Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Nghệ Thuật] Vẻ Đẹp Mỹ: Hãy Nhìn Sâu Vào Những Cánh Hồng Đỏ

‘American Beauty’ sở hữu một trong những tấm poster đẹp nhất trong lịch sử điện ảnh Hollywood: Nội dung đơn giản với nền là phần bụng mềm mại của một người thiếu nữ, ở trên điểm xuyết một bông hồng đỏ rực, vừa như hòa quyện với màu vàng cam của làn da vừa tạo nên một nét nhấn nhá khêu gợi. Một vẻ đẹp đầy nhục dục. Tâm điểm của chiếc poster là cái rốn nhỏ xíu, xinh xắn tạo thành một dấu hỏi hoàn hảo, và ngay chếch ở trên là hai chữ ‘Look closer’ (Hãy nhìn sâu vào) được in nhỏ một cách có dụng ý. Hoa hồng và phụ nữ. Một bộ phim về ngọn lửa dục vong, về đam mê tình ái? Ở một khía cạnh nào đó, đúng là như vậy. Nhưng xuyên suốt bộ phim, mỗi lần những bông hồng đỏ nói riêng và sắc đỏ nói chung xuất hiện lại mang một vẻ đẹp, một ý nghĩa khác trước, khiến cho người xem luôn phải ‘nhìn sâu vào’ như thể sợ rằng nếu lơ đãng sẽ bị lỡ mất cái ‘Vẻ đẹp Mỹ’ mà bộ đôi Sam Mendes và Alan Ball muốn truyền tải.

1. Hoa hồng - Vẻ đẹp của sự giả tạo



Có một sự thật về những bông hoa hồng lộng lẫy mà ít ai hay là loài hoa này thường bị thối ở rễ và cành. Điều đó cũng tựa như gia đình nhà Burnham vậy. Thoạt nhìn, gia đình này là giấc mơ Mỹ mà bất kỳ ai đều ao ước: Đôi vợ chồng thành đạt, công việc ổn định, sống trong một ngôi nhà khang trang ở khu ngoại ô thành phốvới một đứa con gái xinh xắn. Thế nhưng, phải mở cánh cửa màu đỏ của ngôi nhà ấy bước vào mới thấy được đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng đó, mọi thứ đang bên bờ sụp đổ. Một cuộc hôn nhân đã ‘chết’ từ rất lâu do người vợ thực dụng Carolyn (Annette Bening) mải mê chạy theo những giá trị vật chất tầm thường còn người chồng Lester (Kevin Spacey) thì đang trải qua một cuộc khủng hoảng trầm trọng ở tuổi trung niên. Tựa như lời ông dẫn dắt ở đầu phim vậy: “In a way, I'm dead already.” (Theo một cách nào đó, tôi đã chết mất rồi). Cái chết đó là cái chết về tâm hồn. Cái chết đó bắt đầu từ sự lạc lối, mất phương hướng, mất mục đích sống khi mọi thứ tưởng chừng đã ổn định. Cái chết đó càng len lỏi vào sâu bên trong qua sự coi thường của vợ con, sự khinh bỉ, chèn ép của sếp, sự chán nản khi chứng kiến người bạn đời trở thành nô lệ của những câu hô hào rỗng tuếch trích dẫn từ những quyển sách self-help. Và khi cái chết ấy xảy đến, cuộc sống của Lester buồn tẻ tới mức cao trào cảm xúc duy nhất trong ngày là khi ông… thủ dâm dưới vòi sen mỗi sáng. Rồi sau đó mọi thứ sẽ dần tuột dốc không phanh. Lester cảm thấy mình không còn tồn tại nữa. Những cuộc nói chuyện gượng gạo dù là với vợ con của mình, những nụ cười, giọng nói giả tạo, đôi mắt mở nửa vời đầy ắp sự chán chường, bất mãn. Để làm nổi bật lên sự kìm hãm mà Lester đang phải chịu đựng trong cuộc sống, một số cảnh quay đã được tính toán rất tinh tếsao cho đặt nhân vật Lester trong trạng thái ‘khung lồng trong khung’ (cảnh Lester thủ dâm trong buồng tắm bằng kính và cảnh ảnh Lester phản chiếu vào màn hình máy tính khiến các cột, các hàng số liệu dường như biến thành những thanh sắt giam cầm ông).


Một điều vô cùng ức chế nữa đối với Lester là ông luôn phải gồng mình lên tỏ ra thật hạnh phúc mỗi khi đi dự sự kiện cùng vợ, người luôn tâm niệm rằng “In order to be successful, one must project an image of success at all times’ (Để thành công thì phải trưng ra một vẻ bề ngoài của người thành công mọi lúc mọi nơi). Thếnhưng chính Carolyn cũng đang sống một cuộc sống giả tạo mà mọi uất ức, bực bội, đau đớn chỉ thực sự được bộc lộ ra khi bà kéo tấm rèm cửa phòng lại và liên tục tự tát chính mình. Carolyn chăm chỉ chăm bẵm những luống hoa hồng ngoài vườn, ngày ngày cắt đem vào trang trí trong nhà vì tin màu đỏ của hoa chính là biểu tượng của sự thành công viên mãn mà bà đang phấn đấu. Nhưng bà quên mất rằng, khoảnh khắc bà cắt bông hồng khỏi gốc rễ của nó, cũng là lúc vẻ đẹp kiêu sa của nó sẽ sớm lụi tàn, tựa như những tâm hồn đang dần mục rữa vì bế tắc trong căn nhà đẹp đẽ khang trang của bà vậy.

Hai nhân vật phụ của bộ phim là cô bạn tóc vàng hoe nóng bỏng Angela của Jane và Đại tá Fitts cũng là hai ‘bông hồng’ đáng nói. Angela là một cô nàng tóc vàng hoe điển hình thời đó. Cô nhận thức được vẻ ưa nhìn của bản thân, thích thú, thậm chí có phần nghiện ánh nhìn thèm khát của những chàng trai xung quanh, kể cả đó là một người đáng tuổi cha chú mình. Là nô lệ của sự chú ý, tán dương, dễ hiểu khi Angela luôn muốn tỏ ra mình thật cool ngầu trong mắt bạn bè, và điều đó đã dẫn đến việc dù vẫn còn trinh nhưng Angela luôn ba hoa về việc cô đã quan hệ tình dục sành sỏi như thế nào. Bất chấp bị bạn bè gọi là ‘total prostitute’ (đồ con đĩ), cô vẫn có vẻ như rất tự hào bởi một niềm tin lệch lạc rằng điều đó khiến cô trở nên phi thường. Cô sống bằng những lời khen ngợi, vì chỉ điều đó mới làm cô thấy tự tin vào bản thân. Lý do cô chơi với Jane cũng là lợi dụng những khiếm khuyết của Jane để cảm thấy tốt đẹp về bản thân mình. Và chỉ cần một lời chê bai, bao nhiêu tự tin mà bấy lâu nay cô cố trưng cho thiên hạ thấy bỗng như vỡ vụn. Có thể thấy, Angela cũng là một đóa hồng. Cô có vẻ ngoài hào nhoáng nhưng một tâm hồn, một nhận thức nông cạn cùng biết bao nỗi bất an trong lòng.

Angela thú nhận về việc mình vẫn còn trinh khi chuẩn bị làm tình với Lester

Hay đến Đại tá Fitts. Thoạt đầu Fitts hiện lên là một alpha male đúng nghĩa: gia trưởng, độc đoán, khắc nghiệt trong việc nuôi dạy con cái và kì thị người đồng tính. Ông sẵn sàng đánh con chảy máu đầu khi phát hiện ra con ông chơi thuốc hay có quan hệ đồng tính (mặc dù chỉ là sự hiểu nhầm). Nhưng hé lộ gây sốc nhất phim là khi ông sang hôn Lester và để lộ ra mình là người đồng tính. Khán giả đi từ bất ngờ, khó hiểu đến bỗng thấy mọi thứ đều hợp lý. Jody W. Pennington đã có nhận xét rất đúng về nhân vật này trong cuốn sách ‘The History of Sex in American Films’ của ông. Pennington cho rằng cái sự ghê tởm mà Fitts thể hiện khi gặp cặp đôi đồng tính hàng xóm Jim - Jim (How come these faggots always have to rub it in your face? How can they be so shameless? - Tại sao lũ đồng tính lúc nào cũng phải khoe khoang như vậy? Bộ chúng không biết xấu hổ là gì sao?) không phải là ‘homophobia’ (kì thị đồng tính) mà là ‘anguished self-interrogation’ (sự tự vấn bản thân trong đau khổ). Hay nói một cách đơn giản, câu hỏi kia của Đại tá Fitts không phải là một câu hỏi tu từ (hỏi để khẳng định) mà là một câu hỏi đúng nghĩa. Vì trong khi bản thân ông luôn dằn vặt về giới tính của mình, cặp đôi kia thoải mái sống đúng với con người thật của họ và điều đó làm ông không thể nào liên hệ được. Suy cho cùng, ông cũng là một bông hồng, với vẻ ngoài nam tính mạnh mẽ của một quân nhân lâu năm nhưng bên trong lại đang mục nát vì những mặc cảm, dằn vặt, đau khổ về giới tính mình.

2. Hoa hồng - Vẻ đẹp của những đam mê nhục dục

Những tưởng mọi thứ sẽ tiếp tục như thế cho đến một tối nọ đôi vợ chồng Lester và Carolyn miễn cưỡng đến xem đứa con gái Jane của mình biểu diễn ở trường, đâu biết rằng cuộc sống của họ sẽ chuẩn bị bước sang một trang hoàn toàn mới. Thú vị làm sao khi con người mất phương hướng, những bản năng nguyên thủy nhất lại trở thành kim chỉ nam dẫn lối. Ngay từ giây phút nhìn thấy cô bạn tóc vàng hoe xinh đẹp Angela của Jane, Lester đã bị hút hồn hoàn toàn. Trong ông bắt đầu trào lên những ham muốn xác thịt đối với cô bé tuổi vị thành niên kia. Và rồi những suy nghĩ sắc dục về cô bé Angela bắt đầu choán lấy hết tâm trí ông. Thay vì nhìn thấy tốp nữ sinh, trong đó có con gái ông, đang nhảy múa, trước mắt ông chỉ hiện lên những hình ảnh Angela uốn éo đầy khêu gợi, dần dần mở chiếc áo khoác và  từ bộ ngực căng nõn của cô bắt đầu tràn ra biết bao cánh hoa hồng mỏng tang. Những cánh hoa hồng tiếp tục bám theo tâm trí của Lester đến tận đêm hôm đó, khi ông tiếp tục nằm mơ tưởng về Angela. Hình ảnh Angela nằm trần truồng giữa một chiếc bể lớn lấp đầy hoa hồng được vẫn được coi là một trong những cảnh quay đẹp và mang tính biểu tượng nhất trong lịch sử điện ảnh. Ở những cảnh quay này ánh sáng hỗ trợ (lighting) được giảm tới mức tối đa, tạo cho khung cảnh một vẻ mờ ảo. Các chuyển động ở những cảnh quay này cũng được cắt nhỏ thành nhiều shot quay, khiến cho chúng dãn ra, dài lê thê tưởng như không có điểm dừng. Nhờ những tính toán vô cùng kĩ càng về dựng phim đó mà những mộng tưởng ướt át của Lester đã được khắc họa thật giàu cảm xúc.

Nghe Angela tâm sự với con gái mình rằng “If he built up his chest and arms, I would totally fuck him” (Nếu bố cậu chịu khó tập tành cho ngực nở tay to, tớ nhất định sẽ làm tình với ông ta), Lester đã quyết tâm lấy lại vóc dáng lực lưỡng thời trai trẻ. Đây cũng là dấu mốc bắt đầu cho quá trình hồi xuân của ông: Ông chơi cần sa, mua ô tô mới, ngồi trong xe hát theo những ca khúc nhạc pop từ những năm 60, bỏ công việc hiện tại sang làm tại một tiệm đồ ăn nhanh vì ông muốn một công việc ít trách nhiệm nhất có thể. Đỉnh điểm là Lester đã lên giọng nạt lại vợ con. Ông tuôn hết ra những điều bấy lâu nay ông kìm nén. “This hasn't been a marriage for years. But you were happy as long as I kept my mouth shut. Well, guess what? I've changed. And the new me whacks off when he feels horny, because you're obviously not going to help me out in that department” (Cuộc hôn nhân này đã chết suốt hàng năm qua rồi. Nhưng bà vẫn vui vẻ miễn là tôi ngậm cái mồm lại. Ồ, đoán xem? Tôi đã thay đổi rồi. Và con người mới của tôi sẵn sàng thủ dâm bất cứ lúc nào tôi thấy nứng, vì rõ ràng bà sẽ không giúp tôi giải tỏa nhu cầu ấy rồi) hay “I'm sick and tired of being treated like I don't exist. You two do whatever you want to do whenever you want to do it and I don't complain. All I want is the same courtesy--” (Tôi đã quá chán cái việc bị đối xử như thể không tồn tại trong cái nhà này rồi. Hai mẹ con các người làm bất cứ cái gì các người muốn và tôi không hé răng than phiền nửa lời. Tất cả những gì tôi muốn là sự đối đãi tử tế tương tự). Có thể nói, chính đam mê sắc dục với Angela đã phần nào làm sống lại tâm hồn cằn cỗi của Lester, khiến ông từ chỗ sống không có mục đích, lê lết từ ngày này sang ngày khác, đến chỗ sống một cách năng nổ hơn. Một điều thú vị là tên hai nhân vật này được chơi chữ từ tên hai nhân vật chính của bộ phim ‘Lolita’ (1962), một bộ phim cũng về một người đàn ông tuổi trung niên bỗng si mê một cô bé tuổi teen. Lester Burnham là từ Humbert Learns và Angela Hayes từ Dolores Haze.

Đáng nói là bộ phim không hề cố súy thói ấu dâm mà trái lại, khuyên răn con người tránh xa nó một cách vô cùng tinh tế qua hành trình tìm lại chính mình của Lester. Vào một buổi tối mưa tầm tã, đứa con gái Jane và vợ ông đều không có nhà và tình cờ hôm đó Angela lại đến nhà chơi. Dường như tất cả mọi điều kiện đều quá sức thuận lợi để Lester hiện thực hóa ham muốn ông ấp ủ suốt bao tháng nay. Ông vui mừng khôn xiết và ngay lập tức sấn sổ thực hiện cuộc mây mưa với ‘cô nàng Lolita’ của mình. Nhưng giây phút Angela thú nhận mình vẫn còn trinh, rằng đây là lần đầu của cô, Lester bỗng không nhìn Angela như một tình nhân nữa. Sự trinh trắng, dễ bị tổn thương của cô làm Lester sực tỉnh sau một cơn mê muội dài. Cách xây dựng tình huống vô cùng tự nhiên này đã được giáo sư Vincent Hausmann khen ngợi trong bài luận "Envisioning the (W)hole World "Behind Things": Denying Otherness in American Beauty" của ông là "a misguided but nearly necessary step toward his becoming a father again" (một bước đi lầm lỗi nhưng cần thiết để Lester có thể tìm lại được bản ngã làm bốcủa mình). Quả vậy, Jester chợt nhớ đến Jane và hỏi han về con bé, lần này rất chân thành, đầy quan tâm, chứ không chỉ vài câu nói gượng ép như ở đầu phim. Ông cầm bức ảnh gia đình lên, chụp khi gia đình ông đang còn vui vẻ hạnh phúc. Khuôn mặt Lester lúc này hiện lên một vẻ bình yên đến lạ, một vẻ mặt khác hẳn hoàn toàn với vẻ mặt chán chường lúc đầu phim hay nét vui sướng bất cần suốt khoảng giữa phim.  Một điều trớ trêu là trong khi ở đầu phim Carolyn là người chửi mắng chồng mình thậm tệ về những đam mê nhục dục của ông, Carolyn cuối cùng lại mây mưa cùng với gã đồng nghiệp ‘cùng chí hướng’ Buddy Kane.

Lester và Angela trong đêm định mệnh

3. Hoa hồng - Vẻ đẹp của sự chết chóc

Sau cái chết về tâm hồn, Lester lại một lần nữa chết - một cái chết về thể xác ập đến đột ngột, một cái chết oái ăm ngay khi ông mới tìm lại được chính mình. Quá căm ghét và cảm thấy nhục nhã về bản thân khi trót để lộ giới tính thật của mình với Lester, Đại tá Fitts quay trở lại nhà Lester, cầm súng nã thẳng vào đầu ông trong khi ông đang chăm chú ngắm nhìn bức ảnh gia đình mình. Máy quay đi từ sau đầu Lester nơi bất thình lình nhưng cũng vô cùng nhẹ nhàng xuất hiện một khẩu súng lục không rõ người cầm, đi qua một bình  hoa hồng đỏ tươi, từ từ, chậm rãi, rồi khựng lại ở bức tường trắng trước mặt Lester. Sức nặng của sự tĩnh lặng đè nẹt hơi thở người xem. Và rồi “Đoàng!”. Tiếng súng vang lên, máu bắn tóe tung trên bức tường trắng, nhuốm đỏ cả một vùng, một màu đỏ như cùng một tông với sắc đỏ của những đóa hồng kia. Cái chết đến quá nhanh, khiến Lester còn không kịp hốt hoảng hay đau đớn. Chính vì vậy nên khuôn mặt ông khi chết vẫn hiện lên một vẻ thanh bình lạ kỳ. Đó thực sự là một vẻ đẹp của sự sống. Nhưng trớ trêu thay, vẻ đẹp ấy lại được chạm khắc trên khuôn mặt của một xác chết.

Cái chết của Lester làm ta nhớ lại lời dẫn đầu phim của nhân vật này: ‘My name is Lester Burnham. This is my neighborhood. This is my street. This... is my life. I'm forty-two years old. In less than a year, I'll be dead. Of course, I don't know that yet’ (Tên của tôi là Lester Burnham. Đây là khu tôi ở. Đây là con phố tôi sinh sống. Đây là câu chuyện cuộc đời của tôi. Tôi 42 tuổi. Trong vòng chưa đến một năm nữa, tôi sẽ chết. Tất nhiên vào lúc này tôi vẫn chưa biết điều đó). Cách mở đầu phim này làm ta gợi nhớ đến bộ phim kinh điển ‘Sunset Boulevard’ mà mở đầu cũng là lời dẫn chuyện của nhân vật chính đã chết. Điều đó khiến cho người xem không khỏi tò mò về lý do và hung thủ của vụ sát nhân. Liệu có phải là gã bạn trai lập dị Ricky của Jane, kẻ ở đầu phim có đề cập đến việc có thể giúp Jane giết bố của mình? Hay là bà vợ Carolyn lúc nào cũng ám ảnh với ý niệm thành công và càng về cuối phim càng tỏ ra phẫn uất với người chồng bất tài của mình, đặc biệt là sau khi bà không chỉ bị chồng bắt quả tang khi đang chim chuột với tình nhân mà còn bị tình nhân bỏ lại trong xe một mình giữa trời mưa vì một lý do rất vật chất (I’m facing a very expensive divorce - Anh có nguy cơ phải đối mặt với một cuộc ly hôn rất tốn kém). Liệu có phải sự nhục nhã cộng thêm phần bế tắc ấy sẽ là động cơ để bà kết liễu gã chồng? Hoặc có thể chính là Lester sẽ tự tay chấm dứt cuộc đời nhàm chán không lối thoát của mình thì sao? Ai cũng đều có khả năng, có động cơ. Có người đã suýt chút nữa thì ra tay (Carolyn điên cuồng lái xe về nhà trong bộ váy màu đỏ. Bà thọc tay vào rút khẩu súng lục trên xe ra, bên cạnh là một chiếc sách nói self-help đang lải nhải về việc phải chấm dứt việc làm nạn nhân, tựa như một giọng nói ma mị đang văng vẳng trong đầu Carolyn. Carolyn hạ cửa sổ xe xuống, dần hiện ra là cánh cửa đỏ lòm của căn nhà nổi bật giữa khung cảnh xung quanh đang bị bóng tối và mưa gió tô lên những sắc đen xám lạnh lẽo. Tất cả đều ám chỉ về ý định sát nhân của Carolyn). Thế nhưng cuối cùng, kẻ kéo nòng súng lại là Đại tá Fitts, một sự bất ngờ khiến cho ta bỗng có những suy ngẫm thật hay về cuộc sống: Cái chết có thể ập tới bất cứ khi nào, với những lý do khó mà lường trước. Vậy nên đừng để bản thân trở thành Lester, lãng phí biết bao tháng ngày để rồi chết ngay trên ngưỡng cửa của sự sống. Hãy sống trọn từng ngày như đó là ngày cuối cùng của cuộc đời.

“Remember those posters that said, "Today is the first day of the rest of your life?" Well, that's true of every day except one. The day you die.”

4. Hoa hồng - Vẻ đẹp của sự một màu

Tựa như những bông hồng trong khu vườn của Carolyn, bông nào cũng sêm sêm nhau, câu chuyện về gia đình Burnham, gia đình mà Ricky tuy gọi là ‘kỳ cục nhất nước Mỹ’, lại mang tính chất tượng trưng cho cả một giai cấp trung lưu ở nước Mỹ. ‘American Beauty’ là một bức họa châm biếm quan niệm về vẻ đẹp và sự khoái lạc của giới trung lưu ở Mỹ những năm cuối thế kỷ XX, thời điểm mà khi đó người ta không rõ mục đích sống của mình là gì, thời điểm mà nhiều người thậm chí còn cho là trang cuối của lịch sử khi những xung đột về lãnh thổ hay ý thức hệ đã trở thành dĩ vãng. Đây là thời điểm hoàn hảo để người ta có tâm trí nhìn vào gương và tự hỏi ý nghĩa của sự tồn tại của bản thân là gì. Và đã không ít người, như Lester và Carolyn đã lạc lối, nhầm tưởng vẻ đẹp và hạnh phúc nằm trong sự sung túc về của cải vật chất.

Khu ngoại ô buồn tẻ nơi gia đình Burnham sinh sống

Đối nghịch với hình ảnh những bông hoa hồng kia là một hình ảnh hết sức dung dị: chiếc túi nilon tung bay trong gió được Ricky dùng máy quay ghi lại. Khoảng đầu những năm 1990, khi đang đứng thơ thẩn ở Trung tâm Thương mại Thế giới, Alan Ball nhìn thấy một túi rác bay phất phơ trước gió. Ông ngắm nhìn chiếc túi trong gần mười phút và cảm thấy rất xúc động. Chính chiếc túi bóng vô danh đó - một vật hoàn toàn tầm thường và vặt vãnh - đã truyền cảm hứng cho ông viết kịch bản ‘American Beauty’. Hình ảnh chiếc túi bóng ấy lại xuất hiện một lần nữa ở một trong những trường đoạn xúc động nhất của bộ phim khi Ricky cho Jane xem đoạn băng ghi lại “thứ đẹp nhất mà anh từng thấy”. Hình ảnh chiếc túi nilon chập chờn bay trong gió như đang nhảy múa, như một đứa bé cầu xin người khác hãy chơi với nó. Đó là ngày Ricky nhận thấy có cả một đời sống đằng sau mọi vật và nhận ra thế giới xung quanh anh tràn ngập điều đẹp đẽ như thế nào. Ricky cũng hé lộ lý do luôn luôn cầm máy quay đi quay tất cả mọi thứ, kể cả một chú chim chết, rằng: “...it helps me remember... I need to remember… Sometimes there's so much beauty in the world I feel like I can't take it... and my heart is going to cave in.” (Nó giúp anh nhớ. Anh cần phải nhớ. Đôi khi trên thế gian này có quá nhiều vẻ đẹp, đến mức anh cảm thấy anh không thể tiếp nhận được hết. Và trái tim anh sắp sửa ngã gục xuống). Thói quen tưởng chừng vô cùng kì quặc ấy, lại khiến anh, cùng với Jane, trở thành những kẻ duy nhất trong bộ phim hiểu được giá trị của sự sống. Đó không phải là cuộc chạy đua những thứ vật chất tầm thường. Đó càng không phải thói đam mê sắc dục, hay sự chối bỏ bản thân. Sống chính là trân quý mọi vẻ đẹp, mọi khoảnh khắc mà cuộc đời đã ban tặng cho chúng ta. Đây cũng chính là thông điệp mà những bộ phim ra đời cùng năm (1999) như ‘Fight Club’, ‘Bringing Out the Dead’, và ‘Magnolia’ muốn truyền tải tới một bộ phận không nhỏ khán giả Mỹ: Hãy sống một cuộc đời ý nghĩa hơn!

Với 8 đề cử Oscars, giành 5 giải ở các hạng mục Quay phim, Kịch bản, Nam chính, Đạo diễn và Phim xuất sắc nhất, ‘American Beauty’ được giới phê bình ca ngợi là tác phẩm điện ảnh hay nhất vào năm 1999, cũng như một trong những tác phẩm kinh điển của mọi thời đại. Dù đã ra đời cách đây gần hai thập kỷ nhưng chắc hẳn những thông điệp bộ phim truyền tải vẫn còn giữ được giá trị nguyên sơ. Ở bất kỳ lứa tuổi nào, vị thành niên như Jane, Angela, Ricky hay đã qua tuổi tứ tuần như Lester, Carolyn, Fitts, khi xem ‘American Beauty’ chúng ta cũng sẽ không khỏi giật mình vì chợt nhận thấy một phần bản thân ở trong đó. Có lẽ chính điều này đã khiến môn nghệ thuật thứ 7 trở thành một trong những ngôn ngữ chung của nhân loại, ngôn ngữ của tình cảnh con người. Back in time chúc các bạn có một trải nghiệm xem phim chứa đầy những cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố cùng ‘American Beauty’.

[ Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Gỉa Chuyên Sâu AUTHORITY ]

Tác giả: Back In Time - Lê Bá Ninh


Admin tại Back in time. Email: [email protected]

Link bài gốc: Vẻ đẹp Mỹ: Hãy nhìn sâu vào những cánh hồng đỏ

Tìm các bài khác của tác giả qua: Back In Time

Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.



----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

562 lượt xem