Phim "Lost In Translation" (2003) Mối Đồng Cảm Muộn Màng
Lost in translation đã có sự đối lập ngay từ tựa đề của nó, tại một thành phố xa lạ, nam và nữ chính đã tìm thấy được sự đồng điệu ở đối phương, điều mà họ đã không thể tìm thấy trong cuộc sống thường ngày ở quê nhà.
Bi kịch trong tình yêu là khi hai người mất khả năng đối thoại được với nhau, nhưng tàn nhẫn nhất vẫn là không thể chạm vào người đồng cảm với mình, người mà ta vô tình gặp ở nơi xa lạ, có thể lắng nghe, chia sẻ tâm sự mọi nỗi lòng, người mà đã đi chệch khỏi quỹ đạo thời gian của định mệnh. Người đó đã đến quá trễ, chỉ để đi lướt qua cuộc đời và để lại một mối tình chìm vào vô vọng nhưng không thể nào quên. Người mà ta có thể hoàn toàn tin tưởng rằng, bí mật cùng họ sẽ là quá khứ sống động hơn bao giờ hết.
Không có điều gì lý tưởng để tìm thấy nỗi cô đơn hơn một nơi nhộn nhịp đông người. Một Tokyo không ngủ với ánh đèn neon đủ màu, lại dễ dàng để cho nỗi buồn chán tuyệt vọng lẩn khuất giữa các căn phòng bí mật, những căn hộ áp mái hoặc các quán rượu ven đường. Len lỏi trong thành phố, có một ngôi sao điện ảnh hơn 50 đang lưu lại để đóng quảng cáo, đó là công việc của anh ta, và một cô gái chỉ mới 20 đang đi nghỉ cùng chồng.
Ở cái xứ sở diệu kỳ này, nơi tràn ngập những đối lập như Tokyo, Charlotte đang cảm thấy một sự hoảng loạn về cuộc đời cô. Cô ấy đang làm gì ở đây? Cô ấy có biết nhiều về chồng mình không? Trong khi đó, ở tuổi trung niên, lại là người nổi tiếng, Bob biết rất rõ cách để che giấu muộn phiền trong cuộc hôn nhân nhàm chán và cả sự nghiệp của mình. Chúng ta đều hiểu khá rõ là những tên tuổi hàng đầu khi đã sống quá lâu trong ánh hào quang sẽ khó mà từ bỏ danh vọng của họ, kể cả là đóng quảng cáo để kiếm tiền. Nhưng ở Bob vẫn có một ít rung cảm đáng thương, điều ý nghĩa duy nhất khiến anh vẫn là một ngôi sao lớn. Cuộc gặp vô tình giữa Bob và Charlotte là một sắp đặt của nỗi cô đơn, họ cùng nhau trò chuyện, uống rượu, đi dạo khám phá thành phố có vẻ đẹp bí ẩn của nền văn hóa khác, sự pha trộn lạ lùng giữa sắc màu rực rỡ và trầm mặc.
Cuộc phiêu lưu của họ đã có lúc rơi vào nguy hiểm, vì không có từ nào thích hợp hơn là ‘nguy hiểm’ để nói về tình cảnh đồng cảm của hai người đang có khả năng rơi vào ngoại tình, khi họ thú nhận những nỗi sợ hãi cá nhân, niềm hoang mang về cuộc sống phía trước, họ cũng không thể yên giấc như thành phố này. Trong không khí buồn bã được ngụy trang khéo léo của Tokyo, khi cả hai nằm trên giường, không ai chạm vào ai, đôi môi họ cũng không tìm đến nhau, cũng không có những thân mật vượt xa tình cảnh thường thấy, họ chỉ nghĩ về điều lớn hơn cả tình dục, đó là tình yêu. Sẽ thế nào nếu họ có con với nhau? Bob đã nhẹ nhàng hỏi Charlotte. Họ không đơn thuần là bạn bè, nhưng có phải là người yêu không? Hay chỉ là mối giao cảm thoáng chốc? Cũng có thể mối quan hệ này thật kỳ lạ như giữa một người đàn ông lớn tuổi với cô bé đáng tuổi con gái mình. Hài hước nhưng hơn cả là sự châm biếm cho số phận, ‘Chúng ta không nên quay lại đây. Bởi vì niềm vui này sẽ không thể có lại lần nữa’. Niềm vui ư? Cả hai đều cảm thấy có thể giấu mọi tâm sự của mình trong người kia một cách an toàn. Đó là niềm vui. Nhưng khoảnh khắc này không thể kéo dài, cảm giác say đắm ngất ngây này chỉ nên ở lại đây, trong một khách sạn kín đáo giữa lòng Tokyo. Một thoáng rất nhanh, khuôn mặt của Bob chợt hằn lên nỗi thất vọng gần như đến mức trầm cảm của một lão già bất lực. Nhưng Charlotte nói rất đúng, cô và Bob, họ có trách nhiệm phải giữ lại khoảnh khắc này là mãi mãi, là duy nhất.
Sofia Coppola là một trong số các đạo diễn nữ hiếm hoi của thế kỷ 20 – 21 tạo dựng được tiếng vang trong dòng phim nghệ thuật, với phong cách lột tả nội tâm đặc trưng bằng sự giải phóng không gian. Lost in Translation của Coppola sử dụng không gian ngoài trời để Bob và Charlotte tiếp cận cuộc sống nội tâm. Đây là cuộc giải phóng người phụ nữ của cô (Charlotte) ra khỏi không gian nhàm chán quen thuộc, thậm chí có một chút tiêu cực ở môi trường mà họ đang sống, để thoát khỏi cảm giác ngụy tạo vui vẻ bình thường. Trong phim, khi Bob đùa với Charlotte về kế hoạch trốn khỏi khách sạn, đó không chỉ là cuộc dạo chơi thông thường khám phá thành phố lạ, mà đó là cách để cả hai đối diện và trung thực với cảm giác của họ, đó là nỗi cô đơn, trống rỗng.
Tôi từng nghĩ rằng những bộ phim kể về mối tình ngang trái, nỗi rung động của hai người không được phép đến với nhau thật hấp dẫn, như In The Mood For Love, The Bridges of Madison County... Dù có cảnh làm tình hay không, chúng đều rất gợi cảm. Cách mà đạo diễn thủ thỉ vào tai người xem những lời mật ngọt gợi tình, nhưng sau đó bỏ rơi họ chứng kiến cảnh chia tay. Sofia Coppola cũng như vậy, cách mà cô đã làm với Lost in translation thật tàn nhẫn. Cô đã đặt Bob (Bill Murray) và Charlotte (Scarlett Johansson) vào mối quan hệ dịu dàng, và đồng thời, đầy bất an. Bob và Charlotte đã không thể đi đến một kết cục rõ ràng, nhưng ở khoảnh khắc gần kết thúc phim, khi Bob đuổi theo Charlotte để nói điều gì đó vào tai cô, chúng ta không thể biết. Lời hứa hẹn? Lời tỏ tình? Hay lời chào tạm biệt… Chúng ta có thể nghe thấy bất cứ một lời gì đó, và có thể, đó là điều mà Bob chắc chắn rằng ‘Chúng ta không thể quên được nhau’
Theo 35mm
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
765 lượt xem