Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Review Phim “Enter The Void” (2010) Cuộc Xâm Chiếm Của Ảo Giác

Enter The Void giống như một sự khiêu khích của Gaspar Noe hướng đến giới làm phim khuôn phép, ở tác phẩm này, từng dãy ánh sáng nhấp nháy, bạo lực, và tình dục tiếp tục là chất liệu điện ảnh quen thuộc cuả ông. Nhưng mặt khác, Noe đã lồng vào trong đó một luồng sinh khí mới của dục tính, ẩn chứa trong đó là kiếp luân hồi, tôn giáo và vũ trụ.

Không phải người xem nào cũng dễ dàng chấp nhận các quy tắc riêng của Gaspar Noe, bời những va chạm trong từng cú máy. Có cảm giác như các bộ phim của vị đạo diễn này đang thể hiện một nỗi mất mát, sự trống rỗng từ vườn địa đàng và những mộng tưởng của con người, có liên đới tới sự bế tắc của cuộc sống hiện tại. Với Enter the void, đây là hành trình xuyên không vào ảo giác của một thanh niên người Mỹ tên Oscar, anh cùng với cô em gái Linda đang sống trong một căn hộ chật hẹp của Tokyo. Thành tựu đáng ngạc nhiên nhất Noe trong Enter The Void chính là làm chủ máy quay để biểu đạt góc nhìn của ông về Tokyo. Tại sao lại là Tokyo? Mỗi đô thị đều có cái không khí tính dục riêng biệt của nó, nhưng ở Nhật, Tokyo, cái “không khí” đó dường như lại thấm vào từng bức vách trong căn nhà, trong từng cánh cửa, mùi tinh dịch bốc hơi từ các biển hiệu đèn neon của khách sạn. Gaspar đã chọn cái thành phố đấy để bắt đầu cho hành trình hoang lạc của mình. Trong phim không ai nhìn thấy thành phố này vào ban ngày, chỉ có ánh sáng lập lòe của ánh đèn neon vào ban đêm. Huyền ảo, mê hoặc, đôi khi không phải là hiện thực. Các cú máy của Noe liên tục xoay, lật ngược như cách mà người ta nghuệch ngoạc vẽ hình xoắn ốc hình vạn hoa xuất hiện mù mờ trong ảo giác của Oscar khi anh chao đảo vì phê thuốc.

Cái chết của Oscar trong căn phòng vệ sinh bẩn thỉu của một quán bar mở đầu cho một loạt hồi tưởng mang màu sắc cô độc. Bố mẹ của Oscar và Linda bị mất trong một tai nạn thảm khốc trong sự chứng kiến của cả hai anh em. Nỗi lo sợ đó đã gắn kết hai anh em lại với nhau và tạo ra mối quan hệ có phần khó hiểu, và rất có thể, nhiều người xem sẽ nghĩ đến điều gì đó loạn luân. Điều này đã hình thành nên trung tâm của câu chuyện. Gaspar đã mời người xem quay lại cảnh nguyên sơ từ thời thơ ấu của Oscar, những khoảnh khắc vui vẻ của gia đình, và cả nỗi khát khao giới tính qua lăng kính của một cậu nhóc vô tình nhìn thấy người lớn làm tình. Ở bên cạnh Linda chưa bao lâu thì hai người nhanh chóng phải rời xa vì cô bé được gia đình khác nhận nuôi. Lớn lên, Oscar chuyển đến Tokyo và chấp nhận bán thuốc phiện để có tiền bảo lãnh Linda. Câu chuyện tiếp theo được diễn ra xoay quanh những xung đột trong cuộc sống của Linda, giữa cô và ông chủ quán bar Mario, gã đàn ông nhút nhát Victor – người gián tiếp dẫn đến cái chết của Oscar, và Alex – người bạn thân của Oscar.

Tuy nhiên, Gaspar Noe chỉ xuất sắc trong phần dẫn nhập ban đầu, nửa sau phần còn lại bộ phim ngập tràn những cảnh làm tình, các cảnh hardcore chiếm thời lượng lớn khiến cho người xem có cảm giác rơi vào bế tắc và khó chịu. Khác với Lar Von Trier, cách xử lý phân cảnh tình dục của ông trong các bộ phim luôn nhằm để giải thích cho phân cảnh trước đó hoặc sắp sửa diễn ra. Như Breaking the Wave(1996), kể về một người đàn ông bất lực sau một tai nạn nghề nghiệp, anh ta thúc ép người vợ phải quan hệ với nhiều người đàn ông khác để có thể duy trì sức sống tinh thần cho người vợ, và cũng là để cho cả hai… Những cảnh quay thiếu chi tiết, một luồng không khí nhớp nhúa, cô đặc, buồn bã bằng phương pháp dùng máy quay cầm tay của ông tạo ra một bộ phim cảm động về tình yêu, bất chấp sự chỉ trích của phần đông khán giả. Máy quay cầm tay, theo Lar Von Trier, chính là để giải phóng từng thước phim, khiến cho người xem có cảm nhận khác biệt về độ hiện thực như thể chính họ mới là người đứng sau máy quay.

Còn trong Enter The Void, máy quay đóng vai trò quan trọng một phần bởi vì đó là “con mắt” của Oscar, đôi lúc tâm trí chao đảo ngả nghiêng như cánh chim, đôi lúc u ám như một bóng ma. Vai trò của anh là dẫn người xem thám thính vào một thế giới mất mát, một dụ ngôn về sự sống – cái chết – thoát thai. Bộ phim được chia ra làm hai giai đoạn chính, trước và sau khi Oscar bị bắn. Khởi đầu, anh ta đi loanh quanh, dùng một loại thuốc cấm DMT gây ảo giác trong khoảng 6 phút, nhưng khoảnh khắc dường như là vô tận. Đây là loại thuốc mà theo Oscar, sẽ giải phóng bộ não của con người khi họ chết. Có thể hiểu rằng, Gaspar đang muốn làm một bộ phim về những ảo giác được tạo ra bởi một kịch bản không liền mạch và những hình ảnh màu sắc khoa học viễn tưởng. Đoạn đối thoại giữa Oscar và người bạn Alex về cuốn sách Tây Tạng và sự đầu thai chính là thông điệp ngắn gọn mà Gaspar muốn thể hiện. Khi ai đó chết đi, họ chỉ trở nên vô hình với xung quanh chứ không thực sự biến mất, họ nhìn thấy bất cứ điều gì xảy ra xung quanh những người thân, nó giống như một lớp gương ma thuật cho phép người đó di chuyển từ nơi này qua nơi khác (như cú máy của Gaspar Noe trong phim). Họ lắng nghe mọi thứ và không muốn lấy đi tất cả, nên cách duy nhất là họ phải đầu thai. Gaspar đã tóm gọn ý nghĩ trên bằng lời nói của Oscar, và sau đó được diễn giải bằng những thước phim cắt ghép về cuộc sống của Linda. Những chấn động của Enter The Void nửa phần đầu đã được Gaspar xử lý rất sắc nét và tinh tế, ông đã cố gắng mở ra từng tầng tri giác trong những cơn mê sảng của Oscar. Trong phần sau của phim, tâm trí của Oscar đã tách rời với thể xác để dõi theo bước chân của cô em gái. Gaspar Noe đã tập trung vào các lỗ xoáy tròn để chuyển cảnh có chủ đích. Cú máy đưa lên cao, đi xuyên qua các bức tường, lướt qua các mái nhà của Tokyo, người xem sẽ nhìn thấy những khối vuông chật hẹp nằm san sát nhau và con người ta đang sống như thế nào trong đó, ủ rũ và mệt mỏi như thế nào trong các tụ điểm múa khỏa thân, trong khách sạn mang tên Love… Do đó, nếu không có những phân cảnh đầu, Enter The Void rất dễ sẽ chuyển sang thành một phim porn rẻ tiền.

Oscar là người dẫn chuyện trong Enter The Void, với những gì người xem nhìn thấy trong phim đều chính là góc nhìn của anh ta, hay chính xác hơn là của Gaspar Noe, phần nào đó khiêu khích và cực đoan ở khía cạnh tình dục. Nhưng đồng thời, nó lại thể hiện một sự thái quá trong những chủ đề của ông, bạo lực, hiếp dâm, loạn luân,… Điều này rất có thể sẽ gây sốc khán giả, đúng như ông muốn, nhưng cũng có thể gây ra nhàm chán với những ai không tìm thấy được băn khoăn của họ trong từng cảnh phim.

Bộ phim ra đời sau Irreversible 8 năm, một tác phẩm tuyên ngôn cho phong cách làm phim của Gaspar Noe, một bộ phim gây choáng váng với hầu hết người xem với cảnh hiếp dâm tàn nhẫn, bạo lực đẫm máu. Dù vậy, Gaspar Noe đã mạnh dạn thứ sức ở một chủ đề mới trong Enter The Void, một hành trình xâm nhập của ảo giác được tiếp sức bởi thuốc phiện và dày đặc cảnh làm tình. Cuộc thể nghiệm này là lý do xuất hiện của Love (2015). Nhưng đáng tiếc, cả hai bộ phim trên lại không đủ sức tôn vinh tên tuổi của ông sau Irreversible. Có lẽ, Gaspar Noe vẫn đang loay hoay với “cú sốc” cũ, nên các tác phẩm sau này ít nhiều đều có sự trật nhịp trong cách đặt vấn đề và dẫn chuyện.

Cuối cùng, với những gì mà Gapsar đã làm trong các tác phẩm của mình, có lẽ chỉ có mỗi Cannes mới chấp nhận trình chiếu các bộ phim của ông bởi sự táo bạo quyết liệt, được xem là một thể nghiệm mới lạ, những cảnh tình dục xuất hiện với tần suất không kiểm soát được, cùng chủ đề siêu thực và mời gọi trí tò mò của người xem.

TỔNG KẾT - Enter The Void là cuộc thoát thai có ý tưởng tốt với cú máy cầm tay, nhưng có phần khiên cưỡng bởi liều lượng xuất hiện dày đặc các phân cảnh tình dục.

Theo 35mm.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,728 lượt xem