Phương Uyên@Gia Vị
5 năm trước
[SUB Factory] Sự Ra Đời Của Giấy
Đăng bởi: Kallie Szczepanski - ThoughtCo
Link bài gốc: The Invention of Paper
Biên dịch: Phương Uyên - SUB Factory
________________________________________________________
Ai đã sáng chế ra giấy, và từ khi nào?
Hãy thử tưởng tượng một cuộc sống không có giấy mà xem. Ngay cả trong thời đại của email và sách điện tử, giấy vẫn hiện diện quanh ta. Giấy có mặt trong túi mua sắm, tiền, hoá đơn, hộp ngũ cốc và giấy vệ sinh. Ta dùng giấy theo rất nhiều cách mỗi ngày. Vậy, thứ vật liệu đa năng tuyệt diệu này đến từ đâu?
Theo các tài liệu sử học Trung Quốc, vào năm 105 sau Công nguyên, một thái giám tên Ts’ai Lun (hay Cai Lun) đã dâng lên Hoàng Đế của triều Đông Hán một loại giấy mới được sáng chế. Nhà sử học Fan Hua (398 - 445) có ghi chép lại sự kiện này, nhưng các nhà khảo cổ học từ phía tây Trung Quốc và Tây Tạng lại cho rằng giấy đã ra đời trước đó vài thế kỷ.
Người ta thậm chí khai quật được những mẫu giấy lâu đời hơn, một số có niên đại từ năm 200 trước Công nguyên, ở các thành phố cổ thuộc Đôn Hoàng và Hoà Điền dọc theo Con đường Tơ lụa, và ở Tây Tạng. Khí hậu khô ráo ở đây đã tạo điều kiện cho các mẫu giấy này tồn tại trong suốt 2.000 năm qua mà không bị phân huỷ. Một điều thú vị nữa là, trên một số tấm giấy còn xuất hiện vết mực, chứng tỏ mực đã ra đời sớm hơn nhiều so với suy đoán của các nhà sử học.
Vật liệu dùng trong ghi chép trước khi giấy ra đời
Tất nhiên, cư dân khắp nơi trên thế giới đã bắt đầu ghi chép từ rất lâu trước khi giấy ra đời. Các vật liệu như vỏ cây, lụa, gỗ và da cũng có tác dụng tương tự như giấy viết, trừ việc chúng đắt hơn hoặc nặng hơn rất nhiều. Ở Trung Quốc, nhiều tác phẩm cổ xưa được ghi lại trên những thanh tre dài, sau đó xâu bằng dây da hoặc dây thừng thành sách.
Cư dân khắp thế giới cũng khắc những ký hiệu quan trọng lên đá hay xương thú, hoặc ấn khuôn lên đất sét ướt rồi phơi hay nung khô thành các tấm để lưu giữ chữ viết. Tuy nhiên, việc ghi chép (và in ấn sau này) đòi hỏi một vật liệu vừa rẻ lại vừa nhẹ để thật sự được sử dụng rộng rãi. Và giấy hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu đó.
Nghề làm giấy ở Trung Quốc
Ngày trước, những người thợ làm giấy ở Trung Hoa dùng sợi gai ngâm trong nước rồi dùng vồ gỗ lớn giã nát. Chất sệt thu được sau đó được đổ vào một cái khuôn ngang; một tấm vải thưa được căng trên khung tre để nước có thể nhỏ xuống đất hoặc bay hơi, để lại thành phẩm là một tấm giấy sợi gai phẳng phiu và khô ráo.
Theo thời gian, thợ làm giấy bắt đầu sử dụng thêm nhiều nguyên liệu khác như tre, dâu tằm và các loại vỏ cây. Họ còn nhuộm thành phẩm bằng một loại thuốc màu vàng, màu sắc của hoàng gia, ngoài ra loại thuốc nhuộm này còn giúp ngăn côn trùng phá hoại giấy.
Một trong những định dạng phổ biến nhất của giấy cổ là cuộn. Vài tấm giấy dài được dán lại với nhau để tạo thành một dải giấy, sau đó được đem quấn quanh một thanh gỗ. Đầu còn lại của dải giấy được gắn vào một chốt gỗ mỏng, giữa có một đoạn dây lụa dùng để buộc cuộn giấy.
Sự lan toả của nghề làm giấy
Khởi đầu ở Trung Hoa, ý tưởng và công nghệ làm giấy đã lan rộng ra toàn châu Á. Vào những năm 500 sau Công nguyên, các nghệ nhân trên bán đảo Triều Tiên bắt đầu làm giấy bằng nhiều nguyên liệu tương tự với các thợ làm giấy Trung Hoa. Người Triều Tiên còn dùng rơm rạ và rong biển, mở rộng sự lựa chọn cho các loại sợi có thể dùng trong làm giấy. Sự tiếp nhận kỹ thuật làm giấy từ sớm cũng thúc đẩy những đổi mới ở Triều Tiên trong in ấn. Con in bằng kim loại di chuyển được đã ra đời vào năm 1234 trên bán đảo.
Khoảng năm 610, theo truyền thuyết, vị sư nhà Phật người Triều Tiên Don-cho đã giới thiệu kỹ thuật làm giấy với triều đình của Thiên hoàng Kotoku ở Nhật Bản. Kỹ thuật làm giấy còn lan rộng về phía tây qua Tây Tạng và về phía nam vào Ấn Độ.
Kỹ thuật làm giấy “cập bến” Trung Đông và châu Âu
Năm 751 sau Công nguyên, quân đội nhà Đường và một đế chế Ả Rập đang ngày mở rộng là Abbasid đã đụng độ trong Trận chiến trên sông Talas, nay là Kyrgyzstan. Một trong những hệ quả thú vị nhất của chiến thắng này của Ả Rập là người Abbasid đã bắt giữ các nghệ nhân Trung Hoa, bao gồm các thợ làm giấy bậc thầy như Tou Houan, và đưa họ về Trung Đông.
Cũng trong thời gian đó, Đế chế Abbasid mở rộng sang Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ở phương tây qua Bắc Phi tới Trung Á ở phương đông, thế nên, hiểu biết về loại vật liệu mới kỳ diệu này càng được lan đi xa và rộng hơn. Không lâu sau, các thành phố từ Samarkand (nay thuộc Uzbekistan) tới Damascus và Cairo đã trở thành các trung tâm sản xuất giấy.
Năm 1120, người Moor thành lập nhà máy giấy đầu tiên của châu Âu tại Valencia, Tây Ban Nha (sau được gọi là Xativa). Từ đó, sáng chế này của người Trung Hoa đã được lan truyền sang Ý, Đức, và nhiều khu vực khác của châu Âu. Giấy giúp truyền bá kiến thức, đa phần được thu thập từ các trung tâm văn hoá lớn của châu Á dọc theo Con đường Tơ lụa, những kiến thức ấy đã giúp hình thành thời kỳ hoàng kim của châu Âu trung cổ.
Những ứng dụng đa dạng
Trong khi đó, ở Đông Á, giấy được dùng cho rất nhiều mục đích. Khi được kết hợp với dầu bóng, nó trở thành những chiếc bình và đồ nội thất sơn mài tuyệt đẹp. Ở Nhật, tường nhà thường được làm bằng giấy từ gạo. Bên cạnh tranh và sách, giấy còn được dùng làm quạt, dù, thậm chí làm áo giáp cũng rất hiệu quả. Giấy thật sự là một trong những sáng chế tuyệt diệu nhất mọi thời đại của châu Á.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
105 lượt xem