Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Quan Điểm Sống] Luận Thủy Hử: Ngô Dụng - Quân Sư Đại Tài Hay Kẻ Bất Trí?

Trong tiểu thuyết kinh điển Thủy Hử của Thi Nại Am đã khắc họa 108 những tay hảo hán chọc trời khuấy nước, tụ tập vùng thủy bạc chống lại triều đình; “thịt thái miếng to, rượu đong bát lớn”. Lá cờ “thế thiên hành đạo” của quân Lương Sơn tung bay khắp các trận đánh lớn nhỏ khẳng định một sức mạnh vô địch: đánh Thanh Châu, Hoa Châu, Cao Đường châu, Đại Danh Phủ, Đông

Bình Phủ, Đông Xương Phủ…, diệt Chúc Gia Trang, san bằng Tăng Đầu Thị…


Sau này đại quân Lương Sơn quy thuận triều đình thì cũng chính thực lực này đã tảo Bắc (Đại Liêu), chinh Đông (Điền Hổ), bình Tây (Vương Khánh), đặc biệt dẹp yên cuộc khởi nghĩa Phương Lạp đang nuốt trọn Giang Nam của nhà Tống.

Nói lực lượng Lương Sơn Bạc trong “Thủy Hử” làm nghiêng lệch cả Trung Hoa cũng không sai biệt lắm. Một đội quân hùng mạnh như thế dễ hiểu được chỉ huy với những tướng lĩnh tài năng bậc nhất, và phải kể đến vị tổng quân sư Trí Đa Tinh Ngô Dụng.


Ngô Dụng được ca ngợi với rất nhiều mỹ từ như: Gia Lượng tiên sinh, Ngô Học Cứu, Trí Đa Tinh…vv. Nhưng nếu xét một cách chi tiết, tài năng của Ngô Dụng thế nào?

Ngô Dụng trổ tài lần đầu tiên là đạo diễn vụ 7 huynh đệ Tiều Cái cướp Sinh Thần Cang của Lương Trung Thư do Dương Chí áp tải. Ngô Dụng dùng kế tính toán đúng con đường Dương Chí đi qua là Hoàng Nê Cương, cùng đám người Tiều Cái cải trang thành thương nhân bán táo, lừa rượu thuốc mê, không mất một mũi tên giọt máu cướp được 10 ngàn lạng vàng. Mưu thì có hay nhưng đối thủ thì ngoài Dương Chí có sự cảnh tỉnh nhất định thì toàn một bọn vô dụng. Thực tế năm nào món “Sinh Thần Cang” này cũng bị cướp mất, thậm chí năm trước còn không tìm ra được thủ phạm.




Ngô Dụng tính được cướp hàng nhưng không tính được việc che giấu trọn vẹn (hậu quả chia tiền bằng đúng đồ cướp được cho Bạch Thắng quá lộ liễu, đến một kẻ vớ vẩn dưới trướng một huyện lệnh cũng điều tra ra). Tài năng này của Ngô Dụng sao ví được với Gia Cát Lượng luôn làm việc cẩn mật, chu toàn?

Đặc biệt không chỉ một lần, Ngô Dụng thường xuyên tính bước đầu, hụt hơi bước sau, một điều đại kỵ của người làm tham mưu. Ngô Dụng từng bày kế đi mời Ngọc Tý Tượng Kim Đại Kiện làm ấn giả, Thánh Thủ Thư Sinh Tiêu Nhượng viết thư giả mạo Sái Kinh đưa cho Đới Tung mang đến Đông Kinh, hòng cứu Tống Giang. Hậu quả: ấn, thư đều đúng như thật nhưng cách xưng hô trong thư quá bất hợp lý, kế hoạch bại lộ, Đới Tung bị giam vào ngục, chuẩn bị chém đầu cùng Tống Giang.

Ngoài ra, mỗi khi có một đội quân do viên mãnh tướng nào đánh Lương Sơn Bạc, Ngô Dụng ngoài việc sử dụng địa lợi vũng Liêu Nhi, thành Uyển Tử thì không còn kế sách gì hơn. Điệp khúc được lặp lại: cử người thân quen với viên tướng đó, bắt vợ con lên Lương Sơn, sau đó chiêu dụ (đáng kể như gặp liên hoàn mã của Hô Duyên Chước thì mời Từ Ninh dạy Câu Liêm Sang, dụ Từ Ninh thì sai Thời Thiên ăn cắp bảo giáp gia truyền, Thang Long lừa gia quyến Từ Gia; đánh Cao Đường Châu gặp Cao Liêm có trận pháp lợi hại thì chịu thua, lại cử Đới Tung với Lý Quỳ đi mời Công Tôn Thắng xuống núi. …). Đặc biệt để chiêu dụ được Tần Minh thì sai người đóng giả Tần Minh tàn sát dân lành để Tần Minh không còn đường về. Tần Minh bị nghi oan phản bội triều đình, vợ con bị chém đầu bêu thành. Tội này của Ngô Dụng và Tống Giang vừa bất trí vừa bất nhân…

Tất nhiên, với vị trí quân sư toàn quân, Ngô Dụng cũng có vài lần lập công nhưng đều không có gì đặc sắc. Với bất cứ kẻ thư sinh, nghiên cứu chiến lược nhiều năm đều có thể thực hiện thay Ngô Dụng. Đó là về tài năng quân sự, mưu kế, quyết sách, Ngô Dụng chỉ hơn được bọn võ biền như Lý Quỳ, Lưu Đường; còn về tầm nhìn chiến lược mới thực sự là thảm hoạ.

Ngô Dụng thuyết Nguyễn Thị tam hùng
Trước hết, nói đến chuyện Ngô Dụng ban đầu giao tình nhiều năm với Tiều Cái, hết lòng đi theo, sẵn sàng từ bỏ cuộc sống của thầy đồ nhập bọn làm đạo tặc, rõ ràng Ngô Dụng nuôi chí lớn. Đáng tiếc cái chí lớn này chỉ quanh đi quẩn lại trong mớ sách vở thánh hiền, Ngô Dụng cũng như Tống Giang muốn công danh trọng vọng hơn người hay nói đơn giản là muốn làm quan to cho nhà Tống. Đó là một tầm nhìn hạn hẹp và có chút hèn nhát, không có cái chí của bậc anh hùng gây dựng cơ đồ nghiêng trời lệch đất.

Tiều Cái vốn tính tình hào sảng, trượng nghĩa hào hiệp, coi thuộc hạ như huynh đệ, căm ghét chế độ đang đi đến cuối của triều Bắc Tống. Tiều Cái trước sau đều không muốn quy thuận triều đình, chiếm vũng thuỷ bạc, lập trại Thuỷ Hử, tích trữ quân lương, chiêu mộ hào kiệt…sẵn sàng cho một cuộc lật đổ quy mô lớn, hoặc ít nhất cũng làm vương một cõi Lương Sơn. Trái ngược với Tống Giang nguỵ quân tử, miệng rao giảng nhân nghĩa, thà chết không lên núi làm cướp nhưng khi rượu say ở bến Tầm Dương lại làm thơ “Khinh cả Hoàng Sào chửa trượng phu”. Trong thân tâm Tống Giang muốn làm Hoàng Sào, muốn thay đổi triều đại lưu danh sử sách nhưng cuối cùng tính cách hèn nhát, thà chịu làm một kẻ ngu trung.




Ngô Dụng và Tống Giang


Quan điểm này của Tống Giang tựu chung thành một mối với Ngô Dụng, với trọng trách quân sư không khó để Ngô Dụng xa lánh Tiều Cái, ủng hộ và nâng cao thanh danh của Tống Giang ở Lương Sơn. Tại mọi trận đánh, Ngô Dụng đều tìm cách đi theo trợ giúp Tống Giang (kể cả có trận không đi cũng tự mò đi theo sau). Đến khi Tiều Cái muốn đánh Tăng Đầu Thị, nào thấy mặt mũi Ngô Dụng đâu? Thật nực cười, Tống Giang đánh trận nào quân sư đi theo kè kè, đến khi thủ lĩnh lớn nhất xuất trận lại không có quân sư. Tiều Cái thừa biết Ngô Dụng chọn Tống Giang nên cũng mắt nhắm mắt mở không gọi Ngô Dụng theo, thậm chí đến khi điểm tướng đi theo cũng toàn bọn tướng cũ đi theo Tiều Cái lâu năm như Lâm Xung, Lưu Đường, Nguyễn Thị tam hùng…hoặc những tướng KHÔNG phải do Tống Giang mời lên Lương Sơn.

Ngô Dụng đã phản bội Tiều Cái cùng Tống Giang gián tiếp ép Tiều Cái đến cái chết, hòng duy trì quan điểm ngu trung của mình. Việc lý giải huynh đệ Lương Sơn không thể làm cướp không có tiền đồ thực chất chỉ là sự ngụy biện.
Thực tế lịch sử ngay trước triều Tống đã chỉ ra việc làm cướp không phải không có tiền đồ. Cuối thời Tùy, xã hội thối nát, hào kiệt các nơi tụ tập chư hầu làm phản, kẻ thế lực yếu thì lên núi làm cướp chờ cơ hội tranh thiên hạ. Bọn tướng lĩnh khai quốc công thần của Lý Đường phải kể đến Tần Thúc Bảo, La Thành, Trình Giảo Kim, Từ Mậu Công, Ngụy Trưng…vv đều xuất thân ban đầu là đám đạo tặc trên núi Ngõa Cương; đến sau này gặp chủ tung hoành thiên hạ, công ghi sử sách chói lọi.

Ngô Dụng và Hoa Vinh thắt cổ tự tử trước mộ Tống Giang.


Ngô Dụng không dám làm một Từ Mậu Công, càng không dám đi tìm Lý Thế Dân. Cuối cùng y thắt cổ tự tử trước mộ Tống Giang cũng thể hiện một sự thất bại toàn diện về nhận thức, chiến lược.


Ngô Dụng mang danh hiệu Trí Đa Tinh nhưng trí tuệ, tài năng, tầm nhìn đều vô cùng có hạn.


---------------

[ Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu AUTHORITY ]


Tác giả: Lang Ca
Xem thêm các bài viết khác của tác giả tại: langcablog.wordpress.com


Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Gỉa Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,051 lượt xem