Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Review Phim "The End Of The F***Ing World": Cặp Đôi Gà Bông “Nổi Loạn” Nhất Màn Ảnh 2018

Bộ phim hài, tình cảm theo phong cách châm biếm của Netflix đem đến cho người xem một chuyện tình thiếu niên táo bạo nhưng cũng rất lãng mạn và ý nghĩa.

Nội tâm của phụ nữ và tâm sinh lý của lứa tuổi thanh thiếu niên luôn là những khu vực khó hiểu, chứa đầy cạm bẫy và cũng phức tạp nhất trên thế giới này. Đặc biệt là thời kỳ ẩm ương của những cô cậu bé đang đến tuổi dậy thì là cơn ác mộng “không nói nên lời” của các bậc sinh thành và người lớn xung quanh. Điều mà chúng ta dù đã từng trải qua, cũng chẳng biết diễn tả thế nào cho đúng.

Trong thế giới nội tâm của chúng, mọi vật luôn được diễn giải, mô tả theo cách khác hẳn với người lớn. Và vì thế, cách cư xử của chúng cũng bị chụp mũ “điên loạn” theo thước đo đánh giá, bị tác động bởi khoảng cách thế hệ của người trưởng thành.

The End of the F***ing World là bộ phim tâm lí thiếu niên hiếm hoi dám khai thác sự điên rồ của tuổi ẩm ương theo cách điên khùng, quái chiêu mà bạn hiếm khi bắt gặp trên màn ảnh đại chúng.

Chàng tâm thần, nàng quái đản

James (Alex Lawther) là một thiếu niên 17 tuổi luôn nghĩ rằng mình bị tâm thần. Cậu ta sống mà không có cảm giác, hờ hững trước mọi thứ và tin rằng: giết chóc sẽ giải quyết được vấn đề về mặt cảm xúc. Nhưng James cũng là một đứa trẻ nhút nhát, chần chừ không dám phá vỡ cuộc sống bình thường của bản thân. Mọi mục tiêu giết chóc chỉ tồn tại trong suy nghĩ lập dị của cậu ta.

Nhưng vào ngày James gặp Alyssa (Jessica Barden) – một cô gái ngang ngạnh, ương bướng vừa chuyển đến thị trấn, thế giới quan và cảm xúc của cậu bắt đầu thay đổi. Từ ý định ban đầu sẽ thủ tiêu Alyssa, James bỗng chốc rơi vào tình yêu dành cho cô gái tự lúc nào chẳng hay.

Sự táo bạo có phần ương bướng của Alyssa, suy nghĩ giết chóc của James đã thúc đẩy cả hai cùng thực hiện một chuyến phiêu lưu điên dại, khiến cho cuộc sống của họ thay đổi mãi mãi.

Mượn sự quái dị để nói về hiện thực u buồn

Hai nhân vật chính của phim là những kẻ nổi loạn thật sự. Khi đã quyết định chạy trốn khỏi thế giới thực tại, cả hai không ngại ngần thực hiện những phi vụ phạm pháp như: chửi bậy, hành hung, ăn cắp, trấn lột và đánh nhau.

Đây là điểm khác biệt lớn của The End of the F***ing World so với các phim thiếu niên khác. Bởi rất ít bộ phim dành cho tuổi teen dám “cả gan” để nhân vật chính – những kẻ chưa đến tuổi trưởng thành liên tục can dự vào một chuỗi những chuyện trái với pháp luật. Đỉnh điểm là chi tiết chúng phải tự tay… giết người.

Ban đầu, hai nhân vật chính, đặc biệt là Alyssa có thể khiến khán giả - những người không quen xem một phim black-comedy (hài trào phúng, châm biếm) thực thụ cảm thấy ức chế. Cô nhỏ quá hỗn hào, sẵn sàng đốp chát người mẹ cam chịu, chửi thẳng mặt cha dượng khốn nạn và tuôn một tràng những lời khó nghe với người khác. Nhưng ngay khi “sự cố” xảy ra, khi quá khứ nhân vật bắt đầu được lật mở, thì tông màu vui tươi, sẵn sàng phá hoại thế giới chuyển sang những bi kịch thật sự.

James phải lớn lên trong nỗi ám ảnh về việc tận mắt chứng kiến mẹ mình tự sát do trầm cảm. Còn bố thì đau khổ tới mức thờ ơ, dùng tiếng cười để sống và nghĩ rằng sẽ bù đắp được cho con cái. Alyssa cũng có phần giống James, khi luôn phải sống trong cảnh dằn vặt, tự hỏi mình đã làm gì sai để bị bố ruột bỏ rơi.

Bên cạnh tâm tư u buồn của những đứa trẻ nổi loạn, sự quan tâm chăm sóc “cứ tưởng là tốt” của bậc làm cha mẹ, The End of the F***ing World còn đề cập tới nhiều vấn đề trong xã hội. Đó có thể là “màn đội lốt” đáng tởm của một kẻ ấu dâm đồng tính, sự nhàm chán nhưng chẳng chịu thay đổi của một thanh niên u buồn, sự vô trách nhiệm của một kẻ trưởng thành. Hay đặc biệt nhất, là suy tư về một vấn đề tưởng dễ mà khó: khi một thiếu niên phạm pháp, thì pháp luật nên thẳng tay trừng phạt hay chọn cách lắng nghe để đưa ra quyết định xử lý đúng đắn?

Trái ngược với không khí phá phách, sảng khoái lúc ban đầu, The End of the F***ing World càng lúc càng lún sâu vào nỗi buồn, ám ảnh khó tả. Trong hành trình điên rồ ấy, James và Alyssa đều nhận ra được những bài học quan trọng về nhận thức, về cuộc sống và về tình yêu.

Nhưng vì con đường chúng đã đi là một chuỗi những sai trái, nên lúc ngoảnh mặt lại, thì mọi thứ đã không cách nào có thể cứu vãn. Hoặc ít ra, đó là theo cách nghĩ của chúng – một đôi tình nhân trẻ con lầm đường lạc lối, thật sự tin rằng thế giới này chẳng còn chỗ để dung thân.

Siêu phẩm “hài đen” đến từ Anh Quốc

The End of the F***ing World được thực hiện dựa trên loạt truyện tranh cùng tên của tác giả Charles S. Forsman. Phim được kênh truyền hình Channel 4 của Anh sản xuất và ra mắt vào tháng 10.2017. Nhưng khi được Netflix mua bản quyền và phát sóng trên toàn cầu vào ngày 05.01.2018, The End of the F***ing World mới thật sự được nhiều người biết đến và trở thành hiện tượng truyền hình đầu năm.

Có nhiều yếu tố khiến bộ phim này thu phục công chúng và khiến giới phê bình khen ngợi hết lời.

Thứ nhất, phim có cách thể hiện độc đáo khi khắc họa câu chuyện điên khùng, hư cấu của hai đứa trẻ để phản ánh trạng thái tâm lý bất ổn của lứa tuổi thiếu niên và những tác động của gia đình, xã hội. Tuy nhiên, cách phản ảnh táo bạo này có thể khiến một số khán giả khó tính, nhạy cảm cảm thấy khó chịu.

Thứ hai, diễn xuất của dàn diễn viên, đặc biệt là hai ngôi sao chính Jessica Barden và Alex Lawther thật sự quá thuyết phục. Jessica hoàn toàn nhập tâm vào vai một cô nhóc ranh ma nhưng đôi mắt lúc nào cũng phảng phất nỗi buồn vì bị bỏ rơi.  

Phụ nữ sẽ luôn trưởng thành sớm hơn đàn ông. So với cô nàng Alyssa tinh tế, đáo để, thì “cậu nhóc tâm thần” James luôn chậm tiêu hơn một bước. Ban đầu, anh chàng 22 tuổi Alex Lawther xuất hiện với dáng vẻ khá kinh dị, đờ đẫn. Nhưng càng về sau, diễn xuất tinh tế của Alex giúp cho khán giả cảm nhận được sự trưởng thành về tâm lý cũng những rung động tinh tế của một cậu trai lần đầu có cảm xúc, lần đầu biết yêu.

Ngoại hình “trẻ hơn tuổi”, tương tác ăn ý và khả năng nhập tâm, thấu hiểu trọn vẹn nhân vật đã giúp Jessica cùng Alex “thổi hồn” vào Alyssa và James. Chính họ đã đem đến sự duyên dáng cho những hành động điên rồ và thuyết phục khán giả về sự tồn tại của hai đứa trẻ mang nhiều tổn thương.

Cuối cùng, hình ảnh và âm nhạc là những yếu tố không thể tách rời trong thành công của phim. Nhưng đại cảnh thiên nhiên lúc hai nhân vật bỏ trốn trong rừng thông lấp ló ánh mặt trời, chuyến xe trài dài qua miền đồng quê Anh bát ngát,... làm khán giả xuýt xoa rung cảm. Hay đơn giản chỉ là những cú máy nhanh, ngắn gọn diễn tả hành động của nhân vật một cách dứt khoát, đầy mạnh mẽ, phù hợp với phong cách táo bạo của phim.

Nhạc phim được lồng ghép rất tinh tế, ví dụ như ca khúc I’m Sorry của Brenda Lee được phát lên trong cảnh sốc cuối tập 3 vừa tạo cảm giác tức cười lại vừa gây hoang mang cho khán giả.

Với cách thể hiện thẳng thắn, không ngượng ngùng, The End of the F***ing World là góc nhìn mới mẻ về đề tài quen thuộc: tâm lý tuổi thiếu niên. Nhưng series phim ngắn này không đơn thuần chỉ dành cho những cô cậu mới lớn. Ở mặt nào đó, phim có những chi tiết gợi mở mà chỉ có khán giả trưởng thành, với sự chín chắn và từng trải mới thấm thía và cảm nhận một cách trọn vẹn.

Theo muzuco.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,915 lượt xem