Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public7 năm trước

[LỊCH SỬ ] Có Một Công Chúa Nhà Trần

Nhắc đến công chúa của nhà Trần, các độc giả sẽ nghĩ ngay đến ai? Huyền Trân? An Tư? Những cái tên đã quá quen thuộc với đầy những tiểu thuyết lẫn bài hát viết về họ. Thế nhưng công chúa của triều đại lỗi lạc này không chỉ có những người này.

Có một công chúa, người đã dùng địa vị và quyền lực của mình để vực dậy cả cơ nghiệp nhà Trần, cứu triều đại này khỏi cơn khủng hoảng chưa từng có, nàng được gọi là [Thiên Ninh công chúa; 公主]
.
Nàng là con gái cả của Trần Minh Tông Trần Mạnh, tên gọi [Ngọc Tha;
玉瑳], lại có chép [Bạch Tha; 白瑳], do Hiến Từ Tuyên Thánh hoàng thái hậu sinh ra. Trong khi đó, Hiến Từ Thái hậu là con gái Huệ Vũ vương Quốc Chẩn, con trai thứ của Trần Nhân Tông, nên Công chúa là cháu chắt ngoại của Trần Nhân Tông, và đồng thời là cháu chắt nội của Nhân Tông, một thân thế hết sức đặc biệt. Và không dừng lại ở đó, mẹ nàng là trung cung Hoàng hậu của Minh Tông, nên nàng cũng là [Hoàng đích nữ; 皇嫡女], cách gọi con gái của Hoàng đế do chính thất sinh ra.

Ở lệ xã hội phong kiến xưa, đặc biệt là họ Trần, đích-thứ có sự phân biệt lớn, ta có thể thấy rõ việc các Hoàng đế đầu đời Trần, trừ Trần Thái Tông thì từ Trần Thánh Tông đến Trần Anh Tông đều là Hoàng đích trưởng tử. Gần nhất là việc cha của Thiên Ninh, Hoàng đế Trần Minh Tông suýt phải bị buộc nhường ngôi cho đứa con trai còn đỏ hỏn của mẹ đích ông, Bảo Từ Thuận Thánh hoàng hậu. Tuy nhiên, Hoàng đích tử ấy chết khi còn non, nên Minh Tông vẫn ở ngôi. Thân phận đích-thứ Hoàng tử đã khắt khe như vậy, thì Hoàng nữ càng được để ý hơn, nên có thể nói xuất thân và sự tôn quý của Thiên Ninh công chúa là cực kỳ lớn.

Khi trưởng thành, Thiên Ninh công chúa lấy Chính Túc vương Trần Kham và sinh ra ít nhất 2 người con trai. Ghi chép khoảng thời gian này chỉ có đề cập một việc là chính nàng đã tự nguyện...làm chuyện phòng the cùng em ruột (cùng mẹ) là Trần Dụ Tông theo lời thần y tên Trâu Canh, dưới sự cho phép của Trần Minh Tông lẫn Hiến Từ Thái hậu.

Vào cuối đời, Trần Dụ Tông không có con trai, bèn chọn lấy Trần Nhật Lễ là con trai của người anh trưởng, Cung Túc vương Nguyên Dục để làm Trữ quân. Tuy nhiên, mẹ của Nhật Lễ là Vương mẫu cơ vốn là một đào nương, là vợ của chủ kép hát tên Dương Khương nên lúc bấy giờ có tin đồn đãi Nhật Lễ là con của Dương Khương. Theo ghi nhận trong “Nam Ông mộng lục” của Hồ Nguyên Trừng, người sống rất gần niên đại này thì đó chỉ là lời đồn vô căn cứ nhằm hạ thấp tư cách kế vị của Trần Nhật Lễ. Điều này có lẽ do Cung Túc vương Nguyên Dục bị Trần Minh Tông thất sủng và bị chính Minh Tông tước đi tư cách kế vị dù ông là Đích trưởng tử (tính vị trí các con do Hoàng hậu sinh ra). Điều này cho đến nay vẫn là một sự việc rất khó hiểu, và có lẽ nguyên nhân là do Cung Túc vương Dục đã bất chấp lấy Vương mẫu cơ làm chính phi, vì thân phận đào hát là thuộc hàng thấp hèn ngang ngửa nô lệ lúc đấy. Có lẽ Minh Tông cảm thấy Cung Túc vương quá trọng tình mà bỏ đi thể diện, nên thất vọng và tước đi tư cách của Cung Túc vương.

Sự việc càng phức tạp hơn khi vào lúc ấy, Hiến Từ Thái hậu lại đột ngột qua đời, rất nhiều ghi chép là do Nhật Lễ làm hại vì Thái hậu từng buông lời hối hận việc lập Nhật Lễ. Triều đình nhà Trần rơi vào cơn khủng hoảng chấn động chưa từng có khi nghe tin Hoàng đế, người nắm đại quyền của dòng họ lại ra tay giết hại bà nội của mình. Trái với đạo đức lẫn lễ nghi thường tình. Vào lúc này, tin đồn Nhật Lễ mang họ Dương lại mãnh liệt hơn bao giờ hết, sách Toàn thư thời Hậu Lê ghi chép Nhật Lễ rong chơi dâm dật sau khi Thái hậu qua đời, lại còn muốn đổi lại làm họ Dương, nhưng e rằng đây chỉ là những lời bôi đen của đời sau mà thôi.

Không thể “khoanh tay đứng nhìn” cơ đồ nhà Trần bị một “xì-căng-đan” lớn thế này, Thái tể Cung Tĩnh đại vương Trần Nguyên Trác – một người con lớn của Trần Minh Tông và là anh khác mẹ của Thiên Ninh công chúa - cùng con trai Nguyên Tiết và hai người con trai của Thiên Ninh công chúa tiến hành binh biến vào ngày 20 tháng 9 nhưng không thành và bị giết chết cả. Nhật Lễ sau đó truy lùng gắt gao những người có can hệ, và dù là mẹ của hai người con trai nhưng Thiên Ninh công chúa không bị gì, có lẽ do nàng đang ở đất phong xa kinh thành.

Ngay khi tin Nhật Lễ giết hại Thái tể, Tả tướng quốc Cung Định vương Trần Phủ - một người anh khác mẹ nữa của Thiên Ninh công chúa trốn đến Đà Giang và tập hợp một lực lượng “Cần vương” gồm những gương mặt lớn: Cung Tuyên vương trần Kính, Chương Túc quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán và Thiên Ninh công chúa – tất cả hội quân về sông Đại Lại thuộc phủ Thanh Hóa.

Khi thời khắc quyết định đã đến, Cung Định vương Trần Phủ – một người vốn chỉ hứng thú thi từ thơ ca cảm thấy bất lực và căng thẳng. Ông ngẫm nghĩ và từng có ý định buông xuôi, nhưng vào lúc ấy Thiên Ninh công chúa vỗ vai anh mình và quả quyết rằng:

“Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông mình, sao lại vứt bỏ nước cho kẻ khác ? Anh phải đi đi, em sẽ đem bọn gia nô dẹp nó cho!”

(Nguyên văn: 天下祖宗之天下何乃棄國與人君須去我以家奴平之; Phiên âm: Thiên hạ tổ tông chi thiên hạ, hà nãi khí quốc dữ nhân? Quân tu khứ, Ngộ dĩ gia nô bình chi!)

Chỉ trong vòng 1 tháng, liên quân của 3 người con của Trần Minh Tông đã hạ được thành Thăng Long, phế bỏ Trần Nhật Lễ. Vào ngày 15 tháng 11 năm Canh Tuất ấy (1370), Cung Định vương Phủ, với tư cách là người con lớn nhất còn sống của Trần Minh Tông lên ngôi Hoàng đế, sử gọi Trần Nghệ Tông hay đơn giản là Nghệ Hoàng.

Sau đó, Thiên Ninh công chúa được anh mình phong tước hiệu [Lượng Quốc Thái trưởng công chúa; 諒國太長公主] – một danh hiệu cao quý thời Tống dùng để phong cho một Hoàng nữ có thân phận rất lớn. Ngoài ra, Nghệ Hoàng còn đổi phong hiệu của Thiên Ninh thành [Quốc Hinh; 國馨] – với ý nghĩa “tiếng tốt lưu truyền hậu thế trong toàn cõi”, một phong hiệu cho thấy địa vị cực kỳ to lớn của nàng đối với triều đại họ Trần.

Sử sách không ghi chép gì về cuộc đời sau này của nàng nữa, nhưng có lẽ nàng đã qua đời không lâu sau sự phục hưng của nhà Trần. Sau khi Nghệ Hoàng lên ngôi khoảng 2 năm thì ông đã nhường ngôi cho em út Cung Tuyên vương, tức Trần Duệ Tông. Với tính cách và địa vị của Thiên Ninh công chúa, nếu lúc đó nàng còn sống thì hẳn đã không để Trần Duệ Tông quyết định Nam tiến Chiêm Thành, trận chiến đã cướp đi mạng sống của vị quân vương dũng mãnh và chính thức đánh dấu sự sụp đổ không thể cứu vãn của triều đại nhà Trần.

========================================
Ảnh minh họa bài viết: Đại Việt anh thư – Hoàng Việt Trần triều Thiên Ninh công chúa vẽ bởi Đăng Thiên.


[ Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Gỉa Chuyên Sâu AUTHORITY ] Tác giả: Thiên Ngô Bạn Đăng Thiên, một người yêu thích cổ trang Trung Hoa, bao gồm cả Việt Nam, đôi khi thích viết về những câu chuyện hậu cung hoặc lấy bối cảnh xưa Link bài gốc: Có Một Công Chúa Nhà Trần Xem các bài khác của tác giả qua: Nam Văn Hội Quán

Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,345 lượt xem

lh-fulllh-x