Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public4 năm trước

[SUB Factory] Định Kiến Nguyên Trạng: Ý Nghĩa Và Tác Động Đến Sự Lựa Chọn Của Bạn

Định kiến nguyên trạng có thể được hiểu như một hiện tượng mà ở đó đối tượng luôn có xu hướng giữ nguyên trạng thái hiện tại. Hiện tượng này có tác động mạnh mẽ nhất đến việc đưa ra một lựa chọn thực tế nào đó, chúng ta có xu hướng thích những lựa chọn quen thuộc thay vì những lựa chọn mới lạ có thể mang lại nhiều lợi ích hơn.

Điều mấu chốt ở đây là: định kiến nguyên trạng có thể được hiểu như một lí giải cho việc luôn ưu tiên giữ mọi thứ nguyên trạng (mọi thứ như cũ, lựa chọn điều quen thuộc hơn điều xa lạ) của một ai đó.

Thuật ngữ này được đưa ra lần đầu tiên vào năm 1988 bởi hai nhà khoa học Samuelson và Zeckhauser, đã chứng minh định kiến nguyên trạng thông qua một loạt các thử nghiệm về việc đưa ra lựa chọn.

Định kiến nguyên trạng có thể được lí giải thông qua một số nguyên lý liên quan đến tâm lý học, bao gồm hội chứng ám ảnh về sự mất mát, chi phí chìm, sự bất đồng trong nhận thức hay chỉ là hiêu ứng tiếp xúc quen thuộc. Những nguyên lý này được coi là lý do thiếu thuyết phục cho việc thích sự nguyên trạng của một cá nhân. Giữ nguyên trạng thái hiện tại được coi là đúng đắn khi thiệt hại của việc thay đổi lớn hơn lợi ích tiềm năng cho việc thay đổi có thể mang lại.

Định kiến nguyên trạng ảnh hưởng đến tất cả các loại quyết định, từ những lựa chọn tương đối tầm thường (ví dụ: mua loại nước ngọt nào) đến những lựa chọn quan trọng (ví dụ: chọn gói bảo hiểm sức khỏe nào).

 

Nghiên cứu trước đó

Thuật ngữ "định kiến nguyên trạng" lần đầu tiên được sử dụng bởi hai nhà nghiên cứu William Samuelson và Richard Zeckhauser trong một bài báo năm 1988 có tên "Định kiến nguyên trạng trong việc đưa ra quyết định." Trong bài báo, Samuelson và Zeckhauser đã mô tả một số thí nghiệm trong việc đưa ra quyết định để chứng minh sự tồn tại cho xu hướng thiên vị này.

Trong một thử nghiệm, những người tham gia được đưa ra một tình huống giả định: thừa kế một khoản tiền lớn. Sau đó, họ được hướng dẫn để quyết định cách đầu tư tiền bằng việc đưa ra lựa chọn từ một loạt các lựa chọn sẵn có. Tuy nhiên, một số người tham gia được đặt vào kịch bản trung lập, trong khi những người khác được dẫn dắt theo phiên bản định kiến nguyên trạng.

Trong phiên bản trung lập, những người tham gia chỉ được cho biết rằng họ được thừa kế một khoản tiền và họ cần phải chọn lựa cách đầu từ trong vô vàn phương án đầu tư khác nhau. Trong phiên bản này, tất cả các lựa chọn đều có giá trị như nhau; việc ưa thích sự quen thuộc/sẵn có sẽ không phải là nhân tố tác động vì trước đó người tham gia không được biết kinh nghiệm đầu tư trước đó để suy xét.

Trong phiên bản định kiến nguyên trạng, những người tham gia được thông báo rằng họ được thừa kế một khoản tiền và số tiền đã được đầu tư theo một cách cụ thể trước đó. Sau đó, họ được tham khảo một loạt các lựa chọn đầu tư. Một trong các lựa chọn bao gồm cả chiến lược đầu tư hiện tại (chiến lược này được coi là chiến lược nguyên trạng). Tất cả các tùy chọn khác trong danh sách đại diện cho các lựa chọn thay thế cho nguyên trạng.

Samuelson và Zeckhauser nhận thấy rằng, khi thực hiện với phiên bản nguyên trạng, những người tham gia có xu hướng chọn nguyên trạng thay vì các tùy chọn khác. Sự ưa thích mạnh mẽ này được áp dụng trong một số tình huống giả định khác nhau. Ngoài ra, càng nhiều lựa chọn được trình bày cho người tham gia, thì sự ưa thích của họ đối với nguyên trạng càng lớn.

 

Giải thích cho định kiến nguyên trạng

Tâm lý học đằng sau định kiến này đã được giải thích thông qua một số nguyên lý khác nhau, bao gồm cả những sai lầm trong nhận thức hay sự câu thúc trong tâm lý. Những giải thích sau đây là một số giải thích phổ biến nhất. Điều quan trọng là, tất cả những giải thích dưới đều chưa được chứng thực cho hiện tượng định kiến nguyên trạng này.

 

Hội chứng ám ảnh mất mát

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi các cá nhân đưa ra quyết định, họ cân nhắc khả năng mất mát nhiều hơn khả năng đạt được. Do đó, khi xem xét một tập hợp các lựa chọn, họ tập trung nhiều hơn vào những gì họ có thể mất đi khi từ bỏ nguyên trạng hơn là những gì họ có thể đạt được khi thử một điều gì đó mới mẻ.

 

Chi phí chìm

Ngụy biện về chi phí chìm đề cập đến thực tế là một cá nhân thường sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực (thời gian, tiền bạc hoặc công sức) vào một nỗ lực cụ thể đơn giản chỉ vì họ đã đầu tư nguồn lực cho nỗ lực đó, ngay cả khi nỗ lực đó không được chứng minh là có lợi. Chi phí chìm khiến các cá nhân tiếp tục theo một lộ trình hành động trước đó, ngay cả khi nó đang thất bại. Chi phí chìm góp phần vào định kiến nguyên trạng bởi vì một cá nhân càng đầu tư vào nguyên trạng, thì người đó càng có nhiều khả năng tiếp tục đầu tư vào nguyên trạng.

 

Bất đồng trong nhận thức

Khi ai đó phải đối mặt với những suy nghĩ không nhất quán, họ trải qua sự mâu thuẫn trong nhận thức; một cảm giác khó chịu mà hầu hết mọi người luôn muốn tối thiểu hóa nó đi. Đôi khi, các cá nhân sẽ tránh những suy nghĩ khiến họ không thoải mái để duy trì sự nhất quán về mặt nhận thức.

Trong quá trình đưa ra quyết định, mọi người có xu hướng thấy một lựa chọn có giá trị hơn khi họ đã chọn nó. Ngay cả khi chỉ đơn giản xem xét một giải pháp thay thế cho tình trạng hiện tại cũng có thể gây ra sự mâu thuẫn trong nhận thức, vì nó đặt giá trị của hai lựa chọn tiềm năng xung đột với nhau. Do đó, các cá nhân có thể gắn bó với nguyên trạng để giảm bớt sự mâu thuẫn này.

 

Hiệu ứng tiếp xúc quen thuộc

Hiệu ứng tiếp xúc quen thuộc cho biết rằng mọi người có xu hướng thích thứ gì đó mà họ đã từng tiếp xúc trước đó. Theo định nghĩa, chúng ta tiếp xúc với nguyên trạng nhiều hơn với bất cứ điều gì không phải là nguyên trạng. Theo hiệu ứng tiếp xúc quen thuộc, bản thân sự tiếp xúc đó tạo ra sự ưu tiên cho nguyên trạng.

 

Hợp lý so với Phi lý trí

Định kiến nguyên trạng đôi khi có thể được coi là một phần của một sự lựa chọn hợp lý. Ví dụ, một cá nhân có thể lựa chọn giữ nguyên tình trạng hiện tại của mình chỉ bởi vì chi phí cho sự thay đổi (tiềm năng). Khi chi phí của sự thay đổi lớn hơn những lợi ích mà nó có thể mang lại, thì việc giữ nguyên hiện trạng là hợp lý.

 Định kiến nguyên trạng trở nên vô lý khi một cá nhân bỏ qua những lựa chọn có thể cải thiện tình hình của họ chỉ đơn giản vì họ muốn duy trì nguyên trạng.

 

Ví dụ về định kiến nguyên trạng trong hành động

Định kiến nguyên trạng đã ăn sâu trong tiềm thức của con người. Trong bài báo năm 1988, Samuelson và Zeckhauser đã cung cấp một số ví dụ thực tế về định kiến nguyên trạng phản ánh tác động trên một phạm vi rộng của định kiến này.

Một dự án khai thác mỏ đã buộc công dân của một thị trấn ở Tây Đức phải di dời đến một khu vực tương tự gần đó. Họ được cung cấp một số lựa chọn cho kế hoạch xây dựng thị trấn mới. Các công dân đã chọn phương án gần giống nhất với khu phố cổ của họ, mặc dù cách bố trí xây dựng không hiệu quả và khó hiểu.

Khi được cung cấp một số lựa chọn bánh sandwich cho bữa trưa, các cá nhân thường chọn loại bánh sandwich mà họ đã ăn trước đó. Hiện tượng này được gọi là tránh hối tiếc: khi tìm cách tránh trải nghiệm đáng tiếc tiềm ẩn (chọn một chiếc bánh sandwich mới và không thích nó), các cá nhân chọn gắn bó với nguyên trạng (chiếc bánh sandwich mà họ đã quen thuộc).

Năm 1985, Coca Cola cho ra mắt "New Coke", một sự cải tiến hương vị Coke ban đầu. Thử nghiệm vị giác cho thấy nhiều người tiêu dùng ưa thích vị Coke mới hơn vị Coke cổ điển. Tuy nhiên, khi người tiêu dùng có cơ hội chọn mua loại Coke nào, họ đã chọn vị Coke cổ điển. New Coke cuối cùng đã bị ngừng sản xuất vào năm 1992.

Trong các cuộc bầu cử chính trị, ứng cử viên đương nhiệm có nhiều khả năng giành chiến thắng hơn đối thủ mới. Càng có nhiều ứng cử viên trong cuộc đua, lợi thế của người đương nhiệm càng lớn.

Khi một công ty bổ sung thêm các kế hoạch bảo hiểm mới vào danh sách các lựa chọn bảo hiểm, các nhân viên lâu năm đã chọn các kế hoạch cũ nhiều hơn so với những nhân viên mới lựa chọn. Nhân viên mới có xu hướng chọn các kế hoạch mới.

Những người tham gia vào kế hoạch hưu trí được cung cấp tùy chọn thay đổi phân bổ các khoản đầu tư của họ hàng năm mà không mất phí. Tuy nhiên, mặc dù tỷ lệ hoàn vốn giữa các lựa chọn khác nhau, chỉ có 2,5% người tham gia thay đổi phân bổ của họ trong các năm tiếp theo. Khi được hỏi tại sao họ không bao giờ thay đổi phân bổ kế hoạch của mình, những người tham gia thường không thể biện minh cho sở thích của họ đối với nguyên trạng.

-------------------------------------------

Đăng bởi: Cynthia Vinney

Nguồn: https://www.thoughtco.com/status-quo-bias-4172981

Người dịch: Lam Nguyen

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

434 lượt xem

lh-fulllh-x