A cup of Tea@Gia Vị
7 năm trước
Sự Bao Bọc Từ Mọi Phía Của Gia Đình: May Mắn Hay Rào Cản Của Sự Trưởng Thành?
Đã bao giờ chúng ta thử lắng nghe tâm sự của những chú chim non bị giam giữ bởi tình yêu thương và sự bảo bọc quá mức của gia đình?
Thế giới rộng lớn bao la này còn quá nhiều điều thú vị và hấp dẫn để người trẻ khám phá và trải nghiệm. Thế nhưng, đôi khi trái ngược với sự hiếu kỳ và mong mỏi mở rộng tầm mắt của chúng ta, các bậc ông bà, bố mẹ lại chỉ mong con cháu có được một công việc ổn định nơi quê nhà, một gia đình kiểu mẫu và một cuộc đời phẳng lặng, bình yên. Ước mong lớn nhất của họ là được giữ mãi con cháu bên mình.
Trong những tháng ngày ngắn ngủi của tuổi trẻ, tôi luôn phải oằn mình giữa hai lựa chọn: đi hay ở, và rất nhiều lần tôi đã tự hỏi, tình yêu thương to lớn ấy liệu có phải là chiếc lồng giam giữ những chú chim luôn khao khát bầu trời rộng lớn bên ngoài?
Từ tuổi thơ được bảo bọc quá kỹ…
Không phải vô lý khi cho rằng “Người Việt Nam có tuổi thơ dài nhất thế giới”. Quay ngược thời gian về thời ấu thơ, chúng ta đã được ông bà, bố mẹ chăm quá kỹ từ những ngày đầu mới nhận thức về mọi thứ xung quanh. Trong khi mỗi người Việt đều đã quá quen thuộc với hình ảnh một cậu bé 3 4 tuổi ngồi chễm chệ xem phim hoạt hình để bố mẹ chăm từng muỗng cơm, thì hầu hết các bạn nước ngoài đều mắt chữ O mồm chữ A và cảm thấy vô cùng khó hiểu trước cảnh tượng ấy.
Với hầu hết các bạn, tuổi thơ vô lo còn được kéo dài cho đến tận năm mười tám tuổi. Đứng trước ngưỡng cửa đại học quan trọng bậc nhất ấy, nếu chúng ta lo một thì bố mẹ lo mười. Tôi đã từng thấy tóc bố bạc đi quá nửa chỉ sau một cơn kiệt sức của tôi. Tôi cũng đã thấy mẹ run rẩy đội mưa đi đón mình tan ca học. Những hình ảnh đó khắc sâu trong tâm trí tôi như lời nhắc nhở về tình yêu thương vô bờ bến của bố mẹ, nhưng nó cũng đồng thời là chiếc mỏ neo níu giữ đôi chân khi tôi muốn bay nhảy. Như những chú chim mẹ hồi hộp khi đàn chim non chậm rãi sãi cánh lần đầu, bố mẹ Việt lo lắng cho con và can thiệp không chỉ từng miếng ăn, giấc ngủ, lịch học mà còn đến từng tờ giấy, cây bút, và cả giấy tờ cá nhân.
Tôi vẫn còn nhớ như in câu chuyện của cô bạn đại học không được đi thực tế 1 tuần ở Sapa chỉ vì “mẹ tớ sợ tớ có chuyện nên buộc ở nhà”. Cô bạn ấy của tôi sau nhiều lần cố gắng thuyết phục bố mẹ, bao gồm cả việc nhờ giáo viên hướng dẫn đến nhà nói chuyện, vẫn không thể có mặt trên chuyến đi bổ ích và đáng nhớ cùng bạn bè. Rồi bạn ấy được khoa đồng ý cho làm bài tập thay thế tại nhà, nhưng những dòng chữ đánh máy vô hồn ấy làm sao có thể thay thế được những trải nghiệm đầy màu sắc kia đây?
Trái ngược với tuổi thơ dễ dàng của các cô cậu nhóc Việt, trẻ em ở Úc đã bắt đầu cuộc sống tự lập ngay từ lúc mới chào đời. Em bé được bố mẹ đặt trong chiếc nôi riêng chỉ sau vài ngày tuổi và không được mẹ ôm ấp lâu để tránh tình trạng bé quấn hơi mẹ. Chính vì thế, khó có thể thấy hình ảnh các em bé ở Úc mè nheo hay nhõng nhẽo đòi mẹ bế.
Các em bé ở Úc cũng được bố mẹ dạy dỗ một cách đầy tôn trọng và không gò ép. Chẳng hạn như nếu em bé không muốn ăn thì bố mẹ sẽ không ép, cũng chẳng cố chăm từng thìa mà cứ để cho đến khi đói, bé sẽ phải tự đi tìm thức ăn.
Ở Nhật Bản, các em nhỏ cũng được học cách tự lập ngay từ lớp 2 lớp 3. Các em không được bố mẹ đưa đón mà tự đến trường bằng xe bus và chủ động lên thư viện học bài bằng thẻ thư viện.
Tuổi thơ của đa số trẻ em Việt thật sự là quá êm đềm, và sự êm đềm như con dao hai lưỡi ấy còn kéo dài đến tận tuổi trưởng thành..
… Đến tham vọng giữ mãi con bên mình
Theo một cuộc khảo sát năm 2013 (Pew Research Survey), đa số các bậc bố mẹ “lồng chim” là những người có mức thu nhập cao hoặc trên trung bình. Họ có nguồn lực tài chính đủ vững vàng để lo lắng và bảo bọc cho con cái đến tận tuổi trưởng thành.
Với tài chính vững vàng đó, các bậc làm cha mẹ nghĩ mình cần có trách nhiệm cho con tất cả những điều tốt nhất. Tình yêu thương vô bờ bến của bố mẹ đôi khi lại là chiếc lồng chim rất đẹp được sơn son thép vàng. Và tôi không đếm được có tất cả bao nhiêu chú chim tôi biết đã phải ở mãi trong chiếc lồng ấy.
Những chú chim mẹ như thế luôn có một tham vọng to lớn là có thể lo cho chú chim bé nhỏ của mình được càng lâu càng tốt. Trong tâm trí bố mẹ, dù con đã hai mươi hay ngoài ba mươi thì vẫn cứ là đứa con trai, con gái bé bỏng. Và vì thế, bố mẹ phải lo cho con, từ công việc, nhà ở, đến bạn đời, chỉ để con được sống sung sướng không mảy may lo âu.
Trong suốt những tháng ngày đấu tranh nội tâm về việc chọn lựa làm bố mẹ yên lòng hay trải nghiệm thế giới ngoài kia, tôi vẫn luôn băn khoăn về câu hỏi: vì sao các bậc phụ huynh lại muốn nhốt con mình trong chiếc lồng ấy mãi mãi?
Có thể hình ảnh một đứa trẻ lớn lên từ tuổi thơ được bảo bọc, không tự lập được vẫn in hằn trong tâm trí bố mẹ khi con cái trưởng thành. Họ vẫn nhớ những lần con mình vấp ngã cần người đỡ dậy, vẫn nhớ những lần chăm từng thìa cơm hay lo từng cây bút. Và vì thế, họ vẫn muốn tiếp tục bảo vệ con mình, dù cho chúng có muốn được bảo vệ như thế hay không.
Ý tưởng con cái lớn lên và rồi rời khỏi vòng tay bố mẹ có thể khiến họ rất lo âu. Tôi đã từng đọc một đoạn status trên mạng xã hội Facebook của một người dì như sau: “Con trai một của tôi nay 19 tuổi, và tôi hầu như không thể chịu nổi ý định sẽ rời khỏi nhà đi học xa của nó”.
Một lí do khả thi khác của việc “sở hữu con cái” đó chính là văn hóa và lối sống cộng đồng của người phương Đông. Chúng ta đã quen với việc tìm niềm vui nơi bạ
n bè và người thân. Không những thế, chúng ta thường cảm thấy bất an khi phải làm gì đó một mình và luôn tìm kiếm sự hỗ trợ.
Trẻ em sinh ra ở phương Đông được chào đón nồng nhiệt bởi các thành viên trong gia đình. Và sự chú ý của mọi người đều tập trung vào đứa trẻ. Điều này hầu như không thay đổi khi chúng ta lớn lên. Con cháu trong nhiều gia đình Việt luôn nhận được sự quan tâm và chăm lo quá mức từ ông bà, bố mẹ, và thậm chí là cả họ hàng.
Việc đầu tiên của hầu hết bố mẹ Việt khi con cái vừa tốt nghiệp đại học đó chính là nhờ vả người thân hoặc người quen để tìm một công việc ổn định mà không cần quan tậm liệu con có cần sự trợ giúp hay không.
Tâm sự của những chú chim trong lồng
Có lẽ chúng ta đã nghe quá nhiều về những lời khuyên của các nhà giáo dục và tâm lý học, rằng bố mẹ không nên quá bảo bọc con, nhưng chúng ta lại chưa một lần lắng nghe tâm sự của những chú chim bị nhốt trong chiếc lồng ấy, hằng ngày khắc khoải mong ngóng bầu trời tự do.
Sự ấm áp, phẳng lặng và bình yên của chiếc lồng quả thật có một sức cám dỗ không tưởng. Trong sâu thẳm mỗi chúng ta đều khao khát sự an toàn và bình yên. Trong suốt khoảng thời gian cố gắng tự bước đi trên con đường mình chọn, tôi đã nghe không biết bao nhiêu câu hỏi đại loại như: Bạn cần gì phải phấn đấu, cần gì phải trải nghiệm, vấp ngã và đứng lên trong khi bạn có thể có một cuộc sống an nhàn mà không cần phải tốn quá nhiều công sức. Trải nghiệm ra sao, cố gắng thế nào thì cuối cùng chúng ta cũng phải tìm về một cuộc sống ổn định, vậy cớ sao lại chọn đường khó để đi?
Cảm giác an toàn và bình yên ấy thật ra đang giết chết khả năng phát triển của mỗi cá nhân, nhất là đối với người trẻ. Nó làm chúng ta dễ hài lòng với hiện tại và mất đi động lực cố gắng. Chỉ khi sống trong một môi trường khó khăn và thử thách, chúng ta mới vận dụng được hết tiềm năng của bản thân và tiến bộ hơn mỗi ngày.
Bố mẹ trách chúng ta ngây khờ, vì cứ chọn đường toàn cỏ dại trong khi lại mơ hồ không hề biết nó sẽ dẫn đến đâu. Bố mẹ trách chúng ta bồng bột, vì không đi theo con đường phụ huynh vạch sẵn. Bố mẹ nói chúng ta sẽ hối hận. Nhưng bố mẹ chưa hề hỏi chúng ta khao khát điều gì…
Bố mẹ ạ, con khao khát được biết thế giới này rộng lớn ra sao, đáng sợ thế nào. Vì con chỉ có một tuổi trẻ, mà tiếc thay, con lại không muốn tuổi trẻ của mình chỉ độc một màu hồng nhàn nhạt. Cho dù nó có là một bảng pha màu tệ hại, thì ít nhất, con cũng đã có được bảng màu của riêng mình. Tuổi trẻ này con không cần bình yên, hay ổn định, con chỉ muốn nó thật sự đáng nhớ. Con chỉ muốn có thứ để nhớ về, để kể lại.
Chúng con như những con tàu đang nằm bình yên bên hải cảng. Nhưng bố mẹ biết không, vốn dĩ đó không phải là mục đích mà con tàu được sinh ra.
“Đâu có con tàu nào không ra khơi
Mà biết yêu sự yên bình trong hải cảng.”
(Nguyễn Thiên Ngân)
Con chỉ muốn đi thật xa, để thêm yêu gần, chỉ muốn trải nghiệm thật nhiều khó khăn, để thêm yêu sự bình yên ấm áp nơi gia đình.
Thế nhưng đôi khi khát khao trải nghiệm ấy của chúng con lại bị xung đột với tình yêu thương dành cho gia đình. Những chú chim vốn ngoan ngoãn sống theo mong ước và trong sự bảo bọc của gia đình đột nhiên muốn được tự do hẳn sẽ là một cú sốc không hề nhỏ. Tựa như nàng công chúa Elsa vốn luôn sống với một hình ảnh ngoan hiền chiều lòng mọi người, nay bỗng chốc nổi loạn muốn được sống như mình mong ước, những người trẻ khao khát tự do nhưng vấp phải sự phản đối từ gia đình luôn phải đứng giữa hai lựa chọn: cuộc sống riêng hay sự hài lòng của gia đình. Và việc lựa chọn không lúc nào là dễ dàng…
Những người trẻ như con không muốn đóng vai ngoan ngoãn cho đến khi chính chúng con lại cảm thấy chán ngán cuộc sống không do mình lựa chọn, mà lại để bố mẹ phải lo đến tận lúc về già.
Có lẽ sau này, khi đứng trước những bão giông của cuộc đời, những chú chim non ham muốn tự do sẽ nhớ khôn xiết vòng tay bình yên của bố mẹ và khoảng thời gian bình yên vô lo sống trong chiếc lồng sơn son thép vàng ngày trước. Thế nhưng, nếu được lựa chọn lại, những chú chim ấy vẫn sẽ chọn cất cánh, bởi vì nó biết, nó sẽ không bao giờ trường thành nếu cứ sống mãi trong khoảng trời bình lặng đó.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
4,423 lượt xem