Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Review Phim “Raise The Red Lantern” (1991) - Màu Đỏ Bi Kịch Của Người Phụ Nữ

Raise The Red Lantern (1991) - Được chuyển thể từ tác phẩm Thê thiếp thành quần của nhà văn Trung Quốc Tô Đồng, Đèn lồng đỏ treo cao là một trong những bộ phim hay nhất của Trương Nghệ Mưu, và cũng là bộ phim đưa tên tuổi Củng Lợi lên hàng ngôi sao sau những tác phẩm cùng thời của đạo diễn họ Trương: Cúc Đậu, Thu Cúc đi kiện, Cao Lương Đỏ... Đèn lồng đỏ treo cao đã vẽ nên một cách chân thực xã hội phong kiến Trung Quốc, với những thước phim ám ảnh và chậm rãi, thê lương và mang nhiều ẩn dụ của một gia tộc bề thế cổ hủ. Qua đó, bộ phim cũng giúp người xem vén dần bức màn từng thân phận người phụ nữ Trung Quốc những năm đầu thế kỷ 20.

--------------

Những bộ phim nói về thân phận người phụ nữ, hay về mối quan hệ, những xung đột giữa người với người là đề tài yêu thích của đạo diễn họ Trương. Những bộ phim tâm lý trong thời kỳ đầu của ông luôn là những câu chuyện đơn giản, gói gọn trong một xã hội rộng lớn đầy bất trắc. Những câu chuyện được thu nhỏ đến mức tối giản mọi khía cạnh ngoại vi, để làm nổi bật tâm tư của nhân vật chính, và thường là người phụ nữ. Đôi khi họ không có tên gọi, cũng không có một xuất thân cụ thể nào, nhưng tựu chung họ thuộc về bi kịch của hiện tại, có những ẩn ức sâu xa không được phép hiển lộ ra bên ngoài.

Xuân Mai (Củng Lợi), cô sinh viên Đại học 19 tuổi xinh đẹp, thông minh tuổi phải bỏ học ngang vì gia đình lâm vào khó khăn và sau khi cha mất. Dưới sự ép buộc của mẹ kế, cô chấp nhận làm thiếp cho lão gia Trần Tả Thiên, làm bà tư của Trần Phủ giàu có, đó là lúc cuộc sống tự do của cô khép lại để nhường cho cuộc đấu tranh sinh tồn giữa những bà vợ trong Trần gia. Thông qua Xuân Mai, bộ phim như một tiếng kêu chống lại sự khuất phục của phụ nữ ở Trung Quốc, như là một cuộc tấn công vào chế độ phong kiến. Bằng cách phơi bày, bi kịch không cần thể hiện hay gọi tên, mà nó tồn tại sẵn có ở đó, thấm vào từng nhân vật, và chờ cho người xem cảm nhận, để họ run rẩy và đồng cảm khi thưởng thức bộ phim này.

Cuộc tranh giành quyền lực của những người phụ nữ trong một gia tộc lớn chưa bao giờ chấm dứt cho đến khi nào chế độ phong kiến còn tồn tại. Đó gần giống như là một bản năng thuộc có khi họ bị lôi vào một cuộc chiến dù ngấm ngầm hay công khai của chế độ đa thê, đó là cuộc đấu tranh giữa sự bi kịch của người phụ nữ này với bi kịch của người phụ nữ khác, nhằm để hiện thực khóa khát vọng được khẳng định của mỗi vị phu nhân. Với Đèn lồng đỏ treo cao, cuộc chiến giữa Xuân Mai và ba người vợ trước để tranh sự sủng ái, được treo đèn và ghé thăm của người chồng được tái hiện qua màu đỏ thẫm của máu, quyết liệt và vô cùng chua cay. Khi cuốn tiểu thuyết ra đời vào năm 1990 (Thê thiếp thành quần – Năm thê bảy thiếp), người đọc đã không khỏi bàng hoàng trước ngòi bút sắc lạnh, tỉnh táo và đầy ám ảnh của Tô Đồng, một tác giả đương đại có những góc nhìn trực diện nhức nhối  với vấn đề cổ xưa. Khi bộ phim của Trương Nghệ Mưu ra mắt 1 năm sau đó, Tô Ðồng rất đỗi kinh ngạc, vì trong tiểu thuyết không có việc treo đèn lồng mỗi đêm như trong phim. Nhưng với chiều kích của một tác phẩm điện ảnh, sự sáng tạo này đã cô đọng được từng mạch tiềm ẩn sâu xa của đạo diễn họ Trương, và đã đạt được thành công vang dội trong nước và quốc tế suốt những thập kỷ qua.

Như cánh cửa kiên cố của Trần phủ xuất hiện đầu phim khi chào đón cô gái Xuân Mai, Đèn lồng đỏ treo cao mở cánh cửa cho chúng ta nhìn vào bên trong một gia đình phong kiến Trung Hoa của thập niên 1920; ở đó, mỗi người đàn bà trong ngôi trở thành một “sự lựa chọn tình dục” cho người chồng (nhưng chính xác hơn, đó là ông chủ của họ). Vị lão gia cai quản cả một gia tộc giàu có bề thế, ông ta có thể dùng tiền để sở hữu một người phụ nữ trẻ đẹp dễ dàng hơn bất cứ điều gì. Ngược lại, để được ông ta sủng ái, đối với từng người vợ thì lại khó khăn trăm bề, nhất là khi họ đã sống quá lâu trong căn nhà này. Thời gian vàng ngọc của họ chỉ gói gọn trong 9 ngày đầu sau tân hôn và những đêm đầu khi vừa về Trần phủ, cho đến khi có nàng thê thiếp khác xuất hiện. Hạnh phúc của họ tùy thuộc vào sự rộng lượng của người đàn ông, vốn là những người rất ích kỷ. Trong Trần phủ rộng lớn, đã từng có vài người phụ nữ bị buộc phải chết trong căn phòng gỗ nằm biệt lập, đó là quy định lâu đời của Trần gia khi họ phát hiện có một thê thiếp nào ngoại tình và phản bội lão gia. Cái chết của họ là lời răn đe cho những người đến sau, là bí ẩn sâu kín được chôn vùi dưới đáy giếng, là tiếng la ai oán đầy căm phẫn và điên loạn sau căn phòng gỗ kia.

Sở hữu một kịch bản hay từ tiểu thuyết và gần như không có chi tiết thừa, Đèn lồng đỏ treo cao đã truyền đến cho người xem từng đợt cảm xúc khó tả: bứt rứt, khó hiểu, tức giận, thương cảm. Trong phim, vào mỗi buổi chiều, từng bà vợ phải đứng ra ngoài cửa để chờ đợi chỉ thị. Là người vợ cả, trầm tính, uy nghiêm và sống khôn ngoan, biết cách quản lý gia phủ để mọi thứ đi vào trật tự. Người vợ thứ hai, cởi mở, hay nói hay cười, bị thất sủng đã lâu vì chỉ sinh được một đứa con gái, trong con mắt của những người mới, bà là người dễ gần, ôn hòa, nhưng bà chính là người khó ngờ nhất. Người vợ thứ ba, một cô đào hát đỏng đảnh, kênh kiệu, khó gần và luôn tỏ thái độ chống đối lại với mọi người. Người quản gia rước đèn đến trước phòng của ai thì tối nay lão gia sẽ đến phòng của người đó, nghi thức này được lặp lại hàng ngày kèm theo đó là tiếng khua chiêng đi theo chiếc đèn được đưa đến phòng của phu nhân được chọn. Họ sẽ được gõ búa vào chân, đèn lồng sẽ được thắp sáng cả khu, sáng hôm sau sẽ được chọn món ăn mình yêu thích trong bữa ăn của cả nhà. Với tôi, chi tiết này khá đắt vì nó nói lên phần nào thân phận thấp hèn của người phụ nữ, họ chỉ được cho ăn ngon và chào đón khi họ phục vụ chủ nhân của mình. Do đó, chiếc lồng đèn đã can dự vào cuộc sống của từng người vợ như một biểu tượng gắn liền với lẽ sống của họ. Trong đó, cô người hầu A Giang của Xuân Mai, vì cũng khao khát trở thành thê thiếp của Trần lão gia, nên cũng bí mật giấu những đèn lồng trong phòng riêng. Chiếc đèn lồng là ảo tưởng về hạnh phúc và ham muốn, là tội lỗi và cũng là thiên đường của cô. Xuân Mai đã vô tình làm chết A Giang khi vạch trần bí mật của cô, cuộc chiến không còn chỉ là giữa những bà vợ với nhau, mà còn là giữa chủ nhân và a hoàn. Cuộc chiến đó chưa bao giờ kết thúc, nó đã kéo dài từ đời này qua đời kia ở không biết bao nhiêu Trần gia khác của đất nước Trung Hoa.

Màu đỏ của chiếc đèn lồng, chiếc khăn trải bàn, cái màn cửa, của tấm rèm phủ trên chiếc búa, của trang phục cưới, của máu người phụ nữ những ngày trăng tròn… đã được Trương Nghệ Mưu sử dụng khéo léo và đồng nhất để tạo ra hiệu ứng thị giác khá mạnh, đó chính là gam màu đặc trưng của Trung Hoa. Đạo diễn Lý An, nổi tiếng với các bộ phim được vinh danh ở Hollywood cho rằng, màu đỏ là một gam màu rất khó xử lý khi dựng phim. Nhưng Trương Nghệ Mưu đã làm được, ông không cần dùng đến những thứ cầu kì, không cần xử lý một cách phô trương, hầu hết cảnh quay trong phim diễn ra trong một căn nhà nhiều gian, rộng lớn, nhưng lại bức bối và ảm đạm vô cùng. Một yếu tố khác khiến tôi đặc biệt ấn tượng đó là âm thanh không gian của phim, là tiếng treo đèn, hạ đèn và các âm thanh trong Trần phủ trong cách sinh hoạt hàng ngày. Âm thanh như được thu gần, dường như còn được phóng to khiến khán giả có cảm giác như đây chính là những âm thanh trung tâm của cuộc sống trong Trần phủ. Chưa hết, mỗi khi quản gia gọi lớn: “Treo đèn ở chỗ bà…” là khi âm thanh được phóng đại và vang cao, bởi đó là âm thanh được các bà vợ đợi chờ trước thềm nhà.

Khi xem phim, người xem sẽ không thôi bị ám ảnh bởi tiếng gõ búa kêu xúc xắc, dùng để massage chân và gương mặt thỏa mãn của các bà vợ trước khi lão gia ghé thăm. Đó là một chi tiết đắt giá xuyên suốt bộ phim, nó đồng nghĩa với quyền lực, niềm hoang lạc khi chiến thắng, hãnh diện vì được hầu hạ chồng, là sự giải tỏa của những ham muốn xác thịt của phận người đàn bà.

Bên cạnh Xuân Mai, vai Mai San – Tam phu nhân cũng là một đại diện cho những người phụ nữ bất cần, biết làm mọi cách để được hưởng thụ cuộc sống, một đào hát xinh đẹp may mắn đẻ được quý tử cho Trần lão gia, nhưng sau khi Xuân Mai vào phủ, bà nhanh chóng bị thất sủng, và đã dan díu với người khác. Một lần khi chơi cờ cùng họ, Xuân Mai đã vô tình vén bức màn bí mật này, khi cô cúi xuống nhặt quân cờ của mình. Xuân Mai đã khám phá ra được bí mật của Tam phu nhân, cũng như đó cũng là bí mật của chính bản thân cô, khi lần đầu nghe thấy tiếng sáo từ người con trai lớn của vợ cả. Có lẽ đó là lần đầu cô xác định được tiếng lòng của mình, biết rung động trước một người con trai, đó là năm cô 20 tuổi. Một xã hội không cho phép người phụ nữ lựa chọn tình yêu của mình, và theo đuổi tiếng gọi của con tim, một xã hội nếu ta thu mình lại, ta sẽ sống; còn nếu ta bộc lộ những gì con tim mách bảo, ta sẽ chết. Đó là một xã hội khép kín và hà khắc với mọi mong muốn đơn thuần của người con gái.

Đèn lồng đỏ treo cao mang thể loại chính kịch, trong đó câu chuyện đúng nghĩa là một sân khấu, vai Trần lão gia là người chỉ đạo các vai diễn, có quyền quyết định thân phận của từng người phụ nữ trong nhà. Do đó, người xem chỉ nghe giọng nói, chứ không thể nào nhìn thấy gương mặt của ông. Trong các bộ phim khác của Trương Nghệ Mưu cũng thế, những nhân vật nam cũng khá hạn chế xuất hiện trực diện, các góc quay dành tối đa để vai nữ được bộc lộ mọi khía cảnh cảm xúc và tâm lý của mình. Khả năng chịu đựng sự bất công, bản tính đấu tranh của những người đàn bà, chung quy cũng đều vì người đàn ông của họ. Và người đàn ông giấu mặt, họ chính là người chỉ đạo bằng tiếng nói, có quyền quyết định thắp đèn hay hạ màn cuộc vui với từng thê thiếp: “Cầm đèn lên – Đưa lên gần mặt – Cao hơn – Ngước mặt lên – Tốt lắm, con nhà có học trông có khác – Cởi quần áo và lên giường đi”.

Đoạn, cuộc đối thoại giữa Xuân Mai và Tam phu nhân về vai diễn của cuộc đời họ, nếu không lừa dối những người trong Trần phủ này, thì chỉ còn cách tự lựa dối chính mình, như chiếc đèn lồng trong phòng A Giang. Khi chiếc đèn lồng được thắp sáng, đã đến lúc vai diễn của chúng ta được ra sân khấu, phải diễn cho Trần lão gia xem, phải diễn cho cả xã hội này thưởng thức. Mỗi một mùa đi qua, xuân, hạ, thu rồi lại đông, tuyết rơi khắp sân, từng đợt người hầu đến và đi, có người thê thiếp bị nhốt trong phòng giam và tự tử vì bị phát hiện ngoại tình, có người hóa điên vì không thể chịu đựng nổi cuộc sống này, còn người mới và những người còn lại, họ cần tiếp tục diễn, tìm cách chôn vùi bí ẩn sâu kín của mình, và vén màn bí mật của người khác để tranh thủ sự sủng ái.

Thế giới của Đèn lồng đỏ treo cao buồn và cô quạnh, nhưng hơn hết, bộ phim là tiếng nói ẩn ức tình dục của người phụ nữ. Họ đều là những nô lệ tình dục của Trần lão gia. Khi ham muốn, họ phải dựa vào tiếng gõ búa, hoặc chiếc đèn lồng để tự lừa dối mình. Hình ảnh khi Xuân Mai đốt hết các đèn lồng trong phòng Tam phu nhân, sau khi bà bị Trần gia giết chết, những chiếc đèn thắp sáng để an ủi linh hồn của cô đào hát. Ánh sáng tố cáo sự thật khắc nghiệt, Xuân Mai muốn thiêu ruội những dối trá của Trần gia, và là để lần cuối hồi tưởng những giây phút ái ân ngắn ngủi mà lão gia đã dành cho họ.

Nếu không thể khuất phục và làm tròn vai diễn, người phụ nữ chỉ còn cách tách biệt với đời sống thực tại, quên đi quá khứ và bắt đầu một cuộc sống mới trong tâm tưởng.

Thông điệp nữ quyền đã cố gắng cất lên tiếng nói trong bộ phim này, thể hiện ở bà Tư – Xuân Mai, người phụ nữ có tư tưởng tiến bộ. Nhưng thực tế, Tô Đồng hiểu, Trương Nghệ Mưu hiểu, tiếng nói đó vẫn vô cùng yếu ớt. Thực tại đã tồn tại hàng nghìn năm phong kiến của Trung Quốc và trước khi nội chiến diễn ra, nhưng chẳng có gì thay đổi được, vì nó quá kiên cố. Cuối cùng, cơn điên loạn và mất trí đã giải phóng Xuân Mai. Nếu không thể khuất phục và làm tròn vai diễn, cô chỉ còn cách tách biệt với đời sống thực tại, quên đi quá khứ và bắt đầu một cuộc sống mới trong thế giới tưởng tượng của mình và chờ ngày lìa xa cõi đời, thoát khỏi Trần gia, thoát khỏi cái xã hội địa ngục này.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

5,286 lượt xem