Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Review Phim “House Of Cards” - Xem Người Mỹ Làm Phim Về Chính Phủ Của Họ

*Dưới đây là các luận điểm rút ra từ bộ phim không hoàn toàn là quan điểm của tác giả

Giới thiệu

House of cards là một series phim về chính trị được sản xuất bởi BBC vào năm 1990 chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Michael Dobbs. Cho tới năm 2012 bộ phim được sản xuất lại tại Mỹ và được công chiếu dưới dạng series phim truyền hình trực tuyến trên trang Netflix.com. Trong bài viết này mình sẽ giới thiệu chủ yếu season 1 của phim.

*Michael Dobbs (sinh năm 1948) là một chính trị gia Bảo thủ người Anh. House of Cards được ra mắt năm 1989 với cốt truyện xoay quanh nhân vật chính là Francis Urquhart, một chính trị gia Bảo thủ và Roi trưởng trong chính phủ Anh (Chief whip).

Trong phiên bản phim của Mỹ này nhân vật chính là Francis Underwood: một chính trị gia đảng Dân Chủ, nghị sĩ Hạ viện từ quận 5 South Caronlina, và cũng là Majority whip của hạ viện (majority trong trường hợp này là đảng Dân chủ). Như vậy chức vụ của nhân vật chính US và UK khá tương đồng nhau. Cái tên Francis của nhân vật chính được lấy từ nguyên mẫu trong truyện và phiên bản UK, tuy nhiên họ Underwood xuất phát từ tên của một nghị sĩ có thật là Oscar Underwood, Democratic whip đầu tiên của Hoa Kỳ từ khoảng năm 1900 đến 1901.

Mâu thuẫn bắt đầu sau lễ nhận chức của tổng thống thứ 45 Hoa Kỳ, Garrett Walker. Trước đó trong cuộc bầu cử tổng thống, Walker, nguyên là thống đốc bang Colorado, đã có thỏa thuận với Frank rằng sẽ đề bạt ông lên làm bộ trưởng bộ ngoại giao đổi lại là sự hỗ trợ của Frank trong cuộc tranh cử. Thế nhưng ngay sau khi nhận chức, tổng thống đã đổi ý và không giữ lời hứa. Cảm thấy bị phản bội và lợi dụng Frank bắt tay vào công việc lập kế hoạch để nỗ lực leo lên những nấc thang quyền lực cao hơn trong chính phủ. Kết quả sau Season 1 Frank trở thành phó tổng thống Hoa Kỳ và đến cuối season 2 thì trở thành vị tổng thống thứ 46.

Dành cho những ai đã xem phim

Mở đầu bộ phim là cảnh Frank tìm thấy một chú chó bị xe cán bị thương đang nằm trước cửa nhà mình. Frank cùng vợ và một nhân viên chạy tới xem xét tình trạng của chú chó. Tuy nhiên ngay sau đó Frank lừa vợ và cấp dưới của mình đi nơi khác rồi lặng lẽ bóp chết chú chó đang thoi thóp. Ông nghị sĩ nhìn thẳng vào màn hình camera và nói: “Trên đời có hai loại đau đớn. Loại thứ nhất giúp ta mạnh mẽ hơn, còn loại thứ hai thì vô dụng”! … và đó là lý do ông ta giết chú chó. Thực sự thì chú chó ấy đã không còn phải chịu thêm đau đớn nào nữa và nhanh chóng đón lấy cái kết cục mà thế nào rồi cũng đến.

Quả thực cảnh quay đầu tiên này đã gây cho khán giả ấn tượng sâu sắc về con người này, một người theo chủ nghĩa thực dụng, một chính trị gia lạnh lùng và quyết đoán.  Nó giống như một lời cảnh báo với khán giả về những hành động vô nhân tính của các chính trị gia trong các tập tiếp theo của phim, nó nhắc mình nhớ đến một trích dẫn nổi tiếng “Sai lầm lớn nhất của chúng ta khi phán xét các chính trị gia là phán xét hành vi thay vì kết quả”.

Trong phim motif dễ nhận thấy trong gần như tất cả các tập là nguyên tắc đơn giản: làm việc xấu và xoa dịu bằng kết quả tốt, làm việc tốt để che dấu đi hậu quả xấu.

“How many times we have to do unpleasant things yet the necessary things”

Frank hiểu rằng từ đây ông phải tự mình củng cố quyền lực trong chính phủ để dành lại “nơi mà đáng lẽ ra ông phải thuộc về”. Frank coi công việc quản thúc (majority whip) trong quốc hội của mình cũng chỉ như một tên thợ thông cống, ngày ngày phải giữ cho dòng nước những “con cừu” ở hạ viện chảy đều và đúng. Và như thế là trái với tư tưởng sống của Frank.

Am hiểu về dân chúng

Dân chúng nổi loạn là một vấn đề nhức đầu với chính quyền, nhất là khi họ đệ đơn kiện các chính trị gia ra toà. Nhiều ngươif cho rằng chỉ cần thuê luật sư đắt tiền là sẽ thắng kiện. Đúng, trường hợp đó thường xảy ra… nhưng không phải với Frank. Kiện tụng dù thắng cũng để lại một vết nhơ trong lý lịch chính trị và dĩ nhiên chẳng ai muốn điều đó cả. Cách tốt nhất là tự dàn xếp vụ kiện và tận dụng thời cơ chuyển thế bất lợi thành có lợi khi thể hiện tinh thần trách nhiệm trước dân chúng.

Nhớ lại vụ bồn nước hình trái đào tại quận hành chính của mình giữa lúc đang phải giải quyết rắc rối với liên đoàn giáo viên Mỹ, Frank đã sử dụng các kĩ thuật cơ bản nhất để gỡ rối. Một bài phát biểu, một câu chuyện bịa, một bữa sáng, một chút cảm thông và một chút nhún nhường vậy là xong. Tất cả chỉ là vấn đề về tâm lý, cách ăn nói mà thôi.

“Khiêm nhường là một dạng kiêu hãnh của họ (dân thường). Nó là điểm mạnh. Nó là điểm yếu của họ. Nếu bạn biết cúi mình trước họ, họ sẽ làm tất cả những gì bạn muốn”

Có khả năng thao túng mọi thứ, ... đúng thế, mọi thứ!

Xuyên suốt bộ phim, bộ máy quyền lực của Frank dần dần được hé lộ. Chông nó giống như một con bạch tuộc với hàng chục cánh tay, không nhiều nhưng dang đủ rộng để khi cần là có thể tóm lấy con mồi. Hinh ảnh ấy xứng đáng là biểu tượng cho khả năng thao túng tuyền vời, nền tảng tạo nên thành công của một chính trị gia, một nhân vật phản diện. Thường ngày chúng ta gọi năng lực này với những cái tên lịch sự hơn như khả năng gây ảnh hưởng, khả năng thu phục lòng người, kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm, …

Danh sách các phe cánh bị thao túng bởi Frank:

– Cảnh Sát

– Quốc hội

– Tham mưu trưởng nhà trắng

– Tổng thống

– Phó tổng thống

– Chính phủ địa phương

– Tôn giáo

– Dân chúng

– Các tập đoàn

– Truyền thông, báo chí

– Vợ, cùng toàn bộ một tổ chức từ thiện

Am hiểu về đám đông

Đầu tiên là tâm lý .Đám đông thì không thể ra quyết định. Ví dụ như đám các nghị sĩ quốc hội. Vậy những quyết định mà thiểu số hay cá nhân muốn thông qua thì phải làm thế nào! Khi ta thấy đám đông ra quyết định, thì điều đó có nghĩa là chúng vừa được lãnh đạo (ngấm ngầm hay công khai) để ra quyết định ấy. Xem xét trường hợp Dự thảo luật giáo dục trong chương trình cải cách giáo dục do Frank phụ trách thì rõ. Để dự thảo luật được thông qua thì phải dành được đa số phiếu trong quốc hội và chữ kí của tổng thổng. Không nghi ngờ gì tổng thống sẽ ký vì đây vốn là chương trình của ông, còn quốc hội thì phải thuyết phục được những kẻ đang phân vân. Người ta ít khi thuyết phục theo phong cách viết CV xin việc, thay vào đó sẽ là sự trao đổi hàng loạt những lợi ích chính trị, kinh tế. Trong phim công việc của hàng ngàn công nhân tại nhà máy đóng tàu của nghị sĩ Russo đã bị thổi bay để đổi lấy lá phiếu cho dự thảo luật của Frank. Dĩ nhiên họ, những người lao động không biết về điều đó, và dù biết hay không thì nó cũng là một sự khinh rẻ nhân dân, cuộc sống của họ biến thành thứ hàng hoá trao đổi giữa chính những người họ tin tương bầu lên.

“Ngay khi bỏ phiếu người ta đã đánh mất quyền của mình”

Điềm tĩnh trong mọi tình huống và bởi vì điềm tĩnh là sức mạnh nội tại

Có thể nói các chính trị gia như Frank chẳng thể bị đánh gục bởi điều gì. Thậm chí như đã thấy ở cuối season 1 khi “Tất cả các mặt trận đều nổi loạn”, ngay cả Claire cũng bỏ mặc Frank, thì Frank vẫn dấn tới, giết Ruso (tất nhiên sở cảnh sát đã bị mua chuộc từ lâu), thao túng tham mưu trưởng nhà trắng, dụ dỗ phó tổng tổng thống, rồi lừa phỉnh nốt tổng thống. Cái đáng nói ở đây là để đoạt lấy quyền lực trong chính trường cần có cái đầu lạnh và sự trầm tư như Frank. Còn đối với các chính trị gia khác dường như họ đơn giản hơn, được bầu lên bởi khả năng hùng biện của mình.

Điểm mấu chốt ở đây là Frank luôn tìm mọi cách giành thế chủ động, lặng lẽ, làm những việc cần làm.

Gia đình là gánh nặng

Frank và Claire quyết định không có con điều đó là nhằm phục vụ cho tham vọng chính trị của Frank. Họ biết rằng khi đã dành tâm huyết cho công việc tại quốc hội họ sẽ không có thời gian chăm lo cho những đứa trẻ, chúng sẽ là gánh nặng rất lớn và do đó trở thành điểm yếu của họ.

Bản thân Claire không phải là một trở ngại cho Frank. Ngược lại, chịu ảnh hưởng từ hình ảnh phu nhân Macbeth trong vở Macbeth của Shakespeare, Claire được xây dựng lên với sự mạnh mẽ của đàn ông, có tham vọng lớn,  vẻ bề ngoài lạnh lùng và sắt đá không kém gì chồng mình. Nhân vật này cũng là một trong những nhân vật phản diện có lương tâm nhất trong phim, hay ít nhất là bà ta cũng có những cảm giác dặn vặt, những khoảng lặng tự vấn lương tâm. Chỉ có điều họ đã đi quá xa, và sẽ không có đường quay trở lại.

*Lady Macbeth: Macbeth là một vị tướng dưới triều đại do vua Duncan (một vị vua mù) vương quốc Scotland. Sau trận chiến giữa các tướng lĩnh nước Scotland và đội quân của nhà vua Nauy. Macbeth và Banquo là hai vị tướng của Scotland đã đánh bại quân xâm lược Nauy chiếm đóng vương quốc Scotland. Macbeth được tiên tri từ các phù thủy rằng sẽ trở Thane (trong ngôn ngữ Anh cổ dùng chỉ những nhà danh giá quý tộc đứng đầu mỗi vùng) và sau đó Macbeth sẽ trở thành quốc vương.

Vốn là người đầy tham vọng, Lady Macbeth đã liên lạc với các thế lực “bóng tối” để tăng cường sức mạnh và từ bỏ đức hạnh của mình. Khi Macbeth trở về, Lady Macbeth đã xúi dục chồng về kế hoạch ám sát nhà vua Duncan.

Lady Macbeth là một trong những nhân vật nữ nổi tiếng và đáng sợ nhất của Shakespeare. Bà ta là một phụ nữ mạnh mẽ quyết đoán và tham vọng hơn chống mình rất nhiều. Trong vở Macbeth, bà ta đã xúi giục chồng giết vua để giành lấy ngai vàng, mặc dù Macbeth đã giết vua Ducan nhưng lại luôn do dự trong mọi hành động và không thể bình tâm nổi sau khi giết vua.  LadyMacbeth gọi chồng mình là kẻ hèn nhát và ngu ngốc. Còn Macbeth gọi vợ mình là một linh hồn đầy nam tính cư ngụ trong thể xác đàn bà. Shakespeare sử dụng hình ảnh người đàn bà này để bác bỏ đi ý tưởng của Macbeth cho rằng chỉ có người nam mới mang trong mình khí phách ngoan cường. Lady Macbeth sử dụng cách thức của phụ nữ để đạt tới quyền lực – khả năng thao túng. Như vở kịch khắc họa đôi khi phụ nữ có thể trở nên vô cùng tham vọng khiến họ cũng tàn nhẫn như đàn ông, trái với quan niệm của xã hội luôn chối bỏ và gò ép họ khỏi theo đổi tham vọng riêng của mình.

Truyền thông, bộ mặt của dân chủ- một công cụ hữu ích

Mặc dù có rất nhiều điểm mạnh nhưng vẫn có thể kể ra được một số sự phiền phức có thể ảnh hưởng đến Frank. Chính là những vũ khí nhân dân rất cổ điển, đặc biệt trong các nền dân chủ phương tây như những vụ kiện tụng, các cuộc biểu tình quy mô lớn, các chương trình tranh biện trực tuyến và các show truyền hình châm biếm chính trị.

Bề ngoài có vẻ đó chỉ là những cú tát của dư luận nhưng thực sự một số trường hợp lại rất có tác dụng, nhất là khi nó là một phần trong kế hoạch trừng phạt lẫn nhau của các thế lực chính trị.

Ở khía cạnh này thông tin là cốt lõi của vấn đề. Mọi chính trị gia cũng như các chính phủ trên toàn thế giới đều có nhu cầu bảo mật thông tin. Và chỉ có những thứ có giá trị và nguy hiểm mới cần phải bảo mật. Đánh cắp một thứ “tài sản”, một thứ “vũ khí” như thế rồi công bố chúng cho cả thế giới biết là một đại hoạ, khiến bất kỳ chính phủ nào cũng phải run bần bật. Xem thêm (Anonymous). Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, chính trị gia là những thiên tài thao túng, những kẻ đứng đằng sau mọi thứ mà nhân dân không thể nắm bắt được. Biết đâu nó vốn là một phần trong kế hoạch của “họ”, mỗi lần chúng ta ăn mừng đài truyền hình trung ương tố giác tham nhũng.

Cỗ máy truyền thông giống như một mạng lưới những mao mạch vận chuyển thông tin đến cuộc sống của mỗi người dân. Một mạng lưới truyền thông tốt là một mạng lưới không chỉ truyền tin nhanh mà còn phải chính xác và biết sàng lọc. Sự độc lập và khách quan của nhà báo, những người truyền tải thông tin sẽ quyết định chất lượng của nền báo chí truyền thông ấy.

Vậy làm thế nào để thao túng mạng lưới này nếu ta là Frank một chính trị gia tài năng. Trước hết Frank hiểu rẳng bản thân ông ta là một nguồn tin giá trị, đó là một lợi thế rất lớn, điều cần làm tiếp theo là tước bỏ đi sự độc lập của các nhà báo. Đúng thế, cái cách mà Zoe Barnes rơi vào mối tình vụ lợi với Frank là một trong những cách đó, cổ điển nhưng luôn có tác dụng. Tuy nhiên đối với phần lớn các phóng viên bình thường khác thì sao? Frank không thể cặp với tất cả họ được! Điều này khỏi đến lượt Frank nghĩ, đây là mối quan tâm của giới cầm quyền trên toàn thế giới.

Đoạn trích dưới đây từ tài liệu dịch của đại sứ quán Mỹ trả lời một trong nhiều cách như thế:

“Công nghệ đã làm thay đổi hệ thống mà ở đó chỉ có rất ít nguồn tin được cung cấp. Howard Fineman, giám đốc biên tập của tờ Huffington Post, đã viết rằng các phóng viên của hãng thông tấn chủ yếu đã trở nên cô lập, khi họ chỉ đơn giản nhảy lên và nhảy xuống chiếc xe hay chiếc máy bay dành cho vận động bầu cử của ứng viên để đưa tin về một loạt các sự kiện đã lên lịch từ trước.

Ông khích lệ những người muốn trở thành nhà báo công dân: theo cách thức làm việc nêu trên, các phóng viên chuyên nghiệp đã không nắm được một phần lớn của câu chuyện thực. Fineman nói: “Nói đúng ra, không ai có thể nhìn nước Mỹ tốt hơn những người chưa bao giờ nhảy lên những chiếc xeđó — nói cách khác, đó là tất cả các bạn.”

Big Data và sự ra đời của House of cards phiên bản US

Vào khoảng 2 năm về trước nước MỸ ghi nhận một sự chuyển dịch trong phong cách xem phim của người Mỹ, từ các đầu đĩa DVD, Blu-Ray sang các phương thức trực tuyến thông qua Internet. Nắm lấy xu hướng đó Netflix trở thành nhà mạng đi đầu trong việc cung cấp những sản phẩm này một cách hợp pháp. Thành công của Netflix là sự kết hợp của việc ứng dụng Big Data vào truyền thông giải trí. Cho đến nay đứa con thành công nhất của cuộc hôn phối này House of cards.

Netflix công khai về cách thức dẫn tới thành công của mình. Họ không cần phải tốn núi tiền cho quảng cáo, họ biết rõ khán giả của mình thích điều gì. Bằng các thuật toán đặc biệt, mọi hành động của chúng ta trên trang Netflix được thu thập lại thành một khối dữ liệu lớn.  Giả sử bạn thích một diễn viên nọ và bỏ hảng giờ tìm kiếm và xem hết các bộ phim của anh ta, Netflix ghi lại hết những lần bạn ấn replay, những cảnh nóng bạn xem đi xem lại, thể loại phim bạn hay coi, … tất cả những hoạt động ấy đối với hệ thống máy tính của Netflix chỉ đơn giản được ghi nhận như các event. Nhưng đối với những người điều hành Netflix họ hiểu rằng đó cách bạn xem phim. Họ thấu hiểu bạn, hay ít nhất là sở thích của bạn. Việc cuối cùng họ cần làm là chăm bẵm cho bạn những điều bạn muốn. Bang… vấn đề được giải quyết!

Sự ứng dụng của Big Data nói chung và “âm mưu” thương mại của Netflix đề ra cho chúng ta một thách thức về sự kiểm soát mang tính toàn diện của chính phủ và các tập đoàn tài phiệt. Cái cách Frank thực hiện âm mưu của ông ta cũng xuất phát từ sự hiểu biết con mồi của mình, đó là cách chúng ta để lộ điểm yếu trước những kẻ như Frank.

Chú thích và tham khảo

Break the wall

House of cards mang đặc trưng của lối làm phim những năm 90 thế kỉ trước, chỉ khác ở độ phân giải. Trong phim nhân vật chính thường phá vỡ bức tường thứ 4 để nói chuyện trực tiếp với khán giả, trong trường hợp này là Frank Underwood. Sau mỗi nước cờ của mình Frank lại quay mặt vào khán giả, diễn thuyết những triết lý ngắn gọn và có “nhịp điệu” như thể đang đọc thơ. Điều này giúp cho một bộ phim khô khan và đen tối về chính trị trở thành một sản phẩm nghệ thuật có giá trị, giúp người xem dễ dàng hấp thụ các tình tiết phức tạp.

*Bức tường thứ 4: Trên một sân khấu trình diễn kịch nghệ, ba bức tường nên cơ bản là hai bên cánh gà và phông nền đằng sau. Bức tường thứ 4 là một bức tường tưởng tượng ngăn cách giữa khán giả và diễn viên.

Bộ phim vẫn còn những điểm chưa thực tế

Các tờ báo lớn tại Mỹ thường có xu hướng chỉ trích phim qua sự thiếu thực tế của phim và cho rằng nó nên được coi là một bộ phim giải trí thì đúng hơn. Các lỗi này chủ yếu là do sự chuyển thể một cách cứng nhắc khiến kịch bản mâu thuẫn giữa hai mô hình chính thể khác nhau của Anh và Mỹ.

Một điểm cần chú ý là trong thực tế một nghị sĩ Hạ Viện như Frank không thể có nhiều quyền năng đến như thế được.

Tại Anh Thủ Tướng thường là người của nghị viện (parliament) được bầu lên bởi chính những người đồng cấp. Còn tại Mỹ người ta áp dụng hệ thống Tổng thống (president system) và các đời tổng thống Mỹ hầu hết là các thống đốc bang, một vài trường hợp là thượng nghị sĩ (nhu thế không trường hợp nào là dành cho một hạ nghị sĩ như Frank cả). Thêm nữa tại Anh nhân vật chính trong nguyên tác đã thao túng nghị viện nhằm bỏ phiếu bãi chức thủ tướngvà trèo lên cái ghế đó, dĩ nhiên về cơ chế phiên bản Mỹ không thể áp dụng điều tương tụ.

Cải cách giáo dục trong phim và cách một dự thảo luật được thông qua.

Bằng cách nào người Mỹ thông qua một dự thảo luật?

Một dự thảo luật muốn được thông qua phải trải qua hàng loạt các bước thẩm định, bỏ phiếu nhưng về cơ bản là cần phải đạt được đa số phiếu từ cả 2 viện và chữ kí của tổng thống (đôi khi vẫn có thể trở nên không quan trọng).

Với một cơ chế có vẻ chặt chẽ như thế, khi xem phim, chứng kiến tài năng thao túng quyền lực của Frank ta mới thấy vấn đề giống một cuộc trao đổi buôn bán hơn là một cuộc bỏ phiếu dân chủ. Trong season 1, một trong những thứ bị mang ra đổi lấy quyền lực cho Frank là công ăn việc làm của hàng ngàn công nhân tại một nhà máy đóng tàu thuộc khu vực hành chính của nghị sĩ Peter Russo.

Cá nhân đã trở nên quan trọng hơn là đảng phái

Những thỏa thuận giữa Frank với các nghị sĩ phe cộng hòa và sự mờ nhạt của tính chất Đảng phái trong phim đã khắc họa chính xác thực tế diễn ra trong chính trường Mỹ.

Những gì bộ phim truyền tải cũng được ghi lại thực tế trong tư liệu dịch Đại sứ quán Mỹ

“SỰ THẬN TRỌNG CỦA DÂN CHÚNG

Mặc dù hệ thống chính trị của Hoa Kỳ có một lịch sử lâu đời và đầy ấn tượng về các tổ chức đảng phái, song một thành tố không thể tách rời của văn hóa dân sự Mỹ là người dân càng ngày càng mất lòng tin đối với các đảng phái chính trị. Việc áp dụng và vai trò ngày càng tăng của hệ thống bầu cử sơ bộ trong việc đề cử các ứng viên của bang và cho quốc hội là bằng chứng về thái độ dân túy, thậm chí là đối ngịch với các đảng phái, của dân chúng. Những người Mỹ ngày nay tỏ ra nghi ngờ về những nhà lãnh đạo trong các tổ chức đảng của họ có thể nắm quyền lực và ảnh hưởng đến chính phủ. Các cuộc thăm dò dân ý liên tục cho thấy rằng phần đông người Mỹ cho rằng đôi khi điều mà các đảng phái đang làm lại khiến các vấn đề trở nên rối rắm hơn chứ không sáng tỏ hơn – và họ còn cho rằng sẽ tốt hơn nếu như trên lá phiếu bầu cử không ghi các ứng viên thuộc đảng phái nào. Do đó, các đảng phái cũng nên chấp nhận một thực tế rằng có nhiều cử tri ngày càng không coi trọng việc mình nên ngả theo một đảng ‐ 25 ‐ phái nào. Một minh chứng cho điều này là xu hướng “chia đôi lá phiếu bầu”. Ví dụ như một cử tri cho thể bầu cho ứng viên tổng thống của đảng mình nhưng lại bầu cho ứng viên quốc hội của đảng đối lập. Do đó, trong kỷ nguyên mà chính phủ gồm các thành viên của cả hai đảng, các tổng thống thường thấy mình phải cố gắng lãnh đạo đất nước trong khi đảng của mình không chiếm đa số ghế trong cả hai viện của quốc hội.….Trong Quốc hội Hoa Kỳ, kỷ luật đảng tỏ ra ít nghiêm ngặt hơn so với kỷ luật đảng trong các hệ thống quốc hội nghị viện. Các nghị sĩ có thể khá dễ dàng bỏ phiếu cho các chính sách mà họ coi là tốt nhất, kể cả những gì họ nghĩ là tốt nhất để chính họ được tái đắc cử. Kết quả là những người lãnh đạo Quốc hội phải hình thành một liên minh thắng thế tại một thời điểm hơn là mong đợi vào sự ủng hộ tự động từ các đảng có kỷ luật cao. Điều đó khiến cho phải khó khăn lắm mới đạt được một thắng lợi về lập pháp ở Quốc hội. Các cuộc bầu cử Quốc hội là rất quan trọng đối với quốc gia, vì Quốc hội là đầy quyền lực và khó dự báo; và cá nhân các nghị sĩ cũng vậy. TRUNG THÀNH VỚI ĐẢNG HAY VỚI CÁ NHÂN

Trước đây, các cuộc bầu cử quốc hội có khuynh hướng “lấy đảng làm trung tâm”, khi có nhiều cử tri trung thành lâu dài với một đảng nhất định, và cũng thường có xu hướng bỏ phiếu bầu cho những người thuộc đảng mình ủng hộ vào quốc hội. Các phẩm chất cá nhân riêng biệt và hiệu quả hoạt động của những người được bầu chỉ có tác dụng ít ỏi để làm tăng thêm hoặc giảm đi sự ủng hộ của cử tri đối với đảng đó. Trong những thập niên gần đây, các quan điểm và phẩm chất của cá nhân các ứng viên đã trở thành yếu tố quan trọng hơn trong các cuộc bầu cử và đã làm cho lòng trung thành với đảng giảm đi phần nào tầm quan trọng của nó.”

Sự đa chiều của các nhân vật

Có một sự khác biệt nổi bật lên giữa phiên bản Mỹ và Anh của bộ phim này. Nhân vật Frank của Mỹ, cùng các nhân vật chính khác được khắc họa đa chiều hơn, có phần riêng tư và tình cảm hơn. Khi đem ra so sánh với Frank của người Anh, một kẻ máu lạnh thực sự, một con ma cà rồng với những kế hoạch chính trị hoàn hảo từ đầu tới cuối phim, thì câu truyện của người Mỹ bị coi như một bộ phim tình cảm, đầy lãng mạn và bi kịch.

Đằng sau tất cả

Sau gần 13 giờ trải nhiệm toàn bộ season đầu tiên của bộ phim tôi tự hỏi đâu là nguyên nhân của những bi kịch này, đâu rồi hình ảnh của nước Mỹ tươi đẹp, dân chủ mà chúng ta biết tới, hay phải chăng việc chúng ta tưởng tượng như thế cũng là một phần trong kế hoạch của “họ”. Tóm lại thì rốt cục bộ phim cũng nêu ra được cho chúng ta thấy nguyên nhân chính dẫn tới sự suy thoái của chính phủ Mỹ. Khác với quan điểm của người Mỹ cho rằng chính phủ của họ bị hư hỏng bởi các tập đoàn kếch sù, nguyên nhân thực sự mà House of cards nói tới là Quyền Lực. Xuyên suốt bộ phim Frank biết bao lần nhắc đi nhắc lại tầm quan trọng của quyền lực, lý tưởng sống của ông ta. Chính sự tranh giành quyền lực tại đồi Capitol mới là nguyên nhân chính làm hư hỏng chính phủ Mỹ thay vì lợi ích kinh tế.

Theo bookhunterclub.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

7,722 lượt xem