Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public7 năm trước

Review Phim “Snowden” (2016) - Cuộc Phản Kháng Mạnh Mẽ Của “Kẻ Phản Bội” Nước Mỹ

Snowden (2016) - Snowden là một bộ phim tâm lý, hình sự được chuyển thể từ một sự kiện có thật diễn ra vào năm 2013, bởi đạo diễn quen thuộc của dòng phim chiến tranh Oliver Stone. Phim được thực hiện tại Đức và Mỹ, kịch bản tham khảo từ cuốn sách The Snowden Files của Luke Harding và Time of the Octopus của Anatoly Kucherena. Bộ phim có sự tham gia của bộ đôi diễn viên trẻ thực lực của Hollywood: Joseph Gordon-Levitt và Shailene Woodley, ngôi sao gạo cội Rhys Ifans và Nicolas Cage, cùng nhiều diễn viên khác.
---------------------------

Snowden dựa trên sự kiện có thật, và cho đến hôm nay người ta vẫn chưa ngừng tranh cãi nhân vật chính thực sự là anh hùng hay kẻ thù của nước Mỹ?

Snowden của Oliver Stone (Platoon, Heaven and Earth, Nixon, JFK,…) với sự tham gia của Joseph Gordon-Levitt, khi xuất hiện trên các trang báo review nước ngoài đa phần đều không được đánh giá cao. Điển hình như IMDb chỉ đánh giá phim 6/10, Indewire C+, The Guardian 2/5… Nhưng có một vấn đề khác, không liên quan đến số điểm dành cho Snowden, rằng đây sẽ là bộ phim mà nhiều người rất muốn xem, một bộ phim được làm chỉ sau 3 năm diễn ra sự kiện có thật: Cuộc phơi bày thông tin lớn nhất của nước Mỹ và Anh về chương trình theo dõi người dân.

Nhiều khán giả Mỹ đã nhìn nhận đạo diễn Oliver Stone như một sử gia điện ảnh quan trọng khi các phim của ông lần lượt tái hiện những nhân vật góp phần xây dựng lịch sử quốc gia, từ giai đoạn chiến tranh Việt Nam, Richard Nixon, đến cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9, và bây giờ là sự kiện tiết lộ bí mật động trời của an ninh Hoa Kỳ bởi một thiên tài máy tính, Edward Snowden, một chàng trai của hậu 11/9 trong bối cảnh an ninh quốc gia được đặt lên hàng đầu. Sức hút của Edward Snowden đã lôi kéo ông thực hiện bộ phim này, dù tương lai chắc chắn là ông sẽ nhận không ít phản đối, cũng như các nhận định khắt khe từ khán giả và giới phê bình phim.

Snowden là câu chuyện thật sự phức tạp, đặc biệt là trong cách Stone và Fitzgerald đã chọn để thể hiện nó. Trong tương lai, tôi đoán là sẽ có thêm những kịch bản khác sẽ tiếp tục làm về Snowden.

Bộ phim mở đầu tại sân bay HongKong, nơi mà Snowden sẽ gặp nhà báo Glenn Greenwald (Zachary Quinto) của tờ The Guardian và đạo diễn phim tài liệu Laura Poitras (Melissa Leo), những nhân vật sẽ giúp anh công bố một loạt các bí mật gây chấn động sắp tới.

Tiếp theo, người xem sẽ chứng kiến một lát cắt quan trọng trong cuộc đời của Edward Snowden, cựu nhân viên kỹ thuật hợp đồng của NSA và CIA, diễn ra từ năm 2004 – 2013. Từ một chàng trai nhiều hoài bão góp sức phục vụ tổ quốc, Snowden được huấn luyện khắt khe trong quân đội Hoa Kỳ với tư cách là một thành viên của Lực lượng tân binh đặc biệt với mục tiêu tham gia trận chiến ở Iraq. Sự cố gãy 2 chân đã khiến anh không thể hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng đó lại là cột mốc dẫn anh đến một chiến trường khác, đó là thông tin. Cấu trúc kịch bản của Kieran Fitzgerald và Oliver Stone đã linh hoạt chuyển đổi giữa ba câu chuyện: (1) Một Snowden đang làm việc bí mật tại một căn phòng trong khách sạn Mira, HongKong với hai nhà báo để chuẩn bị cho phát sóng công bố đầu tiên liên quan đến chính phủ Hoa Kỳ; (2) Một thần đồng máy tính Snowden nghiện công việc, có tính cách điềm đạm và rất ít nói, dù không có trình độ chuyên môn chính thức, nhưng kỹ năng máy tính đầy ma thuật khiến anh nhanh chóng thăng tiến trong hàng ngũ nhân viên tình báo, từ một nhân viên an ninh mạng cấp cao cho một trong các cơ sở bí mật của cơ quan NSA tại Đại học Maryland, rồi sau đó làm việc cho CIA trong vỏ bọc ngoại giao tại Geneva, nơi đã khiến anh vỡ mộng về cách thức hoạt động của chính phủ mình, rồi sau đó anh quay lại Hawaii để làm nhân viên hợp đồng với NSA, nơi mà anh khám phá phương thức mà quốc gia đang theo dõi người dân và đã bí mật sao chép toàn bộ dữ liệu, bắt đầu đối diện với sự truy đuổi và con đường lưu vong để quyết định nói ra sự thật; và (3), một Snowden chung tình và có cuộc tình lãng mạn với vũ công Lindsay Mills (Shailene Woodley) nhưng gặp nhiều sóng gió bởi công việc và mâu thuẫn trong quan điểm sống của cả hai.

Với đạo diễn Oliver Stone, biên kịch Kieran Fitzgerald và những thành viên khác, họ gần như cảm thấy làm ra Snowden một nghĩa vụ cần thiết, để truyền tải một câu chuyện đến cho khán giả bằng ngôn ngữ điện ảnh đơn giản, gần gũi, mang chút dáng dấp của những bộ phim những năm 90, không cần thiết bổ sung các yếu tố giật gân hay làm tăng nhịp điệu dồn dập của thể loại hình sự quen thuộc. Nam diễn viên Gordon-Levitt đã biểu đạt tâm lý điềm tĩnh nhưng đôi khi mệt mỏi của Snowden với lối diễn xuất tròn trịa, đặc biệt là diễn xuất bằng ánh mắt của anh được phát huy mạnh mẽ, nơi hiện hữu những dãy số toán học và cả những bí mật bị che dấu đang dằn xé tâm lý trong anh, về hoài bão và lý tưởng quốc gia, cũng như những thách thức để đổi lấy sự tự do thông tin.

Snowden của Oliver Stone không hẳn là phim trần thuật, vì kịch bản hoàn toàn là một góc nhìn khác về một nhân vật được cho là “kẻ phản bội” nước Mỹ, dù đạo diễn vẫn tôn trọng các chi tiết có thực. Thậm chí, Oliver Stone cũng đã có những buổi gặp gỡ với Edward Snowden ngoài đời thực tại Moscow trước khi phim được bấm máy, ông đã tìm hiểu điều gì đã xảy ra với anh sau khi công bố loạt bí mật trên, và từ đó có góc nhìn của riêng về chàng trai này. Với tôi, Oliver Stone đã tận dụng cách tái hiện cuộc đời của một nhân vật, để phản ánh một cột mốc lịch sử quốc gia. Theo cách kể chuyện của ông, Snowden không phải là một tội đồ, cũng không hẳn là một anh hùng, anh ta là một nhân vật tạo ra lịch sử. Anh ta cho thấy rằng Thế chiến thứ 3, một cuộc chiến mà chính phủ Mỹ đã ngày đêm cố gắng để không cho nó diễn ra, một cuộc chiến tranh hạt nhân có nguy cơ phá tan trật tự thế giới… thực chất lại đang diễn ra trên mặt trận thông tin. Oliver Stone có lẽ đã đứng về phía Snowden, chính xác là ông ta ủng hộ lý do mà Snowden đưa ra khi quyết định tiết lộ bí mật này. Sở hữu thông tin cũng giống như có vũ khí trong tay, anh ta có thể gây tổn thương cho người khác, hoặc cứu giúp người đó còn tùy vào quan điểm đạo đức của anh, và xã hội này đang được vận hành như vậy. Cựu mật vụ CIA Snowden khẳng định hành động đúng đắn của mình khi đưa những việc làm “được cho là không đúng về đạo đức” ra ngoài ánh sáng. Anh ta cung cấp cho người dân thông tin, còn đối xử như thế nào là quyền của họ. Nhưng rõ ràng, bất cứ người dân nào cũng có quyền nghi ngờ về chính phủ của mình khi họ sở hữu được nhiều thông tin.

Xem Snowden, một lần nữa khán giả có thể phải đối diện với mâu thuẫn luôn tồn tại trong hệ thống chính trị: an ninh cho quốc gia hay tự do cá nhân nên được ưu tiên? Tuy nhiên, có một điểm lưu ý mà bộ phim này đề cập, mà bằng cách thể hiện đơn giản, Oliver Stone đã nhấn mạnh về sự kiểm soát thông tin trên mạng của mỗi cá nhân, như cách mà David Fincher đã làm trong phim The Social Network (2010). Cả hai nhân vật chính đều là những thiên tài máy tính, nhưng con đường họ đi là khác nhau, và dĩ nhiên là nhận được những biệt đãi khác nhau. Tuy nhiên, theo tôi thì Snowden lại mang đến một thông điệp mạnh mẽ hơn, nếu một bộ óc siêu việt chọn cho mình một con đường nguy hiểm, trái với ý muốn của chính phủ, dù là vì mục đích nào đi nữa, thì họ càng sẽ bị phán xét và cô độc. Nhưng mặt khác, giả sử bộ óc của Snowden vẫn nằm trong sự kiểm soát của chính phủ, thì sẽ là một mối nguy cho toàn thế giới. Một “cỗ máy’ thông minh kinh khủng, phục vụ cho một thế lực chính trị nhiều tham vọng thì còn gì nguy hiểm hơn? Bất kỳ ở đâu cũng đều sự lạm dụng quyền lực, trong khi chưa có một ngoại lệ nào về việc quyền lực có xu hướng tha hóa con người. Chiến tranh hoàn toàn có thể diễn ra. Không ai nói trước được điều gì cả. Những chi tiết trên cũng nhằm tô đậm cho mặt trái tàn nhẫn của cuộc sống, về mức độ vô cảm của con người. Các điệp viên như Snowden và những đồng nghiệp của anh có thể chạm vào toàn bộ thế giới chỉ bằng vài cú click chuột, họ lướt qua từng facebook của những người xa lạ một cách dễ dàng, ngắm nghía hình ảnh của họ. Nhưng khi càng nhìn vào màn hình vô tri, thì nguy cơ bị lãnh cảm với thực tế sẽ càng cao, điển hình là được phản ánh qua mối quan hệ giữa Snowden và bạn gái Lindsay. Trong công việc, cú click chuột của họ cũng sẽ có thể kích hoạt một quả bom ở chiến trường Trung Đông, sẽ có nhiều người dân vô tội hi sinh gần đấy, nhưng những người đang làm việc cho NSA vẫn đang ngồi trước màn hình để làm công việc của mình.

Bộ phim này cũng là một gáo nước lạnh mà Oliver Stone đã dội vào Mỹ, một cường quốc với sự đảm bảo hàng đầu vấn đề Nhân quyền, khi ông không hề ngần ngại lồng ghép các đoạn phim tài liệu người thật trong một bối cảnh đưa ra quyết định, theo hướng giả tài liệu docudrama. Cảnh cuối phim, khi cuối cùng người dân xuống đường với mặt nạ Snowden, một thoáng lướt qua liên tưởng đến mặt nạ của Anonymous trong V for Vendentta (2005), và đây là HongKong, nhưng người đứng đầu Hoa Kỳ vẫn kiên quyết khẳng định Snowden vẫn là tội đồ nước Mỹ. Khi xem cảnh kết, tôi đã nghĩ thầm “Wow sao phim này lại được cho chiếu ở Mỹ nhỉ?” – Kỳ thực là lúc đó tôi quên rằng Mỹ vẫn là một quốc gia có những đối trọng rất rõ ràng, bày tỏ quan điểm về chính quyền và vi phạm luật pháp bảo mật thông tin quốc gia là hai việc khác nhau. Do đó, Snowden vẫn là một bộ phim cần được ra rạp, để khán giả xem và tham khảo, còn họ suy nghĩ như thế nào thì chính phủ không thể can thiệp.

Bên cạnh những chi tiết về cuộc chiến với thông tin của nhân vật này, có một điều thú vị tôi tìm thấy ở bộ phim này: Vai trò của báo chí trong các vụ việc nhạy cảm như thế này được thể hiện ra sao? Thông tin mà họ phải tìm thêm, không thể chỉ nằm trên các thông cáo, hay thậm chí là Wikileaks, mà phải là từ nhân vật chính. Và họ phải tiếp cận với những người như Snowden bằng cách nào?

Ngoài ra, với một bộ phim mà ngập tràn dữ liệu, các cuộc nói chuyện về công nghệ, chính trị thì có mang lại cảm xúc gì không? Tôi thừa nhận là có. Những góc máy thể hiện cảm xúc theo kiểu cliche quen thuộc không phải là vấn đề lớn đối với trải nghiệm xem Snowden với tôi, vì Oliver Stone đã cung cấp một câu chuyện. Với Snowden, sự thật với người này, có khi là mối nguy với người khác. Qua thời gian, thông tin có thể sẽ cũ đi, người ta sẽ quên dần Snowden và sự đánh đổi của anh ta. Vũ khí thông tin sẽ suy yếu, đến lúc đó thì còn lại gì khác nếu không phải là lý tưởng của anh?

Sự thật sẽ không đủ mạnh mẽ để cứu người khác khỏi u mê, nếu thiếu đi trái tim vẫn còn nhịp đập, như biệt danh “heartbeat” của Snowden tại NSA.

TỔNG KẾT: Một bộ phim dựa trên sự kiện có thật gây nhiều tranh cãi và giàu tính nhân văn.

Theo 35mm

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,106 lượt xem

lh-fulllh-x