Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public7 năm trước

Review Phim “Whisper Of The Heart “(1995) - Lời Trái Tim Thì Thầm

Whisper Of The Heart (1995) - Cô bé Shizuku mộng mơ và thích đọc sách đang trải qua những ngày cuối cùng của thời trung học. Shizuku để ý thấy tên một cậu bé có trong thẻ mượn sách của tất cả những quyển sách cô từng mượn. Một chú mèo kỳ lạ đã dẫn đường Shizuku gặp gỡ cậu bé bí ẩn này.

-------------

Bên cạnh những tác phẩm mang màu sắc tưởng tượng đầy mê hoặc, Studo Ghibli – hãng phim hoạt hình nổi tiếng nhất Nhật Bản, còn có những bộ phim tiếp cận cuộc sống đời thường rất xuất sắc, đầy ắp tình cảm mà vẫn đẹp đẽ mộng mơ. Whisper Of The Heart (Lời thì thầm của trái tim), bộ phim đầu tiên và duy nhất của đạo diễn Yoshifumi Kondō, là một ví dụ điển hình.

Phim mở đầu bằng giai điệu ngọt ngào của ca khúc “Country Road”, do Olivia Newton-John trình bày, trong khi khung hình đi qua những con phố đêm bình dị và yên ả. Nhân vật chính là cô bé Shizuku 14 tuổi, đang trải qua những ngày cuối cùng ở trường trung học cơ sở. Shizuku là một con “mọt sách” chính hiệu, thay vì tập trung vào việc học thi, chuyển cấp, cô bé thích vùi mình vào những quyển sách mượn được ở thư viện.

Một thế giới học trò gần gũi và sáng trong dần được vẽ nên. Bạn thân của Shizuku là Yuko, một cô bé đa sầu đa cảm, đang gặp rắc rối trong chuyện tình cảm với cậu bạn thân Sugimura cùng lớp. Yuko thích Sugimura, nhưng dường như cậu ta không để ý đến. Dù có bề ngoài khá “Tomboy” với tính cách bướng bỉnh, nhưng bên trong Shizuku là một tâm hồn lãng mạn mộng mơ. Cô bé để ý đến tên một cậu con trai, “Amasawa”, luôn xuất hiện trước mình trong tất cả các thẻ mượn sách và bắt đầu tưởng tượng về sự trùng hợp này.

Shizuku có khả năng dùng từ khá tốt, cô bé giúp đỡ các bạn viết lời tiếng Nhật cho ca khúc “Country Road” tiếng Anh và được yêu thích. Cô bé còn đùa giỡn khi thay thế từ “con đường quê”, thành “con đường bê tông” cho phù hợp với hiện thực, khiến Yuko bật cười. Đó là một buổi chiều mùa hè đầy nắng và tiếng ve, Shizuku để quên quyển sách có chứa lời bài hát trên ghế đá. Một cậu bé tên Seiji nhặt được, và khi trả lại không quên bông đùa về “con đường bê tông” khiến Shizuku nổi giận.

Một lần trên tàu điện, Shizuku chú ý đến một chú mèo mập khá bí ẩn. Bị cuốn hút, cô bé đi theo chú mèo lên khu phố trên đồi, và đứng trước một cửa hàng đồ cổ. Cửa hàng khá nhỏ, nhưng chứa đựng rất nhiều thứ thú vị. Shizuku thấy thân quen với một con búp bê “người-mèo” lịch lãm trong bộ vét. Cụ già Nishi là chủ ở đó, bất ngờ xuất hiện và nói rằng nó tên là “Baron”. Ông cụ tử tế và thân thiện, nhờ Shizuku giúp mình sửa giúp chiếc đồng hồ cũ được chế tác tinh xảo. Chiếc đồng hồ chứa đựng một câu chuyện buồn về tình yêu, và chạm vào trái tim của cô bé. Shizuku rất thích nơi này và hẹn sẽ trở lại. Một lần nữa cô bé quên đồ, và kẻ “đáng ghét” Seiji lại xuất hiện để trả lại, cậu bé là cháu của ông Nishi.

Dù là bộ phim học trò ở thế giới hiện thực, thì Studio Ghibli vẫn thể hiện được nét đặc trưng của mình qua chất mộng mơ tuyệt đẹp, huyền bí, pha lẫn giữa thế giới tưởng tượng nhiều màu sắc của Shizuku và những rung động học trò lãng mạn, giống như một bản nhạc diệu kỳ khiến trái tim khẽ rung lên.

Chú mèo mập bí ẩn, vốn không thuộc về bất cứ người chủ nào, dẫn lối cho Shizuku đến nhà Seiji, giống như một vị sứ giả được một bà tiên gửi đến từ thế giới cổ tích. Cửa hàng đồ cổ của ông Nishi cũng giống như một thế giới khác, hấp dẫn cô bé ngay từ phút đầu tiên. Chiếc đồng hồ được sửa đúng vào ngày cô bé bước vào, con mèo Baron là kỷ vật buồn của ông Nishi gợi đến người yêu cũ, những mối liên hệ nửa hiện thực, nửa mộng mơ mang đến một không gian đầy cảm xúc và sáng trong vô ngần.

Ở thế giới thật, Shizuku đang gặp vấn đề về tương lai. Cô bé không muốn vào trường trung học, nhưng cũng không chắc chắn về điều mình muốn làm. Đó là lý do chính để Shizuku vùi mình vào những quyển sách, và trốn chạy khỏi nỗi lo lắng từ gia đình. Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, khi Sugimura nói rằng cậu thích Shizuki chứ không phải là Yuko. Cô bé từ chối nhưng mang lòng nặng trĩu, lần đầu biết buồn bã vì tình cảm học trò.

Chú mèo một lần nữa đóng vai người dẫn đường để Shizuku gặp lại Seiji. Cậu bé mở cửa cho Shizuku vào. Shizuku ngạc nhiên biết được rằng Seiji là một thợ làm đàn violin, và đang nỗ lực để thực hiện ước mơ. Seiji vừa giống và vừa khác cô bé. Cậu cũng không có ý định vào trường cấp ba. Nhưng nếu Shizuku chỉ biết trốn chạy, thì Seiji đánh đổi mọi thứ để vươn đến điều cậu mong muốn, với ánh mắt ngập tràn niềm tin. Điều này khiến Shizuku cảm thấy mình nhỏ bé.

Sau khi cùng Seiji và ban nhạc “Ông Nishi và những người bạn” ngẫu hứng hát lại bản “Country Road”, một trong những cảnh đẹp nhất trong phim, Shizuku phát hiện Seiji chính là người con trai trong tấm thẻ thư viện. Nhưng cậu bé sắp phải rời quê hương để học nghề ở nước ngoài, trái tim Shizuku tan vỡ.

Một trong những điều dễ nhận thấy nhất trong các bộ phim Nhật, là ở bất kỳ hoàn cảnh nào, họ cũng đều hướng về điều đẹp đẽ nhất: thực hiện ước mơ. Tình yêu đẹp, với họ, không phải là thứ tình yêu hào nhoáng, quá lãng mạn, quá hoàn hảo, mà là tình yêu được thắp sáng và dẫn lối bởi ước mơ.

Khi Seija ra đi trong hai tháng đầu tiên để thử việc, Shizuku quyết định sẽ viết một quyển sách tựa đề “Lời thì thầm của trái tim”. Câu chuyện tưởng tượng kể về chuyến phiêu lưu của Baron trong một thế giới kỳ lạ, để tìm viên đá da trời. Cô bé dồn hết tâm ý vào đó, quên ăn quên ngủ, bỏ bê học hành, khiến cả gia đình lo lắng. Nhưng chính từ đó, Shizuku nhận được sự cảm thông của bố mẹ, và được tự do quyết định tương lai.

Đó cũng là hành trình mà Shizuku tìm ra “viên ngọc” của chính mình, là tài năng văn chương cần được rèn dũa và một ước mơ cần định hình. Lần đầu tiên cô bé hết lòng vì một điều quan trọng, vì Seiji. Shizuku không muốn thua kém người mình thầm yêu mến. Rồi cô bé òa khóc, sau khi trao tập bản thảo cho ông Nishi, kết quả của sự nỗ lực hết mình. Dù bề ngoài và tính cách thế nào, Shizuku vẫn chỉ là một cô bé con 14 tuổi.

Shizuku tìm thấy ánh sáng ở Seiji, và bước qua được một trong những thời điểm khó khăn nhất của tuổi mới lớn. Một trong những cảnh cuối phim, Seiji trở về và chở cô bé đi trên chiếc xe đạp. Khi lên một con dốc, Seiji nói “tớ đã quyết định sẽ vượt qua con dốc này với cậu sau lưng”. Lập tức Shizuku nhảy xuống và cùng đẩy. “Tớ không muốn mình là gánh nặng của người khác”. Một cảnh phim đẹp và đầy ý vị, con dốc trên đường đời, những khó khăn gặp phải chỉ có thể vượt qua bằng sự cố gắng của cả hai, chứ không phải một người kéo theo một người khác.

Những khung hình vẽ tay, vốn là niềm tự hào của Ghibli, vẫn giữ được sự tinh tế, chăm chút và rất có hồn trong Whisper Of The Heart. Bên cạnh đó, đây là bộ phim đánh dấu lần đầu tiên hãng phim sử dụng máy tính để hỗ trợ về mặt hình ảnh. Phần âm nhạc được soạn bởi Yuji Nomi, thay vì Joe Hisaishi như thường lệ, mang một âm hưởng khác biệt. Bản nhạc “Country Road”, được đặt lại lời Nhật từ bản “Take me home, country roads” của John Denver được giới trẻ rất yêu thích khi bộ phim ra mắt.

Bên cạnh những bộ phim thần thoại, phiêu lưu vốn đã nổi danh trên toàn thế giới, Studio Ghibli đã chứng minh rằng họ cũng có thể làm ra những tác phẩm hoạt hình tâm lý xuất sắc không kém. Và Whisper Of The Heart là món quà trong trẻo và giàu cảm xúc họ dành tặng riêng cho lứa tuổi học trò.

TỔNG KẾT : Trong trẻo và đầy ma thuật, nhưng không hề thiếu dư vị của sự trưởng thành. Một phim hoạt hình khác lạ, thực tế, nhưng vẫn ngọt ngào của Ghibli.

Theo 35mm.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

6,713 lượt xem

lh-fulllh-x