Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

[Review Phim] Nhà Tù Shawshank – Khi Mọi Bản Ngã Đều Vô Tội

Những người say mê nghệ thuật thứ 7 không ai không biết đến bộ phim “Nhà tù Shawshank “ với điểm IMDB những 9,3/10 . Nhưng ít ai biết được rằng bộ phim tâm lý kinh điển này dựa vào nguyên bản truyện “Rita Hayworth and Shawshank Redemption” nằm trong tuyển tập “Different Seasons” của Stephen King. Một điểm thú vị là hầu như sách nào của Stephen King đều là những tựa sách kinh dị đặc trưng như Carrie, Misery, The Body từng một thời đình đám từ gian sách cho đến màn ảnh rộng.

Đọc giả yêu mến Stephen King có lẽ đã quen với mô-típ trinh thám, viễn tưởng, kinh dị thường gặp ở cốt truyện mà ông truyền tải. Thế nhưng “Nhà tù Shawshank” hoàn toàn khác những gì chúng ta từng biết về văn chương của ông. Không máu me, không hồi hộp, ám ảnh mà chỉ đơn thuần là một áng văn “thấm” từ từ và giết chết tâm can nguời đọc, người xem từ bên trong nội tâm họ !

Cả bộ phim đơn thuần chỉ là câu truyện về một người đàn ông tên là Andy bị án oan giết vợ , phải ngồi tù gần hai thập kỷ ở cái nhà tù nổi tiếng tên là Shawshank với phương châm hoạt động là “làm mềm và nhừ mọi cái đầu cứng rắn nhất” . Lỡ nhà tù này không làm được theo tiêu chí này thì sao ? Yên tâm. Tay giám đốc nhà tù Norton sẽ sáng tạo ra phương thức mới ngay lập tức !

Tại Shawshank, mọi định nghĩa về con người, về quyền được sống đều vô nghĩa. Than vãn, khóc lóc muốn về nhà ư, tay cai ngục Byron sẽ chăm sóc đến từng cái răng của bạn.  Đó chỉ là khúc dạo đầu thôi, điều kinh khủng đang chờ đón là nhóm tù nhân tàn ác có tên “The Sisters” với cái lý tưởng bệnh hoạn của chúng là hiếp dâm các tù nhân nam đẹp trai, trắng trẻo. Và tất nhiên Andy là mục tiêu hoàn hảo của chúng, một là phục tùng hai là ăn đập trừ cơm mỗi ngày.

Tại Shawshank, xã hội không xấu xa mà chỉ đen tối hơn. Nạn tham nhũng, rửa tiền và lách thuế dưới sự điều khiển của Norton và sự bất đắc dĩ của Andy ngày càng lan rộng hơn. Ban đầu chỉ là vài ba tên lính gác, chỉ sau nửa năm thì gần như toàn bộ lính gác cả tiểu bang đều thích “thăm viếng” Shawshank, tủ sắt của Norton ngày càng chật hơn..

Tại Shawshank, mọi sự thật đều bị khỏa lấp. Chàng trai trẻ Tommy lĩnh hai phát đạn chỉ vì muốn nói lên sự thật và bằng chứng là Andy bị kết án oan..

Cái xã hội thu nhỏ trong tiểu bang Mine, trong cái nhà tù mục nát Shawshank ấy “ai cũng đều vô tội” cả. Khái niệm đúng sai, tội hay không tội trong mặt những con người sa chân trong buồng giam ấy đều vô nghĩa. Chính tòa án lương tâm trong chính họ mới có thể chất vấn, phán xét linh hồn họ. Mọi biện pháp răn đe, đàn áp, thậm chí là lợi dụng sức mạnh đám đông để đàn áp không làm họ tốt đẹp hơn mà chỉ khiến họ tin rằng “họ vô tội”.

“Ai cũng đều vô tội”

Tưởng chừng trong thế giới bao quanh là bốn tường ấy niềm tin dường như biến mất đối với tất cả..Nhưng với Andy thì không, một cách âm thầm, lặng lẽ, anh luôn hi vọng vì anh tin rằng “Hy vọng là một điều tốt, nhiều khi là điều tốt đẹp nhất. Mà những thứ tốt đẹp thì không bao giờ lụi tàn..” . Và cũng chính niềm hi vọng đó đã làm nên kỳ tích: vượt ngục bằng…một chiếc búa. Một việc không tưởng mà nhiều phạm nhân tin rằng “phải mất đến 600 năm mới làm được”, trong khi Andy già chỉ mất chưa đến 20 năm.

Một điểm nhấn sâu cay mà để lại nhiều lắng đọng trong John Vu là hình ảnh Brooks – một tù nhân lớn tuổi, được ân xá để hòa nhập với xã hôi. Thế nhưng hòa nhập thế nào khi cả đời ông sống trong tù, đã quen với việc tất cả con người “vô tội” kia nể trọng, yêu thương mình nay phải sống dưới con mắt dè bỉu, khinh khi của người đời. Brooks tự vẫn để tự giải thoát..

Hành trình vượt ngục của Andy trong tác phẩm là cả nghệ thuật. Từ những chi tiết nhỏ như Andy hay nhặt nhạnh từng viên đá ngoài bãi lao động, thi thoảng vương vãi các vụn đất đá xuống nền sân…cho đến đỉnh điểm của ý chí “Andy đã thoát ra ngoài bằng cách trườn mình qua ống cống dài gần 500 mét đầy phân hôi thối mà tôi không thể hình dung nổi. 500 mét, bằng chiều dài của 5 sân bóng” – Red.

Có thể nói là rất khó có thể diễn tả toàn bộ cảm xúc và không ngôn từ nào đủ để nói về “Nhà tù Shawshank”, quá nhiều bài học và giá trị nhân văn cao đẹp mà Stephen King viết, Frank Darabont vẽ nên. Hãy đọc, hãy xem để biết được rằng thử thách của ý chí mới là cái khó khăn gian nan nhất trong tâm trí con người..

“Áp lực và thời gian sẽ làm cho cho những bức tường trở nên dễ dàng xuyên thủng bởi một cái búa nhỏ. Nhưng với những thứ sinh ra để đứng vững thì thời gian chỉ làm cho nó trở nên vĩ đại hơn mà thôi”.

Theo johnvu.info

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,030 lượt xem