Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public7 năm trước

Nhảy Việc: Việc Thay Đổi Công Việc Quá Nhiều Liệu Có Phá Huỷ Sự Nghiệp Của Ban?

Một lộ trình nghề nghiệp thường được so sánh với cái thang. Như một cái thang, nó có một tiến trình phát triển, từ bậc đầu tiên - khi một người bắt đầu đi làm, thường là công việc không đòi hỏi kinh nghiệm - rồi đến bậc thứ hai, thứ 3, thứ 4 và vv. Một người không thể trèo lên đỉnh của bậc thang nếu không nắm rõ các bước trước đó hoặc những bước đầu. Cũng tương tự, người ta không thể đạt tới đỉnh cao sự nghiệp của mình nếu trước tiên không trải qua những nghề ở mức thấp.

Vì leo thang nghĩa là tiến lên về phía trước, chắc chắn sẽ có những chướng ngại vật, hoặc những lúc không thể leo tiếp được. Điều đó cũng có thể xảy ra trong lộ trình công việc của chúng ta. Nghĩa là chúng ta có thể bế tắc trong một khoảnh khắc hoặc trong một thời gian dài, hoặc là trượt dài về phía sau và lại tiếp tục leo ​​lên.

Có một vài lý do khiến mọi người thấy sự nghiệp của họ bị chặn đứng hay không có lối thoát. Họ sẽ tự nguyện lùi bước vì sự thay đổi công việc hoặc thay đổi trong kế hoạch nghề nghiệp. Sự lựa chọn nghề nghiệp của họ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như tình trạng của nền kinh tế, những biến động công nghiệp, và những điều tương tự.

Ngoài những yếu tố này, sự nghiệp của một người cũng có thể bị ảnh hưởng bởi thái độ và hành động của chính họ. Thái độ hoặc vấn đề trong nhân cách khiến họ không thể làm việc với ai cả. Họ cũng có thể thiếu tính nhất quán, dẫn đến họ có xu hướng nhảy việc liên tục, đánh mất cơ hội thăng tiến ổn định.

Bài viết này sẽ giới thiệu tới bạn đọc

1)  nhảy việc là gì, 2) lý do tại sao người ta nhảy việc, 3) lợi ích của việc thử sức với nhiều công việc, và 4) nhảy việc phá hủy sự nghiệp của bạn như thế nào


NHẢY VIỆC LÀ GÌ?

Dù có nhiều ý kiến tranh cãi về vấn đề này, nhưng nhảy việc từ lâu vẫn được xem như một cách phá hủy cơ hội làm việc. Người ta hay gọi là “Tự sát nghề nghiệp”.

Job-hopping, giống như 1 thuật ngữ ngụ ý, là nhảy từ công việc này sang công việc khác. Đó là hành động chuyển từ công ty này sang công ty khác, thường là sau một thời gian ngắn hoặc một khoảng thời gian nhất định. Nếu bạn nhảy việc nhiều hơn hai hay ba lần trong một khoảng thời gian ngắn bạn sẽ thấy mình giống như là một chuyên gia nhảy việc.

Để có đủ điều kiện được coi là người nhảy việc, bạn có thể đã thực hiện những điều như:

  • Chuyển từ công ty này sang công ty khác ít nhất mỗi năm một lần hoặc hai hay nhiều năm liên tiếp
  • Đã chuyển công ty hoặc chuyển công việc một vài lần mà không có lý do gì đặc biệt
  • Thay đổi công việc liên tiếp vì nhiều lý do khác ngoài việc công ty đóng cửa hoặc công ty sa thải nhân sự.

NHỮNG LÝ DO NHẢY VIỆC

Theo thống kê mới nhất (tính đến tháng Chín năm 2014) của Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ (BLS), thời gian làm việc trung bình của nhân viên với một công ty là 4,6 năm. Điều này có nghĩa là, trung bình, một người nhân viên ở lại với sếp của họ trong gần năm năm trước khi chuyển sang một người sếp mới hoặc một công ty khác.

TẠI SAO MỌI NGƯỜI NHẢY VIỆC?

  1. Họ muốn tìm kiếm những chân trời mới. Họ chắc chắn quan tâm đến mức lương cao hơn hay nhiều phúc lợi hơn công việc hiện tại. Vì thế mà ngay cả khi họ đã thành công trong sự nghiệp, họ vẫn nghe ngóng tin tức xem các nơi làm việc khác có mức lương cao hơn không, có nhiều phúc lợi hay các quyền  lợi bổ sung khác không.
  2. Thiếu động lực để chỉ ở lại một nơi. Cũng có những trường hợp mà lý do chính khiến người lao động nhảy việc là vì họ cảm thấy có ít động lực khi làm việc ở công ty. Ví dụ, một nhân viên muốn được làm công việc trả lương cao trong công ty A, nhưng cảm thấy cơ hội thăng tiến và đề bạt lại không có. Sau đó, cô nhận được lời đề nghị của công ty B, có mức lương thấp hơn một chút, nhưng cơ hội để đi lên lại rất nhiều. Trong trường hợp này, nhân viên nhiều khả năng là nhảy việc.
  3. Thiếu cơ hội phát triển bản thân. Có một số trường hợp nhân viên được đào tạo tại chức để nâng cao kỹ năng và kiến ​​thức của họ trong công việc cụ thể. Ví dụ như chăm sóc khách hàng và đào tạo kỹ năng sơ cứu cho nhân viên trong công ty. Nhân viên trong các công ty này nhìn chung sẽ vui vẻ hạnh phúc hơn bởi vì họ cảm thấy rằng họ đang ngày càng tiến bộ và nâng cao khả năng cạnh tranh, ngoài việc được nhận lương đều đều mỗi tháng. Các công ty như vậy có xu hướng sẽ thu hút nhân sự từ các môi trường khác,  những nơi không cung cấp cho nhân viên những cơ hội như thế.

NHỮNG LỢI ÍCH KHI THỬ LÀM NHIỀU VIỆC

Bên cạnh những tác hại, nhảy việc dĩ nhiên cũng đem lại những thuận lợi nhất định. Thực tế ngày nay, nếu bạn hỏi bất kì nhà tuyển dụng hay bộ phận nhân sự, không phải tất cả họ đều nghĩ rằng làm nhiều công việc là một ý kiến tồi. Họ không coi nhảy việc là tự giết chết sự nghiệp. Ngược lại, thậm chí có cả những người xem việc nhảy việc là một cách để leo lên bậc thang của công ty.

Tuy nhiên cách suy nghĩ này vẫn còn khá hạn chế, với sự đồng thuận chung là, nếu bạn muốn rằng con đường sự nghiệp chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, thì bạn chỉ cần nhảy việc thôi.

Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng nhảy việc không phải là hoàn toàn xấu. Nó thực sự hữu ích trong một số trường hợp. Chúng ta hãy xem xét một số lợi ích của nhảy việc.

NHẢY VIỆC TĂNG CƯỜNG SỰ LINH HOẠT VÀ KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG HOẶC CÁC NHÂN VIÊN.

Làm các công việc khác nhau có nghĩa là người đó sẽ học hỏi rất nhiều từ sự đa dạng mà họ được tiếp xúc trong các môi trường làm việc. Nhảy việc có thể là một ưu thế, tùy thuộc vào bản chất của công việc hay ngành nghề, nơi mà các kỹ năng của nhân viên được đánh giá cao.

Ví dụ, trong ngành công nghệ, trong các công việc như phát triển công nghệ di động, phát triển phần mềm và những thứ tương tự, người có lợi thế là người được tiếp xúc với nhiều lĩnh vực và điều kiện làm việc khác nhau. Lí do là vì những kinh nghiệm và sự đào tạo khác nhau sẽ hỗ trợ cho khả năng và thao tác của họ.

NHẢY VIỆC CUNG CẤP THÊM NHIỀU KINH NGHIỆM.

Điều này liên quan chặt chẽ đến lợi ích đầu tiên. Các nhà tuyển dụng đánh giá cao kinh nghiệm của các ứng viên, và khi họ nhìn thấy một lượng đáng kể kinh nghiệm trong hồ sơ của ứng viên thì họ chắc chắn cộng điểm hơn trong quá trình cân nhắc tuyển dụng

NHẢY VIỆC KHIẾN BẠN HIỂU BẢN THÂN HƠN.

Nó cũng giúp bạn tăng khả năng tự đánh giá và nâng cao nhận thức về bản thân. Nhiều nhân viên vẫn không thực sự biết điểm mạnh và điểm yếu của họ là gì, và cách tốt nhất để xác định đó là lao ra và tự khám phá. Thật khó để biết rằng bạn không thích táo hoặc ghét chuối nếu bạn chưa từng ăn chúng.

Thử nhiều công việc khác nhau chắc chắn sẽ giúp nhân viên biết được mình đang ở đâu và cần làm gì để phù hợp hơn với môi trường làm việc. Điều này sẽ góp phần gia tăng sự phát triển năng lực cá nhân.

NHẢY VIỆC GIÚP DUY TRÌ NIỀM ĐAM MÊ LÀM VIỆC.

Đôi khi, cứ bó buộc với một công việc hay một công ty trong một khoảng thời gian dài sẽ dẫn đến sự nhàm chán, đến mức nhân viên cảm thấy như mỗi ngày làm việc của mình trở nên đơn điệu. Thay đổi công việc có thể đánh thức niềm đam mê của họ, hoặc tạo động lực cháy bỏng cho họ làm việc.

NHẢY VIỆC GIÚP MỞ RỘNG MẠNG LƯỚI QUAN HỆ CỦA MỘT NGƯỜI.

Ngoài nhân cách và trình độ, có một mạng lưới quen biết tốt cũng rất quan trọng. Điều này sẽ có ích khi họ đang làm việc hay thậm chí đang tìm kiếm một công việc khác.

NHẢY VIỆC SẼ GIÚP BẠN TÌM ĐƯỢC CÔNG VIỆC MƠ ƯỚC CỦA BẠN.

Bạn không bao giờ biết được điều gì là tốt nhất cho mình cho đến khi bạn đã thử tất cả hoặc, ít nhất, hầu hết trong số chúng. Trong khi thay đổi công việc, bạn sẽ hiểu bản thân mình hơn, cho đến khi bạn tìm được công việc mà bạn có thể tận hưởng hoặc yêu thích.


NHẢY VIỆC CÓ THỂ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ NGHIỆP CỦA BẠN

Nếu bạn hỏi nhà quản lý hay tuyển dụng đâu là vấn đề lớn nhất chống lại thí sinh hay những người đang tìm việc thì câu trả lời là có lịch sử nhảy việc liên tục trong một thời gian tương đối ngắn. Dĩ nhiên, nhảy việc có thể làm hại đến sự nghiệp của chúng ta, dù cho môi trường làm việc đã thay đổi những năm gần đây.

Có hai quan điểm chúng ta cần suy xét: bên trong và bên ngoài. Nếu bạn thay đổi công việc quá thường xuyên bạn sẽ để lại ấn tượng gì cho nhà tuyển dụng? Tiếp theo, việc thay đổi việc thường xuyên gây ảnh hường gì tới bạn, cả về mặt nhân cách và cả về mặt chuyên môn? Những điều sau đây sẽ mang đến cho bạn một bức tranh rõ ràng hơn về nhảy việc có thể làm tổn thương sự nghiệp của bạn như thế nào.

Vấn đề quan trọng: Trong quá trình tuyển dụng, nhà tuyển dụng sẽ suy nghĩ rất kĩ trước khi họ thuê một người nhảy việc liên tục. Chúng ta hãy xem xét những lý do khiến họ lưỡng lự.

NHẢY VIỆC THỂ HIỆN SỰ THIẾU TRUNG THỰC VÀ MONG MANH.

Nhà tuyển dụng cần lòng trung thành của nhân viên. Họ muốn thuê những người sẽ trung thành với công ty và ở lại với họ trong suốt quãng đường dài. Đối với nhiều người, tuyển dụng dựa trên niềm tin: họ tin tưởng vào người mà họ thuê, một người hết mình cho công việc, hoàn thành nhiệm vụ và trách nhiệm được chỉ định trong công ty, họ không muốn lo sợ về việc nhân viên sẽ bỏ cuộc và bỏ đi bất cứ lúc nào.

Ngay cả khi người nhảy việc liên tục thề thốt rằng họ sẽ trung thành và gắn bó với công ty, thì quá khứ của họ là một chuỗi dài của sự khác biệt, chuỗi công việc ngắn hạn khác nhau của họ sẽ phản bội lại lời khẳng định chắc nịch đó.

Nhảy việc cũng chỉ ra rằng nhân viên đó không kiên định và thiếu quyết đoán, bởi vì họ không thể làm việc ở nơi nào đó trong một thời gian dài. Đối với nhà tuyển dụng, họ sẽ cảm thấy những người như vậy sẽ không thể hoàn thiện dự án, chứ đừng nói đến việc cam kết làm việc lâu dài trong công ty.

Nhảy việc quá thường xuyên khiến nhân viên dễ thấy chán nản, sau đó từ chức và cuốn gói ra đi. Các công ty không thực sự cần kiểu nhân viên này bởi vì họ muốn đầu tư để đào tạo bạn phù hợp với vị trí họ cần. Khi bạn rời đi, họ sẽ phải đào tạo người khác lại từ đầu

NHẢY VIỆC KHIẾN NGƯỜI TA HOÀI NGHI VỀ KĨ NĂNG VÀ TRÌNH ĐỘ CỦA BẠN

Có khi nào nhân viên sẽ chuyển việc làm thường xuyên chỉ bởi vì anh ta thấy công việc của mình quá khó khăn hoặc khắc nghiệt hay không? Dưới đây là kết luận được rút ra sau một vài quan sát.

Các nhà tuyển dụng muốn nhân viên trong công ty là người đáng tin cậy và có sáng kiến ​​để học hỏi và trau dồi kỹ năng, chứ không phải là người hay gặp khó khăn.

Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp một nhân viên nhảy việc liên tục và trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, mới đầu anh ta bắt đầu làm việc trong một năm trong ngành công nghệ thông tin, sau đó dành một năm khác trong một công ty xây dựng. Sau đó, anh ta bỏ việc và chuyển sang ngành khách sạn. Chưa đầy hai năm, anh ta lại chuyển sang một công ty bất động sản.

Điều này không chỉ cho thấy nhân viên thiếu cam kết, mà còn làm cho anh ta trở nên không đáng tin cậy trong mắt nhà tuyển dụng. Nếu một người nhúng chân vào quá nhiều vũng nước, chúng ta có thể nói rằng "một nghề thì sống, đống nghề thì chết” hay “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”.

NHẢY VIỆC LÀ MỘT CÁCH ĐẦU TƯ KHÔNG KHÔN NGOAN

Khi nhà tuyển dụng thuê ai đó, họ về cơ bản cần đầu tư vào kỹ năng, tài năng và trình độ của nhân viên. Đầu tư về bản chất là một quá trình lâu dài và nhà tuyển dụng sẽ cố gắng để kiếm lời nhiều nhất từ việc đầu tư. Nếu nhân viên mà họ thuê có thể sẽ từ chức trong vòng chưa đầy một năm thì họ sẽ nhận ra các nguồn lực họ bỏ vào việc tuyển dụng và đào tạo nhân viên trong suốt thời gian vài tháng đầu sẽ bị lãng phí. Quá trình tuyển dụng cũng  trở nên rất tẻ nhạt và có những yêu cầu cao, điều mà hầu hết các nhà tuyển dụng không muốn.

Người nhảy việc bị coi là người không tập trung hay mất phương hướng, và nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ cảm thấy rằng việc họ thuê hay giữ nhân viên đó chẳng để làm gì.

Ngoài ra, nếu nhân viên có thể dễ dàng chuyển việc trong một thời gian ngắn, dưới 1 năm, và họ đã từng làm vậy nhiều lần trước đó, khi đó họ sẽ phải hứa hẹn như thế nào để người ta tin họ sẽ không lặp lại điều đó sau khi được nhận vào công ty?

NHẢY VIỆC KHIẾN NHÀ TUYỂN DỤNG CÓ CẢM NHẬN RẰNG BẠN KHÔNG THỂ HỢP TÁC TỐT VỚI NGƯỜI KHÁC.

Chúng ta không thể đổ lỗi cho nhà quản lý và nhà tuyển dụng nếu họ có suy nghĩ như vậy khi họ phát hiện ra ứng viên đã nhảy việc liên tục trong quá khứ. Một trong những giả định phổ biến nhất đó là ứng viên không thể hợp tác với mọi người. Họ không thể làm việc nhóm, điều này khiến hiệu suất công việc bị giảm sút.

Trong phạm vi an toàn, người nhảy việc viện đến lí do chính đáng để bỏ việc như là cãi nhau với sếp, hay văn hóa doanh nghiệp cũ khiến họ trở nên kém hòa đồng. Tuy nhiên, cách suy luận này sẽ phản bội lại họ, đặc biệt khi họ đã trải qua quá nhiều công việc hay công ty.

Hãy nghĩ kĩ đi (vì nếu không nhà tuyển dụng sẽ nghĩ như vậy): bạn đã làm việc ít nhất 5 công ty trong 5 năm vừa qua. Trong mỗi lần nhảy việc, bạn đã trích dẫn mấy lí do trên rồi. Điểm giống nhau trong 5 tình huống đó là bạn. Do đó, kết luận hợp lý là việc bạn nhảy việc là do chính bản thân bạn chứ không phải do đồng nghiệp.

NHẢY VIỆC KHIẾN BẠN TRỞ NÊN THAM LAM.

Bạn vừa nhảy việc vì chỗ làm mới trả lương cao hơn. Mặc dù điều đó là không sai vì ai cũng muốn tìm nơi tốt hơn, nhưng nhảy nhiều quá sẽ khiến bạn trở nên tham lam, và hầu hết các nhà tuyển dụng sẽ thấy không thoải mái khi thuê một người quá tham lam.

NHẢY VIỆC KHIẾN BẠN TRỞ THÀNH NGƯỜI RẤT KHÓ HÀI LÒNG VỚI MỌI CHUYỆN.

Nếu bạn không phải là người lành nghề và được trọng dụng trong lĩnh vực hay ngành nghề của bạn, làm hài lòng bạn không phải là việc của nhà tuyển dụng. Được làm việc trong một tổ chức là một con dao hai lưỡi, nếu nhà tuyển dụng cảm thấy họ phải đáp ứng được các tiêu chuẩn cao và nghiêm ngặt bạn đưa ra, họ có thể ra quyết định sa thải bạn.

Một số người nhảy việc thường tự hào rằng kinh nghiệm của họ trong nhiều công ty đem lại cho họ nhiều kỹ năng và khiến họ trở thành cao thủ. Do đó, họ thương lượng mức lương phúc lợi cao. Họ thường đòi hỏi, và đây là lí do mà công ty từ chối họ (trừ khi công ty thực sự cần họ).

NHẢY VIỆC KHIẾN BẠN RẤT KHÓ THIẾT LẬP CÁC MỐI QUAN HỆ.

Điều này có mâu thuẫn không, ai cũng nghĩ nhảy việc sẽ giúp bạn mở rộng mối quan hệ đúng không? Không hẳn là vậy. Nhảy việc cho phép một người gặp được nhiều người mới và mở rộng mạng lưới của họ. Tuy nhiên, để thiết lập mối quan hệ lâu dài và bền vững thì không dễ dàng chút nào.

Nhảy việc có nghĩa là bạn sẽ qua cầu rút ván nhiều lần. Bạn sẽ có rất nhiều người quen, nhưng họ có thể không phải là người đủ tin cậy để đi cùng bạn.

NHẢY VIỆC KHIẾN BẠN TRỞ NÊN VÔ DỤNG.

Ví dụ, ban lãnh đạo đang nghĩ đến việc thu hẹp quy mô, và sa thải nhân viên. Khi họ phải cân nhắc xem nên giữ hay sa thải nhân viên nào, họ sẽ đưa những nhân viên hay nhảy việc lên đầu danh sách. Ngoài ra, mối quan hệ của ban lãnh đạo với những người hay nhảy việc không bền vững như mối quan hệ với những người sẽ gắn bó lâu dài.

Dĩ nhiên là, các nhà tuyển dụng và quản lí cần suy xét kĩ hoàn cảnh hoặc lý do đằng sau câu chuyện nhảy việc thường xuyên. Trong nhiều trường hợp, người lao động phải thay đổi công việc do bị cắt giảm sẽ mất nhiều thời gian lận đận hơn những người tình nguyện rút lui hay từ chức.

Nhảy việc không chỉ ảnh hưởng bên ngoài, hay ảnh hưởng đến cách mọi người nhìn nhận về bạn. Nhảy việc cũng sẽ ảnh hưởng đến bạn từ bên trong, ảnh hưởng đến năng suất làm việc của bạn khi cố gắng nâng cao sự nghiệp của bản thân.

NHẢY VIỆC LÀM SẼ CẢN TRỞ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA BẠN.

Hầu hết các công ty thích sự tuyển dụng hoặc thăng tiến trong nội bộ, và thông thường phải mất ít nhất 2 năm để nhân viên có thể thể hiện bản thân đủ tốt, tạo ra điểm sáng và thăng tiến trong tổ chức. Nếu cô ta không làm việc đủ lâu, thì không bao giờ thăng tiến được trong công ty, vì cô ta đã nhảy sang một công việc khác rồi.

Trong cùng một vị trí, nhân viên sẽ không có cơ hội để nhìn ra ảnh hưởng lâu dài của công việc mà họ đã làm.

Họ có thể đã khởi động một dự án, nhưng vì họ bỏ cuộc chỉ sau vài tháng, nên họ không thể nhìn thấy thành quả lao động của mình. Họ cũng không ở lại quá lâu để có thể hiểu rõ được văn hoá của công ty, điều mà hầu hết các nhà tuyển dụng rất coi trọng.

NHẢY VIỆC LÀM SẼ ẢNH HƯỞNG ĐẾN MỨC ĐỘ THỎA MÃN CỦA BẠN.

Nếu bạn có thói quen di chuyển từ công việc này sang công việc khác, luôn luôn tìm kiếm "điều tốt hơn hết", sẽ đến lúc bạn chẳng thể hài lòng với mọi thứ, hay không thể tìm được công việc khiến mình hài lòng. Sự thất vọng sẽ xảy ra thường xuyên, và rất nhiều.

NHẢY VIỆC LÀM GIẢM TINH THẦN CỦA NHÂN VIÊN.

Có nhiều trường hợp mà người nhảy việc có thể cảm thấy bị mất tinh thần. Một nhân viên làm việc trong hàng tá công ty trong vòng hai thập kỷ bởi vì anh ta muốn tìm công việc mơ ước của mình, cuối cùng anh ta nhận ra rằng đã quá muộn và công việc mơ ước đó không còn tồn tại nữa. Vào lúc mà hiện thực bị chìm xuống, anh ta bị mắc kẹt với công việc mà anh ta không thích và thậm chí là ghét. Con người luôn đứng núi này trông núi nọ.

Một lần nữa, thời thế đang thay đổi, và nhảy từ công việc sang công việc không hẳn 100% là tiêu cực. Tuy nhiên, cần nhiều thời gian hơn nữa để lối suy nghĩ này được chấp nhận hoàn toàn, vì các nhà tuyển dụng và nhà quản lý không hoàn toàn hài lòng với việc nhảy việc, thậm chí là ghét. Tuy nhiên, hãy cân nhắc về kế hoạch nhảy việc của bạn một cách chín chắn để đem lại lợi ích cho bạn.

Hãy lên lộ trình công việc chi tiết, và đảm bảo mỗi quyết định bạn đưa ra đã được suy nghĩ cẩn thận, các góc nhìn đã được khám phá và ưu nhược điểm đã được xem xét cụ thể.

Bằng cách đó, bạn có thể giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng của nhảy việc đến sự nghiệp của bạn và có thể nhận được một vài lợi ích từ việc đó.

Theo saga.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

873 lượt xem

lh-fulllh-x