Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public7 năm trước

Review Phim “A Man And A Woman” (2016) - Dư Vị Sau Một Cuộc Ngoại Tình

A Man And A Woman (2016) - A Man And A Woman kể về cuộc ngoại tình của hai người Hàn Quốc thành đạt đã có gia đình tại Phần Lan.
 
----------------------------------------
 

Với chủ đề chính về khủng hoảng hôn nhân, A Man And A Woman của Lee Yoon Ki là một góc nhìn trực diện về vấn đề ngoại tình và những tổn thương của người trong cuộc.

Vẫn tiếp tục là câu hỏi: Ranh giới sai – đúng nào trong một cuộc ngoại tình? Nhưng thay vì chọn một bức tranh trước và sau khi ngoại tình như bộ phim Unfaithful (2002) của Adrian Lyne, A Man And A Woman lại là một góc tham chiếu khác, là tâm sự và cảm xúc của chính người trong cuộc, giữa một người đàn ông và một người phụ nữ. Cuộc tình mà họ đang dấn thân có phải chỉ là cảm xúc nhất thời, là say đắm vội vàng? Và những gì mà họ để lại cho người chồng, hoặc vợ của mình là những tổn thương nào? Và họ có thể tiếp tục mạo hiểm hay không? Có hàng loạt câu hỏi xung quanh về những cuộc ngoại tình, và Lee Yoon Ki sẽ giải đáp những gì trong bộ phim này?

Sang Min (Joen Do-yeon) và Kim Ki Hong (Gong Yoo) có những điểm chung để họ nhanh chóng phải lòng nhau, là phụ huynh Hàn Quốc hiếm hoi có con đang theo học chương trình giáo dục đặc biệt tại Phần Lan, và là những người cô đơn trong chính cuộc hôn nhân của mình. Trong một buổi giã ngoại của nhà trường, Sang Min và Ki Hong đã vô tình gặp nhau, và cũng không khó đoán cho chuyện tình một đêm trên con đường dẫn đến chỗ cắm trại, một nơi nằm đơn độc giữa núi tuyết lạnh lẽo và có những căn nhà gỗ lẻ loi, địa điểm lý tưởng để dành cho những cảm thức ngầm, cô đơn và nhạy cảm đến gần với nhau. Cho đến khi đó, cả hai vẫn chưa biết tên của đối phương. Khi đặt cho một đôi tình nhân vào hoàn cảnh họ không biết tên nhau, là “cô ấy”, là “anh ấy”, là bất kỳ ai trong chúng ta, là người trong cuộc của bất cứ cuộc ngoại tình nào, đã từng.

A Man and A Woman được kể lại bằng những thước phim chậm rãi và dịu dàng, sự từ tốn cần thiết trong từng biểu cảm của hai nhân vật chính, đặc biệt là Ki Hong đã cho người xem đồng cảm được nỗi lòng của hai người đang trốn chạy với thực tại. Là một kiến trúc sư không mưu cầu danh lợi, cùng với một trái tim nghệ sĩ nhạy cảm, anh chỉ cần có một người để tâm sự, và rất tiếc khi vợ anh lại không phải là người có thể nói chuyện được. Và Ki Hong đã rơi vào hố sâu của sự lặng im, trên mảnh đất Phần Lan giá băng, anh đã tự thu mình vào một thế giới không cần biết đến ngày mai.

Cho đến khi anh gặp Sang Min, một nhà thiết kế thời trang, người phụ nữ bí ẩn thường đưa đón con một mình. Cuộc đối thoại giữa cả hai đã cho Ki Hong nhìn thấy được mình đang tồn tại, thế giới ngưng đọng, dường chỉ chỉ còn có cô, tình yêu và niềm đam mê nhục dục. Sự say mê của anh, như Adam đã ngủ quên trong vườn địa đàng quá lâu và cho đến khi tìm được Eva của mình, những nhớ mong, quấn quít, những lần làm tình vội vàng cuồng nhiệt, tình yêu chồng lên tội lỗi và sự xấu hổ của anh. Mọi thứ diễn ra như một định mệnh, là niềm khao khát rất bản năng. Ki Hong đã dò xét trong tham vọng của mình, anh cũng đã không ít lần đắn đo và suy tư, nhưng anh vẫn chọn cách vực dậy niềm đam mê của mình, và trên hết là cảm xúc với người phụ nữ mà anh kỳ lạ này, và anh là người đến trước, chờ cô và mời cô bước vào cuộc phiêu lưu nguy hiểm này.

Thế giới này đã hoàn thành khi đàn bà xuất hiện, có lẽ đó là thông điệp của đạo diễn trong bộ phim này. Người xem nhìn thấy sắc thái hạnh phúc, mãn nguyện, mong chờ, lo lắng cho đến bình tĩnh của Sang Min. Trong phim, cô là một thực thể hai lần bất an: một lần trong cuộc sống hôn nhân của chính mình, nơi có người chồng bận rộn và thờ ơ với cô, nơi cô là một người phụ nữ hoàn hảo; và lần nữa là trong mối quan hệ bí mật với Ki Hong, cô ngây thơ và cảm thấy mình được trẻ lại lần nữa. Từng sắc thái trên gương mặt của Sang Min đã cho thấy một chi tiết bất hợp lý của thế gian, đó là sự nguy hiểm của đàn bà.

Khi người phụ nữ xuất hiện cảm xúc, có thể họ sẽ là mối nguy của gia đình hiện tại, và có thể sẽ mang lại niềm hưng phấn cho những người xung quanh. Sang Min, cũng như những người phụ nữ khác, khi đã chấp nhận sống bằng tình yêu và bản năng thì cũng là lúc điểm yếu của họ dần rõ nét hơn. Trong tình yêu, bản chất đích thực của đàn bà hoàn toàn khác với đàn ông. Bằng cách nhấn mạnh vào biểu đạt của nhân vật, đạo diễn Lee Yoon Ki đã cho người xem biết tâm trạng của hai người khi yêu là như thế nào, mà cụ thể là khi họ đang ngoại tình. Khi Ki Hong nhìn cô, chẳng cần làm gì, thì ánh mắt đó đã là sự đụng chạm thể xác nhẹ nhàng. Đắm đuối, và cô thực sự đã “tắm” trong ánh nhìn đó của người tình, và cô cảm thấy mình được nâng niu và bảo vệ, một cảm giác mà cô không thể tìm thấy ở người chồng của mình.

Khi Sang Min và Ki Hong bước vào cuộc tình có sự thăng hoa cả về thể xác lẫn tâm hồn, thì nỗi khổ của hai nhân vật trong cuộc càng tăng lên. Đạo diễn rất chú trọng vào những khung hình lột tả nỗi cô đơn của nhân vật chính, đặc biệt là ở các hướng đứng nhìn ra cửa sổ. Phía bên trong, Sang Min hoặc Ki Hong như đang bị cầm tù bởi chính tình yêu và nỗi sợ của mình, trong khi phía bên ngoài cửa sổ, cuộc sống vẫn tiếp tục chuyển động, hai đứa con của họ vẫn đến trường, và cuộc sống hôn nhân vẫn lạnh lẽo và cô đặc. Ở thời khắc quyết định phần còn lại của cuộc tình, lại như một khoảnh khắc tầm thường vỡ mộng. Và đó cũng là điểm khiến cho người xem day dứt về một cuộc tình ngoài lề nhiều dang dở, đầy tiếc nuối nhưng cũng là một kết thúc ấn tượng.

Mười phút cuối phim là lúc bộ phim rơi vào những trường đoạn hay nhất, đẹp đẽ và đầy xúc động, thân phận và nỗi niềm của người phụ nữ, tiếng nấc nghẹn trong nước mắt của Sang Min là một trong những màn diễn xuất tuyệt vời của Jeon Do Yeon.Hạnh phúc không phải là sự kéo dài vô tận của những say mê thể xác, cũng không phải là sự ngây ngất trong tâm hồn. Những cuộc tình ngoài luồng diễn ra là vì ai đó đã nghĩ điều đó là đúng. Và họ còn cho rằng mình đã chọn sai bạn đời, người vợ hay người chồng chân chính đã bị bỏ quên. Cú điện thoại của chồng Sang Min ở cuối phim là điều khiến cô thức tỉnh, và lúc này, giọt nước mắt của cô rơi cũng không hẳn vì hối hận, mà là vì gia đình của cô.

Người ta thường khóc vì gia đình sau khi nhận ra mình đã bỏ rơi họ quá lâu, để chạy theo một cảm xúc phù phiếm khác. Và với người phụ nữ, cảm xúc đó còn thiêu đốt họ gấp ngàn lần.

Theo 35mm

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

6,544 lượt xem

lh-fulllh-x