Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Sai Lầm: Thừa Nhận Hay Né Tránh? (Phần 1)

Loài người về bản chất là những sinh vật hành động theo cái tôi.

Vì Sao Việc Nhận Trách Nhiệm Về Sai Lầm Của Bản Thân Lại Quá Khó Khăn?

Loài người về bản chất là những sinh vật hành động theo cái tôi. Từ thời niên thiếu, ta đã bắt đầu phát triển quan niệm và hình ảnh về bản thân, hình thành nên những niềm tin và cách ta nhìn nhận chính mình. Hầu hết chúng ta đều nghĩ bản thân là người khá tử tế, trên mức trung bình trong các lĩnh vực nhất định, tuy có thể hơi dưới trung bình ở một vài lĩnh vực nhưng ta vẫn luôn cố gắng hết sức. Ta tin rằng mình nhìn nhận thế giới một cách thực tế và hành động hợp lý.

Khi những suy nghĩ và hành vi của chính mình hay những phê bình của người khác thách thức quan niệm bấy lâu của ta về bản thân, ta sẽ trải qua cái gọi là xung đột nhận thức – trạng thái khó chịu và căng thẳng tinh thần. Xung đột nhận thức phát sinh khi bạn cố bám lấy hai niềm tin/thái độ/lý tưởng/ý kiến xung đột nhau cùng một lúc. Ví dụ: "Tôi biết hút thuốc không có lợi cho sức khỏe… nhưng đằng nào thì mỗi ngày tôi cũng phải hút một gói." Bởi vì tâm trí ta khao khát sự hòa hợp và rõ ràng hơn là mâu thuẫn và xung đột, ngay lập tức ta sẽ tìm cách xua tan sự căng thẳng tinh thần do xung đột nhận thức. Người hút thuốc lá có thể giảm xung đột bằng cách vứt các điếu thuốc đi và cố gắng cai thuốc, hoặc ông ta tự nhủ rằng mình sẽ ổn, "Người ta bảo hút thuốc có hại, vậy mà ông tôi hút 2 gói một ngày suốt 50 năm mà có bị ung thư gì đâu. Sẽ chẳng sao hết."

Khi ta mắc lỗi, khoảng cách giữa hành vi nhận lỗi và quan niệm chắc chắn về bản thân sẽ tạo ra xung đột nhận thức. Ta có thể giảm bớt xung đột này bằng cách thừa nhận ta đã mắc lỗi và theo đó xem xét lại quan điểm của mình, hoặc bằng cách biện hộ rằng hành vi của ta không xung đột với quan niệm của ta về bản thân từ trước tới nay. Dưới đây là một số ví dụ:

- Bạn tự cho mình là người trung thực, nhưng bạn lại gian lận trong bài kiểm tra gần đây nhất. Có thể bạn sẽ:

  1. Thừa nhận việc gian lận là sai và có thể bạn không trung thực như mình nghĩ.
  2. Biện minh cho hành vi gian lận bằng cách nói rằng nhiều học sinh khác cũng làm thế, nên chuyện mình làm cũng bình thường thôi.

- Bạn nghĩ mình là một anh chàng tử tế. Bạn có quan hệ thể xác với một cô gái trong khoảng thời gian vài tháng. Bạn chưa bao giờ trao đổi về mối quan hệ này, và khi cô gái thừa nhận có tình cảm với bạn, bạn liền từ chối. Cô gái rất đau khổ. Có thể bạn sẽ:

  1. Thừa nhận rằng mình nên đặt ra những giới hạn rõ ràng cho mối quan hệ này và bạn có trách nhiệm trong việc khiến cô gái tổn thương và đã không đối xử tử tế với cô ấy.
  2. Tự nhủ rằng bạn chưa từng đề cập đến một mối quan hệ lâu dài và đó hoàn toàn là lỗi của cô ta khi để bản thân dấn quá sâu như vậy.

- Bạn cho rằng mình là một người bạn tốt, nhưng trong một đêm nhậu nhẹt say sưa với cậu bạn thân, bạn cay cú vì vài chuyện cậu ta đã làm trong quá khứ và bắt đầu gây sự. Có thể bạn sẽ:

  1. Thừa nhận mình đã nuôi lòng oán giận và không nói cho cậu bạn biết, đó không phải điều một người bạn tốt nên làm.
  2. Nói rằng mình đã rất say nên không biết bản thân đã làm gì.

- Bạn nghĩ mình người thông minh hơn người, nhưng khi bạn công bố một bài luận mình đã nghiên cứu nhiều năm, đồng nghiệp lại chỉ ra vô số lỗi sai trong những kết luận của bạn. Có thể bạn sẽ:

  1. Thừa nhận những lỗi sai đó và đánh giá lại học thuyết cũng như phương pháp nghiên cứu của mình.
  2. Cho rằng các đồng nghiệp ghen tỵ, tư duy hẹp hòi hoặc thiên vị.

Không có gì ngạc nhiên, nhiều người sẽ chuộng phương án thứ hai khi có chuyện xảy ra. Khi hành vi của ta đe dọa quan niệm của ta về bản thân, cái tôi của ta sẽ tự động chuyển sang chế độ siêu phòng vệ, kết nối các dữ kiện và bắt đầu phát ra những lời tự biện minh được thiết kế nhằm bảo vệ nó. Các nguyên tắc đạo đức, tài chính và cảm xúc càng cao thì quan niệm về bản thân càng bị đe dọa, xung đột sẽ càng lớn, càng khó để ta thừa nhận sai lầm, và ta sẽ tích cực tìm kiếm những lời bào chữa để bảo vệ hình ảnh của mình. Những bào chữa này không phải lời nói dối; thay vào đó, ta tin là nó đúng và hoàn toàn nghĩ rằng nó cho thấy ta không có lỗi. Sự tự biện minh có nhiều hình thức:

  1. Nếu X xảy ra thì tôi có lẽ đã đúng. ("Dự đoán của tôi về nền kinh tế đáng ra đã chính xác nếu A đắc cử thay vì B. Không ai có thể đoán được là nó sẽ như vậy.")
  2. Điều đó không hẳn là sai. ("Đằng nào công ty cũng không trả đủ tiền cho tôi, nên việc tôi lấy vài món đồ dùng chỉ là công bằng mà thôi.")
  3. Nó chẳng phải chuyện to tát gì và cũng không để lại hậu quả lâu dài. ("Tôi rất tiếc vì đã đối xử với cô ta như vậy, nhưng giờ cô ta đã yên bề gia thất rồi, có khi chẳng còn nghĩ đến tôi nữa.")
  4. Tôi đâu muốn như vậy, nhưng con người tôi là thế. ("Bố tôi nóng tính, ông nội tôi nóng tính, ông cố nội tôi cũng nóng tính. Nhà tôi nóng tính gia truyền rồi!")
  5. Tôi bị khiêu khích ("Ai mà nghe tên đó nói thì cũng sẽ đấm cho hắn một phát.")
  6. Vì hoàn cảnh đưa đẩy. ("Mọi người la hét ầm ĩ, mọi thứ xáo trộn hết cả. Tôi tê cứng cả người và không thể nghĩ thông suốt được.")
  7. Đó là con người cũ của tôi và mọi chuyện đã thuộc về quá khứ rồi. ("Tôi đã thay đổi rất nhiều từ khi đó. Tôi không còn là con người như trước kia nữa.")
  8. Đó chỉ là một sự việc ngẫu nhiên và nó đã kết thúc rồi. ("Tôi chưa bao giờ hành xử như thế, và sau này cũng vậy.)

Bất kể dưới hình thức nào, những lời tự biện minh cũng được tạo ra để bảo vệ quan niệm và hình ảnh bản thân, bằng cách giảm thiểu trách nhiệm của bạn về sai lầm hoặc thất bại đó.

Tuy tôi đã liệt kê nhiều ví dụ "kịch tính" về các sai lầm, tự biện minh vẫn xảy ra hàng ngày theo nhiều hình thức tinh tế hơn, và mọi người đều làm nó. Khi cắt đầu xe người khác vì vội đi làm, ta tự nhủ mình không hay làm thế, chẳng qua là mình phải đến công ty đúng giờ vì nếu không thì sẽ bị sếp mắng. Lúc cáu kỉnh với bọn trẻ ở nhà, ta tự nhủ mình đã có một ngày quá dài và mệt mỏi.

Bất kể ta tự biện minh cho những sai lầm lớn hay nhỏ thì ta cũng không thực sự nhận ra nó, đặc biệt nếu ta không tập ý thức về nó. Tự biện minh hoạt động khá giống một “máy điều hòa” cái tôi - tạo ra những điều chỉnh nhỏ suốt cả ngày để giữ cho quan niệm về bản thân được dễ chịu và thoải mái.

Những cú lừa của ký ức

Khi liên kết lại những lời biện minh để làm giảm cảm giác về trách nhiệm và bảo vệ quan niệm bản thân, một ký ức có lỗ hổng có thể trở thành "đồng minh" thân cận nhất của ta.

Ta thường nghĩ rằng ký ức giống như một tủ hồ sơ lưu trữ tất cả mọi chuyện từng xảy ra với ta. Tuy việc tìm một tài liệu cụ thể vào một ngày trước đó thỉnh thoảng khá khó khăn, nhưng mọi thứ đều ở đâu đó chờ ta nhớ ra. Ký ức được xem như một cuộn phim chính xác về những sự kiện quá khứ, thứ tuy sẽ phai mờ theo thời gian nhưng vẫn có thể được tái hiện lại bất cứ khi nào ta muốn.

Giờ thì ta biết rằng những trải nghiệm của ta là các mảnh vỡ, và những mảnh vỡ đó được lưu trữ ở những nơi khác nhau trong não bộ. Ta không phải nhớ lại toàn bộ ký ức mà chỉ nhớ những chi tiết nổi bật nhất. Khi ta cố nhớ lại điều gì đó, não bộ khôi phục lại ký ức này, ghép các mảnh vỡ lại với nhau và lấp đầy những lỗ hổng bằng cách mà nó cho là hợp lý - chắp nối những thông tin cơ bản từ ký ức khác, những câu chuyện bạn bè kể cho ta, những bức hình hồi nhỏ, những bộ phim cũ, và thậm chí là nội dung từ chương trình ti-vi và phim Hollywood, cùng với những giấc mơ của chính ta. Ta không cảm thấy ký ức đó được chắp ghép, mà về tổng thể nó lại tạo cảm giác vô cùng chính xác và thật đối với ta. Cảm giác này kích thích ta nhớ lại phiên bản ký ức đó và kể lại cho người khác.

Ví dụ, trong một nghiên cứu yêu cầu hai người tham gia đọc những câu chuyện về hai bạn cùng phòng, sau đó viết một lá thư giới thiệu hoặc than phiền về một trong hai người, họ luôn thêm thắt các chi tiết tự bản thân nghĩ ra mà không hề xuất hiện trong câu chuyện gốc. Khi được yêu cầu nhớ lại câu chuyện gốc một cách chính xác nhất có thể, họ nhớ đến các chi tiết mình tự thêm vào như một phần của câu chuyện và quên đi những chi tiết gốc mâu thuẫn với kiểu bức thư mà họ viết. Hành động kể lại một câu chuyện trong quá khứ đã chỉnh sửa thành công ký ức đó. Nếu bạn từng thấy một tên tội phạm bị kết án tha thiết khẳng định mình vô tội, dù cho có cả núi bằng chứng chống lại anh ta, có lẽ anh ta không cố tình nói dối đâu; hàng năm trời nghĩ về phiên bản các sự kiện mà ở đó mình không phạm tội đã thay thế ký ức của anh ta về những gì thực sự diễn ra, và bản thân anh ta lặp đi lặp lại niềm tin mình vô tội. Trong khi đó tất cả chúng ta đều tin tưởng ký ức của mình là chính xác, và những điều trên sẽ không bao giờ xảy ra với ta. Như Carol Tavris và Elliot Aronson kể lại trong Mistakes Were Made (But Not By Me), các nghiên cứu chỉ ra rằng:

"Những ký ức bị bóp méo theo chiều hướng tự đề cao bản thân hết mức.

"Nam giới và nữ giới giống nhau trong việc nhớ rằng mình có số người yêu ít hơn số người họ thật sự quen… Người ta cũng thường nhớ mình đã bỏ phiếu cho những cuộc bầu cử họ không tham dự, nhớ mình đã bầu cho ứng cử viên chiến thắng thay vì người còn lại, nhớ mình đã làm từ thiện nhiều hơn thực tế, và nhớ rằng những đứa con của họ biết đi và biết nói sớm hơn thời điểm thực sự."

Một sự thật thú vị khác: 73% sinh viên được khảo sát nhớ là đã nhìn thấy chiếc máy bay đầu tiên lao vào Trung Tâm Thương Mại Thế Giới vào ngày 11/9… dù đoạn phim về sự kiện đó thực chất sang ngày hôm sau mới được lên sóng.

Nếu bạn từng chắc chắn rằng mình nhớ một đoạn ký ức nào đó trong quá khứ một cách chính xác, rồi sau này lại tìm ra bằng chứng cho thấy phiên bản ký ức của mình có khả năng không đúng, bạn sẽ biết điều đó đáng lo ngại như thế nào, và xung đột nảy sinh nhiều ra sao khi bạn nhận ra ký ức của mình không đáng tin như mình từng nghĩ.

Vai trò của ký ức trong việc tự biện minh

"Tôi đã làm việc đó", ký ức của tôi nói. "Tôi không đời nào làm việc đó," lòng tự tôn khăng khăng cãi lại. Cuối cùng, ký ức chịu thua." - Friedrich Nietzsche

Những mảnh vỡ mà não bộ lựa chọn để soạn nên ký ức của ta là những thứ bảo vệ và giữ gìn quan niệm của ta về bản thân tốt nhất. Tất cả chúng ta đều có trải nghiệm khác nhau về cùng một sự kiện. Tuy cuộc tranh luận thường có nội dung là một người nhớ chính xác còn người kia thì không, khả năng xảy ra thường là mỗi người ghi nhớ sự việc theo góc nhìn khác nhau của mình hơn - mỗi người đều nhấn mạnh sự vô tội của mình.

Những ký ức cũng thay đổi theo thời gian, theo các trải nghiệm, thái độ và cách ta nhìn nhận quá khứ. Điều này sinh ra vòng lặp: Ký ức của ta trong quá khứ không chỉ đơn giản định hình con người ta ngày hôm nay, mà ta cũng định hình lại quá khứ theo cách ta đang sống trong hiện tại.

Ví dụ, trong một nghiên cứu, người ta yêu cầu các thiếu niên và cha mẹ họ vào một phòng thí nghiệm và liệt kê những chủ đề mà hai bên mâu thuẫn nhau, rồi dành 10 phút cùng thảo luận và cố gắng giải quyết mâu thuẫn. Các thiếu niên sau đó sẽ xếp hạng cảm nhận của mình về mâu thuẫn với cha mẹ. Sáu tuần sau, họ được yêu cầu nhớ lại cách họ cảm nhận về mâu thuẫn vào thời điểm lần đầu bước vào phòng thí nghiệm. Các thiếu niên nào hiện đã thân thiết hơn với cha mẹ sẽ nhớ là mình đã đưa ra xếp hạng thấp hơn thực tế, trong khi những ai đang căng thẳng với cha mẹ sẽ nhớ xếp hạng của mình cao hơn thực tế. Cảm xúc hiện tại đã thay đổi ký ức về cách họ cảm nhận trong quá khứ.

Ký ức méo mó này có thể bị phóng đại khi ta suy nghĩ về những chuyện đã xảy ra trong đời. Mỗi người đều cảm thấy mình cần khớp quá khứ của bản thân vào một câu chuyện có mở đầu, bước ngoặc, người tốt, kẻ xấu, những nỗ lực vượt qua thử thách, thứ đã tạo nên mình ngày hôm nay. Ví dụ, "Tôi lớn lên trong một gia đình hết sức ngoan đạo cùng bậc cha mẹ nghiêm khắc. Tôi chưa bao giờ thắc mắc về những gì họ đã dạy tôi cho đến khi tôi vào học một trường đại học ở New York. Sau đó tôi trở thành một người vô thần và gia đình đã từ mặt tôi. Tôi đã phải tự lo liệu mọi thứ bằng chính sức mình nhưng điều đó khiến tôi trở nên mạnh mẽ hơn."

Ta lý giải cuộc đời mình thông qua bộ lọc của câu chuyện này. Và nếu câu chuyện đời ta hiện đang ở một chương dở tệ, ta sẽ có xu hướng nhớ lại những phân đoạn trong quá khứ mà ta tin rằng nó dẫn đến những khó khăn hiện giờ, đồng thời xác nhận câu chuyện của bản thân và quên đi các chi tiết trái ngược. Đây thường là trường hợp những người đổ lỗi cho cha mẹ vì hoàn cảnh hiện tại của họ. Tavris và Aronson giải thích rằng:

"Ta kể câu chuyện của mình với lòng tin rằng người nghe sẽ không tranh cãi hay yêu cầu những bằng chứng trái ngược, tức là ta hiếm khi được khuyến khích xem xét câu chuyện đó một cách kỹ lưỡng. Bạn có những ký ức rõ ràng về người cha và nó đại diện cho hình ảnh và mối quan hệ của bạn với ông ấy. Bạn đã quên điều gì? Bạn nhớ lần bạn ngỗ nghịch và bị cha đánh đòn, và bạn vẫn tức tối vì ông không giải thích vì sao lại phạt bạn như vậy. Nhưng có thể bạn là kiểu đứa trẻ không chịu nghe cha mẹ giải thích, bởi bạn nóng nảy, bốc đồng và cứng đầu phải không? Khi kể một câu chuyện, ta thường cố ý tránh bản thân ra: Cha tôi làm cái này cái kia là vì bản thân ông ta là người như vậy, chứ không phải do tôi." Đó là lời tự biện minh của ký ức.

Vấn đề với ký ức của ta là nó vẽ nên hình ảnh cố định về con người tốt nhất của ta và xác nhận phiên bản câu chuyện được ta lựa chọn, trong khi bỏ qua những chi tiết đe dọa đến quan niệm của ta về bản thân và mâu thuẫn với câu chuyện đó - các tình tiết giảm nhẹ, điểm mạnh cũng như điểm yếu của đối phương, vai trò của ta trong một tình huống. Những người mà ta đổ lỗi vì sự đau khổ của mình, như cha mẹ chẳng hạn, không còn là những con người phức tạp mà biến thành nguyên nhân một chiều gây ra sự lầm đường lạc lối và mọi khổ đau trong cuộc đời ta.

Thành kiến xác nhận và Ngụy biện chi phí chìm

Có hai trạng thái biến dạng nhận thức khiến ta không thừa nhận sai lầm của bản thân là: thành kiến xác nhận và ngụy biện chi phí chìm.

Thành kiến xác nhận lý giải cách não bộ chúng ta tìm kiếm thông tin củng cố những niềm tin có sẵn và cự tuyệt những thứ trái ngược với niềm tin đó. Khi lướt qua thông tin đồng tình với quan điểm của bản thân, ta sẵn sàng tin nó là đúng ("Quá chuẩn!”), nhưng khi đối mặt với những thông tin thách thức quan điểm của mình, xung đột nhận thức bắt đầu trỗi dậy, và các nhà nghiên cứu thật sự đã phát hiện ra phần lý trí của não bộ sẽ ngưng hoạt động. Ta tìm kiếm những lỗ hổng, dù nhỏ, trong thông tin mâu thuẫn cho phép ta gạt bỏ nó ("Điều này thật vớ vẩn"). Một khi làm vậy, tình trạng hòa hợp được khôi phục và phần cảm xúc của não bộ sẽ cảm thấy vui vẻ, thỏa mãn. Kết quả là việc đối mặt với những thông tin trái ngược có thể khiến ta càng chắc chắn hơn về quan điểm cũ của mình.

Ta tìm kiếm và ngay lập tức hứng thú với những điều xác nhận niềm tin mà ta đã có, trong khi những thứ mâu thuẫn với ta thì luôn bị ta lờ đi. Thành kiến xác nhận giải thích lý do vì sao việc thay đổi một nhận thức đã hình thành lại khó khăn đến vậy.

Ngụy biện chi phí chìm lý giải cho việc ta đầu tư vào thứ gì đó càng nhiều thì ta càng sợ mất đi khoản đầu tư đó, và do vậy ta sẽ tiếp tục miễn cưỡng làm những việc nhằm tránh phải thừa nhận là mình đã tốn thời gian, tiền bạc và/hoặc công sức. Một sinh viên luật sau 3 năm học quyết định rằng mình hoàn toàn không muốn làm luật sư sẽ cảm thấy anh ta đã đầu tư quá nhiều để bỏ dở tất cả lúc này. Một người đàn ông quen cô bạn gái đã 9 năm sẽ cảm thấy không ổn nếu chia tay cô vì cảm thấy mình sẽ lãng phí khoảng thời gian gần 10 năm của mình. Mỗi trường hợp kể trên đều đang mắc phải ngụy biện chi phí chìm. Mỗi người đều sẽ tự nói với mình những lời biện minh nghe có vẻ hợp lý về lý do họ nên tiếp tục con đường mình đã chọn, dù trong sâu thẳm họ vô cùng sợ mất đi khoản đầu tư và cảm thấy mình đã phạm sai lầm, tiêu tốn thời gian, tiền bạc và sức lực. Nếu tiếp tục, họ có thể tiêu tốn nhiều hơn, nhưng đó là thì tương lai, khá mơ hồ và có lẽ cũng dễ đối phó hơn.

Liên quan đến ngụy biện chi phí chìm là sự thật mà các nghiên cứu đã chỉ ra, rằng càng trải qua nhiều nỗi đau đớn, khó chịu và bỏ ra nhiều nỗ lực thì bạn càng cảm thấy thỏa mãn với lựa chọn của mình. Tâm trí bạn không muốn tin rằng bạn trải qua ngần ấy thứ một cách vô ích, nên nó liên tục nói với bạn rằng phần thưởng vô cùng xứng đáng và bạn đã đưa ra quyết định đúng đắn. Đây là lý do vì sao các hình thức thử thách khi gia nhập nhóm tỏ ra hiệu quả. Nó gây ra quá nhiều xung đột trong suy nghĩ rằng nếu dừng lại giữa chừng, những đau đớn và nỗi xấu hổ bạn phải trải qua để được chấp nhận vào một nhóm đều trở thành vô nghĩa, vì thế não bộ sẽ nói với bạn rằng, "Mình thật oai khi làm được điều đó. Nhóm này quá đỉnh." Nếu nhóm không đỉnh và cũng không hợp với bạn, thì nghĩa là bạn đã mắc sai lầm khi tham gia vào, và bạn rất khó thừa nhận việc này.

Nhưng não bộ nói gì cũng sai!

Hiện tại não bộ chúng ta được thiết lập theo cách nó hoạt động quá mức để bảo vệ quan niệm đã có từ lâu của ta bản thân khỏi bất kỳ mối đe dọa nào. Sự tự biện minh và ký ức bị bóp méo tạo nên những điểm mù thực sự trong não bộ, khiến ta không có được cái nhìn toàn cảnh chính xác về cách ta hoạt động trong thế giới này và mức độ trách nhiệm mà ta phải chịu cho những gì xảy ra với mình.

Bạn có thể đang nghĩ, "Ừm, tôi đoán là đôi lúc mình cũng biện minh để trốn tránh trách nhiệm, nhưng cũng có hàng tá sự thật rành rành đó thôi! Rất nhiều sinh viên gian lận! Bạn tôi đáng phải bị tôi oán giận! Lúc cáu kỉnh với con bé, tôi đang mệt muốn chết tới nơi! Tôi bị kích động quá mức nên mới tham gia vụ cãi vã đó! Cha mẹ tôi ly thân khi tôi còn đang lớn! Tôi cảm thấy vui khi ở trong nhóm của mình!

Hành động tự biện minh bóp méo thực tế, nhưng thường không thay đổi được nó. Sâu bên trong, sự thật vẫn tồn tại. Tuy vậy toàn bộ sự thật của vấn đề có xu hướng nằm đâu đó giữa những gì ta tự nói với mình và những điều thực sự diễn ra. Thừa nhận sai lầm của bản thân nghĩa là ta có khả năng phản ánh, chọn lọc vai trò và trách nhiệm của mình trong tình huống xảy ra. Số lượng sinh viên gian lận có ảnh hưởng đến tính đúng sai của quyết định gian lận không? Những lý do nào dẫn đến việc người bạn của bạn hành động như vậy? Bạn có khả năng kiềm chế sự nóng giận dù đang căng thẳng chứ? Bạn có làm gì khiêu khích lại người kia không? Bạn đã quên những điều tốt đẹp cha mẹ làm cho mình rồi sao?

Kết luận

Những điểm mù trong não bộ chúng ta thực ra không hoàn toàn xấu - nó tồn tại vì một mục đích riêng. Nếu không có cơ chế phòng vệ này, ta sẽ không thể hoạt động và sẽ không ngừng ngẫm nghĩ về những điều ta đã làm sai, những trải nghiệm đáng xấu hổ và những nỗi đau ta gây ra cho người khác. Ta sẽ cảm thấy khổ sở hơn dù ra quyết định đúng và bị sự hối tiếc làm cho tê liệt. Những lời tự biện minh bảo vệ sự tự tin và lòng tự trọng của ta, giúp ta tiến về phía trước. Tuy nhiên, biện minh quá nhiều có thể gây ra những ảnh hưởng tai hại cho cuộc sống của ta. Trong phần 2 chúng ta sẽ nói về tầm quan trọng của việc cố gắng hết sức để thừa nhận sai lầm và các chiến lược giúp bạn đấu tranh với con quái vật tự biện minh, làm chủ cuộc sống của bản thân và có được sự chín chắn khi bước vào tuổi trưởng thành.

(Còn nữa...)

Source:

Mistakes Were Made (But Not By Me): Why We Justify Foolish Beliefs, Bad Decisions, and Hurtful Acts by Carol Tavris and Elliot Aronson

Nguồn: http://www.artofmanliness.com/2013/02/18/owning-up-to-mistakes/

Dịch: ubrand.cool

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

842 lượt xem