Alex Nguyen@Gia Vị
7 năm trước
Review Phim “Inside Llewyn Davis” (2013) - Theo Gió Bay Đi
Inside Llewyn Davis là một phim thể loại "black comedy" của cặp đôi song sinh kiêm biên kịch nổi tiếng Joel và Ethan Coen. Bộ phim được diễn ra trong một tuần của ca sĩ, nhạc sĩ nhạc folk Llewyn Davis tại Mỹ. Trong một tuần đó, người xem sẽ nhìn thấy hình ảnh của một nam ca sĩ có tài nhưng phải chật vật để tìm chỗ ở, kiếm từng đồng tại các buổi trình diễn ở phòng trà, là hành trình đấu tranh để đạt được thành công âm nhạc. Phim có sự tham gia của Oscar Isaac, Carey Mulligan, John Goodman, Garrett Hedlund, F. Murray Abraham, và Justin Timberlake.
-----------------
Inside Llewyn Davis là một bộ phim nhận được sự đánh giá rất cao từ cả giới phê bình lẫn khán giả đại chúng. Ra mắt cách đây 3 năm, tác phẩm của anh em nhà Coen kể về cuộc hành trình của một chàng trai trẻ bên cạnh tình yêu âm nhạc cùng cây đàn guitar, chân thành và giản dị như chính những giai điệu dân ca nước Mỹ.
Sẽ là một điều khó khăn khi chuyển thể thành phim từ một câu chuyện chỉ tồn tại duy nhất thế giới riêng, một thế giới nội tâm, nơi mà các nhân vật xuất hiện, tồn tại và tương tác trong một vòng khép kín. Sự hấp dẫn ban đầu với người xem được quyết định bởi môi trường mà họ sẽ bị cuốn vào. Đấy là lý do mà những bộ phim của Wes Anderson không cần quá cầu kì về mặt nội dung nhưng luôn có nét độc đáo nhờ vào cấu trúc không gian siêu thực đầy màu sắc.
Còn với Inside Llewyn Davis, anh em nhà Coen quyết định đưa khán giả thăm quan những năm 1961 tại New York. Một mùa đông tuyết rơi không quá dày nhưng đủ để người ta phải ra ngoài với chiếc áo măng tô khép kín và khăn len trên cổ họng. Rất khó để tìm thấy những quán bar chìm trong âm nhạc xập xình cùng vũ nữ thoát y, các chuyến tàu điện ngầm vắng đi hình ảnh của ánh mắt gắn chặt vào màn hình điện thoại và những tòa nhà chọc trời chưa chiếm trọn toàn bộ thành phố. Người ta gặp gỡ nhau trong vài quán rượu nhỏ, chơi nhạc mộc bằng những cây đàn. Đường phố lấp đầy bởi dòng xe Buick và Cadillac cổ điển – loại mà bỗng dưng đến năm 2016 trở thành của hiếm và được săn lùng ráo riết bởi những tay chơi đồ cổ. Máy nghe đĩa than bấy giờ rất phổ biến, để tận hưởng âm nhạc bạn phải cầm trên tay chính những miếng nhựa đen và tròn vành vạnh thay vì nhờ vào vài cú nhấp chuột trên mạng. Sự tỉ mỉ của từng khung hình đẹp lung linh đã mô tả được phần nào thời kì mà nước Mỹ còn đang bùng lên phong trào đòi quyền công dân của người Mỹ gốc Phi hay phụ nữ…
Giữa bối cảnh xã hội mang nhiều biến chuyển như vậy thì vòng xoáy của bộ phim lại tập trung vào một người đàn ông nhỏ bé từ bỏ nghiệp thủy thủ để đi theo con đường ca hát. Davis là một ca sĩ nhạc folk đang đứng trên vạch mốc khởi đầu của sự nghiệp. Từng có một người bạn diễn và album riêng nhưng giờ đây anh trở thành gương mặt thân quen tại các phòng trà. Không nơi ở, mỗi buổi sáng của Davis bắt đầu trên ghế sopha và phụ thuộc hoàn toàn vào lòng tốt của bạn bè. Tất cả tài sản mà anh sở hữu là một bộ quần áo và chiếc đàn guitar thùng – thứ giúp anh có thể sống qua ngày bằng tiếng hát.
Inside Llewyn Davis là bộ phim ẩn đi ranh giới rõ ràng giữa điểm đầu và điểm kết thúc trong một dòng thời gian trọn vẹn, mọi thứ đều mơ hồ với mục đích riêng. Kể về cuộc hành trình trong một tuần ngắn ngủi của chàng ca sĩ gốc xứ Wales, anh em nhà Coen không quá tập trung vào xây dựng cốt truyện phức tạp mà thay vào đó họ mở ra hệ thống nhân vật đa dạng với những xung đột riêng, vấn đề riêng. Ở Davis người ta thấy được sự mâu thuẫn đến kì lạ, anh chấp nhận tham gia một buổi hát bè giữa thời kì khó khăn để lấy 200 đô la nhưng lại từ chối làm kẻ đứng sau khi có cơ hội xuất hiện trên sân khấu. Cách hành xử của anh nhẹ nhàng với những quy chuẩn tối thiểu của đạo đức để rồi đôi khi lại vô trách nhiệm đến khó chịu. Davis đổ lỗi cho mọi thứ xung quanh với mỗi cái hố anh nhảy vào. Bị gọi bằng những biệt danh khó nghe nhất nhưng khi cầm lấy cây đàn và cất lên những bài nhạc folk, anh biết cách để chạm tới trái tim khán giả.
Tuyến nhân vật phụ của bộ phim cũng vô cùng độc đáo. Giống như mạng nhện khổng lồ mà mỗi điểm mút gắn chặt vào đó một hơi thở, những con người trong Inside Llewyn Davis đi qua cuộc đời nhau đầy tình cờ. Ông bà Gorfein tốt bụng yêu thích âm nhạc của Davis, Al Cody – chàng ca sĩ một thời từng cho ra mắt album riêng nhưng giờ đây phải lặn lội dưới vai trò hát bè một loạt lời ca vô nghĩa. Những người bạn đồng hành trên chuyến đi tới Chicago, một anh nhà thơ lãng mạn, một tay nhạc công béo phị với khả năng duy nhất là đưa ra những lời miệt thị người khác. Tôi đặc biệt thích nhân vật Jean do Carey Mulligan thủ vai.Từng là người có quan hệ tình cảm với Davis, Jean sẵn sàng chửi rủa và mắng xối xả mỗi khi họ chạm mặt, nhưng cũng lại là người thể hiện sự quan tâm khi đặt ra cho anh câu hỏi về tương lai sắp tới.
Tương lai của một ca sĩ nhạc Folk nói riêng và những con người hoạt động nghệ thuật nói chung ngẫu nhiên như kết quả của trò xổ số. Một số người thu về những bản hợp đồng béo bở, một số khác cất thành quả lao động của mình trong một chiếc hộp giấy và giấu dưới gầm bàn. Có những kẻ gây được tiếng vang, nhưng cũng có những kẻ phải gieo mình xuống cầu George Washington để tự vẫn. “Anh ta hẳn là ngớ ngẩn lắm vì nhảy từ cầu Broolyn mới hợp lẽ thường”. Các tâm hồn trong Inside Llewyn Davis dù là sản phẩm của trí tưởng tượng nhưng lại tựa như tấm gương phản ánh chân thực của xã hội lúc bấy giờ, nơi có những người đánh cược cả tuổi trẻ của mình với khao khát danh vọng. Một thế hệ nổi loạn đầy sức sống. Nền âm nhạc thế giới và khán giả đã sản sinh ra The Beatles, Bob Dylan, The Rolling Stones, Joan Baez…nhưng đồng thời cũng chôn vùi nhiều cái tên sẽ chẳng bao giờ được biết tới. Và Davis không phải ngoại lệ khi quyết định nhấn bản thân mình chìm trong vòng xoáy của sự may rủi để rồi nếm trải mùi vị thất bại. Đĩa nhạc của anh xếp thành từng chồng vì không ai muốn mua, anh ăn một trận đòn no do sỉ nhục vợ của một kẻ nóng nảy, lặn lội nhiều ngày đường tới Chicago để ra về với đôi bàn tay trống rỗng. Chẳng còn hình ảnh nào có thể miêu tả rõ ràng hơn chàng ca sĩ ôm thùng đàn lang thang giữa cơn bão tuyết. Davis nghĩ đến chuyện bỏ cuộc khi có dự định quay lại phục vụ trên tàu và một lần nữa định mệnh lại cản trở anh. Kết cấu vòng lặp của bộ phim khiến chúng ta mơ hồ về con đường cuối cùng mà anh chọn để bước tới.
Với sự ích kỉ của bản thân khi tự cho mình cái quyền đặt niềm tin vào chính nhân vật, tôi muốn đề cập tới một vài chi tiết nhỏ gợi ra trong tôi cảm giác dường như chàng ca sĩ nhạc folk ấy đã tìm được bản ngã của mình. Buổi sáng thức giấc bằng đôi mắt mệt mỏi, Davis lặp lại những gì mà khán giả thấy ở đầu phim.Rồi một khung hình nhỏ xảy đến bất chợt, khung hình cho thấy cánh cửa phòng 6A đã được đóng kịp thời và chú mèo dễ mến sẽ phải nằm im thay vì chạy ra ngoài bởi hành động hậu đậu của gã ở nhờ. Nó tựa như một sự biến chuyển về tâm lý, rằng Davis đã trở nên có trách nhiệm hơn. Bộ phim Cuộc hành trình kì diệu của Walt Disney trên tấm poster ngoài phố được ra mắt vào năm 1963, hai năm sau khi bối cảnh phim diễn ra và khi đó, người ta vẫn thấy Davis bên cây đàn thân thuộc.
Bên cạnh nội dung thú vị, điểm nhấn của Inside Llewyn Davis còn nằm ở những bản nhạc Folk được sử dụng xuyên suốt bộ phim. “Không bao giờ mới và cũng không bao giờ cũ”, giai điệu và ca từ mộc mạc dẫn dắt người xem vào thế giới của những câu chuyện khác nhau, khi là một kẻ chán đời, khi là tâm sự của càng trai phải rời xa người yêu, cũng có đôi lúc ngốc nghếch dễ thương như câu chuyện về Mr.Kenedy nhưng cũng có khi mang hơi thở khỏe khoắn của những người đánh cá.
Tôi nhớ cách đây vài tháng đạo diễn của Begin Again có phàn nàn về việc Keira Knightley không bộc lộ được dáng vẻ của một cô ca sĩ bất cần đời với chiếc đàn guitar và thề sẽ không bao giờ làm việc với siêu mẫu trong các bộ phim của mình nữa. Tuy nhiên, trước sự phản đối của dư luận ông đã phải công khai xin lỗi. Oscar Isaac là trường hợp ngược lại, một lựa chọn đầy thú vị của anh em nhà Coen. Anh thể hiện mình không chỉ là một diễn viên tài năng mà đồng thời còn là một giọng ca đầy cảm xúc. Chỉ với đôi mắt đượm buồn và dáng đi mệt mỏi ,anh đã hóa thân vào người nghệ sĩ trẻ lạc lõng trên con đường tìm ra cái đích của cuộc đời.
Inside Llewyn Davis không chỉ đơn thuần là một bộ phim kể về âm nhạc, nó còn là thông điệp mạnh mẽ mà tác giả gửi gắm đến những người đang phải đấu tranh để được sống cùng đam mê của bản thân. Hình ảnh những người thủy thủ, bài ca “The Shoals of Herring” khỏe khoắn của ngư dân làng chài khiến tôi nhớ đến một câu thoại trong tác phẩm nổi tiếng “Ông già và biển cả” của Ernest Hemmingway. “Người đàn ông không được sinh ra để gục ngã. Anh ta có thể bị hủy hoại nhưng chẳng bao giờ lùi bước.”
Giống như một phiên bản giản đơn của sự hoàn hảo, Inside Llewyn Davis không cần mang lên mình những giải thưởng danh giá để nằm trong danh sách những bộ phim xuất sắc nhất năm 2013, nhưng vẫn sẽ mãi là một kiệt tác để đời của anh em nhà Coen.
TỔNG KẾT - Inside Llewyn Davis là thông điệp mạnh mẽ mà tác giả gửi gắm đến những người đang phải đấu tranh để được sống cùng đam mê của bản thân.
Theo 35mm.vn
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
573 lượt xem