Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Review Phim "A Taxi Driver": Chuyến Hành Trình Của Những Trái Tim Yêu Tự Do

"A Taxi Driver", một bộ phim nói về đề tài chính trị khô khan nhưng lại hấp dẫn vô số khán giả Hàn Quốc khi liên tiếp nhiều tuần liền đạt được doanh thu cao nhất phòng vé tại nước này. Bộ phim là minh chứng cho một câu chuyện không dễ để cảm nhận nhưng vẫn có được sự thành công nếu nhà làm phim thực hiện bằng tất cả trái tim và tình yêu với nhân vật của mình.

Nội dung A Taxi Driver dựa trên một số tư liệu có thật từ nhà báo Đức Jürgen Hinzpeter về cuộc đàn áp sinh viên và người dân đòi hỏi dân chủ hoá trong vụ thảm sát đẫm máu ở Gwangju vào năm 1980. Chuyện phim xoay quanh hành trình đến thành phố Gwang Ju của nhà báo Peter (Thomas Kretschmann) dưới sự trợ giúp của tài xế taxi Seoul tên Man-seob hay còn gọi là Kim (Song Kang-ho). Chuyến đi mang đến vô vàn khó khăn lẫn thử thách đối với hai người đàn ông vốn xa lạ, không cùng chung mục đích và lý tưởng. Họ phải đối mặt với nhiều sự lựa chọn mà có thể khiến họ mất cả tính mạng của mình.

A Taxi Driver lấy bối cảnh những năm 1980, một trong những cột mốc đen tối nhất của lịch sử chính trường Hàn Quốc. Cả đất nước rơi vào tình trạng bất ổn sau khi tổng thống Park Chung-hee bị ám sát. Nhà cầm quyền lúc bấy giờ là tướng Chun Doo-hwan ban bố quân lệnh kiểm soát người dân, cả nước nằm dưới chế độ độc tài của quân đội. Chính vì lẽ đó, phong trào dân chủ hóa của sinh viên Hàn Quốc lại một lần nữa được thổi bùng trở lại, tiêu biểu là tại thành phố Gwang Ju. Để ngăn sức lan toản của phong trào và bưng bít sự thật về cuộc đàn áp đang diễn ra tại Gwang Ju, quân đội ra lệnh phỏng tỏa thành phố, chặn mọi lối ra vào. May mắn thay, nhà báo Peter cùng anh lái xe họ Kim đã lọt vào được và đưa tin tức về sự kiện này tới thế giới.

Khác với những tác phẩm nhằm mục đích khơi dậy lòng yêu nước được ra mắt trong thời gian gần đây của điện ảnh xứ kim chi. A Taxi Driver mang đến một màu sắc hoàn toàn khác, vẫn là sự u ám cần có của một tác phẩm có phần bi thương về đấu tranh dân chủ, nhưng phim không hề gò ép người xem phải yêu nước một cách cực đoan. Bộ phim chỉ đơn giản là kể một câu chuyện theo dòng diễn biến tâm lý của hai người đàn ông khi họ chứng kiến cảnh thảm sát tại Gwang Ju, từ đó khơi gợi lên sự đồng cảm từ người xem. Khi hòa mình vào dòng cảm xúc của hai nhân vật, chúng ta dường như thấu hiểu và cảm nhận được sâu sắc nỗi đau cùng sự bất lực của con người nơi đây.

Có một điều tuyệt vời mà A Taxi Driver đem đến là những câu chuyện ẩn sau mỗi nhân vật. Từng người trong tác phẩm được hiện lên với một câu chuyện riêng nhưng họ đều hòa chung một mục đích cuối cùng là cùng nhau đấu tranh vì một lý tưởng cao đẹp là sự tự do dân chủ. A Taxi Driver không hề gò ép người xem trong tình huống buộc họ phải rơi nước mắt, buộc họ phải sôi sục lòng tự tôn dân tộc, mà tất cả chỉ là cảm xúc, sự đồng cảm mà thôi.

Anh lái xe Man-seob do Song Kang-ho đóng đã đem lại ấn tượng lớn không chỉ về mặt diễn xuất. Một người tái xế với tính cách vui vẻ, hài hước, luôn lạc quan và yêu đời mặc cho cuộc sống túng thiếu khó khăn gà trống nuôi con. Tình yêu của một người cha hiện lên thật đẹp đẽ nơi anh. Có thể sẽ không ít người cho rằng nhân vật này quá ích kỷ khi không ít lần bỏ rơi người bạn đồng hành trong những lúc hiểm nghèo nhất. Nhưng trên hết, với trái tim của một người cha, anh biết rằng mình phải sống để quay trở về vì con gái nhỏ bé của anh đang chờ.

Về phần nhà báo Peter, từ một người vốn coi công việc phóng viên vốn chỉ để kiếm tiền, anh đã cùng với người dân Gwang Ju tham gia vào cuộc đấu tranh. Anh giữ vững chiếc máy quay trong mọi hoàn cảnh, dấn thân vào làn đạn hiểm nguy để ghi lại từng thước phim chân thực nhất. Hai người đàn ông, hai màu da, hai ngôn ngữ khác biệt, đều đến Gwang Ju vì động cơ ban đầu là để kiếm tiền. Nhưng khi cả hai cùng ăn cùng ngủ, cùng trò chuyện và chứng kiến bao nỗi đau của người dân Gwang Ju, họ mới thấm đượm được tinh thần đấu tranh và lý tưởng mà mọi người đang cùng nhau thực hiện. Và cuối cùng, họ chính là những con người đã từ bỏ sự an toàn để lao vào hiểm nguy cùng người dân.

Những nhân vật phụ khác như các sinh viên đại học, nhóm các bác tài taxi thành phố Gwang Ju, hay những người công nhân đều được biên kịch khéo léo xây dựng, lồng ghép vào bộ phim. Họ đều nhập vai duyên dáng tựa như một thứ gia vị ngọt ngào khiến câu chuyện sâu sắc hơn.

Về mặt hình ảnh, tác phẩm đã làm rất tốt trong việc tái hiện lại khung cảnh của đất nước Đại Hàn vào những năm 1980. Phim được dựng chỉn chu với từng chi tiết nhỏ đều gợi sự liên tưởng tới quá khứ. Những pha quay chậm, từng góc máy đặc tả cảnh hoang tàn của thành phố với những đôi dép vương vãi, xác người chất đống... khơi gợi rất tốt cảm xúc cho người xem.

A Taxi Driver tựa như một làn gió mát lành cho những tác phẩm chính trị vốn mang tính cực đoan của điện ảnh Hàn Quốc trong thời gian gần đây. Bộ phim còn cho thấy một khía cạnh rất thú vị của điện ảnh Hàn Quốc đặc biệt là gu thưởng thức tinh tế của khán giả đại chúng, họ không phải là những người chỉ thích cái đẹp hay những bộ phim tình cảm sướt mướt mà với một bộ phim về đề tài chính trị khô khan, không diễn viên thần tượng, không tình cảm diễm lệ nhưng vẫn đủ sức thu hút hàng triệu người đến rạp thưởng thức.

Cuốn phim khéo léo nhắc nhở chúng ta về các giá trị đẹp mà những người đấu tranh cho tự do, dân chủ ở khắp nơi luôn theo đuổi. 

Theo muzuco.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

14,262 lượt xem