Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Tại Sao Vừa Nói Chuyện Vừa Giao Tiếp Bằng Ánh Mắt Lại Khó Đến Thế

Khi ai đó đang nói chuyện với bạn, bạn có để ý rằng họ thường không nhìn thẳng vào mắt bạn, giống như việc vừa nói chuyện vừa giao tiếp bằng mắt rất khó để thực hiện cùng lúc vậy? Tương tự như thế, khi bạn đang giải thích gì đó hay đang kể chuyện cho người khác nghe, bạn có cảm thấy mình thường tránh nhìn trực tiếp vào mắt đối phương, vì như vậy khiến cho ta cảm thấy dễ dàng tập trung hơn vào những điều mình đang nói? Hai nhà nghiên cứu người Nhật cho rằng chuyện đó xảy ra vì giao tiếp bằng ánh mắt có một “tác động đặc biệt” đến “quá trình điều khiển nhận thức” của mỗi chúng ta. Về cơ bản thì một cái nhìn chằm chằm rất dễ khiến ta bị kích động nên từ đó ta cảm thấy rất khó khăn để cùng một lúc vừa suy nghĩ thấu đáo vừa giữ giao tiếp bằng mắt.

Một nghiên cứu trước đây cho thấy giao tiếp bằng mắt sẽ gây cản trở đối với một số hoạt động tâm lý, ví dụ như những thứ liên quan đến việc tưởng tượng hình ảnh. Người ta cho rằng chuyện này là điều hiển nhiên bởi vì hai hoạt động giao tiếp bằng mắt và tưởng tượng hình ảnh đều được điều khiển bởi cùng một vùng của bộ não. Trong bài viết mới đây của mình được đăng trên tờ Cognition, Shogo Kajimura và Michio Nomura đã làm thí nghiệm để xem liệu giao tiếp bằng mắt có gây trở ngại cho việc nghĩ ra động từ trong một văn cảnh hay không, và liệu chuyện này xảy ra trong tất cả mọi hoàn cảnh hay chỉ xảy ra khi việc sử dụng động từ được nâng lên một mức độ khó hơn.


Hai mươi sáu người tham gia được yêu cầu nhìn trực tiếp vào mặt của một người lạ được chiếu trên màn hình, và đồng thời hoàn thành một thử thách nhỏ liên quan tới những từ mình nghe được. Sáu khuôn mặt đàn ông và phụ nữ sẽ được chiếu trong thí nghiệm và trong trạng thái nhìn thẳng vào mắt người tham gia hoặc ngoảnh mặt đi. Những khuôn mặt được trình chiếu ở dạng hoạt ảnh nên vẫn nháy mắt hay hít thở một cách tự nhiên. Trong mỗi lần thử nghiệm, người tham gia sẽ nhìn vào gương mặt trên màn hình, nghe thấy một danh từ nào đó, và sau đó công việc của họ là phải trả lời thành tiếng với một động từ có thể ghép với danh từ vừa nghe để tạo thành một câu hoàn chỉnh.

Người ta sử dụng những danh từ được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó, dựa trên mức độ liên kết mạnh hay yếu của động từ đối với danh từ đã cho (tức là yêu cầu phản hồi cao hay thấp); và liệu có một câu trả lời nào đó chiếm ưu thế hơn những câu còn lại hay là tất cả các câu trả lời đều tương đồng, không có sự ưu tiên (tức là yêu cầu lựa chọn cao hay thấp).

Chẳng hạn như “sữa” là một danh từ khá dễ trong cả hai trường hợp, vì nó liên kết rất mạnh với động từ “uống” và chiếm ưu thế hơn hẳn bất kỳ động từ nào khác.

Kết quả mấu chốt ở đây là khả năng nghĩ ra động từ của người tham gia khi đang giữ giao tiếp bằng mắt với khuôn mặt trên màn hình chậm hơn rất nhiều so với khi khuôn mặt đang quay đi. Nhưng điều này chỉ xảy trong trường hợp quá khó để nghĩ ra một động từ nào đó, khi mà cả yêu cầu phản hồi và lựa chọn đều cao.

Kajimura và Nomura nói rằng việc này cho thấy giao tiếp bằng mắt không trực tiếp gây cản trợ đối với một quá trình tâm lý cụ thể nào đó, ở đây là việc nghĩ ra động từ phù hợp – bởi vì nếu có thì thời gian suy nghĩ của người tham gia đáng lẽ phải lâu hơn ở cả hai trường hợp dễ và khó của bài thử nghiệm khi họ đang giữ giao tiếp bằng mắt. Thay vào đó, họ cho biết kết quả của các cuộc nghiên cứu đều thống nhất với nhận định rằng giao tiếp bằng mắt sẽ rút cạn nguồn nhận thức chung – thứ mà mỗi chúng ta phải sử dụng khi những công việc khác nhau, ví dụ như nói, trở nên quá khó khăn để có thể được điều khiển bởi một vùng suy nghĩ cụ thể. Đó cũng chính là lý do tại sao khi mà câu chuyện của bạn càng phức tạp bao nhiêu (hoặc lời biện hộ càng tinh vi bao nhiêu) thì bạn lại càng có xu hướng tránh giao tiếp bằng ánh mắt bấy nhiêu.

Nhìn đi chỗ khác khi đang nói chuyện là bản năng của số đông người lớn, nhưng với những đứa trẻ thì lại không như vậy. Một nghiên cứu trước đây đã cho thấy trẻ con có thể hưởng lợi từ việc được dạy để điều chỉnh ánh nhìn khi chúng đang phải suy nghĩ.

Theo whypsy.wordpress.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

176 lượt xem