ta vào những ý nghĩ đó mới tạo ra mọi đau khổ cho chúng ta.

CHÚNG TA ĐẶT RA NHỮNG CÂU HỎI CHO MÌNH ĐỂ GIÚP TA KHÔNG TIN VÀO NHỮNG Ý NGHĨ

Tác giả đưa ra 5 bước như sau:

1. Ý nghĩ đó có đúng không?

2. Tôi có thể nghĩ ra vài lý do hoặc ví dụ chứng minh tại sao điều ngược lại có thể đúng không?

3. Tôi có chắc rằng ý nghĩ của tôi là đúng, hay nó chỉ là một quan điểm?

4. Tôi có chắc rằng cảm xúc của tôi chứng minh rằng ý nghĩ của tôi đúng, hãy xem xét chuyện những cảm xúc đó được tạo ra bởi việc tin rằng ý nghĩ là đúng?

5. Nếu những ý nghĩ của tôi tạo nên bất hạnh cho tôi, thì khi đó CÓ ĐÚNG là tôi cần thay đổi một điều gì đó về bản thân tôi, cuộc sống của tôi, hay thay đổi người khác để tôi được hạnh phúc?

(ND: Trong sách tác giả viết rất rõ về 5 bước này, các bạn đọc thêm nhé.)

 
Tâm lý học tội phạm

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,705 lượt xem