Lời Con Nói: "Khi Nhà Không Còn Là Nơi Để Về"
Tôi không muốn chỉnh sửa bài viết này lần thứ hai, tôi đã thức suốt đêm để viết ra những dòng này, những gì tôi và các bạn của tôi đã và đang trải qua, góc nhìn của mỗi đứa con về những cảnh đôi co cãi nhau của bố mẹ. Những đứa con, những người vô tội trong sự hẹp hòi và ích kỷ của người lớn, những người bị đè bẹp về mặt tinh thần và tâm lý chính bởi những người họ thương yêu. Tôi không mong muốn sẽ thay đổi được suy nghĩ của các ông bố bà mẹ trên thế giới này, tôi chỉ muốn họ chậm lại một phút, để biết những đứa con như tôi cần họ như thế nào.
“Con đã từng nghĩ gia đình sẽ bình yên hơn nếu bố mẹ ly hôn”
Tôi là một học sinh cấp III, gia đình không mấy khá giả, tôi có một anh và hai chị gái nhưng hiện tại họ đã có những cuộc sống riêng. Tôi có một nỗi sợ khá đặc biệt từ lúc nhỏ cho đến tận bây giờ, đó chính là tiếng xe của bố về mỗi đêm. Âm thanh đó, nó quen thuộc đến đáng sợ, quen thuộc đến mức chỉ cần nghe thấy tiếng xe bố vừa chạm ngõ, ba chị em chúng tôi chẳng ai hẹn ai mà hốt hoảng đi một góc nào đó cho “khuất mắt”, đáng sợ đến mức mà tất cả chúng tôi đều biết, sau khi bố bước vào nhà, sẽ làm mùi bia nồng nặc chẳng lấy gì làm lạ lẫm ấy, sẽ là giọng nói hung hăn như thể muốn kéo tất cả bà con chòm xóm vây quanh nhà tôi để chứng kiến cái cảnh mà “Vợ chồng thằng A nó lại cãi nhau kia kìa”, “Vợ chồng nó đánh nhau tới nơi rồi, có nên vào can không đây”, để người ngoài nhìn vào bàn tán, dè bĩu, thương hại; để bố mẹ được hả hể những cái tôi của bản thân; để những đứa con như chúng tôi chỉ biết ôm nhau mà khóc.
Có rất nhiều lý do không đáng để bố mẹ cãi vả nhau nhưng suy cho cùng, từ trước tới nay, bố mẹ có to tiếng, ẩu đả nhau cùng xoay quanh một vấn đề “TIỀN”. Nhiều người bảo “Tiền không bao giờ mua được hạnh phúc”, nhưng đối với tôi mà nói, tôi nghĩ rằng nếu nhà tôi khá giả hơn, nhà tôi có nhiều tiền thì có lẽ bao nhiêu mâu thuẫn trong nhà từ trước giờ sẽ được xóa bỏ. Bố không còn về nhà đem ba mẹ con chúng tôi ra “trút giận” khi bị chủ nhà mắng mỏ vì làm việc không đúng ý người ta, mẹ tôi sẽ không bị đánh, bị cho là “mẹ mày nó đi làm đĩ, đi nuôi trai” chỉ vì đi làm thuê đủ việc để kiếm tiền. Từ khi anh chị “thoát khỏi cái nhà này” trước tôi, tôi sống một mình với bố mẹ và những trận cãi vả hầu như vẫn chưa bao giờ chấm dứt; tôi đã quen với những bữa cơm trưa một mình, những bữa tối tự mình đi ăn ở ngoài, những tối học bài lại phải vặn volume thật to để không phải nghe những tiếng ồn ào dằng cò ngoài kia. Trước đây anh chị tôi vẫn thường phải bỏ dở việc học bài vì không thể nào tập trung nổi, có lần còn bị bắt ra ngoài đường quỳ gối chỉ vì “mày không phải là con tao”, “mẹ mày với mày chẳng khác gì nhau”. Trong quá khứ, anh chị tôi đã từng bỏ nhà đi sau khi cãi nhau với bố, riêng mẹ thì rất nhiều lần bỏ đi không về nhà, tôi vẫn thường ngủ một mình cùng với những đêm dài dằng dẳng. Nhưng có một sự thật là lúc mẹ không về nhà, tôi lại thấy yên bình cực kỳ. Điều đó không có nghĩa là tôi muốn mẹ bỏ nhà mà đi, tôi cũng muốn ôm mẹ mà ngủ vùi chứ, chỉ là tôi nhận ra, khi bố mẹ không ở cạnh nhau, họ sẽ chẳng thể có thêm xích mích hay mâu thuẫn nữa. Gần đây, sau khi bố mẹ cãi nhau, mẹ đã không về nhà nhiều ngày, những ngày đó, không phải là những tối cô đơn, mà là những tối tôi cảm thấy thật yên bình trên một góc độ nào đó.
Nếu là trước đây, mỗi khi bố mẹ đòi ly hôn, tôi cảm thấy rất lo sợ, tôi cũng đã can đảm nói lên hết suy nghĩ của mình với tòa án rằng không muốn bố mẹ ly hôn. Nhưng bây giờ, thật sự mà nói tôi cảm thấy mẹ đã thay đổi nhiều, có lẽ vì quá khứ mẹ đã quá cực khổ và tủi nhục nhưng vì những đứa con, mẹ cắn răng chịu đựng sự hung hăn của bố, những lời lăng mạ mà một đứa trẻ cấp I như tôi hồi đấy nghe vào cũng biết là nó kinh khủng tới mức nào; nhưng giờ mẹ đã mạnh mẽ hơn bao giờ hết, mẹ không còn nhẫn nhịn nữa, mẹ đã bắt đầu biết cách làm bản thân mình trở nên vui vẻ hơn. Có lẽ từ khi anh chị tôi rời xa nhà, những mâu thuẫn lại bắt đầu từ cả hai phía bố và mẹ, điều đó làm tôi thấy vô cùng khó xử khi phải đứng giữa và suốt ngày phải nghe: “Mẹ mày như thế này thế kia”, “Bố mày như thế này thế kia”. Tôi mệt! Có thể mọi người cho rằng tôi có suy nghĩ nông cạn, nhưng ở trong hoàn cảnh của tôi suốt nhiều năm liền, tôi nghĩ gia đình sẽ bình yên hơn nếu bố mẹ ly hôn chăng? Nó chẳng phải là “bình yên” của một gia đình đầm ấm, hạnh phúc quây quần bên mâm cơm, coi những bộ phim hài cùng nhau, nó là cái “bình yên” của sự im ắng bao trùm khắp căn nhà, không một lời chửi thề nào cất lên nữa, không một cái nồi cơm điện, bộ chén bát nào vỡ tan tành trên mặt đất nữa. Tôi vẫn xem bố là một con người với hai tính cách hoàn toàn trái biệt, bố có thể hung hăn, ghê tợn và thua kém rất nhiều người khác ngoài xã hội, nhưng đó chỉ là những lúc bố sỉn rượu. Còn bình thường, bố là một người vô cùng tình cảm, nhìn nét mặt của bố những lúc bố không sỉn hiện rõ sự hiền từ và có thoáng gì đó buồn bã từ sâu trong tâm hồn. Tôi không nghĩ bia rượu lại làm cho con người ta trở nên thay đổi hoàn toàn như một ông bụt biến thành một con quỷ như thế. Ước gì bố biết chừng mực hơn, ước gì bố không thường xuyên say sỉn quá nhiều, thì nhà tôi có vẻ sẽ tốt hơn và đầm ấm, một gia đình không quá giàu có, chỉ đơn giản là một ông bố bà mẹ chăm chỉ làm việc kiếm tiền nuôi ba đứa con học giỏi nhất nhì xóm lớn khôn. Từ trong đáy lòng, tôi có thật sự muốn bố mẹ ly hôn hay không? Tôi cũng không biết nữa, chỉ là tôi vẫn có một hy vọng nào đó, rằng gia đình mình hoàn toàn có thể êm ấm biết bao, chỉ cần bố mẹ đều bỏ cái tôi riêng của mình, bỏ cái sự ích kỷ và nông cạn của những người lớn.
“Đừng để con một mình trong chính gia đình của chúng ta”
Tôi là một học sinh cuối cấp III, sang năm tôi bước vào Đại Học rồi, tôi muốn đi du học hay đại loại là đi học xa nhà, một phần tôi muốn có một cuộc sống tự lập, một phần…tôi muốn rời xa ngôi nhà của mình. Đó là suy nghĩ của tôi lúc mới vào cấp III, giờ thì tôi còn có mẹ ở bên, tôi không yên tâm để bà mẹ siêu cute của tôi ở nhà một mình được, bởi “chị” hay yếu đuối mỏng manh lắm. Gia đình tôi khá khá giả, bố mẹ đều làm công chức nhà nước cả. Bố làm trưởng phòng nên cứ hay đi công tác miết, mẹ tôi làm ở ngân hàng nên sáng sớm đã ra khỏi nhà rồi chập tối mới về đến nhà. Sau khi bị một tai nạn xe lúc tôi mới lên lớp 3, mẹ tôi không thể mang thai được nữa, tôi nhớ đấy là khoảng thời gian mẹ tuyệt vọng lắm và tôi biết bố cũng lo lắng cho mẹ rất nhiều. Một thời gian sau, tầm lúc tôi học lớp 9, bố được thăng chức làm trưởng phòng, tôi đâu biết rằng đó không phải là sự khởi đầu cho một niềm vui lớn mà là những chuỗi ngày dài đầy biến động. Bố thường hay đi làm về muộn, mẹ và tôi thường ngồi chờ đến tận khuya khi cơm canh đã nguội lạnh, bố lúc nào cũng về nhà với một tâm trạng mệt mỏi lại còn hay cáu gắt. Mẹ và tôi đều nghĩ rằng do áp lực công việc của bố quá nặng nề nên chỉ biết động viên bố cố gắng nhiều hơn. Những ngày sau, hai ba tuần bố lại đi công tác một lần do đặc thù công việc, gia đình chúng tôi cũng không còn thường xuyên đi du lịch vào các dịp nghỉ lễ như mọi khi. Tôi còn nhớ vào cái ngày hôm đó, trời đã khuya, tôi đang lờ mờ ngủ thì nghe tiếng cãi cọ rất lớn, ngày hôm đấy, cái ngày tôi biết bố ngoại tình. Thật sự mà nói thì lúc đấy tôi không nghĩ được gì nhiều, cũng không biết cảm giác của mình lúc đó ra làm sao, những năm gần đây hầu như tôi chỉ chạm mặt bố lúc ngủ dậy và buổi tối khoảng một lát trước khi đi ngủ, tôi bỗng dưng cảm thấy xa cách với bố lắm, tôi chỉ biết tâm sự hết mọi chuyện với mẹ và mẹ cũng thế, có những lúc mẹ ôm tôi suốt đêm mà khóc. Mẹ chẳng nói gì, nhưng tôi biết, chính là vì lí do đó, có thể trong khi mẹ con tôi mệt mỏi thức khuya đợi bố về ăn chung thì bố đã có một bữa cơm đầm ấm khác, có thể thay vì những chuyến du lịch bị hủy thì bố đã có những địa điểm thú vị hơn với hạnh phúc hơn, có thể trong những chuyến công tác xa nhà, sẽ từ 3 ngày lên thành 3 tuần. Bố mẹ vẫn không hay biết tôi đã biết mọi chuyện, họ vẫn cố vẽ ra một gia đình êm ấm một cách đầy gượng gạo trước mặt tôi. Nhưng rồi cuối cùng sau những lần cãi vả không ngừng nghỉ, họ cũng đã cho tôi biết, rằng “Bố mẹ không thể sống với nhau được nữa. Nhưng vì con, bố me sẽ không ly hôn”.Từ cái ngày hôm ấy đến đây đã gần bốn năm, nhà tôi đã có nhiều biến động lớn, bố mẹ quyết định đưa tiền định kỳ cho tôi để tự túc về mặt ăn uống, học hành, họ làm cho tôi một cái thẻ ATM riêng và gửi nhiều tiền vào đấy. Bạn bè cảm thấy ngưỡng mộ khi tôi luôn có một cuộc sống sung túc và đầy đủ, nhưng cái tôi cần đâu phải là vài ba đồng tiền để nuôi dưỡng những cảm xúc giả tạo. Một ngày của tôi diễn ra như một vòng tròn không lối thoát. Sáng đến trường để học, trưa ghé vào KFC, tối thường tụ tập với đám bạn tôi mới quen về nhà đến tận khuya. Có một vài lần bố mẹ ở nhà sớm, họ ngạc nhiên khi thấy tôi về nhà trễ như vậy, họ răn đe nhưng tôi chẳng lấy làm quan tâm, liệu họ có thực sự quan tâm tôi đến vậy hay không, nếu có họ đã không làm như vậy, họ là người lớn nhưng họ tệ lắm. Có một khoảng thời gian tôi thường xuyên đua đòi đi bar, tập uống beer cùng với đám bạn mới. Trong một lần đi chơi, tôi suýt nữa đã sa ngã cùng một anh lớp trên khi lưỡng lự qua đêm tại trọ của anh ấy, nhưng thật may lúc đấy mẹ đã gọi đến, mẹ vừa khóc vừa gọi đến tôi rằng bố đang nhất quyết đòi ly hôn, trong khoảnh khắc đó tôi tưởng chừng đã vứt bỏ cả gia đình mình laị đằng sau, tôi bỗng khựng lại một giây bởi vì câu nói của mẹ “Mẹ cần con! Con đừng trở nên như vậy”. Vẫn là mẹ, người yêu thương tôi như kiểu tôi là giọt máu cuối cùng và duy nhất trong con người bà, chính mẹ là người lôi tôi dậy khỏi vũng lầy tôi suýt bị nhấn chìm đó. Cuối cùng bố mẹ cũng ly hôn, trước đây họ sợ tôi mang tiếng xấu với bạn bè, họ mang tiếng xấu với đồng nghiệp nhưng nếu không ly hôn thì “người đàn bà đó” có chịu để yên cho bố tôi hay không. Ngày mẹ cùng tôi dọn hành lý, mẹ vẫn cười đùa: “Coi như mẹ hào phóng nhường cho bả. Thằng C nó nhác lắm, lấy nó về là bả có đứa thêm đứa con dại chứ sung sướng gì”. Tôi nhận ra dù gia đình mình chẳng êm ấm trọn vẹn nhưng ít nhiều trong mắt của mẹ, tôi vẫn là gia đình và tôi sẽ mãi là gia đình của mẹ.
“Khi nhà không còn là nơi để về”
Người ta luôn nói “Nhà là nơi để về. Khi mỏi mệt, hãy trở về nhà”. Nhưng có những lúc tôi lại sợ về nhà kinh khủng khiếp, tôi sợ khi bước một bước vào nhà lại bị không gian ảm đạm và im ắng làm cho cô đơn và buồn bực, tôi sợ khi bước hai bước vào nhà lại nghe thấy tiếng cãi cọ đôi co của bố và mẹ, tôi chán lắm rồi cái cảm giác phải bước thật mau, thật mau vào phòng của mình, đóng chặt cửa, mang tai nghe vào và bật volume thật to như muốn tránh xa tất cả mọi thứ xung quanh. Một ngôi nhà như thế, liệu có còn là nơi mà con thực sự muốn quay về mỗi khi con mệt mỏi, con bị bạn bè chơi xấu, bị người ta ăn hiếp mà chẳng biết phải trăn trở cùng ai.
Khi bố mẹ cãi nhau, trước đây con chỉ biết im lặng và khóc, sau này con lớn hơn một ít, con nhận thức được con cần lắm một mái ấm bình yên, con lên tiếng và khuyên ngăn bố mẹ, nhưng những gì con nhận lại là “Mày còn nhỏ, mày biết gì mà nói”, “Mày cút đi cho khuất mắt tao”. Những lúc bị bố mẹ nói như vậy, con tưởng chừng như bố mẹ không cần con nữa, con đã muốn đi “khuất mắt” bố mẹ đúng nghĩa nhưng rồi con nghĩ lại, nếu bố mẹ sinh con ra thì không thể vứt bỏ con hay coi con như một đứa không ra gì như vậy được, thà là mẹ nhét con vào lại bụng còn hơn là để con sống trong những tháng ngày như vầy. Thưa bố mẹ, vậy liệu con gì là trong mắt bố mẹ, trong gia đình mình liệu con có một chỗ đứng hay tiếng nói nào không. Con còn nhỏ, con có thể chưa hiểu những chuyện người lớn của bố mẹ nó sâu xa tới mức nào mà phải cứ chửi mắng, đánh đập nhau mới có thể giải quyết như vậy, nhưng dù là một con chó hay một con gà con, nó cũng biết bám đít mẹ nó mỗi khi gặp nguy hiểm, biết rúc vào cánh mẹ nó khi bị kẻ lạ tấn công, chẳng lẽ con mưu cầu được sự yêu thương bố mẹ là sai sao? Chẳng lẽ con mưu cầu một gia đình hạnh phúc, không còn những ngày sống trong ồn ào và buồn bực là không có quyền hay sao? Con không được có quyền lên tiếng trong nhà vì hễ lên tiếng thì lời nói của con chẳng có giá trị gì trong cuộc tranh luận của bố mẹ, được cho là cái đồ mất dạy hỗn hào. Nhưng nếu con im lặng thì con cũng không thể chịu đựng nổi những ngày dài hết nghe bố mẹ cãi nhau lại đến việc đón nhận những ánh mắt thương hại của hàng xóm. Có những ngày học bài cận kề ngày thi, con lại phải chạy qua nhà hàng xóm trốn, lại phải kêu chú bác đến khuyên ngăn.
Dần dần con cảm thấy mình gần như đã bị trầm cảm bố mẹ ạ, khi người ta phải chứng kiến một cảnh lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài, người ta sẽ cảm thấy chán nản. Và thật vậy, con đã quen dần với những cảnh quen thuộc của nhà mình, chẳng biết tốt hay xấu nhưng con đã trở nên vô cảm trước nó. Con không còn muốn khóc, con không còn muốn chạy đi kêu bà con chòm xóm khuyên ngăn, con chỉ thấy mệt và rồi con chẳng muốn quan tâm gì đến bố mẹ nữa. Dạo gần đây, con hay thích thức khuya và sợ đến trời sáng, vì khuya là lúc con cảm thấy con yên bình nhất, cái không gian yên tĩnh của đêm làm con thấy nhẹ nhõm, nhiều lúc con cũng muốn đi thật xa một thời gian để tâm hồn được khuây khỏa. Con xin lỗi bố mẹ, con thật sự đang sợ lắm, con nghĩ là con đã trở nên thờ ơ trước bố mẹ mất rồi. Có nhiều bạn bè cũng trang lứa sa vào tệ nạn xã hội khi gia đình các bạn ấy cũng như gia đình mình. Nhưng con cho rằng đó là ngu ngốc và không đáng, vì nếu có sa vào những cái đó cũng không thể giải quyết được gì, con cần phải tỉnh táo để vực gia đình mình dậy, để có thể như thế có cần bố mẹ giúp sức rất nhiều. Con biết gia đình nào cũng có những vấn đề riêng để mâu thuẫn hay xích mích, nhưng có một điểm chung đó chính là “Chúng ta là một gia đình”. Một gia đình thì phải luôn ở cạnh nhau và cùng xây dựng cho nó bền vững đúng không. Chỉ một lần thôi, trước khi đi ngủ, bố mẹ hay đặt tay lên trán, mắt dán thẳng trừng nhà và suy nghĩ về những chuyện đã qua. Nó có thực sự đáng để bố mẹ hành xử như vậy hay đáng lý ra bố mẹ có thể hành xử theo một chiều hướng khác hợp tình hợp lý hơn. Bố mẹ có cảm thấy rằng mình đã sai khi những đứa con vô tội của mình lại biến thành người bị hại trong trò chơi ích kỷ của những người lớn, không một ông bố bà mẹ nào muốn biến con mình thành những đứa trầm cảm và thờ ơ với cuộc sống chỉ vì phải chịu áp lực từ gia đình quá nhiều mà dần tạo ra một khoảng cách với bố mẹ đúng không?
Tất cả những ông bố, bà mẹ, hãy chậm lại một phút để biết các con cần chúng ta như thế nào. Có thể chúng con không cần một ông bố bà mẹ làm to, nhà mặt phố; chỉ đơn giản là một gia đình đầm ấm, cứ quây quần có nhau mỗi bữa cơm, mỗi khi chương trình Táo Quân cuối năm phát sóng lại cùng nhau xem, cùng nhau chuẩn bị đón giao thừa, như vậy, chỉ vậy thôi, cũng thật hạnh phúc.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
20,657 lượt xem