Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Nỗi Sợ Mất Mát Và Bài Học Từ Thị Nở

Hãy nhớ rằng tiến hóa không quan tâm đến việc chúng ta có vui vẻ viên mãn hay không. Tiến hóa chỉ quan tâm đến việc chúng ta có tồn tại và duy trì nòi giống đầy đủ hay không. Muốn hạnh phúc, chúng ta phải đặt lại tên cho cuộc sống.

Tối hôm trước, tôi tình cờ hỏi đứa cháu họ: “Ông chồng ổn không?”. Nó òa lên, xổ ra một tràng, ức chế, phẫn uất: “Anh ấy chán lắm cô ạ. Lúc nào cũng cáu kỉnh. Về nhà chỉ gác chân lên ghế cắm đầu vào điện thoại, kể cả về nhà ngoại cũng thế. Chả trò chuyện với ai.

Với bố mẹ cháu cũng tỏ thái độ láo hỗn, kênh kiệu. Cháu muốn chia tay nhưng vẫn hi vọng anh ấy sẽ thay đổi”.

Tôi thương cháu tôi quá. Nó một nách ba con (chồng tính là một đứa), vừa làm việc ở công sở vừa buôn bán thêm trên mạng mới đủ chi tiêu. Ngày xưa, gia đình cản phá nó với một chàng người yêu không hợp tuổi, tôi điên lắm nhưng mẹ tôi gàn mãi mới nên không xắn tay nhảy vào bảo vệ. Giờ hối hận.

Rút kinh nghiệm, tôi bảo luôn: Không hạnh phúc thì phải hành động, đừng ngồi chờ. Chả ai thay đổi nếu không có động lực. Hãy cho anh ta thời hạn, sáu tháng một năm chẳng hạn. Khi nhận ra anh ta không thể thay đổi thì tự mình phải thay đổi. Trẻ con nhạy cảm với không khí gia đình lắm. Thương con thế bằng mười hại con.

Tôi không thể nhớ mình đã chứng kiến bao nhiêu hoàn cảnh tương tự. Câu trả lời thường gặp nhất là: “Bỏ rồi thì phí bao công sức gây dựng gia đình và bao tháng ngày tuổi trẻ đã trót đầu tư vào đó”.

Tại sao? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu một chút về nguyên nhân của hiện tượng này.

Bức tranh "Bóng hình bên cửa sổ" của Salvador Dalí.

 

Gốc của tiến hóa

Cũng như nhiều sinh vật khác, loài người rất sợ mất mát. Ngày xa xưa, khi cuộc sống còn giản đơn, việc mất nguồn thực phẩm cho một tháng có tác động lớn hơn nhiều so với niềm vui có thêm nguồn thực phẩm cho một tháng.

Mất ăn một tháng thì chết, còn có thêm đồ ăn một tháng chỉ vui thêm một chút mà thôi. Sợ bị chết hẳn nhiên có tác động mạnh mẽ hơn vui vì no.

Chúng ta có sáu cảm xúc cơ bản: sợ hãi, ghê tởm, giận dữ, buồn bã, ngạc nhiên và vui sướng. Nhưng vì lý do sinh tồn, bạn có thể nhận thấy bốn cảm xúc đầu khá tiêu cực. “Ngạc nhiên” đóng vai trò trung tính, chuyển tiếp sang trạng thái tích cực là “vui vẻ”.

Tại sao tiến hóa lại hướng chúng ta có tận bốn cảm xúc tiêu cực mà chỉ có một cảm giác tích cực? Đơn giản vì cảm giác tiêu cực giúp chúng ta sinh tồn hiệu quả hơn tích cực. Nếu chúng ta không biết sợ hãi, gặp hiểm nguy sẽ không biết đường chạy trốn.

Nếu không biết ghê tởm, chúng ta sẽ ăn thực phẩm độc hại hoặc lắng nghe những ý tưởng xấu xa mà không phản ứng. Nếu không biết buồn bã hay giận dữ, chúng ta sẽ không có động lực để bảo vệ bản thân và những người thương yêu. Tiến hóa không quan tâm đến chuyện chúng ta có sống hạnh phúc hay không. Tiến hóa chỉ quan tâm đến việc chúng ta có tồn tại hay không.

Một con chim trong tay bằng hai con chim trong bụi

Vì cảm xúc tiêu cực dễ nhớ và mạnh gấp nhiều lần cảm xúc tích cực, chúng ta cảm thấy vui một phần khi thắng 100 triệu, nhưng lại xót xa hàng trăm phần khi mất 100 triệu.

Nếu ai đó bảo chúng ta chơi trò oẳn tù tì, thắng được tiền, thua mất tiền, sẽ có khá nhiều người từ chối không chơi vì họ sợ mất mát hơn là thắng cược.

Với những kẻ máu mê đỏ đen, một nghiên cứu thần kinh học chỉ ra rằng khi họ ở điểm cận kề ăn cược, chỉ là “suýt thắng” chứ không thắng, phần não chi phối cảm xúc vui sướng của họ được kích hoạt, hệt như họ vừa thắng vậy.

Với những người không máu mê cờ bạc, điểm suýt thắng được tính là điểm thua và phần não tương đương không kích hoạt. Đây chính là sự khác biệt lớn nhất, giải thích tại sao con nghiện dù thua vẫn lao vào như thiêu thân vì họ coi điểm suýt thắng như điểm thắng, trong khi thực chất đó là điểm thua.

Hầu hết chúng ta không bị nghiện cờ bạc, nên điểm suýt thắng được coi là điểm thua và thua thì phải tránh, dù khả năng thắng có nhiều hơn 50%. Kinh tế học gọi đó là loss aversion: né tránh mất mát. Điều này khiến chúng ta dễ dàng mất đi khả năng nhìn nhận thực tại một cách khách quan và logic.

Trong marketing, loss aversion đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh chiến lược và ngôn ngữ giao tiếp với khách hàng. Người mua sẽ bị tác động khi họ bị mất đi cơ hội mua đồ giảm giá hơn là khi họ tiết kiệm được một khoản vì mua đồ giảm giá.

Một thí nghiệm khác trong giáo dục cũng không kém phần thú vị (nghiên cứu của Roland G. Fryer, Jr. của ĐH Harvard, Steven D. Levitt và John List của ĐH Chicago và Sally Sadoff của ĐH California San Diego). Giáo viên trong nghiên cứu này được chia làm hai nhóm.

Nhóm thứ nhất nhận lương cơ bản, tạm cho là 50 triệu đồng một năm, cuối năm có thể thêm tiền thưởng tối đa 10% căn cứ vào điểm thi của học sinh, tức là tổng cộng 55 triệu.

Nhóm thứ hai nhận tất cả số tiền đó (55 triệu đồng) ngay từ đầu năm. Cuối năm, căn cứ vào điểm thi của học sinh, họ có thể bị trừ tối đa là 5 triệu đồng. Cả hai trường hợp đều có một lượng chi phí hệt nhau, chỉ có cách đặt vấn đề là khác.

Nhóm thứ nhất được thưởng, nhóm thứ hai bị mất. Kết quả: giáo viên nhóm thứ hai lao động hiệu quả hơn, vì họ sợ bị mất số tiền mà họ coi như đã nắm chắc trong tay.

Đã trót đưa chân...

Quay lại câu chuyện của cháu họ tôi và nhiều người trong hoàn cảnh tương tự. Họ đang tuân thủ một quy luật rất đơn giản của tiến hóa: Né tránh mất mát.

Không chỉ trong các mối quan hệ tình cảm, các doanh nhân hay nhà quản lý đều chịu ảnh hưởng của loss aversion khi họ biết chắc một dự án chả đi đến đâu, nhưng vẫn không thể buông tay vì đã trót đầu tư vào đó rất nhiều của cải và sức lực.

Cũng tương tự, chúng ta biết khóa học này sẽ chả giúp gì, nhưng đã trót học vài năm nên đành học nốt; công việc này khiến chúng ta rã rời và bạc nhược, nhưng đã trót theo bao nhiêu năm nên đành theo đến cùng; cơ quan này như cái nhà tù, nhưng đã trót làm bao lâu rồi nên thôi đành tặc lưỡi...

Nếu suy nghĩ logic và khách quan, hẳn chúng ta đã dừng lại. Nhưng nỗi sợ mất mát khiến ta cảm thấy không nỡ, không muốn và không thể dừng lại nửa chừng.

Kết quả là chúng ta cố gắng đi hết một đoạn đường dài dù biết rằng cuối con đường là ngõ cụt, chỉ vì nếu không đi tiếp thì hóa ra bao nhiêu công đi nửa đoạn đường đầu hóa ra công cốc hay sao?

Trong mối quan hệ tình cảm, né tránh mất mát trở nên một nỗi ám ảnh khủng khiếp khi chuyện tình yêu vợ chồng được coi là những dự án mang tính cả đời, đầu tư lúc còn trẻ và thu hoạch lúc về già. Chính vì cách suy nghĩ này mà khi mối quan hệ không còn cơm lành canh ngọt ở lưng chừng, chúng ta bị nỗi sợ mất mát choán hết lý trí.

Kể cả khi quyết định sáng suốt nhất là chia tay, chúng ta cũng cảm thấy không đành lòng, một phần lớn là do cảm giác hẫng hụt, tiếc thời gian, xót công sức gây dựng vun vén. Chả nhẽ bao nhiêu cố gắng bấy năm qua trở thành con số không?

Đặt tên lại cho cuộc sống

Tôi thường lắng nghe các lời thề bồi yêu thương đến khi cái chết chia lìa đôi lứa với một sự mỉa mai ý nhị. Con người thật lãng mạn đến mức phi lý, bởi chúng ta chỉ có thể hi vọng vào một tình yêu vĩnh cửu, chứ không thể hứa hẹn một tình yêu vĩnh cửu.

Một tình yêu lâu bền thật đáng giá, vì nó tiết kiệm cho đời rất nhiều khổ đau và đổi thay không cần thiết. Nếu được chọn, đó hẳn là một lựa chọn tốt. Còn gì tuyệt hơn khi ta và người bạn đời tự nguyện yêu nhau đến đầu bạc răng long?

Tuy nhiên, con người không sinh ra chỉ để cố kiết có mối quan hệ duy nhất bất chấp hậu quả. Khi câu chuyện tình yêu không còn mặn mà, thậm chí đắng chát với nhân vật chính trở thành nạn nhân và kết cục được báo trước là buồn thảm, bạn muốn quẳng cuốn sách đó đi vì nó chả có ích gì.

Nhưng có thể bạn lại cho rằng đằng nào cũng đã đọc được nửa cuốn rồi, thôi cố đọc cho xong, chứ không lẽ bao thời gian đọc mấy chương đầu thành ra công dã tràng? Có bao giờ cuốn sách đó chính là cuộc đời bạn không?

Đã bao giờ bạn nghe ai đó thở dài não nề: “Thôi đằng nào cũng đã thành vợ thành chồng” hoặc tệ hơn, như bà cô của Thị Nở khi thấy cô gái xấu xí không đi tiếp con đường cô đơn của mình: “Đã nhịn được đến từng này rồi...”.

Tôi rất sợ câu một vài phụ nữ bảo nhau: Lấy chồng lãi mỗi đứa con. Nó mặc định cuộc hôn nhân là một con đường khổ ải, nhưng ai cũng phải cố đi nốt. Phần lãi chỉ ở cuối con đường: đứa con nương tựa lúc tuổi già.

Bây giờ hãy đảo ngược lại cách nghĩ. Thay vì cho rằng nếu bỏ cuộc giữa đường là uổng phí và mất mát phần đời đã đi, chúng ta hãy nói với bản thân rằng: nếu không buông tay bây giờ, hẳn ta sẽ mất bao cơ hội và phần thưởng mà một cuộc sống mới có thể mang lại.

Hãy tưởng tượng bạn có tự do làm những điều mình muốn, có sự tôn trọng của gia đình và xã hội, có yêu thương sẻ chia của người bạn đời?

Hãy nhớ lại giấc mơ thời thiếu nữ hay trẻ trai. Hãy tưởng tượng một ngày viên mãn đầy đủ của mình như thế nào từ lúc thức dậy đến khi lên giường. Ai đã đánh cắp giấc mơ ấy nếu không có sự tiếp tay của chính bạn?

Hẳn nhiên nếu buông tay, không ai có thể dám chắc dự án tiếp theo của cuộc đời bạn sẽ là phiên bản mà bạn mơ ước, nhưng ít nhất bạn có cơ hội thực hiện điều đó. Nếu không buông tay, cơ hội là zero và bạn sẽ đi tiếp quãng đời còn lại với một mong mỏi sai lầm, vì nó dựa vào nỗi sợ mất mát hơn là niềm hi vọng thành công.

Tình cảm lứa đôi có thể là một dự án dài hơi, nhưng cũng có thể là những dự án nối tiếp nhau. Thái độ của chúng ta với những dự án ấy quyết định nồng độ hạnh phúc của cuộc đời.

Dù xấu xí dở người, nhưng Thị Nở dạy thế hệ hiện đại chúng ta một bài học quý giá: Đừng nhịn khổ, mà hãy hưởng thụ.

Hãy nhớ rằng tiến hóa không quan tâm đến việc chúng ta có vui vẻ viên mãn hay không. Tiến hóa chỉ quan tâm đến việc chúng ta có tồn tại và duy trì nòi giống đầy đủ hay không. Muốn hạnh phúc, chúng ta phải đặt lại tên cho cuộc sống. Ấy là ai cũng chỉ có một cuộc đời, nhưng có nhiều cuộc sống. Hãy sống một cuộc sống KHÁC.

Đừng sợ mất quá khứ, hãy sợ mất tương lai.

 

Tác giả: NGUYỄN PHƯƠNG MAI (PGS.TS ĐH KHOA HỌC ỨNG DỤNG AMSTERDAM, HÀ LAN)

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,600 lượt xem