Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[ LỊCH SỬ ] Trịnh Vương – Kẹp Thiên Tử Lệnh Chư Hầu

Xuyên suốt thế kỉ 17, trong lịch sử Việt Nam có một thời kỳ mà vị Hoàng đế ngồi cao nhất tại Thăng Long không hề có quyền hành gì, tất thảy mọi thứ đều do một “thần tử trung thành” nắm trọn hết cả. Lê Hoàng - Trịnh Vương; hay [vua Lê chúa Trịnh] là cách người hiện đại gọi thời kỳ này.

Sự khởi đầu của thời kỳ này, là một khoảng thời gian rất xa, mà đánh dấu chính là cái chết của Lê Cung Hoàng, vị quân chủ cuối cùng của Lê sơ bị Mạc Đăng Dung giết chết.
.
Sau cái chết của Lê Thánh Tông, thời đại Lê sơ tuột dốc khi chứng kiến sự hỗn loạn trên ngai vàng. Lần lượt các Hoàng đế lên ngôi nhờ máu và bạo lực, đến khi Tương Dực Đế bị Trịnh Duy Sản giết chết, thì rào cản quân-thần cũng hoàn toàn bị phá vỡ.

Quyền thần nổi lên, đáng chú ý có Mạc Đăng Dung vì xuất thân tuy không cao, nhưng trong thời gian ngắn lại thu phục và đạt rất nhiều thành tích đáng kể. Ông đã đánh bại Lê Chiêu Tông, rồi bức tử Lê Cung Hoàng để danh chính ngôn thuận bước lên ngôi Thiên tử An Nam. Song, dù ông cố gắng tạo nên danh tiếng cũng như sự chính danh, người An Nam vẫn rất tôn sùng nhà Lê, và thế lực mạnh ở phía Nam lúc đó không hề làm lãng phí điều này.

Thanh Hoa Nguyễn thị Nguyễn Kim là một người có xuất thân hiển hách và đầy danh vọng. Khi tin tức về cái chết của Lê Cung Hoàng truyền đến, Nguyễn Kim đã cho truy lùng con cháu Lê gia, vì ông biết rõ danh tiếng hoàng tộc nhà Lê vẫn còn rất uy tín, đủ giúp ông thực hiện được ý đồ tranh bá. Và ông tìm được Lê Duy Ninh, được tin là con trai của Lê Chiêu Tông quá cố. Nước cờ này của Nguyễn Kim đã có lợi khi chỉ trong 5 năm mà ông đã gầy dựng thanh thế đủ mạnh để chống lại nhà Mạc ở phía Bắc. Ngay thời điểm đỉnh cao, Nguyễn Kim lại qua đời, để ước mơ đồ bá của mình cho người con rể tài năng, Trịnh Kiểm.

Họ Trịnh xuất thân rất thấp, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, gia cảnh không có gì đáng kể dù tự nhận là con cháu công thần Trịnh Khả thời Lê sơ. Khi nghe tin Nguyễn Kim “phù Lê diệt Mạc”, Trịnh Kiểm bèn xin gia nhập, được phong làm Tri Mã cơ, tước Dực Nghĩa hầu. Một người đầy cơ trí và anh dũng, Trịnh Kiểm dần chiếm cảm tình của vị chúa công khó tính và được Nguyễn Kim gả con gái là Ngọc Bảo.

Khi Nguyễn Kim qua đời, toàn bộ thế lực mà Kim gầy dựng đều do Trịnh Kiểm thừa kế. Bỗng nhiên, từ một đứa trẻ không nơi nương tựa, Trịnh Kiểm trở thành người thừa kế đầy triển vọng và quyền lực nhất. Điều này rất giống với Ngô vương Quyền khi xưa. Ông được Lê Hoàng phong làm Đô úy tướng Tiết chế thủy bộ mọi dinh gồm tổng chức Nội ngoại Bình Chương quân quốc trọng sự, hàm Thái sư, tước [Lượng quốc công; 諒國公]

Quyền lực rơi vào tay con rể mà không phải là những người con thừa kế của Nguyễn Kim, tất nhiên đã dẫn đến lục đục nội bộ. Trịnh Kiểm như đoán biết được nên ra tay trước, giết con cả của Kim là Nguyễn Uông, còn con thứ Nguyễn Hoàng cầu xin chị mình là Ngọc Bảo nên thoát được, trốn xuống phía Nam làm Trấn thủ Quảng Nam. Nghe vợ mình bao che cho em vợ, và cũng vì cho rằng giết luôn cả Hoàng sẽ mang tiếng, cộng thêm vùng Quảng Nam lại xa xôi khô cằn, nên Trịnh Kiểm quyết định để mặc Nguyễn Hoàng mà tập trung vào khống chế Lê Hoàng, đánh bại họ Mạc ở phía Bắc. Thời đại của Trịnh Kiểm thay liên tiếp 3 vị Thiên tử, khi Lê Trang Tông và Lê Trung Tông lần lượt qua đời, dòng dõi Lê Thái Tổ đã tận, Trịnh Kiểm bèn tìm con cháu của Hoằng Dụ vương Lê Trừ, người anh thứ của Lê Thái Tổ, đó chính là Lê Anh Tông Lê Duy Bang.

Đời người ngắn ngủi, chính Trịnh Kiểm cũng không thể nào thấy được khát vọng và mơ ước của mình được thực hiện, cũng như bao nhân vật “Văn vương làm nền tảng cho nhà Chu” trước đó. Khi Trịnh Kiểm mất, hai đứa con đầy tham vọng của ông là Trịnh Cối cùng Trịnh Tùng quay ra giành ngôi, lại có thêm Lê Anh Tông do muốn thoát khỏi gọng kiềm của họ Trịnh nên cũng đổ dầu vào lửa, cơ nghiệp họ Trịnh và sự ổn định của miền Nam đang gặp đe dọa lớn. Trịnh Cối do yếu thế bèn hàng nhà Mạc và được họ phong tước.

Đuổi người anh cả đi rồi, Trịnh Tùng quyết tâm loại bỏ mầm họa cuối cùng để giành lấy vinh quang. Ông vào cung xử trí tất cả các quần thần theo phê Lê Hoàng, khiến Lê Hoàng cùng các con bỏ chạy, nhưng đều bị Trịnh Tùng sai bắt và bị giết hết sức nhanh gọn. Bằng cách này, Trịnh Tùng dẹp bỏ hoàn toàn sự chống đối từ phía hoàng tộc nhà Lê, nhưng vẫn theo chính sách “phù Lê” của cha mình, bèn tìm lập con nhỏ của Lê Anh Tông lên ngôi, tức Lê Thế Tông Lê Duy Đàm, người được chị mình là Hoàng nữ Mai Hoa bảo hộ. Trịnh Tùng trở thành [Trường Quốc công; 長國公], nắm quyền phù trợ Lê Hoàng với Hoàng nữ Mai Hoa nắm danh nghĩa nhiếp chính.

Thời điểm huy hoàng nhất của Trịnh Tùng bắt đầu khi năm 1592, nhà Mạc lục đục nội bộ và bị đánh bại, rút khỏi Thăng Long. Vậy là sau hơn 50 năm, Lê Hoàng mới trở về chiếc ngai vàng ở đại đô vinh quang. Trịnh Tùng được phong Đô Nguyên soái (都元帥), Tổng quốc chính Thượng phụ (總國政尚父) và tước [Bình An vương; 平安王]. Phủ chúa Trịnh xây dựng ngay gần Cung Thành, gần Báo Thiên tháp, và từ đây mở ra triều đại của họ Trịnh.

Tước Vương thời Hậu Lê vốn là tước chỉ phong cho các hoàng tử dòng dõi trực hệ của Hoàng đế, việc họ Trịnh trở thành “dị tính thân vương” (thân vương khác họ) đã khẳng định quyền lực to lớn của chính thể này. Từ đây các chúa Trịnh còn kiêm thêm chức Đại Nguyên soái, là thống lĩnh quân đội, rồi Tổng quốc chính Thượng sư, là người bảo vệ của Thiên tử và cũng là người thay mặt Thiên tử quản lý quốc gia. Ngoài ra, họ Trịnh cũng tự tôn dòng dõi mình miếu hiệu, vốn chỉ những gia tộc quân chủ thật sự mới có, rồi quy chế áo mũ gần như không khác Thiên tử nhà Lê, thậm chí bãi bỏ nhiều đặc quyền vốn có của Thiên tử để Hoàng đế nhà Lê ngày càng gần bằng với Trịnh vương. Khi đó, hoàng triều nhà Lê gọi là [Triều đình; 朝廷], còn Vương phủ họ Trịnh gọi là [Phủ liễu; 府僚].

Các con trai của chúa gọi là [Vương tử; 王子], thường được phong các chức [Thân công; 親公], [Quốc công; 國公] và [Quận công; 郡公]; tước “Thân công” có 2 chữ (ví dụ: Tín Lễ công Trịnh Túc – con trưởng chúa Trịnh Tùng) còn tước “Quốc công” và “Quận công” chỉ có một chữ (ví dụ: chúa Trịnh Tráng từng là Bình quận công, rồi Thanh quốc công). Còn con gái của chúa thường được phong làm [Quận chúa; 郡主], nếu là chị em gái của chúa thì gọi là [Quận thượng chúa; 郡上主]. Tuy nhiên, về sau có các vương nữ được phong công chúa luôn, như con gái chúa Trịnh Doanh là Tiên Hoa công chúa Ngọc Nhuận (người lấy Thái tử Lê Duy Vĩ) và 2 người con gái của chúa Trịnh Sâm, đó là vì khi đó nhà Trịnh đã không còn kiêng nể gì nữa.

Các danh phận hậu cung của chúa Trịnh có lẽ cũng phần lớn mô phỏng hậu cung nhà Lê, đại khái ta có Tiệp dư (Trần Thị Vinh) và Tu dung (Đặng Thị Huệ) là bằng chứng. Ngoài ra, vị thê tử mất sớm của chúa Trịnh Sâm là Hoàng Thị được ghi là “Chiêu nghi Hoàng thị”, sau này mới phong làm “Ý Thục chính phi”; cộng với “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú ghi lễ sắc phong của “Chiêu nghi viên” ngang với lễ phong Vương thái phi nhà Trịnh, người viết cho rằng “Chiêu nghi” chính là tước chính thê của chúa Trịnh, sau này (khi mất) mới truy tặng tước Phi chăng?

Còn nhiều nữa, tuy tước hiệu theo quy định quân-thần, nhưng sự thực ghi lại các lễ nghi này của nhà chúa đã ngang bằng, thậm chí vượt xa Thiên tử nhà Lê. Đó là lý do người ta gọi thời này là “vua Lê chúa Trịnh” – tuy Thiên tử nhà Lê là đứng đầu, nhưng Trịnh vương mới là “chúa tể” thật sự.

Triều đại của họ Trịnh tuy nhiên không phải cứ thế yên bình. Khi họ Mạc vẫn còn cát cứ ở khu vực Cao Bằng, chúa Bầu họ Vũ vẫn rất mạnh, và phương Nam có Quảng Nam Nguyễn Phúc tộc nổi lên, cùng họ Trịnh tranh bá thiên hạ. Toàn bộ cục diện này kết thúc với sự nổi lên mạnh mẽ của Tây Sơn vào thế kỉ thứ 18.

=======================
Trịnh vương có 12 vị thực sự nắm quyền. Tất cả đều là Đại nguyên soái hoặc Nguyên soái, quyền Quốc chính kèm tước Vương. Danh sách ấy gồm:

*Trịnh Kiểm 鄭檢, được truy tặng làm [Minh Khang Thái vương; 明康太王], miếu hiệu [Thế Tổ; 世祖]. Đương thời ông là Đô tướng Tiết chế các Thủy bộ chư doanh, kiêm Tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, hàm Thái sư, tước [Lượng quốc công; 諒國公], rồi [Thái Quốc công; 太國公], xưng “Thượng phụ” (尚父).

Kiểm soát Lê Trang Tông, Lê Trung Tông và Lê Anh Tông; được 25 năm.
.
*Trịnh Tùng 鄭松, con trai của Trịnh Kiểm, đương thời là Đô Nguyên soái, Tổng quốc chính Thượng phụ, tước [Bình An vương; 平安王]. Sau khi mất truy tặng thành [Triết vương; 哲王], miếu hiệu [Thành Tổ; 成祖].

Kiểm soát Lê Anh Tông, Lê Thế Tông, Lê Kính Tông và Lê Thần Tông; được 53 năm. Ông là chúa Trịnh đầu tiên chính thức và trị vì lâu nhất trong lịch sử.
.
*Trịnh Tráng 鄭梉, con trai Trịnh Tùng, đương thời là Đại Nguyên soái, Thống quốc chính Thượng chủ sư phụ, tước [Thanh Đô vương; 清都王], sau cải [Công Cao Thông Đoạn Nhân Thánh Thanh vương; 功高聰斷仁聖清王]. Sau khi mất truy tặng làm [Nghị vương; 誼王], miếu hiệu [Văn Tổ; 文祖].

Kiểm soát Lê Thần Tông và Lê Chân Tông; được 34 năm.
.
*Trịnh Tạc 鄭柞, con trai Trịnh Tráng, đương thời là Đại nguyên soái, Chưởng quốc chính Thượng sư thái phụ, tước [Tây Định vương; 西定王], rồi [Đức Công Nhân Uy Minh Thánh Tây vương; 德功仁威明聖西王]. Khi mất tặng làm [Dương vương; 陽王], miếu hiệu [Hoằng Tổ; 弘祖].

Kiếm soát Lê Thần Tông, Lê Huyền Tông, Lê Gia Tông, Lê Hi Tông; được 25 năm.
.
*Trịnh Căn 鄭根, con trai Trịnh Tạc, đương thời là Đại nguyên soái, Tổng quốc chính Thượng thánh phụ sư, tước [Định Nam vương; 定南王], rồi [Thịnh Công Uy Minh Nhân Đức Định vương; 盛功仁明威德定王]. Khi mất tặng làm [Khang vương; 康王], miếu hiệu [Chiêu Tổ; 昭祖].

Kiếm soát Lê Hi Tông và Lê Dụ Tông; được 27 năm.
.
*Trịnh Cương 鄭棡, cháu chắt Trịnh Căn, đương thời là Đại nguyên soái, Tổng quốc chính Thượng sư thượng phụ, tước [An Đô vương; 安都王], rồi [Uy Nhân Minh Công Thánh Đức An vương; 威仁明功聖德安王]. Khi mất tặng làm [Nhân vương; 仁王], miếu hiệu [Hi Tổ; 僖祖].

Kiểm soát Lê Dụ Tông và Lê Đế Duy Phường; được 20 năm.
.
*Trịnh Giang 鄭杠, con trai Trịnh Cương, đương thời là Đại nguyên soái, Tổng quốc chính Thượng sư thái phụ, tước [Uy Nam vương; 威南王], rồi [Thông Đức Anh Nghị Thánh Công Bác Đoạt Hòa Tuy Du Dụ Nghĩa Trinh vương; 聰德英毅聖功博達和綏猷裕義貞王], rồi lại thành [Toàn vương; 全王], được tôn làm [Thái thượng vương; 太上王]. Khi mất, tặng làm [Thuận vương; 順王], miếu hiệu [Dụ Tổ; 裕祖].

Kiểm soát Lê Đế Duy Phường, Lê Thuần Tông và Lê Hiển Tông; được 11 năm.
.
*Trịnh Doanh 鄭楹, con trai Trịnh Cương, em trai Trịnh Giang, đương thời là Đại nguyên soái, Tổng quốc chính Thượng sư thượng phụ, tước [Minh Đô vương; 明都王], rồi [Anh Đoạn Văn Trị Võ Công Minh vương; 英斷文治武功明王]. Khi mất tặng làm [Ân vương; 恩王], miếu hiệu [Nghị Tổ; 毅祖].

Kiểm soát Lê Hiển Tông; được 27 năm.
.
*Trịnh Sâm 鄭森,con trai Trịnh Doanh, đương thời là Đại nguyên soái, Tổng quốc chính Thượng sư thượng phụ, tước [Tĩnh Đô vương; 靖都], rồi [Duệ Đoạn VĂn Công Võ Đức Tĩnh vương; 睿斷文功武德靖王]. Khi mất tặng làm [Thịnh vương; 盛王], miếu hiệu [Thánh Tổ; 聖祖].

Kiểm soát Lê Hiển Tông; được 15 năm.
.
*Trịnh Cán 鄭檊, con trai Trịnh Sâm, phụ chính bởi Huy quận công Hoàng Đình Bảo và Đặng Tuyên phi, đương thời là Nguyên soái Tổng quốc chính, tước [Điện Đô vương; 奠都王]

Sau bị giáng làm [Cung Quốc công; 恭國公]
.
*Trịnh Khải 鄭楷, nguyên danh Tông 棕, là con trai của Trịnh Sâm và Dương Thái phi, đương thời là Đại nguyên soái, Tổng quốc chính sư thượng, tước [Đoan Nam vương; 端南王].

Thụy hiệu [Linh vương; 靈王], không miếu hiệu
.
*Trịnh Bồng 鄭槰, con trai Trịnh Giang, đương thời tự xưng Nguyên soái Tổng quốc chính, tước [Án Đô vương; 晏都王].

Là vị chúa cuối cùng của triều đại họ Trịnh.

================
Ảnh minh họa:


*Tạo hình Trịnh vương trong dự án phim Mai Thị - Nhân Thần truyện (https://www.facebook.com/Mai-Th%E1%BB%8B-Nh%C3%A2n-Th%E1%B…/)
*Sa bàn mô phỏng hoàng cung Thăng Long, thực hiện bởi Hiệu Sicula (https://www.facebook.com/hieusicula)
.
Chân thành cảm ơn hai phía đối tác đã cho phép sử dụng hình ảnh

Tác giả: Thiên Ngô


Description: Tác giả Thiên Ngô là một người yêu thích cổ trang Trung Hoa, bao gồm cả Việt Nam, đôi khi thích viết về những câu chuyện hậu cung hoặc lấy bối cảnh xưa.

Link bài gốc: https://www.facebook.com/namvanhoiquan/posts/329233470877726

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

688 lượt xem

lh-fulllh-x