Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Review Phim "The Big Short" - Bộ Phim Không Thế Bỏ Qua Của Dân Đầu Cơ Trên Thị Trường Tài Chính

The Big Short là một phim có phần khó nhằn, nhưng rất thú vị, một phiên bản American Hustle phần 2, tuy nhiên đắng hơn, vô cảm hơn và đả kích nhiều hơn. Để xem The Big Short, ta nên nhìn lại nền kinh tế Mỹ từ năm 2000 đến 2008 và ảnh hưởng của Fed (Cục dữ trữ liên bang Mỹ) đối với nền kinh tế nước này.

Những năm 90 của thế kỷ 20 là thời điểm đánh dấu kỷ nguyên công nghệ thông tin bùng nổ với một sự thinh vượng bất thường, theo cách diễn giải của Alan Greenspan - Kiến trúc sư trưởng Fed. Đây là năm Window 95 ra đời, hẳn nhiều người Việt Nam còn nhớ. Phần mềm trình duyệt Netscape ra đời, công cụ tìm kiếm Yahoo ra đời và sau khi tích lũy đủ lượng data thì thương mại điện tử ra đời như một chu kỳ tất yếu. Với Internet, “Dotcom” trở thành một thương hiệu cho mọi công ty thậm chí như thứ bùa ngải trên thị trường chứng khoán giúp cho giá cổ phiếu tăng vọt. Netscape là một ví dụ cho cái sau này gọi là bong bóng Dotcom, kích thích đầu tư công nghệ vượt trội. Tuy nhiên, nếu chỉ với việc gắn bùa “Dotcom” là không đủ, hay nói chính xác, nó là tấm áo khoác cho lòng tham, bay lên rất nhanh và rơi xuống với tốc độ không phanh. Điềm gở khủng khiếp cho sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ là vụ 11/9 với một loạt các sự kiện đổ vỡ kéo dài trong 2 năm (1999-2001). Vì sao nó nổ lại là một câu chuyện khác xin để dành lần sau.
 
Nhằm ngăn cản suy thoái kinh tế khiến các nhà đầu tư và giới ngân hàng thận trọng đổ xô vào hoạt động mua trái phiếu chính phủ vốn được bảo lãnh chính trị và có lãi suất cao (trong giai đoạn trước năm 2004, Fed đính giá lãi suất khoảng 6,5%). Việc mua loại trái phiếu ngắn hạn này cực lời, chỉ riêng việc bán ra đã ăn được khoản chênh lệch. Tuy nhiên, đồng tiền án trú trong Kho bạc không có nghĩa là quốc gia đó giàu có. Tiền cần phải chảy vào thị trường, đến tay các nhà đầu tư nhỏ, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân năng động mới đảm bảo cho nền kinh tế hoạt huyết (tiền chảy từ đầu đến các chi vào các buổi sáng, chỉ an trú tạm thời qua đêm giữa các ngân hàng). Một trong những vũ khí của Fed (và Nhật Bản cũng đang áp dụng) đó chính là chiêu pháp: nới lỏng định lượng (giảm lãi suất thông qua cách mua lại trái phiếu của các định chế tài chính). Việc giảm lãi suất (trước khủng khoảng 2008, Fed cắt lãi suất xuống còn khoảng 1,65% và thậm chí là 0%) khiến cho hoạt động mua trái phiếu không còn sinh lời chênh lệch. Các đợt bơm/in tiền mua lại trái phiếu cũng tạo nên một sức ép buộc giới ngân hàng phải nghĩ đến việc (mà họ không muốn nghĩ đến sau bong bóng Dotcom) là cho giới kinh doanh (vốn nhiều mạo hiểm) vay tiền.
 
Công cụ lãi suất và bơm tiền trong các gói định lượng của Fed đã góp phần kích thích nền kinh tế Mỹ hồi phục và đặc biệt sôi động từ năm 2004 đến năm 2008. Giờ đây, giới đầu tư không nhắm đến các công ty công nghệ “ảo ma”. Họ tìm đến các sản phẩm có giá trị bền vững (solid like a rock) và tưởng chừng như không bao giờ mất giá: bất động sản.
 
Và bây giờ cái tên The Big Short mới có ý nghĩa. Tại thị trường chứng khoán, thủ thuật mua cổ phiếu hoặc các tài sản có giá trị ổn định, đợi giá cao để bán kiếm lời gọi là “long selling”. Người thực hiện hoạt độn này là những người Sở Hữu tài sản. Ngược với kẻ có trường kiếm, thì một thủ thuất khác phức tạp và ảo diệu hơn gọi là “short selling” (bán khống). Người thực hiện hành vi này là kẻ Vay Nợ. Món nợ thường là một dạng cổ phiếu hoặc phức tạp hơn như trong phim này là một Khoản Nở (CDO). Hoạt động bán khống sinh lời khi:
+ Dự đoán giá một cổ phiếu nào đó sẽ giảm trong tương lai gần
+ Vay 100 cổ phiếu với giá 10 USD
+ Đợi nó giảm xuống 5 USD để mua 100 cổ phiếu
+ Trả nợ 100 cổ phiếu để sở hữu khoản chênh lệch có thể lên 50%
 
Cả 4 nhân vật trong phim và đầu têu là Michael Burry (Christian Bale) đã đánh cược với một loạt các ngân hàng rằng: thị trường nhà ở đang bị thổi phồng và sẽ sớm nổ khi các chủ hộ gia đình không thể trả nợ ngần hàng. Các khoản nợ ngần hàng với tài sản thế chấp bất động sản này hiện đang được mua đi bán lại giữa môi giới với ngân hàng và chuyển sang dân đầu tư tại Phố Wall. Chúng được gọi thành một sản phẩm mang tên CDO (Nghĩa vụ nợ thế chấp). Sau đó các ngân hàng, quỹ tín dụng phù phép chúng, đóng dấu thành các dạng cổ phiếu AAA để làm mồi câu các nhà đầu tư.
 
Tương tự như việc các công ty đóng dấu Dotcom ở thời điểm năm 2000, giờ đây mức độ dối trá còn ở cấp độ lớn và rộng hơn khi các ngân hàng và tổ chức tài chính tham gia vào hoạt động đóng dấu cho các khoản nở phát sinh từ những tài sản thế chấp (nhà ở) vô giá trị. Các con nợ là những hộ gia đình thu nhập thấp trong thời kỳ bùng nổ bất động sản đã bị thuyết phục để ký vào những văn bản định giá ảo.
 
Nước Mỹ đã có 10 năm hạnh phúc khi người nghèo mua được nhà, người có nhà mua được nhà to hơn. Những kẻ môi giới kiếm tiền phí dễ dàng. Ngân hàng có được các văn bản IOU (Hiểu nôm na: Tôi nợ anh) để phù phép thành những sản phẩm tài chính cuốn hút nhằm hút tiền từ các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư tận dụng tối đa đòn bẩy tài chính để đầu cơ vay nợ.
 
Quy trình này tạo ra các khoản lợi nhuận chênh lệch trên nền tảng của những sản phẩm thế chấp vô giá trị (subprime mortgage). Hay nói một cách mỹ miều: một niềm tin được xây dựng trên dối trá. Đó là thời điểm khủng hoảng niềm tin** diễn ra và tại lĩnh vực kinh tế, nó được gọi là khủng hoảng tín dụng.
 
Trong phim, sự chế nhạo có thể thấy khi người nhìn ra các dữ liệu dối trá là Michael Burry - người đàn ông một mắt, đọc hàng chục nghìn tài liệu định giá các tài sản thế chấp và nhận ra chúng là một mớ rác rưỡi sinh ra trong kỷ nguyên toàn dân đi vay. Burry trong vài trò người quản lý một quỹ đầu cơ (hedge fund) - một dạng quỹ đầu tư linh hoạt với các định chế cơ bản như: các nhà đầu tư phải nộp quỹ trong một định lượng tối thiểu (ví dụ 2 triệu USD), chủ quỹ có quyền “khóa” tiền rút ra trong một thời gian cố định (2 năm chẳng hạn) và người hùn vốn chỉ được rút tiền từng đợi theo quy định (sau 2 năm khóa quỹ). Với luật chơi này, Burry đã đánh cược bằng việc “mua” CDO từ các ngân hàng thông qua kênh bán khống và ăn lợi khổng lồ khi thị trường bất động sản sụp đổ và đóng băng. Đi sau Burry là một biệt đội kền kền khác nhau, cùng tham gia vào cuộc chơi đón đầu khủng hoảng và góp phần biến cuộc khủng hoảng 2008 tồi tệ hơn.
 
Cuộc khủng hoảng 2008 không chỉ diễn ra tại nước Mỹ mà nó còn tạo ra một cuộc tổng suy trầm toàn cầu khi tất cả những định chế tài chính lớn tại quốc gia này là cầu nối đến các nhà đầu tư từ các quốc gia khác, đặc biệt là Nhật Bản, Trung Đông...
 
The Big Short là một ví dụ cụ thể về làm tiền kiểu Mỹ và cách làm tiền này dựa trên chính lòng tham và các kiểu làm tiền khác. Một canh bạc khủng khiếp và nó chỉ có thể bóc tách tại những quốc gia không ngần ngại nhìn vào quá khứ xấu xí của mình.
 

 Theo songmoi.vn     

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

19,550 lượt xem